Giúp con say mê học Toán

GD&TĐ - Dạy con học Toán là cách tốt nhất để chuẩn bị cho con học hỏi về thế giới xung quanh. Ngay khi đi học mẫu giáo, các con đã được tiếp cận với những con số và phép tính đơn giản. 

Giúp con say mê học Toán

Nhưng không phải bé nào cũng thích thú với các con số “khô khan” đó nên vì thế cũng ít hứng thú với môn Toán. Làm sao để trẻ học tự nguyện vui vẻ và khơi dậy niềm đam mê học Toán trong trẻ mới là điều phụ huynh lo lắng.

Con không thích học Toán

Nhiều phụ huynh phàn nàn con mình không thích học Toán, cứ mỗi lần đọc đề Toán là con lại vặn vẹo không chịu làm bài. Thế nhưng cố ép con học thì con càng sợ môn Toán, việc học vì thế càng kém hiệu quả, đôi khi khiến sự sợ hãi môn Toán càng nhân lên gấp bội.

Chị Lê Thu Hương (Linh Đàm, Hà Nội) chia sẻ: “Con gái tôi học lớp 3, buổi tối mẹ với con vật lộn cả tiếng với môn này, nhưng lực học vẫn không có sự cải thiện nhiều. Mặc dù đã tốn rất nhiều tiền và công sức đưa đón con đi học tại các trung tâm lớn nhưng hiệu quả mang lại vẫn không cao. Để giúp con học hiệu quả hơn, tôi còn thuê cả gia sư tại nhà cho con. Tuy nhiên, tôi nhận thấy, học Toán đối với con gái tôi vẫn là một áp lực”.

Toán học là môn học cơ bản trong nhà trường, vì vậy dù thích hay không trẻ vẫn phải theo học môn này trong suốt 12 năm phổ thông, thậm chí là ngay cả khi học cao hơn, các em vẫn phải tiếp tục học môn này. Do đó, làm cách nào để phát huy khả năng tư duy Toán học của trẻ, khơi dậy niềm yêu thích môn Toán của trẻ là băn khoăn của nhiều phụ huynh.

Nuôi dưỡng tình yêu Toán cho con từ nhỏ

Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Chu Cẩm Thơ, người sáng lập và là Giám đốc Trung tâm Toán học POMath cho rằng, đối với trẻ nhỏ, sự trực quan là công cụ hiệu quả nhất giúp chúng hiểu và biết áp dụng kiến thức vào thực tiễn học tập. Do đó, cần giáo dục Toán học sớm cho trẻ thông qua các hoạt động chơi mà học.

“Cha mẹ có thể tạo ra nhiều quy luật đơn giản trong cuộc sống để chơi cùng trẻ. Chẳng hạn: “Năm nay bố hơn mẹ một tuổi, năm sau bố hơn mẹ mấy tuổi”; “Con hơn em hai tuổi, con 5 tuổi em 3 tuổi, con 6 tuổi thì em mấy tuổi?”... Để giúp trẻ nhận biết hình học, có thể vừa chơi vừa diễn tả cấu trúc hình cho trẻ. Chẳng hạn, có thể lấy hộp sữa, hộp đựng đậu cô ve để nói về hình trụ (cho các hộp này lăn trên sàn), quả bóng để nói về hình cầu (lăn mọi phía), hộp quà để nói về khối lập phương”.

Từ kinh nghiệm giảng dạy của mình, TS Thơ cho rằng trẻ em không hề ghét Toán, mà chính cách tiếp cận Toán học mà chúng ta đang thực hiện mang đến nỗi sợ hãi lớn hơn về Toán cho trẻ. Khi trẻ đã sợ hãi môn Toán, việc cố ép trẻ cố gắng học hoặc giúp đỡ con giải bài của phụ huynh đôi khi còn là nguyên nhân khiến chứng sợ hãi của trẻ trở nên trầm trọng hơn.

PGS.TS Chu Cẩm Thơ cho biết, qua nghiên cứu có một thực tế là nhiều học sinh tiểu học hiện nay không thích học Toán, giải bài một cách thụ động. Giải pháp để các con hứng thú và làm chủ được Toán học là cho trẻ học trải nghiệm bằng các trò chơi, bài toán gắn liền với cuộc sống của trẻ. Có thể học Toán bằng xếp hình, bằng vẽ tranh, bằng trò chơi... Tri thức khám phá khi học qua các trò chơi có thể rất nhỏ nhưng giá trị con trải nghiệm được trong quá trình đó lại rất lớn vì con phát triển được cảm xúc, trí thông minh, tư duy logic. Đây là những điều không thấy được khi cho con giải một bài toán bằng phương pháp truyền thống.

“Những lúc vui chơi cùng con, cha mẹ chú ý dùng câu đố (hoặc khuyến khích trẻ đố lại mình) để tạo điều kiện cho trẻ khám phá ra quy luật, đặc điểm của hình, của sự vật hiện tượng. Khi gặp những đồ vật tương tự, trẻ cần được nhắc nhở để có những liên tưởng và luyện tập. Chính những nền tảng trải nghiệm từ ban đầu đó giúp con có được tư duy nền tảng, độc lập và niềm yêu thích môn Toán”, PGS.TS Chu Cẩm Thơ chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ