Cô Trịnh Thị Ngọc - Giáo viên Trường THPT Nguyễn Mộng Tuân (Đông Sơn, Thanh Hóa) nhận định: Phần lớn giáo viên mới chỉ phân tích được nội dung tác phẩm mà chưa làm nổi bật các thủ pháp nghệ thuật cùng đặc trưng thi pháp thơ Đường.
Nhiều giáo viên chỉ biết thuyết giảng, ít đối thoại với học sinh vì sợ thiếu thời gian. Cách làm ấy vô hình dung đã đi ngược lại cái “phép” của thơ Đường là “nói ít gợi nhiều”.
Mặt khác, việc dạy học thơ Đường ở trường phổ thông chưa đạt hiệu quả cao còn do việc cung cấp tri thức lý thuyết về thơ Đường còn thiếu nên tri thức làm nền tảng cho học sinh tiếp nhận còn nghèo nàn. Vậy nên khi học thơ Đường, học sinh có ấn tượng thơ Đường khó tiếp nhận.
Gợi hứng thú từ chiều sâu của thơ Đường
Hầu hết những bài thơ Đường có trong chương trình văn học phổ thông đều được sáng tác theo thể bát cú Đường luật (thất ngôn, ngũ ngôn) và tứ tuyệt (thất ngôn, ngũ ngôn). Hai thể thơ này khá quen thuộc với học sinh.
Theo cô Trịnh Thị Ngọc, thơ Đường có đặc trưng “lời ít ý nhiều” và bút pháp “họa vân xuất nguyệt”..., càng phân tích kỹ càng thấy lý thú bởi nó như một khối càng bóc tách càng thấy rõ cốt lõi.
Thơ Đường chủ yếu làm theo luật nên có quy định của nó. Học sinh khi thấy những ý tưởng bí ẩn xuất lộ theo quy luật chắc chắn sẽ rất hứng thú.
Bên cạnh đó, trong thơ Đường, các tác giả hay sử dụng những điển cố, đỉên tích nên khi dạy học, giáo viên có điều kiện mở rộng hiểu biết về văn hóa, văn học cho học sinh, làm cho nội dung của bài giảng có thêm chiều sâu.
Hơn nữa, trong thơ Đường, tần số xuất hiện các điạ danh rất cao. Do đặc điểm này, khi giảng dạy, giáo viên có thể dùng tranh ảnh để minh họa và cung cấp những thông tin liên quan đến các địa danh cho học sinh, làm tăng thêm sức thuyết phục của bài giảng. Phương pháp trực quan sinh động là một trong những phương pháp tạo được nhiều hứng thú trong học tập.
Qua nhiều năm giảng dạy, cô Ngọc nhận thấy, muốn có sự cảm nhận sâu sắc về một bài thơ, trước hết phải hiểu “nội dung” của nó. Trong thơ Đường, điển tích, điển cố rất nhiều đòi hỏi người giáo viên phải hiểu sâu hiểu kỹ mới có thể cắt nghĩa lý giải được.
Để cảm nhận được cái hay cái đẹp của bài thơ, đòi hỏi phải học thuộc lòng bài thơ. Học thuộc lòng ở đây không phải chỉ là học thuộc lòng phần dịch thơ mà còn phải thuộc cả phần phiên âm.
Mặc dù trong vốn từ tiếng Việt, từ gốc Hán chiếm tới 70% thì việc học thuộc bản phiên âm một bài thơ chữ Hán cũng không dễ dàng chút nào. Đó cũng là một khó khăn của việc dạy học thơ Đường.
Khai thác thơ Đường từ kết cấu
Cô Trịnh Thị Ngọc đưa ra các “góc” khai thác bài thơ Đường, đó là: Khai thác bài thơ Đường từ việc tìm hiểu kết cấu; dựa vào niêm thơ và luật bằng trắc; dựa vào tìm hiểu luật đối; dựa vào tìm hiểu vần và dựa vào tìm hiểu tứ thơ, ngôn ngữ.
Ở góc độ kết cấu, với bài thơ luật thi có thể phân tích bài thơ theo kết cấu 4 phần; 2 phần hoặc kiểu kết cấu 2/4/2.
Phân tích bài thơ theo kết cấu 4 phần: đề, thực, luận, kết đồng thời gán cho mỗi phần một nhiệm vụ xác định. Hai câu đề: Câu 1 phá đề: mở ra ý của bài; Câu 2 thừa đề: tiếp ý để chuyển vào thân bài; Hai câu thực: giải thích rõ ý đầu bài; Hai câu luận: phát triển mở rộng ý của bài; Hai câu kết: kết thúc bài.
Đây là cách chia bố cục truyền thống khi chúng ta phân tích bài thơ Đường luật. Cách phân chia này là của người đời sau chứ ở đời Đường chưa có. Người làm thơ chỉ chú trọng việc làm sao thể hiện được cái “tứ” mà mình từ sự “trầm tư” đã “diệu ngộ” được, nên mạch cảm hứng đi “một hơi” do sự nhập hứng. Vì vậy khi phân tích một bài thơ luật của thi nhân đời Đường không nhất thiết chia làm 4 phần.
Phân tích theo hai phần kết cấu của bài thơ. Mỗi bài thơ có 8 câu, chia làm hai phần: 4 câu đầu và 4 câu cuối. Nhiều giáo viên vận dụng công thức này để khai thác tác phẩm.
Phân tích bài thơ theo kiểu kết cấu 2/4/2 - Mô hình này do Phrăng xoa Trình nhà ký hiệu học người Pháp gốc Trung Quốc đề xuất, song khi áp dụng vào việc dạy học thơ Đường ở trường phổ thông, mô hình này lại ít được áp dụng.
Cô Ngọc cho rằng, bất cứ bài thơ bát cú nào cũng có một kết cấu chặt chẽ, song sự tổ chức sắp xếp thi phẩm đó như thế nào là do yêu cầu diễn đạt ý tứ quy định, chứ không phải là chuyện thuần túy hình thức.
Bởi lẽ đó, khi dạy học tác phẩm thuộc thể loại này, người giáo viên cần lưu ý đến tứ của bài thơ để vận dụng các kiểu phân tích một cách linh hoạt.
Khi giáo viên lựa chọn một trong các hình thức phân tích kết cấu đã nêu, thì phải giải thích được vì sao lại chọn cách khai thác theo mô hình này mà không theo mô hình kia.
Một điều quan trọng khác trong phương pháp dạy học thơ luật là giáo viên không chỉ biết định hướng cho các em thâm nhập vào bài thơ theo mạch cảm xúc xuyên suốt. Với cách định hướng ấy chúng ta tránh được sự xơ cứng khi đi vào phân tích tác phẩm.
Với thơ thất ngôn tứ tuyệt, cô Ngọc cho rằng khai thác theo mô hình kết cấu 2/2 là hợp lý. Bởi, bài thơ thất ngôn tứ tuyệt có thể được cắt từ bài thất ngôn bát cú ra (gồm liên đầu và liên cuối; hai liên đầu; hai liên cuối, cũng có thể là hai liên giữa).
Như vậy có một điều dễ nhận thấy đó là bài thơ thất ngôn tứ tuyệt được cấu tạo bởi hai liên thơ. Mà liên thơ là một đơn vị hết sức cơ bản của thơ luật đường.
Do đó, khi phân tích bài thơ dựa vào kết cấu thì việc xuất phát từ đơn vị có tính chất cơ sở đó là điều cần thiết.
Mặt khác, có nghiên cứu dòng thơ trong liên thơ ta mới có thể cảm nhận hết vẻ đẹp của nó. Tuy nhiên, trong thực tiễn, trước một tác phẩm cụ thể, ta có thể vận dụng một cách linh hoạt các phương thức chiếm lĩnh để đat hiệu quả cao trong giảng dạy.
Chỉ có điều cần phải lưu ý, dù vận dụng phương thức chiếm lĩnh nào, thì khi phân tích bài thơ thất ngôn tứ tuyệt cũng phải định hướng cho học sinh chú trọng và việc tìm hiểu câu thơ thứ ba bởi đó là bản lề, trục nối kết cấu hai phần của bài thơ, đưa người đọc đi vào vấn đề chính yếu mà tác giả muốn đề cập thông qua bài thơ.
Khai thác bài thơ Đường dựa vào niêm thơ và luật bằng trắc
Khi tìm hiểu những bài thơ Đường làm theo luật ở trường phổ thông, cô Ngọc thấy rằng, những tài năng lớn luôn có xu hướng vươn tới sự sáng tạo độc đáo, thoát ra ngoài khuôn khổ.
Chính vì vậy, điều quan trọng khi dạy học là phải chú ý xoáy sâu vào những điểm sáng nghệ thuật này, phân tích cho được tác dụng của nó trong việc chuyển tải tư tưởng của tác giả.
Khai thác bài thơ luật Đường dựa vào tìm hiểu luật đối
Trong bài thơ Đường làm theo luật, đối trở thành nguyên tắc bắt buộc, được quy định chặt chẽ, đòi hỏi phải có sự cân xứng cả thanh lẫn ý.
Vì thế, khi giảng dạy không nên chỉ dừng lại ở việc phát hiện cách khai thác luật đối theo quy định của thi nhân mà cần thiết phải lưu ý khai thác dụng ý nghệ thuật tạo điểm sáng trong sự phá cách, đồng thời định hướng cho học sinh vận dụng vốn hiểu biết tổng hợp để lý giải thấu đáo hình thức nghệ thuật mà tác giả sử dụng nhằm diễn tả đắc lực nội dung ý tứ của bài thơ.
Trong bài thơ tứ tuyệt có thể đối hoặc không đối, nếu có đối chúng ta chú ý hiện tượng tiểu đối làm cho bài thơ tuyệt cú có khả năng mở rộng bình diện miêu tả và thể hiện.
Khai thác bài thơ luật Đường dựa vào tìm hiểu vần
Mỗi bài thơ bát cú có năm vần. Thơ Đường luật chỉ gieo được 4 vần, mà gieo vần bằng, còn vần trắc ít khi được dùng. Vần trắc thường chỉ được dùng trong thơ cổ phong.
Theo quy định vần ở tác phẩm thơ luật chỉ được đặt cuối câu. Bài thất ngôn bát cú có 5 vần ở các câu 1,2,4,6,8; bài tuyệt cú có 3 vần các câu 1,2,4; nếu rơi vào trường hợp trốn vần thì thất ngôn bát cú 4 vần, tứ tuyệt 2 vần.
Trong một bài thơ (cả thất ngôn và ngũ ngôn) có thể trốn vần (chiết vận) nhưng chỉ được phép “trốn” một vần ở câu đầu.
Khai thác bài thơ luật Đường dựa vào tìm hiểu tứ thơ, ngôn ngữ
Tìm hiểu tứ trong bài thơ Đường tức là tìm hiểu cảm xúc hoặc ý nghĩa hình ảnh thơ trong bài thơ. Có thể nói tứ trong bài thơ Đường luôn mới lạ độc đáo, điều này làm nên sự phong phú đa dạng trong sáng tác của các thi nhân.
Chính nhờ sự sáng tạo đó mà trên một khung hình thức quy định chặt chẽ, khi cùng nói về một vấn đề nào đó, ta không hề thấy có sự lặp lại ở các tác giả.
Tìm hiểu bài thơ Đường dựa vào tìm hiểu tứ thơ, mục đích là giúp các em nhận biết được sáng tạo của các nhà thơ trước cùng một vấn đề hiện thực, và cho các em nhận biết được đặc điểm cách biểu hiện tứ thơ trong tác phẩm thơ đường.
Trong tác phẩm thơ Đường, tứ thơ được nâng đỡ bởi ngôn ngữ hàm súc, tinh luyện và được gửi gắm một cách kín đáo chứ không bộc lộ một cách trực tiếp như trong thơ hiện đại.
Khảo sát các bài thơ Đường, cô Ngọc nhận thấy, tứ thơ trong bài thơ Đường thường ẩn dưới sự khái quát các mối quan hệ xưa – nay; không gian – thời gian; tình – cảnh... Đặc biệt là mối quan hệ tình và cảnh được dùng nhiều trong khi chuyển tải tứ thơ.
Chính vì thế cảnh trong thơ Đường là tâm cảnh, nhà thơ mượn cảnh để tả tình, mượn ngoại giới để bộc lộ tâm trạng. Đó chính là nét đặc sắc của thơ Đường.
Khảo sát các bài thơ thất ngôn bát cú hoặc tuyệt cú, có thể thấy ngôn ngữ được các tác giả sử dụng hết sức tinh luyện. Từ đặc trưng của tính hàm súc trong ngôn ngữ thơ Đường, khi khai thác chúng ta cần bám sát từ ngữ để phân tích và quan trọng hơn là làm rõ dụng ý của nhà thơ khi tổ chức sắp xếp câu chữ.
Đương nhiên, đây là cách định hướng khai thác dựa trên bản phiên âm chữ Hán bởi vì bản dịch thơ không chuyển tải hết thông tin trong nguyên tác. Như vậy, nếu bám câu chữ trong bản dịch sẽ gặp nguy cơ hiểu sai lệch văn bản.
Thực tế này đòi hỏi giáo viên khi giảng dạy tác phẩm thơ Đường phải giúp học sinh nhận biết được mức độ chuyển tải nội dung trong câu thơ dịch thông qua việc so sánh đối chiếu bản dịch thơ với bản phiên âm nguyên tác để nắm vững tinh thân tác phẩm.
Nếu giáo viên đủ kiến thức và sự tự tin thì nên khai thác ngôn ngữ bài thơ Đường trên cơ sở bản phiên âm bởi bản phiên âm đó thể hiện một cách trung thực ý tưởng mà nhà thơ muốn chuyển tải.
Một bài thơ Đường tuyệt tác luôn có ngôn ngữ diễn đạt tới hàm súc cao. Số lượng câu chữ giới hạn không hề mâu thuẫn với khả năng diễn đạt vô cùng phong phú, tinh tế.
Chính vì vậy, khi phân tích thơ Đường, chúng ta phải hướng học sinh chú tâm vào việc nắm bắt các điển cố, điển tích, hệ thống từ ngữ thể hiện tư tưởng chủ đề, các hình ảnh ẩn dụ..., bởi nắm bắt được, chúng ta mới có thể hiểu một cách sâu sắc các tầng ý nghĩa của bài thơ.
Chẳng hạn, chỉ bằng việc quan tâm khai thác hình ảnh “cô phàm” (con thuyền lẻ loi), ta có thể cảm nhận được tâm trạng của người đi xa, tâm thế và tâm tình của người ở lại.
Tóm lại, khi khai thác bất cứ tác phẩm văn học nào, việc tìm hiểu ngôn ngữ cũng là điều cần thiết vì có tìm hiểu ngôn ngữ thì quá trình giải mã tác phẩm mới thực hiện dễ dàng.
Chỉ có điều thơ Đường là thơ nước ngoài nên cần có hướng phân tích ngôn ngữ thích hợp, đặc biệt ta nên chú ý hơn vào việc khai thác hệ thống hình ảnh, từ ngữ thể hiện tư tưởng, chủ đề tác phẩm với các điển cố, điển tích góp phần làm cụ thể hóa nội dung biểu đạt trong bài thơ.