Vậy làm thế nào để giúp học sinh biết “kết nối thông tin” giữa các tác phẩm, đoạn trích truyện và kí trong chương trình nói riêng và giữa tác phẩm văn học nói chung với đời sống xã hội? Chúng ta tiến hành theo các bước sau:
Soạn giáo án:
Không chỉ bám sát chuẩn kiến thức kĩ năng, giáo viên khi soạn bài cần lưu ý đến thái độ, phẩm chất và các năng lực cần đạt của học sinh qua các văn bản truyện và kí. Nội dung này được mô tả theo bảng sau
Tham khảo Kế hoạch dạy học môn Ngữ Văn - Năm học 2014 – 2015 của Trường THPT Giao Thủy) TẠI ĐÂY
Tổ chức sư phạm một giờ lên lớp
Ở đây chúng ta chỉ đề cập đến quá trình khai thác văn bản. Giáo viến cần hướng dẫn học sinh phát hiện ra mối liên hệ giữa các vấn đề văn học với đời sống xã hội và lồng ghép vào việc đọc hiểu văn bản.
Để làm tốt điều này, học sinh cần xác định rõ bố cục của tác phẩm, nắm được nội dung và vị trí của các đoạn văn tiêu biểu, biết nhận ra những chi tiết quan trọng và hình ảnh giàu tính sáng tạo góp phần vào thành công của tác phẩm.
Hãy theo dõi bảng minh họa sau, nếu ta kết nối thông tin bảo vệ môi trường vào trong một số bài đọc hiểu:
STT | Tên bài | Chi tiết, hình ảnh | Kết nối thông tin bảo vệ môi trường |
1 | Người lái đò sông Đà (Nguyễn Tuân) | - Chi tiết: Thuyền tôi trôi trên Sông Đà. Hình như đời Lí đời Trần đời Lê, quãng sông này cũng lặng tờ đến thế mà thôi... - Hình ảnh: Ven bờ sông Đà, con hươu thơ ngộ, đàn cá dầm xanh... | Qua cảm nhận vẻ đẹp và sự giàu có về tài nguyên thiên nhiên của sông nước miền tây Bắc bộ, cần nâng cao ý thức trân trọng vẻ đẹp của thiên nhiên, biết gìn giữ nguồn tài nguyên nước – môi trường sống mà người dân tộc Thái đã ăn đời ở kiếp với nó và hàng triệu người dưới xuôi hưởng lợi từ nguồn thủy điện sông Đà . |
2 | Ai đã đặt tên cho dòng sông? (Hoàng Phủ Ngọc Tường) | - Chi tiết: ..., vẫn lập lòe trong đêm sương những ánh lửa thuyền chài của một linh hồn mô tê xưa cũ... hoặc ...sông Hương chếch về hướng chính bắc, ... lưu luyến ra đi giữa màu xanh biếc của tre trúc và của những vườn cau của ngoại ô Vĩ Dạ... - Hình ảnh: sông Hương nơi thượng nguồn, ngoại vi thành phố, giữa lòng thành phố,... | Từ bức tranh kinh thành Huế và hình ảnh của dòng sông Hương thơ mộng, chúng ta phải biết tự hào về một vùng đất đã một thời mang diện mạo, tâm hồn của con người Việt Nam để có định hướng và biện pháp bảo tồn các danh thắng thiên tạo và nhân tạo. |
3 | Rừng xà nu (Nguyễn Trung Thành) | - Chi tiết:..Cả rừng xà nu hàng vạn cây không có cây nào không bị thương ....... ưỡn tấm ngực lớn của mình ra, che chở cho làng... - Hình ảnh: rừng xà nu nối tiếp chạy đến chân trời. | Từ việc cảm nhận về vẻ đẹp của rừng xà nu và sự tàn phá của bom đạn hãy liên hệ đến ý thức bảo vệ rừng (Nên nhớ rằng, Mĩ không chỉ dùng bom đạn để phá hủy mà còn dùng cả vũ khí hóa học để hủy diệt hàng triệu hec-ta rừng). |
4 | Bắt sấu rừng U Minh hạ (Sơn Nam) | - Chi tiết: Bài hát của ông Năm Hên: "U Minh đỏ ngòm/ Rừng tràm xanh biếc!" - Hình ảnh: "Sấu lội từng đàn", | Từ bức tranh thiên nhiên vùng U Minh Hạ - một thế giới bao la, kì thú hãy liên hệ đến ý thức bảo vệ thiên nhiên hoang dã và những khu rừng nguyên sinh hiện nay. |
5 | Một người Hà Nội (Nguyễn Khải) | - Hình ảnh: cây si cổ thụ đền Ngọc Sơn bị đổ sau một trận bão. | Qua chi tiết cây si cổ thụ ở đến Ngọc Sơn bị đổ sau một trận bão được mọi người cứu sống cho thấy thái độ gìn giữ, bảo tồn “cây di sản” hiện nay; từ đó hãy liên hệ với hiện tượng chặt phá 6700 cây xanh của Hà Nội trong thời gian gần đây. |
6 | Ông già và biển cả (Ơ.Hê-minh-uê) | - Chi tiết: “...Với cái miệng mím chặt, cái đuôi nhịp nhàng, chúng ta lái thuyền đi như thể hai anh em.... Ta chỉ thạo hơn cu cậu ở mỗi cái trò mánh lới; còn cu cậu thì đâu có làm hại ta chút mảy may”. - Hình ảnh: Con cá kiếm, biển cả. | Cuộc săn đuổi và bắt con cá kiếm của ông lão Xan-ti-a-gô cho ta bài học về cách ứng xử của con người trong công cuộc chinh phục và chế ngự thiên nhiên. |
Không chỉ các vấn đề thuộc môi trường tự nhiên mà các vấn đề thuộc môi trường xã hội cũng luôn được phản ánh qua từng tác phẩm, đoạn trích. Vì vậy, giáo viên nên có những gợi ý mang tính định hướng giúp học sinh thấy được đâu là những vấn đề tích cực cần được biểu dương, nhân rộng, đâu là những vấn đề tiêu cực cần được uốn nắn, điều chỉnh, phê phán, lên án... Ví dụ:
Tùy bút Người lái đò sông Đà (Nguyễn Tuân): Vẻ đẹp của người lao động bình thường mà tài trí, dũng cảm; nếu thiên nhiên là vàng thì người lao động chân chính là vàng mười đã qua thử lửa.
Bút kí Ai đã đặt tên cho dòng sông?(Hoàng Phủ Ngọc Tường): Vẻ đẹp của mảnh đất và con người xứ Huế xưa và nay.
Truyện ngắn Những đứa con trong gia đình (Nguyễn Thi): Ngợi ca truyền thống gia đình, con cái không chỉ là sự tiếp nối cha mẹ ở huyết thống mà còn ở truyền thống; lí tưởng của thanh niên trong thời đại ngày nay (tinh thần xung phong, xung kích: đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên)...
Kiểm tra, đánh giá
Mục đích của việc kiểm tra miệng tức là rèn năng lực nói (nói văn), giáo viên cần chú ý cho học sinh cách phát âm đúng quy tắc, ngôn ngữ đúng phong cách, xử lí tình huống khéo léo, phong thái chững chạc tự tin, trả lời ngắn gọn...
Mục đích kiểm tra giấy tức là rèn năng lực viết (viết văn), ngoài khả năng tạo lập văn bản với từ ngữ và cú pháp đạt chuẩn mực trong Tiếng Việt, giáo viên còn luyện cho học sinh khả năng phân tích, cảm thụ văn học theo đúng đặc trưng thể loại, biết sử dụng kết hợp các thao tác lập luận, biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng...
Theo đó, trong đề kiểm tra, ngoài những câu hỏi dạng nhận biết, thông hiểu về tác phẩm, đoạn trích cần có phương án trả lời ngắn thì giáo viên nên dành nội dung kiểm tra xoay quanh một đoạn văn, một chi tiết hoặc một hình tượng tiêu biểu nào đó. Việc làm này không chỉ đánh giá được kiến thức văn học (giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật) mà còn là năng lực biết vận dụng tri thức văn học đã được học vào trong cuộc sống.