Giúp hậu thế hiểu thêm về con người thời đại Hồ Chí Minh

GD&TĐ - Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã không kịp ở lại để chứng kiến buổi tọa đàm kỷ niệm 110 năm ngày sinh người cha kính yêu của mình.

Ba ấn phẩm mới về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được xếp hình tại tọa đàm. Ảnh: BT.
Ba ấn phẩm mới về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được xếp hình tại tọa đàm. Ảnh: BT.

Tham dự tọa đàm “Ký ức Đại tướng Nguyễn Chí Thanh qua những ấn phẩm mới”, nhiều chuyên gia nghiên cứu, nhà văn, nhà báo… cùng nhấn mạnh đó là những ấn phẩm quý, giúp hậu thế hiểu thêm về con người thời đại Hồ Chí Minh.

Giữa tiết trời tươi sáng trong ngày đầu tiên của năm 2024, không gian nhà vườn của gia đình Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh thêm ấm áp, thân tình khi là nơi được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân cùng chọn để phối hợp tổ chức buổi tọa đàm.

Cứ ngỡ, sự kiện tổ chức vào ngày nghỉ lễ, hẳn sẽ vắng người lui tới. Nhưng cả không gian ấy đã kín người khi không chỉ có sự hiện diện của các quan khách, nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà báo… mà còn có những gương mặt trẻ đến từ Trường Đại học KHXH & NV, Đại học Quốc gia Hà Nội, Câu lạc bộ Ngọn lửa tuổi 20.

Vì vậy, những trao đổi, luận bình của các diễn giả về ba ấn phẩm: “Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, vị tướng tài ba của quân đội nhân dân Việt Nam”; “Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Nhà lãnh đạo chiến lược, người chỉ đạo thực tiễn xuất sắc của cách mạng Việt Nam” và đặc biệt cuốn “Những câu chuyện về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh” càng được lan tỏa sâu rộng đến thế hệ trẻ hôm nay.

Di sản quý giá

“Di sản Đại tướng Nguyễn Chí Thanh để lại không chỉ là những bài viết về quân đội, nông nghiệp, nông dân, nông thôn mà còn là chính cuộc đời ông, những phẩm chất cao đẹp, tiêu biểu của người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đó là con người tài năng xuất chúng, văn võ song toàn, tài đức vẹn toàn, sống say sưa, tâm huyết, tận hiến cho cách mạng, đất nước, dân tộc, hết lòng vì hạnh phúc của nhân dân. Đó là phong cách gần gũi, trung thực giản dị, thương yêu đồng chí, đồng đội, luôn đặt lợi ích nhân dân lên trên hết.

Đó là lối sống nghĩa tình trọn vẹn thủy chung, tình cảm trong sáng của ông với hết thảy mọi người trên mọi vùng đất nước” - Trung tướng Lê Phúc Nguyên, nguyên Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân.

Ba ấn phẩm được giới thiệu tại tọa đàm nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1/1/1914 – 1/1/2024), dù thời gian rất gấp song Nxb Chính trị quốc gia Sự thật và Nxb Quân đội nhân dân đã cố gắng phối hợp cùng gia đình đại tướng biên tập, chỉnh sửa, in ấn để ra mắt kịp thời gian.

Trong đó, cuốn “Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, vị tướng tài ba của Quân đội nhân dân Việt Nam” dày 800 trang của Nxb Chính trị quốc gia Sự thật tập hợp các bài viết do Thượng tướng, GS.TS Nguyễn Chí Vịnh, người con yêu quý của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, tuyển chọn và được chia làm hai phần.

Bên cạnh những bài viết của nhiều tác giả khẳng định công lao to lớn của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đối với sự nghiệp của Đảng, của dân tộc và Quân đội nhân dân Việt Nam trong phần hai “Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Người cộng sản kiên trung, mẫu mực, vị tướng xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam”, cuốn sách còn cung cấp những bài viết tiêu biểu của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh từ 1951 đến 1967 với các bút danh như: Nguyễn Vịnh, Nguyễn Chí Thanh, Trường Sơn, Sáu Di, Người Quan sát, D400, S.K.Z, Bến Tre...

Khi đó, đại tướng trên cương vị là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Phó Bí thư Quân ủy và Bí thư Trung ương Cục miền Nam, kiêm Chính ủy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam. Các bài viết thể hiện tư duy biện chứng về khoa học, sự mẫn cảm đặc biệt về chính trị, tầm nhìn xa trông rộng, tư duy chiến lược của một nhà chính trị, quân sự tài ba của Đảng, Nhà nước và Quân đội nhân dân Việt Nam; thể hiện tính lý luận sắc bén, tính thực tiễn phong phú, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng nền quốc phòng toàn dân và xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, TS Võ Văn Bé, Phó Giám đốc – Phó Tổng Biên tập Nxb Chính trị quốc gia Sự thật cho biết, đội ngũ thực hiện đã làm việc với tinh thần nghiêm túc, đặt lên cao nhất trách nhiệm, sự cẩn trọng và kỹ lưỡng trong từng sự kiện, lựa chọn những bài viết tiêu biểu trong khối tư liệu rất lớn của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và các bài viết của các nhà khoa học, các tướng lĩnh, sĩ quan quân đội qua nhiều nguồn tư liệu lưu trữ.

“Cùng với đó, để cuốn sách ra mắt bạn đọc, nhà xuất bản đã nhận được sự phối hợp chặt chẽ, nhanh chóng, kịp thời và rất trách nhiệm của các đơn vị liên quan, đặc biệt còn có sự hỗ trợ tích cực của Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và gia đình đại tướng”, ông Bé nói.

Cuốn “Đại tướng Nguyễn Chí Thanh – Nhà lãnh đạo chiến lược, người chỉ đạo thực tiễn xuất sắc của cách mạng Việt Nam” do Nxb Quân đội nhân dân ấn hành tập hợp các bài tham luận của hội thảo khoa học cùng tên do Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức.

Trong đó, mỗi tham luận là một công trình nghiên cứu độc lập, sâu sắc của tác giả, được tiếp cận qua nhiều nguồn sử liệu phong phú. Dựa trên nội dung các bài tham luận, ban biên tập chia nội dung cuốn sách thành 3 phần: “Nhà lãnh đạo chiến lược, tư duy sáng tạo lớn”; “Người chỉ đạo thực tiễn xuất sắc của cách mạng Việt Nam” và “Tấm gương sáng ngời của người cộng sản”.

Còn với cuốn “Những câu chuyện về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh” là 99 câu chuyện về cuộc đời bình dị của Đại tướng, doThượng tướng GS.TS Nguyễn Chí Vịnh chủ biên. Với kết cấu 10 phần, từng câu chuyện được sưu tầm, biên soạn từ những tư liệu quý, sắp xếp theo diễn tiến thời gian trên mọi lĩnh vực công tác và cuộc sống đời thường.

Nguồn tư liệu được hình thành từ hồi ức của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh và các thành viên trong gia đình Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, kết hợp sưu tầm, biên soạn nội dung từ nhiều bộ tư liệu, bài viết của các nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà báo và đông đảo bạn hữu gia đình “với một tâm nguyện chung trong việc gìn giữ ký ức lịch sử và những giá trị cốt lõi không thể phai mờ”,

“Ba cuốn sách đã góp phần làm rõ hơn công lao cũng như cuộc đời với sự nghiệp cách mạng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, là di sản để lại cho thế hệ sau hôm nay, lớp sau tiếp bước cha anh, thế hệ vàng của thời đại Hồ Chí Minh, làm nên cuộc trường chinh giải phóng dân tộc thắng lợi…”, Đại tá, TS Lê Thanh Bài, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự nhấn mạnh.

Trải nghiệm sách Multimedia 'Đại tướng Nông dân' tại Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Ảnh: BT.

Trải nghiệm sách Multimedia 'Đại tướng Nông dân' tại Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Ảnh: BT.

Không gian buổi tọa đàm. Ảnh: BT.

Không gian buổi tọa đàm. Ảnh: BT.

Dành cho thế hệ trẻ

Còn nhớ, lần được gặp Thượng tướng GS.TS Nguyễn Chí Vịnh khi ông sang “thị sát” công tác tiếp thu ý kiến đóng góp để chỉnh sửa nội dung trưng bày sau khi Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh mở cửa thử nghiệm, lúc đó, ông đang kiên cường chiến đấu với bệnh tật.

Ông bảo, mỗi việc ông và gia đình làm đều từ mong muốn: “lưu giữ kỷ vật, không phải nói về ông Thanh mà nói toàn bộ quãng đời cách mạng mà ông Thanh tham gia, là lịch sử của đất nước, của Đảng, của quân đội để làm sao có thể truyền lại cho thế hệ trẻ”.

Đến hôm nay, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh không kịp ở lại để chứng kiến buổi tọa đàm kỷ niệm 110 năm ngày sinh người cha kính yêu của mình nhưng dường như ông vẫn hiện diện, ngay cả trong những câu từ của 2/3 ấn phẩm ông đã tuyển chọn, chủ biên.

Đó cũng là những tâm đắc của các nhà nghiên cứu, nhà báo, nhà văn… khi nói về ba ấn phẩm mới được ra mắt này. Là người được gia đình Đại tướng Nguyễn Chí Thanh gửi gắm việc hoàn thiện những bước cuối cùng trước khi xuất bản cuốn “Những câu chuyện về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh”, nhà báo Hữu Việt, Trưởng ban Văn hóa Văn nghệ báo Nhân dân cho rằng: “Con người Đại tướng Nguyễn Chí Thanh không cần bất cứ tô vẽ nào mà ông vẫn hiện diện trong đời sống như một vĩ nhân, như một danh tướng thời đại Hồ Chí Minh. Thế hệ trẻ cần những góc nhìn khác chân thực, không tô vẽ để hiểu thêm về Đại tướng là tư duy xuyên suốt của tướng Vịnh”.

Theo Trung tướng Lê Phúc Nguyên, nguyên Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân, các ấn phẩm này rất giá trị và đặc biệt có ý nghĩa khi hoàn thành vào dịp này.

“Toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Đại tướng là di sản tinh thần vô giá đối với toàn thể đất nước và các thế hệ sau… Cuộc đời tài đức vẹn toàn của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là di sản vô giá đối với những người làm báo nói chung và người làm báo Quân đội nhân dân nói riêng.

Hơn 73 năm, các thế hệ cán bộ, phóng viên báo Quân đội nhân dân luôn ghi nhớ và biết ơn Đại tướng vì những tình cảm, sự quan tâm chỉ đạo; vì những tác phẩm chính luận xuất sắc mà Đại tướng dành riêng cho tờ báo, trong đó có những bài bình luận để đời mang bút danh hạ sĩ Trường Sơn, luôn có sức truyền cảm mạnh mẽ”, ông Nguyên nhấn mạnh.

Dâng hương kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Ảnh: BT.

Dâng hương kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Ảnh: BT.

Từ góc độ của người làm công tác giáo dục, GS.NGND Vũ Dương Ninh cho rằng, các cuốn sách cung cấp nguồn tư liệu về lý luận, tư tưởng trong lãnh đạo cách mạng, chỉ huy quân sự và những mẩu chuyện đời thường của các nhà lãnh đạo quân đội…

Cả hai đều chứa đựng một nội dung tư tưởng vô cùng lớn, tư tưởng của một thế hệ đã từng đi qua cuộc đấu tranh giải phóng đất nước, là nguồn tài liệu tham khảo vô cùng cần thiết, quý giá cho các nhà nghiên cứu, sinh viên, học sinh, nghiên cứu sinh...

“Làm thế nào để khai thác được khối tư liệu vô cùng quý giá của các ấn phẩm cũng như của bảo tàng? Sau sự kiện này, cần thông tin đến các nhà trường, thầy cô biết và tiếp cận. Các khóa luận tốt nghiệp, luận văn, luận án đều có thể khai thác từ đây nhiều nguồn tư liệu quý giá về lý luận tư tưởng cách mạng và hơn nữa là tình cảm cách mạng - đây là vấn đề chúng ta mới nói về lý luận, về đường lối là cần song chưa đủ. Làm sao dạy được tình cảm cách mạng với các vị tiền bối cho thế hệ sau từ đó mới tạo nên cái say mê, định hướng đúng trong nghiên cứu”, GS.NGND Vũ Dương Ninh nhấn mạnh.

PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng thì gợi mở: “Nên làm thêm sách về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Có thể là cuốn: “Vị Đại tướng của những phong trào” vì đi đến đâu là Đại tướng tạo phong trào đến đó trong nhiều lĩnh vực, rất thực tiễn chứ không hình thức. Hay như cuốn tổng kết về tầm vóc tư tưởng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh vì ông là con người đã cháy hết mình cho đến giây phút cuối cùng”.

“Đây là những ấn phẩm quý, góp phần quan trọng để các thế hệ trẻ hôm nay có thêm nhiều thông tin về cuộc đời sự nghiệp của đại tướng, những cống hiến, đóng góp của ông cho Đảng, quân đội và đất nước, nhân dân…

Từ ngày 1/1/2024, Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh chính thức mở cửa, hy vọng là một địa chỉ văn hóa, nơi không chỉ tôn vinh một nhân vật lỗi lạc trong lịch sử Việt Nam mà còn là một địa chỉ đỏ truyền cảm hứng cho các thế hệ tương lai” - Trung tá Nguyễn Chí Đức, cháu nội Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ