Một số gia đình sẽ thu lại tiền từ con, với lý do giữ hộ (như với tiền mừng tuổi trong mỗi dịp Tết Nguyên đán), nhưng cũng có gia đình để kệ con chi tiêu, coi như đó là quyền của trẻ.
Giữ hộ tiền có trẻ là cách mà đa phần gia đình thực hiện. Điều này nếu làm không khéo sẽ không ổn: Trẻ có tâm lý cho đó là tiền của mình, nếu cha mẹ giữ mà không có giải thích thỏa đáng, sẽ gần giống như trẻ bị cưỡng đoạt. Thế nhưng, cứ để trẻ tùy ý sử dụng đồng tiền, sẽ càng nguy hại hơn, đặc biệt với trẻ nhỏ, khái niệm về giá trị đồng tiền các em chưa có, chỉ nghĩ được cho là thích mua gì thì mua, bởi đó là “quyền” của mình.
Cha mẹ nào có ý nghĩ “thoáng” này, hãy dành thời gian mỗi buổi tan trường, đến cổng trường sớm quan sát các em học sinh làm gì ngoài cổng trường. Chỉ đứng quan sát một lúc ngoài cổng trường sẽ thấy các cô bé, cậu bé sài tiền vô tội vạ.
Tan trường, nhiều học sinh chạy ra ngoài cổng mua đủ thứ đồ ăn, thức uống và đồ chơi. Thôi thì các món hàng rong được bày bán la liệt. Em mua nem, xúc xích rán, em mua đồ chơi bạo lực, mua kẹo hình xăm ăn rồi dán đầy vào người và sách vở. Em mua đủ loại đồ uống như nước sâm, trà sữa chân châu mà chất lượng không ai dám đảm bảo.
Học sinh lớn hơn có đồng tiền trong tay cũng thoải mái sài theo ý thích. Nhiều học sinh đi học về, ghé ngay vào tiệm net ngồi vài ba tiếng. Giờ tan trường buổi chiều thường ới nhau vào quán nhậu, cũng bia rượu “vào ra” như người lớn. Em tập tành phì phèo điếu thuốc trên môi. Một số học sinh nữ mua quần này áo nọ, son phấn, nhuộm tóc màu này màu kia, xun xoe đua đòi. Em mua điện thoại suốt ngày lên mạng chát chít...
Nhiều em được ba mẹ cho tự do tiêu sài bằng số tiền có được. Sài thoải mái nên quen. Khi không có tiền đã sinh ra nhiều tật xấu như ăn cắp của cha mẹ, của bạn và của cả thầy cô. Không ít phụ huynh phải lên nhờ thầy cô giáo nhắc nhở, giáo dục thêm vì các em đã lấy của ba mẹ số tiền lớn.
Bạn bè trên lớp và chính các thầy cô giáo cũng liên tục bị mất tiền dù đã rất cẩn thận. Khi không chôm chỉa được tiền của mọi người, một số em theo đám bạn xấu đi ăn cắp. Đã có nhiều vụ việc bị vỡ lở khi thủ phạm lại chính là những cô cậu bé còn ngồi trên ghế nhà trường.
Tiền các con được cho, tặng (như đã nói, phần lớn từ người thân trong gia đình), người lớn nên giữ hộ và có kế hoạch thật cụ thể như số nào dùng mua sách vở, mua đồ dùng học tập, mua giày dép, áo quần. Cũng cần dạy các em lòng vị tha, biết san sẻ những điều mình có được với những mảnh đời bất hạnh xung quanh như mua đồ tặng cho bạn nghèo của lớp, giúp đỡ người già, người tàn tật neo đơn.
Cha mẹ không nên để các em giữ số tiền lớn tự do tiêu sài một cách vô tội vạ. Cần dạy cho các con biết về giá trị đồng tiền và sự vất vả của người lớn khi làm ra nó. Làm được điều này, cha mẹ không sợ con cái sài tiền sai mục đích để rước bệnh vào người, cũng không sợ các em sinh nhiều thói hư tật xấu khi có nhiều tiền trong tay.