Trên thực tế, dù trong chương trình Địa lí ở phổ thông có bài tập thực hành về nhận xét bảng số liệu, vẽ và nhận xét biểu đồ, nhưng phần này ít được chú ý rèn luyện.
Vì thế, khi thi, học sinh thường không làm được hoặc làm sai so với yêu cầu của đề, dẫn đến không có điểm phần kĩ năng, kết quả thấp.
Trước thực tế này, Cô Cao Thị Thư - Giáo viên Trường THPT Cẩm Thủy 1 (Thanh Hóa) đã chia sẻ những kinh nghiệm đã được áp dụng đạt hiệu quả cao trong thực tiễn dạy học, nhằm giúp học sinh lớp 12 THPT đạt được kết quả cao trong các kì thi.
Xác định mục tiêu cần đạt
Mục tiêu chính là cái đích của bài học cần đạt tới một cách cụ thể, mục tiêu phải định rõ được các công việc và mức độ hoàn thành của học sinh về kiến thưc, kĩ năng.
Để xác định được mục tiêu, cần phải nắm vững mục tiêu của cấp học, môn học, bài học về kiến thức và kĩ năng. Giáo viên đọc kĩ nội dung của bài thực hành và cái đích cần đạt tới của các kĩ năng.
Ví dụ, đối với việc phân tích bảng số liệu thống kê, học sinh cần rèn luyện các kĩ năng đọc bảng số liệu - về bản chất là phân tích, so sánh các số liệu theo hàng ngang và cột dọc, rút ra các nhận xét cần thiết;
Đối với việc vẽ biểu đồ từ bảng số liệu đã cho, học sinh cần rèn luyện kĩ năng lựa chọn biểu đồ thích hợp, kĩ năng thể hiện các loại biểu đồ.
Đối với kĩ năng phân tích biểu đồ, học sinh cần rèn luyện kĩ năng với các hình thức khác nhau, như: Phân tích biểu đồ rút ra nhận xét cần thiết; so sánh các biểu đồ cùng loại với nhau, rút ra nhận xét; từ biểu đồ chuyển thành bảng số liệu thống kê; từ bảng số liệu thống kê vẽ biểu đồ và rút ra nhận xét.
Lựa chọn kiến thức, kĩ năng cơ bản
Lựa chọn kiến thức cơ bản là việc làm cần thiết đối với tất cả giáo viên khi thiết kế bài dạy. Việc lựa chọn kiến thức cơ bản yêu cầu phải đảm bảo tính khoa học và phải vừa sức đối với học sinh, đảm bảo cho học sinh lĩnh hội kiến thức vững chắc và phát triển toàn diện.
Trong quá trình hướng dẫn học sinh ôn tập môn Địa lí, giáo viên không chỉ hướng dẫn học sinh cách học để nắm vững những kiến thức - kĩ năng cơ bản tối thiểu (chuẩn kiến thức - kĩ năng Địa lí) về lí thuyết của bộ môn, mà còn phải nhận thức được những kĩ năng địa lí học sinh cần có để ôn tập và làm tốt bài kiểm tra và bài thi Địa lí.
Tuy nhiên, đây là một vấn đề còn ít được giáo viên quan tâm, một phần cũng do thời gian cho ôn tập không nhiều thường tập trung vào giai đoạn từ sau khi đã thông báo môn thi tốt nghiệp.
Vậy nên, khi ôn tập, ngoài rèn luyện kĩ năng sử dụng và khai thác Atlat Địa lí Việt Nam, giáo viên cần tập trung rèn luyện cho học sinh những kĩ năng:
Kĩ năng chọn và vẽ các dạng biểu đồ thích hợp; kĩ năng phân tích, khai thác thông tin từ các bảng số liệu để rút ra những nhận xét cần thiết về địa lí tự nhiên, địa lí kinh tế - xã hội Việt Nam theo yêu cầu của đề thi.
Đối với việc phân tích bảng số liệu thống kê, những kĩ năng cần lưu ý gồm: Xác định yêu cầu của câu hỏi, bài tập (mục đích làm việc với bảng số liệu); xác định các tiêu chí cần nhận xét; tính toán, so sánh các số liệu; nhận xét, giải thích.
Đối với việc vẽ biểu đồ từ bảng số liệu đã cho,các kĩ năng gồm: Xác định loại biểu đồ thích hợp; tính toán (xử lí số liệu); thể hiện biểu đồ
Đối với kĩ năng phân tích biểu đồ: Xác định mục đích làm việc (đó chính là yêu cầu của câu hỏi); xác định đối tượng, đại lượng thể hiện (đơn vị tính); xác định nội dung cần nhận xét
Xác định và lựa chọn phương tiện dạy học
Trên cơ sở nội dung kiến thức, giáo viên lựa chọn phương tiện thích hợp để đạt hiệu quả cao trong dạy học.
Phương tiện dạy học được xem là “điểm tựa” cho hoạt động trí tuệ của học sinh, góp phần nâng cao năng lực tư duy của các em đồng thời là cơ hội để học sinh rèn luyện và phát triển tư duy, hình thành biểu tượng về sự vật, hiện tượng địa lí rõ nét hơn, giúp học sinh nắm vững kiến thức hơn.
Để rèn luyện các kĩ năng thực hành nói trên, trong việc ôn luyện giáo viên cần phải chuẩn bị các biểu đồ mẫu, các bảng số liệu (trong tài liệu hướng dẫn ôn tập); học sinh cần phải có: Tài liệu hướng dẫn ôn thi tốt nghiệp THPT; Các dụng cụ cần thiết: thước kẻ, bút chì, com pa, máy tính.
Xác định các hình thức tổ chức dạy học
Tuỳ thuộc vào mục tiêu, nội dung, phương pháp dạy học, điều kiện và phương tiện, đối tượng dạy học mà lựa chọn hình thức tổ chức phù hợp.
Đối với việc ôn tập phần thực hành địa lý hình thức tổ chức chủ yếu là hoạt động cá nhân.
Xác định các phương pháp dạy học
Phương pháp dạy học có một vị trí quan trọng trong thiết kế bài dạy học, vì nó quyết định đến việc thực hiện mục tiêu và chất lượng dạy học.
Việc xác định phương pháp cần căn cứ vào mục tiêu, nội dung dạy học, giai đoạn nhận thức, đặc điểm đối tượng học sinh, điều kiện cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy học. Phương pháp chủ yếu được sử dụng để dạy thực hành là: Đàm thoại, thực hành, trực quan.
"Việc rèn luyện các kĩ năng địa lí nêu trên, được thưc hiện trong các tiết ôn tập nhằm củng cố kiến thức lý thuyết về thực hành và đồng thời rèn luyện kĩ năng thực hành.
Quá trình thực hiện lần lượt là:
Ôn lại những kiến thức cơ bản về thực hành: Những công thức (cách tính) cần thiết và vận dụng công thức để xử lí số liệu trong phần vẽ biểu đồ và nhận xét bảng số liệu; các loại biểu đồ cơ bản
Thực hành vẽ biểu đồ, nhận xét biểu đồ, giải thích nguyên nhân và phân tích bảng số liệu rút ra nhận xét"
Cô Cao Thị Thư