Giúp con nuôi dưỡng khả năng sáng tạo

GD&TĐ - Bất kỳ cha mẹ nào cũng có thể nuôi dưỡng sự sáng tạo ở con mình bằng cách tạo cơ hội cho trẻ sử dụng trí tưởng tượng cá nhân.

Cha mẹ cần khiến các hoạt động khơi dậy tính sáng tạo ở trẻ trở nên thú vị. Ảnh: INT.
Cha mẹ cần khiến các hoạt động khơi dậy tính sáng tạo ở trẻ trở nên thú vị. Ảnh: INT.

Tuy nhiên, đó cũng là điều khiến họ thường gặp khó khăn khi giúp con mình.

Sáng tạo không chỉ là nghệ thuật

Đó là một trong những điều mà công ty cung cấp đồ dùng nghệ thuật Crayola tại Mỹ đã nêu trong “Chiến dịch vì sự sáng tạo”. Công ty đang cố gắng khơi dậy một cuộc trò chuyện văn hóa về tầm quan trọng của sự sáng tạo ở trẻ em và cách nó tác động đến quỹ đạo cuộc sống của một người.

“Sự sáng tạo ngày nay quan trọng hơn bao giờ hết vì tốc độ đổi mới đang tăng nhanh chưa từng có. Khả năng sáng tạo đã được chứng minh là tác động đến sự thành công trong sự nghiệp, nâng cao thành tích học tập và góp phần vào hạnh phúc nói chung của trẻ”, Phó Chủ tịch điều hành của Crayola - bà Victoria Lozano cho biết.

Ngoài việc nhấn mạnh giá trị lâu dài của sự sáng tạo ở trẻ em, chiến dịch mới này còn nhấn mạnh vai trò quan trọng của cha mẹ trong việc nuôi dưỡng sự sáng tạo đó. Dữ liệu nghiên cứu và khảo sát gần đây của công ty cho thấy, không chỉ có nhiều hiểu lầm về sự sáng tạo mà cha mẹ cũng cần một chút cảm hứng khi muốn đưa nhiều khoảnh khắc sáng tạo hơn vào cuộc sống hằng ngày của con mình.

Có vẻ như có rất nhiều quan niệm và hiểu lầm về sự sáng tạo, đặc biệt là khi nói đến bản chất của sự sáng tạo và liệu nó có giá trị hay không. Tiến sĩ Gerard Puccio, chủ nhiệm khoa và là người đứng đầu Trung tâm trí tưởng tượng ứng dụng tại Đại học Buffalo State, đã xác định chính xác hơn các hành vi cấu thành nên sự sáng tạo. Crayola cũng đã hợp tác với Viện nghiên cứu Ad Council để hiểu niềm tin, thái độ và hành vi của cha mẹ về sự sáng tạo.

Dường như quan niệm phổ biến là sự sáng tạo chỉ liên quan đến các hoạt động nghệ thuật. Tuy nhiên, thực tế, sự sáng tạo là một khái niệm rộng hơn, có nghĩa là thứ gì đó giống với “trí tưởng tượng của bạn khi hành động”, Tiến sĩ Puccio chia sẻ.

Một quan niệm phổ biến khác là sự sáng tạo chỉ được coi trọng trong các lĩnh vực như nghệ thuật, thời trang và thiết kế. Song, thực tế hoàn toàn khác. Sáng tạo là một kỹ năng cốt lõi tại nơi làm việc.

“Tư duy sáng tạo, bao gồm giải quyết vấn đề và học hỏi từ những sai lầm của chúng ta, là một trong những kỹ năng được săn đón nhất trong bất kỳ nghề nghiệp nào”, theo Crayola.

Ngoài ra, dữ liệu cũng cho thấy sự sáng tạo của trẻ em có khả năng dự đoán thành tích nghề nghiệp, bao gồm: Tiềm năng kiếm tiền tốt hơn, thành tích, sự hài lòng và khả năng trở thành một doanh nhân. Sự sáng tạo cũng có thể nâng cao trình độ học vấn, tăng sự hạnh phúc ở trẻ em và sự viên mãn khi trưởng thành.

kha-nang-sang-tao-yeu-to-lam-nen-hanh-phuc3-6305.jpg
Một lầm tưởng phổ biến là sự sáng tạo chỉ liên quan đến các hoạt động nghệ thuật. Ảnh: INT.

Cần thiết cho sự phát triển và học tập

Theo khảo sát về nhận thức của cha mẹ đối với sự sáng tạo, khoảng 9 trong số 10 phụ huynh cho biết, sự sáng tạo rất quan trọng đối với con mình. Họ cũng cho rằng, việc khuyến khích trẻ sử dụng trí tưởng tượng, khám phá các khả năng khác nhau và thể hiện bản thân một cách chân thực là điều cần thiết cho sự phát triển và học tập. Tuy nhiên, khảo sát cũng chỉ ra rằng, có hơn 60% cha mẹ tự hỏi liệu con mình có đủ hoạt động sáng tạo hay không, hoặc nghĩ rằng trẻ không có.

53% cha mẹ tin rằng bản thân họ cần phải sáng tạo để nuôi dạy những đứa trẻ sáng tạo và 21% khác không chắc chắn. Ngoài ra, 33% gặp khó khăn trong việc cân bằng những khoảnh khắc sáng tạo với quá nhiều hoạt động khác trong ngày. Trong khi đó, 29% phụ huynh gặp khó khăn trong việc đưa ra các hoạt động sáng tạo mới.

Trên thực tế, bà Lozano cho biết, bất kỳ cha mẹ nào cũng có thể nuôi dưỡng sự sáng tạo ở con mình chỉ bằng cách tạo cơ hội cho trẻ sử dụng trí tưởng tượng cá nhân. Song, điều thực sự cản trở các phụ huynh là, nhiều người cảm thấy việc nuôi dưỡng sự sáng tạo ở con họ rất khó khăn vì thiếu thời gian, nguồn lực và ý tưởng.

Mẹo thúc đẩy khả năng sáng tạo của con

Vậy làm thế nào để cha mẹ bận rộn có thể biến khả năng sáng tạo thành một phần trong cuộc sống hằng ngày của con? Nhất là khi phụ huynh cũng cảm thấy mình chưa đặc biệt sáng tạo? Các chuyên gia cho biết, có nhiều cách để đạt được mục tiêu này.

Tắt thiết bị điện tử

Thời gian sử dụng màn hình liên tục chi phối cuộc sống của cả trẻ em và cha mẹ. Điều đó khiến sự sáng tạo bị lấn át. Tiến sĩ Megan Maher - bác sĩ tâm thần tại Bệnh viện Nhi New Orleans gợi ý, một trong những cách đơn giản nhất để dành nhiều thời gian và trí óc hơn cho sự sáng tạo là hạn chế các thiết bị điện tử.

“Cha mẹ muốn thu hút con, thì việc hoàn toàn tập trung và không bị phân tâm bởi điện thoại sẽ cho trẻ biết rằng, thời gian và hoạt động này có ý nghĩa”, Tiến sĩ Maher nói, đồng thời lưu ý thêm: “Đừng tạo áp lực. Hãy làm cho điều đó trở nên thú vị”.

Tạo môi trường dễ tiếp cận

Khuyến khích bản năng sáng tạo của trẻ không nhất thiết đòi hỏi cha mẹ phải nắm tay con hoặc dẫn dắt thật chi tiết một hoạt động sáng tạo. Những khoảnh khắc sáng tạo có thể đơn giản như việc tạo ra các công cụ dễ tiếp cận trong nhà cho trẻ.

“Điều này có thể bao gồm việc thiết lập một không gian riêng để vẽ và làm đồ thủ công. Không gian đó luôn có sẵn các đồ dùng nghệ thuật như bút màu và giấy”, Tiến sĩ Amanda Gummer - chuyên gia về tâm lý trẻ em và nuôi dạy con, cho biết.

Cũng theo Tiến sĩ Gummer, cha mẹ hãy cố gắng giữ cho các vật liệu đó ở nơi dễ tiếp cận. Nhờ đó, giúp trẻ có thể đắm mình vào trò chơi sáng tạo bất cứ khi nào chúng cảm thấy hứng thú.

kha-nang-sang-tao-yeu-to-lam-nen-hanh-phuc-2-1783.jpeg
Cha mẹ có thể đưa sự sáng tạo vào cuộc sống của trẻ thông qua hoạt động thường ngày. Ảnh: INT

Kết hợp sự sáng tạo vào các công việc hằng ngày

Những khoảnh khắc sáng tạo dành cho trẻ em cũng có thể được kết hợp vào thói quen và công việc hằng ngày. Đối với những cha mẹ bận rộn, đây thường là một cơ hội bị bỏ qua. Tiến sĩ Gummer cho biết: “Đây không phải là một buổi chơi chung toàn thời gian hay các hoạt động chỉ diễn ra vào cuối tuần. Không cần phải dành nhiều thời gian cho trò chơi sáng tạo”.

Ví dụ, nấu ăn có thể trở thành một hoạt động vui tươi và sáng tạo. Điều này có thể bao gồm việc để trẻ giúp cha mẹ làm những công việc đơn giản, như đếm rau khi cho vào chảo hoặc cân nguyên liệu. Thời gian cùng cha mẹ vào bếp cũng có thể là cơ hội cho trẻ trở thành đầu bếp nhí, hoặc sáng tạo ra những món ăn mới với các nguyên liệu đồ chơi. “Bằng cách kết hợp trò chơi vào thói quen hằng ngày, cha mẹ có thể giúp con mình phát triển khả năng sáng tạo”, Tiến sĩ Gummer cho biết.

Trong khi đó, chuyên gia về nuôi dạy con - Reena Patel nhà tâm lý học tích cực và nhà phân tích hành vi được hội đồng chứng nhận, cho biết ngay cả khi để trẻ tự chọn quần áo cũng là cơ hội cho bé sáng tạo.

“Cha mẹ có thể giúp trẻ phát triển khả năng sáng tạo bằng cách linh hoạt và cho phép con độc lập ngay từ đầu. Cho phép trẻ chọn những gì chúng muốn mặc. Sẽ không sao nếu trẻ chọn đồ chưa phù hợp”, bà Patel chia sẻ.

Chuyên gia này cũng gợi ý, cha mẹ nên tạo thói quen mang theo giấy tô màu khi di chuyển. Như vậy, trẻ có thể sáng tạo ở bất kỳ đâu. Bà Patel cho biết: “Có rất nhiều cơ hội để sáng tạo trong các tình huống và hoạt động hằng ngày mà cha mẹ có thể hỗ trợ và khuyến khích con”.

Tập trung vào một chủ đề

Các gia đình bận rộn cũng có thể phân bổ thời gian sáng tạo trong suốt tháng. Đồng thời, dễ dàng xem lại các hoạt động sáng tạo từ tuần này sang tuần khác bằng cách thiết lập một chủ đề thống nhất.

Bà Roseann Capanna-Hodge, Tiến sĩ Giáo dục, nhà tâm lý học, chuyên gia sức khỏe tâm thần nhi khoa và là người sáng lập Viện Sức khỏe Tâm thần Trẻ em Toàn cầu, cho biết: “Hãy thử đưa ra các hoạt động sáng tạo theo chủ đề mỗi tháng. Từ đó, khám phá các phong cách và chủ đề khác nhau, khơi dậy những ý tưởng sáng tạo mới. Việc duy trì các dự án nghệ thuật sáng tạo là một phần quan trọng của gia đình”.

Sử dụng các đồ vật gia dụng đơn giản

Một điểm quan trọng nữa mà các chuyên gia nhấn mạnh là: Việc đưa sự sáng tạo vào cuộc sống của trẻ không nhất thiết phải là một hoạt động tốn kém. Nghĩa là: Không cần các công cụ đắt tiền hay lớp học hoặc bài học có cấu trúc đặc biệt.

“Bạn sẽ ngạc nhiên về những gì có thể truyền cảm hứng cho sự sáng tạo”, Tiến sĩ Gummer chia sẻ. Ví dụ, vài chiếc gối có thể trở thành một ngọn núi để leo. Những tấm ga trải giường cũ có thể biến thành lều trại tạo nên hang ổ hoàn hảo. Một hộp các tông có thể trở thành con tàu vũ trụ sẵn sàng khám phá thiên hà. Tiến sĩ Gummer nói thêm: “Thông thường, các vật dụng hằng ngày có thể tạo nên những món đồ chơi tuyệt vời nhất”.

Tiến sĩ Capanna-Hodge cho rằng, bản thân cha mẹ không nhất thiết phải sáng tạo để nuôi dạy những đứa trẻ sáng tạo. Phụ huynh chỉ cần tạo cơ hội cho trẻ chơi theo trí tưởng tượng và khuyến khích con khám phá.

Theo Parents

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Một góc của Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Trường Tiểu học Đặng Trần Côn. Ảnh: TH

Sáng tạo không gian mới trong trường học

GD&TĐ - Từ Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đến không gian tự học hiện đại, tất cả đều được trường học ở TPHCM sáng tạo...