Giúp con vững vàng vào lớp 1

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Tuổi mầm non sẽ có nhiều bỡ ngỡ, thậm chí hoang mang, lo sợ khi chuẩn bị vào lớp 1.

Trẻ phải đối mặt với nhiều thay đổi khi vào lớp 1. Ảnh minh họa,
Trẻ phải đối mặt với nhiều thay đổi khi vào lớp 1. Ảnh minh họa,

Đây là bậc thang đầu tiên, làm nền móng cho những cột mốc tiếp theo trong cuộc đời. Vì vậy, trẻ cần được chuẩn bị tâm lý nhằm có đủ sự tự tin để sẵn sàng đi học.

Phụ huynh cần nói chuyện với con về việc bắt đầu học lớp 1. Đồng thời, hãy kể cho trẻ nghe về những thay đổi. Từ đó, giúp trẻ có tâm lý vững vàng.

Chuẩn bị tâm thế

Để chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1, phụ huynh cần quan tâm tới sự phát triển toàn diện của trẻ. Trong đó, bao gồm: Thể chất, trí tuệ, tình cảm - xã hội, ngôn ngữ và một số kỹ năng cần thiết cho hoạt động học.

Có thể nói, đi học lớp 1 là bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời của trẻ. Bởi, đó là lúc trẻ chuyển từ hoạt động vui chơi của lứa tuổi mẫu giáo sang học tập. Ở trường tiểu học, học là hoạt động chủ đạo và bắt buộc. Đồng thời, việc học phải tạo ra sản phẩm (hoàn thành các nhiệm vụ học tập, làm bài tập, trả lời câu hỏi theo tiến độ của cả lớp). Vì vậy, biện pháp chuẩn bị tâm thế cho trẻ mẫu giáo bước vào lớp 1 giúp trẻ mạnh dạn, tự tin và thích được đi học được coi là một việc làm vô cùng cần thiết.

Vào lớp 1, trẻ phải đến lớp đúng giờ. Bên cạnh đó, thầy, cô giáo không có nhiều thời gian chăm bẵm từng em vì phải điều hành lớp hoàn thành chương trình các môn học theo đúng tiến độ. Thậm chí, giáo viên còn phải đánh giá, nhận xét từng học sinh để có phương pháp phù hợp, nhằm đạt mục tiêu về kiến thức, kỹ năng, thái độ của từng tiết, môn học cho tất cả các em học sinh trong lớp.

Nhà đào tạo, nghiên cứu tâm lý giáo dục Lê Đặng Minh Nhật cho rằng, để có được một tinh thần thoải mái khi trẻ mầm non vừa lên lớp 1, cha mẹ hãy giúp bé chuẩn bị tâm lý thật vững vàng. Đa số các bé vừa bước vào tiểu học đều có tâm lý hoang mang và lo sợ khi phải chuyển đến môi trường hoàn toàn mới. Trong khi đó, thầy cô, bạn bè cũng là người mà trẻ chưa từng quen biết.

Do đó, phụ huynh cần nói chuyện với con về việc bắt đầu học lớp 1. Đồng thời, hãy kể cho trẻ nghe về những sự thay đổi. Cha mẹ có thể cho bé xem ảnh về ngôi trường mới cũng như những điều thú vị tại đây. Trong một số trường hợp, cha mẹ cần dạy trẻ về cảm xúc sợ hãi và cách vượt qua.

Phụ huynh không nên tạo áp lực cho trẻ. Ảnh minh hoạ.

Phụ huynh không nên tạo áp lực cho trẻ. Ảnh minh hoạ.

“Khi còn ở trường mầm non, các bé đã được giáo viên trang bị kiến thức cơ bản về gia đình, bạn bè, môi trường sống, thời tiết, không gian, thời gian… Đó là những hiểu biết cơ bản, giúp bé đỡ bỡ ngỡ khi lên lớp 1.

Bước vào cấp mới, bé cần phải nghiêm túc hơn trong việc học”, ông Minh Nhật cho biết. Bởi, đây là thời gian chuyển giao giữa việc vui chơi thoải mái với bước đầu tiên của con đường học tập. Bé cần nắm vững các các con số, phép tính, chữ cái, cách ghép từ, học về đạo đức và rất nhiều môn học khác. Do đó, trẻ cần dành nhiều thời gian hơn để tiếp thu kiến thức một cách tốt nhất.

Thông thường, thời gian học của bé thường sẽ là một buổi chính. Tuy nhiên, cũng sẽ có những lớp học phụ đạo vào thời gian còn lại. Một số trẻ còn có thể ôn tập lại kiến thức vào buổi tối. Đây cũng là khoảng thời gian cha mẹ có thể dành để kiểm tra và hỗ trợ con trong việc học.

Theo chuyên gia này, với các bé mẫu giáo, cô giáo sẽ chăm sóc rất chu đáo. Bởi, khi đó, trẻ còn nhỏ và chưa thể tự làm nhiều thứ. Tuy nhiên, trước khi vào lớp 1, các bé nên được trang bị những kỹ năng sống tự lập dưới sự hướng dẫn của cha mẹ và giáo viên.

Khi vào lớp 1, trẻ sẽ tham gia vào một tập thể để học nghiêm túc, phải tuân thủ theo các quy tắc của lớp, trường. Ngoài ra, các giáo viên và cha mẹ sẽ không thể chăm lo cho bé một cách tỉ mỉ như ở mầm non. Thay vào đó, trẻ phải tự chủ động làm quen môi trường mới, với cách học tập khác trước kia.

Trong trường hợp này, cha mẹ có thể hướng dẫn bé làm những việc để tăng tính tự lập như dạy con tự ăn cơm, cất sách, vở, dụng cụ học tập, khi chơi đồ chơi xong cần tự giác dọn dẹp hoặc chủ động dọn nhà cùng phụ huynh.

“Trường tiểu học là một môi trường giáo dục nghiêm túc hơn. Vì thế, ở đây sẽ có những quy định và nội quy bắt buộc phải tuân theo. Cha mẹ sẽ là người kể cho con nghe trước về những điều cần tuân thủ khi bắt đầu lên lớp 1.

Một số quy tắc quen thuộc gồm có: Vào lớp và tan học đúng giờ, cần nghiêm túc khi học, không được nói chuyện riêng, phải biết tôn trọng giáo viên và bạn bè, khi muốn phát biểu cần phải được sự cho phép…”, ông Minh Nhật chia sẻ.

Cũng theo chuyên gia này, việc yêu cầu trẻ tuân thủ những quy tắc không phải chỉ cần ngày 1 ngày 2, mà phải trải qua một khoảng thời gian để thực hiện và ghi nhớ (có thể từ 2 tuần đến 1 tháng). Vì vậy, để chuẩn bị hành trang cho bé vào lớp 1 cần có sự hỗ trợ của giáo viên khi ở trên lớp và của cha mẹ ở nhà.

Trẻ cần có tâm thế vui vẻ khi vào lớp 1. Ảnh minh họa.

Trẻ cần có tâm thế vui vẻ khi vào lớp 1. Ảnh minh họa.

Tạo động lực tự nhiên

Theo giáo viên Phan Hường thuộc Hệ thống giáo dục kỹ năng sống Cara, khi trẻ vào lớp 1, cha mẹ cần cung cấp cho con tâm thế vui vẻ. Đó sẽ là xuất phát tốt nhất cho trẻ. Bởi, nếu từ đầu đã sợ hãi, trẻ sẽ không học tốt được. Song, nếu cha mẹ làm cho con vui vẻ, muốn học và tiếp nhận kiến thức thì kết quả sẽ tốt.

Nữ giáo viên dẫn chứng, các chuyên gia đã giải thích cơ chế phát huy bộ não của trẻ. Theo tâm lý học ứng dụng, bộ não con người có 3 phần: Não người - đại não (chuyên xử lý các vấn đề ngôn ngữ, tính toán, logic, sáng tạo); não thú (xử lý cảm xúc); não bò sát (phản xạ không điều kiện). Khi thông tin được tiếp nhận sẽ đi qua não thú đầu tiên. Não thú như một cái van. Nếu thông tin tiêu cực, não thú sẽ khóa năng lượng lại, không cho đi lên đại não.

Đó là lý do khi cha mẹ quát nạt, trách phạt thì trẻ sẽ phản ứng tiêu cực thay vì nghe lời và hợp tác.

Ngược lại, nếu cha mẹ nhẹ nhàng, động viên thì thông tin tích cực được não thú mở ra. Sau đó, đưa lên não người giúp trẻ nhận thức, tính toán, logic (tức học tập). Khi đó, trẻ sẽ hợp tác, học tiến bộ. Bởi vậy, để phát huy bộ não muốn trẻ học tập thì cha mẹ phải chuẩn bị hành trang cho con vào lớp 1, tạo môi trường vui vẻ, thân thiện, tích cực, an toàn cho trẻ.

Lưu ý thêm, cha mẹ không cần quá lo lắng nếu con vào lớp 1 nhưng viết chưa đẹp, học Toán chưa giỏi. Bởi, đó là điều rất bình thường.

Theo các chuyên gia, mỗi trẻ đều có 9 loại hình thông minh. Song, chỉ số của loại thông minh ở mỗi trẻ là không giống nhau. Có trẻ nói nhiều (thông minh ngôn ngữ), vẽ giỏi (thông minh không gian). Trong khi đó, có trẻ lại giỏi toán (thông minh logic), thích nghịch ngợm chạy nhảy (thông minh vận động)…

“Một đứa trẻ nhút nhát chưa hẳn không tốt. Nhút nhát là biểu hiện của loại hình thông minh nội tâm. Những đứa trẻ nhút nhát có ưu điểm là cảnh giác cao trước người lạ. Mỗi đứa trẻ thông minh theo cách của mình. Cha mẹ tuyệt nhiên không nên so sánh con với đứa trẻ khác”, nữ giáo viên cho biết.

Giáo viên Phan Hường đồng thời dẫn chứng, các chuyên gia tâm lý nhấn mạnh, đồng hành sẽ hiệu quả gấp nhiều lần so với dạy con. Bí quyết để đồng hành, trang bị hành trang cho con vào lớp 1 là thấu hiểu. Muốn thấu hiểu con thì trước hết, cha mẹ phải tạo thiện cảm.

Muốn tạo thiện cảm với con, cha mẹ nên lưu ý, trước hết, cần cười với trẻ. Tiếp theo, phụ huynh hãy khen ngợi khích lệ chúng. Đồng thời, cần hỏi trẻ nhiều hơn và lắng nghe con. Phụ huynh không nên mắng khi con hỏi nhiều. Cha mẹ không nên dập tắt niềm vui khi con đang say mê kể chuyện, dù có thể với người lớn, những câu chuyện bé kể rất dài dòng và không có gì quan trọng.

Thay vì dắt con đến gặp cô giáo lớp 1 và nói “cô chú ý giúp kèm cháu, con nhà tôi nhát lắm”, cha mẹ nên loại bỏ cụm từ “nhút nhát” ra khỏi từ điển. Thay vào đó, cần thường xuyên khích lệ con bằng các cụm từ “con tự tin”, “con tuyệt vời”, “mẹ tin con làm được”.

Bên cạnh đó, phụ huynh nên đưa con đi tựu trường lớp 1 và khiến trẻ cảm nhận được sự đặc biệt của dấu mốc này bằng một món quà hay bữa tiệc nhỏ. Khi đồng hành cùng con, phụ huynh chính là người tạo động lực tự nhiên giúp trẻ học tốt, nuôi dưỡng đam mê. Từ đó, giúp trẻ vui vẻ và muốn khám phá tri thức thay vì bị dọa nạt, cảm thấy gánh nặng kiến thức.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Thế Lượng)

Hai 'bông hoa' ở trường vùng biên xứ Thanh

GD&TĐ - Hai nữ sinh Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) đã vượt khó, nỗ lực phấn đấu khi đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và Ngữ văn.