Xây dựng hệ thống bài tập bổ trợ giúp học sinh làm tốt bài văn tả cảnh

GD&TĐ - Văn tả cảnh là một thể loại văn được dạy trong chương trình Tập làm văn lớp 5. Đây là một thể loại khó vì nó đòi hỏi học sinh phải biết quan sát cảnh một cách tinh tế, khi viết cần tập trung miêu tả những nét tiêu biểu của cảnh bằng các từ ngữ gợi tả, giàu cảm xúc.

Xây dựng hệ thống bài tập bổ trợ giúp học sinh làm tốt bài văn tả cảnh

Thực tế, đại đa số học sinh khi làm bài văn tả cảnh đều rơi vào tình trạng kể nhiều hơn tả. Do học sinh không biết sử dụng các từ ngữ đặc sắc, không biết viết câu có hình ảnh, không biết diễn đạt mạch lạc nên bài văn thường khô khan cảm xúc, diễn đạt lủng củng, không thoát ý. 

Theo chương trình hiện nay, không còn các tiết quan sát, tìm ý, tiết làm văn miệng riêng để giáo viên có thể sửa lỗi cho học sinh trước khi viết bài. Vậy làm thế nào để hạn chế được các lỗi về từ và câu của các em? 

Đó chính là hệ thống một số bài tập Luyện từ và câu nhằm bổ trợ cho học sinh vốn từ, khả năng đặt câu đúng và hay. Hệ thống bài tập Luyện từ và câu bổ trợ này giáo viên có thể tự xây dựng và dạy trong các tiết luyện buổi chiều.

Đối tượng miêu tả trong thể loại văn này là những cảnh vật xung quanh ta như dòng sông, khu vườn, cánh đồng, con đường hay một cơn mưa, một đêm trăng đẹp,... nên nội dung các bài tập bổ trợ cũng xoay quanh các đối tượng đó. Khi xây dựng hệ thống bài tập bổ trợ cần lưu ý:

+ Bài tập đưa ra phải đảm bảo tính chính xác về cấu tạo ngữ pháp, tính nghệ thuật trong ngôn từ và cú pháp.

+ Bài tập phải phát huy được tính sáng tạo của học sinh.

+ Bài tập có nhiều hướng giải quyết khác nhau, tạo ra sự phong phú trong tư duy của học sinh và trong đáp án của bài.

Ví dụ: * Bài tập bổ trợ rèn kĩ năng sử dụng từ ngữ:

- Mục đích: Qua bài tập, học sinh được làm giàu vốn từ và biết cách chọn từ, sử dụng các từ ngữ gợi tả, gợi cảm phù hợp với văn cảnh.

- Một số dạng bài tập.

Bài 1. Tìm các từ ghép, từ láy chỉ về:

a. Độ rộng: Thênh thang, mêng mông, bao la, bát ngát,..

b. Độ cao: Vòi vọi, vời vợi, thăm thẳm, chót vót, cao vút,…

c. Độ sáng: Lung linh, lấp lánh, long lanh, loang loáng, lập lòe,…

d. Màu sắc của cây cối: Xanh rờn, xanh tươi, xanh rì, xanh biếc,…

Sau khi học sinh hoàn thành bài , giáo viên bắt đầu thực hiện hoạt động định hướng về mục đích của mình bằng một loạt các câu hỏi hướng tới cách sử dụng các từ vừa tìm được.

Ví dụ:

- Để miêu tả ánh đèn in bóng xuống mặt nước em chọn từ tả độ sáng nào? (loang loáng, lung linh)

- Khi tả ánh trăng, ánh nắng lồng trong lá em sẽ dùng từ nào? (lung linh, lấp lánh) - “Lập lòe” là từ để miêu tả ánh sáng của sự vật nào? (đèn, đom đóm)

- Màu xanh nào dùng để tả rau? (xanh rờn, xanh mơn mởn, xanh non)

Bài 2. Tìm từ ngữ:

Tả tiếng mưa: ào ào, sầm sập, lộp độp, lộp bộp, tí tách, lách tách,..

Tả tốc độ mưa: Loáng thoáng, chóng vánh, hối hả, dồn dập, xối xả,…

Tả gió: Nhè nhẹ, hiu hiu, man mát, ào ào,thông thổng, lồng lộng, rít, …

Tả mây: Lơ lửng, lững lờ, lổm ngổm, đen kịt, dày đặc,…

Cũng giống như dạng bài tìm từ ở trên, giáo viên hỏi học sinh về việc sử dụng từ trong văn cảnh như: Khi nào em dùng từ “lổm ngổm” để tả mây? Từ nào tả tiếng mưa bắt đầu rơi trên mái nhà?...

Bài 3. Điền từ láy thích hợp vào chỗ trống:

Cánh đồng lúa như tấm thảm vàng... trong gió.

Những giọt sương.. đọng trên cánh hồng đỏ thắm,...

Mặt trăng tròn... đang... trên bầu trời cao... Những tàu lá chuối... trong gió.

Các chỗ trống trên có nhiều từ để điền cho phù hợp. Học sinh tìm từ, giáo viên, phân tích , tổng hợp lại.

Ví dụ: Các từ có thể điền là:

a. Cánh đồng lúa như tấm thảm vàng dập dìu (bồng bềnh, dùng dình) trong gió.

Những giọt sương long lanh (lấp lánh) đọng trên cánh hồng đỏ thắm, mịn màng. Mặt trăng tròn vành vạnh đang lơ lửng trên bầu trời cao thăm thẳm

Những tàu lá chuối phần phật (bùng bùng) trong gió.

Bài 4. Thay những từ được gạch chân bằng các từ ngữ gợi tả hơn:

a. Mặt trời chiếu những tia nắng vàng xuống mặt đất. b. Mưa rơi trên mái tôn, chảy xuống sân gạch.

c. Tiếng sấm sét vang lên cùng tia chớp sáng ngang bầu trời khiến mọi người giật mình, sợ hãi.

d. Dòng sông chảy dọc bãi ngô xanh.

Với dạng bài tập này giáo viên gợi ý để học sinh tìm từ láy hay những từ để nhân hóa sự vật càng tốt.

Ví dụ: a. Mặt trời ném những tia nắng chói chang xuống mặt đất.

b. Mưa nhảy nhót trên mái tôn, ngã nhào xuống sân gạch.

c. Tiếng sấm sét ì ùng cùng tia chớp loang loáng, rạch ngang bầu trời khiến mọi người giật mình, sợ hãi.

d. Dòng sông mềm mại uốn lượn dọc bãi ngô xanh mươn mướt.

* Bài tập bổ trợ rèn kĩ năng viết câu.

- Mục đích: Học sinh biết viết câu văn đúng ngữ pháp, có hình ảnh.

- Một số dạng bài tập:

Bài 1. Mở rộng thành phần câu:

a. Gió thổi mạnh.

b. Mây trôi.

c. Cánh đồng lúa rất rộng.

d. Mặt trời đang mọc.

Các câu trên rất hay gặp trong các bài văn của học sinh, các em thường viết các câu kể không có hình ảnh sinh động. Chính vì vậy, khi thực hiện luyện dạng bài tập về câu, giáo viên nên đặt câu hỏi gợi mở có sử dụng nhiều câu hỏi như thế nào? để gợi tả đặc điểm, tính chất của sự vật

Ví dụ: Mây màu gì? (màu trắng, hồng, đen kịt,...). Trôi như thế nào? (lững lờ, thong thả) ở đâu? (bầu trời). Bầu trời như thế nào? (xanh thẳm, cao vời vợi).

Từ những gợi ý trên học sinh có thể diễn đạt câu trên hay hơn bằng nhiều cách khác nhau theo sự tưởng tượng riêng:

- Mây trắng lững lờ trôi trên bầu trời xanh thẳm.

- Trên bầu trời cao vời vợi, những đám mây hồng đang thong thả trôi.

Bài 2. Chuyển các câu kể sau thành câu văn có sử dụng biện pháp so sánh hoặc biện pháp nhân hóa:

a. Chim hót trên cành.

b. Cây đa cổ thụ đứng ở đầu làng.

c. Vào đêm trăng sáng, dòng sông rất đẹp.

d. Trong mưa, cây ớt ngả rạp xuống đất.

Dựa vào đặc điểm của sự vật để liên tưởng, so sánh; dựa vào các cách nhân hóa để miêu tả sự vật, học sinh sẽ thực hiện được yêu cầu của bài. Nếu học sinh còn lúng túng, giáo viên đặt câu hỏi gợi mở. Ví dụ:

Em có thể gọi cây ớt bằng đại từ xưng hô nào? (cô, chị, anh,...)

Cây ớt có hình dáng ra sao? (nhỏ, khẳng khiu).

Hình dáng này gợi đến người có hình dáng như thế nào? (gầy gò, yếu ớt).

Khi cây ớt đung đưa trong gió mưa gợi cho em đến hình ảnh một người trong trạng thái ra sao? (run rẩy, sợ hãi).

Từ những gợi ý trên , học sinh có thể đưa ra câu văn mới có hình ảnh so sánh, nhân hóa.

- Trong mưa, chị ớt gầy gò, ốm yếu ngả rạp xuống run rẩy.

Bài 3. Chỉ ra chỗ sai và sửa lại cho đúng:

a. Khi mặt trời to như quả bóng đỏ từ từ bay qua rặng tre xanh đầu làng.

b. Nhìn từ xa, ngôi trường với mái ngói đỏ tươi lấp ló trong bụi cây xanh.

c. Chiều tối, trên bến sông, tiếng cười nói, tiếng động cơ vội vã lên đò trở về nhà.

d. Dưới sân trường cây phượng vĩ xòe tán lá, xanh rộng như chiếc ô che mát cho chúng em vui chơi dưới sân trường.

Dữ liệu để xây dựng dạng bài tập này giáo viên có thể lấy từ bài làm thực tế của học sinh những năm trước. Đó là các câu bị lỗi về cấu tạo ngữ pháp, cách dùng từ, cách diễn đạt, cách sử dụng dấu câu,... Đề bài đòi hỏi học sinh phát hiện chỗ sai, phân tích tìm nguyên nhân từ đó có cách sửa cho phù hợp nên nếu làm tốt thì bản thân các em sẽ tránh được những lỗi đó khi viết câu.

- Ở câu a, học sinh thấy sự vật được nhắc đến là “mặt trời”, mặt trời có đặc điểm là “to như quả bóng đỏ từ từ bay qua rặng tre đầu làng” nên dễ cho rằng đây là câu đủ hai bộ phận chủ ngữ và vị ngữ. 

Song, vì đầu câu có từ “khi” nên toàn bộ dòng trên chỉ là bộ phận trạng ngữ và câu a không có bộ phận chính. Giáo viên đặt câu hỏi giúp học sinh sửa theo ý mình. Câu này có thể sửa như sau:

+ Khi mặt trời to như quả bóng đỏ từ từ bay qua rặng tre xanh đầu làng, bà con nhộn nhịp ra đồng gặt lúa. (Thêm bộ phận chủ ngữ, vị ngữ ).

+ Mặt trời to như quả bóng đỏ từ từ bay qua rặng tre xanh đầu làng. (Bỏ từ “Khi”).

- Ở câu b, lỗi sai dùng từ “bụi cây” (vị trí “bụi cây” gợi đến khoảng không gian thấp, dưới tầm mắt nhìn không phù hợp khi tả ngôi trường với mái ngói trên cao). Vậy ta có thể thay bằng từ “vòm lá” (vì “vòm lá” gợi đến khoảng không gian trên cao).

- Câu c là câu lỗi về nghĩa vì “tiếng cười nói, tiếng động cơ” không thể vội vã lên đò mà chỉ có người mới lên đò để về nhà. Câu này ta có thể sửa như sau: Chiều tối, bến sông rộn rã tiếng cười nói, tiếng động cơ, ai cũng vội vã lên đò trở về nhà.

- Câu d là câu có lỗi lặp từ và sử dụng dấu câu không hợp lí. Cụm từ “dưới sân trường” bị lặp lại, vị trí đánh dấu phẩy sai, không sử dụng dấu phẩy để ngăn cách thành phần trạng ngữ với chủ ngữ trong câu. Học sinh sửa lại: Dưới sân trường, cây phượng vĩ xòe tán lá xanh, rộng như chiếc ô che mát cho chúng em vui chơi.

Tóm lại, hệ thống bài tập bổ trợ nếu được giáo viên xây dựng có mục tiêu cụ thể, hướng tới làm giàu vốn từ, rèn kĩ năng sử dụng từ ngữ, rèn kĩ năng viết câu sẽ giúp học sinh tự tin, làm tốt các bài văn tả cảnh.

Theo Sở GD&ĐT Hưng Yên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ