Giúp con không bị bắt nạt

GD&TĐ - “Bắt nạt” có muôn hình vạn trạng, không như chúng ta vẫn nghĩ, cả nạn nhân lẫn kẻ bắt nạt đều không có “chân dung” cụ thể. Các tình huống “bắt nạt” thường xảy ra đa phần do nạn nhân quá sợ hãi, yếu đuối và dễ bị tổn thương. 

Giúp con không bị bắt nạt

Vậy từ đâu lại xuất hiện những kẻ bắt nạt? Trẻ bị bắt nạt có thể gặp phải nguy cơ gì? Có cách nào giúp các em thoát khỏi tình trạng đó và trở nên vững vàng tự tin hơn khi bước ra ngoài hay không?

Nội dung của cuốn sách "Tớ không sợ bị bắt nạt"

Thông thường, khi bị bắt nạt trẻ em sẽ tìm đến gia đình để được bảo vệ, nhưng đối với những em bị bắt nạt, việc nói ra sự thật các em là nạn nhân của trò bắt nạt cho gia đình lại vô cùng khó khăn. Vậy đâu là giải pháp chống lại bắt nạt cho nạn nhân và cho gia đình?

"Tớ không sợ bị bắt nạt" là một cuốn sách chứa đựng thông tin mà bất cứ ai bị bắt nạt hoặc biết đến bắt nạt cần trang bị cho mình.

Với những tình huống phổ biến nhất và những nghiên cứu dựa trên sự phát triển tâm lý của con người, tác giả cuốn sách – bác sĩ tâm lý Emmanuelle Picquet đã đưa ra 15 giải pháp cho những trò bắt nạt thường thấy nhất, giúp các em có thể tự bảo vệ mình đồng thời dễ dàng tìm đến sự trợ giúp từ phía gia đình và nhà trường.

Bên cạnh đó, những hình ảnh minh họa ngộ nghĩnh của họa sĩ Lisa Mandel chắc chắn sẽ giúp các em có cái nhìn đầy màu sắc để tự tin, dũng cảm chống lại nạn bắt nạt, bảo vệ quyền lợi của chính mình.

Với các bậc phụ huynh hẳn đã có lúc bạn phải đối mặt với những lần con cái mình từ trường trở về mắt ầng ậc nước xin đổi chỗ ngồi, đổi lớp học, thậm chí đổi cả trường vì không chịu nổi cảnh bị bạn này bạn kia… bắt nạt.

Trước những tình huống ấy đã có rất nhiều cách giải quyết khác nhau ở mỗi phụ huynh song cũng có phụ huynh còn lúng túng không biết phải giải quyết các tình huống đó ra sao.

Cuốn sách Tớ không sợ bị bắt nạt của 2 tác giả Emmanuelle Picquetvà Lisa Mandel đã đưa ra 15 giải pháp hữu hiệu giúp phụ huynh và các em học sinh biết cách phòng và đối phó với việc bắt nạt.

Trong cuốn sách đã đưa ra và giải thích các hiện tượng bắt nạt của các em lứa tuổi học đường. Bắt nạt có nhiều hình thức, thường thấy nhất là tấn công, hăm doạ, hoặc chế giễu, nhạo báng, nhục mạ…

Nạn nhân thường bị hành hạ, bị tổn thương cả thể xác lẫn tinh thần từ ngày này qua ngày khác. Thêm vào đó, công nghệ thông tin ngày càng phát triển, con số nạn nhân cũng theo đó ngày càng gia tăng. “Việc sử dụng Internet, điện thoại di động hay mạng xã hội khiến trò bắt nạt của học sinh diễn ra cả bên ngoài trường học”.

Cùng luận bàn về cuốn sách

Theo Ths. Nguyễn Thị Mai Hương, đại học Sư phạm Hà Nội cho biết: Cuốn sách này thu hút tôi ngay từ những câu chuyện đầu tiên khi đặt trọng tâm miêu tả nội tâm đau khổ của những đứa trẻ có quá nhiều mối quan hệ bắt nạt xung quanh mình.

Dù làm trong ngành giáo dục đã lâu và cũng làm mẹ, chính tôi đã ngỡ ngàng khi nhận ra rằng những đứa trẻ bị bắt nạt được miêu tả trong các tình huống của sách đó quá “quen thuộc”.

Cuốn sách truyền tải nội dung nhẹ nhàng mà lột tả một sự thật cay đắng rằng: Bạn bè, anh chị em, bố mẹ, thầy cô giáo và cả chính trẻ đều có tiềm tàng là “kẻ bắt nạt”.

Các tình huống bắt nạt không có mô-tip quen thuộc, phản ứng bị bắt nạt phần nhiều bị trẻ che giấu, đối tượng bắt nạt thì bủa vây xung quanh.

Đứa trẻ trong hành trình trưởng thành về phát triển cảm xúc và tham gia vào “xã hội trẻ em” phải tự xoay xở và quyết định “cuộc chiến bắt nạt” này.

Việc trẻ nhận diện, áp dụng chiến lược phù hợp và vượt qua hành vi bắt nạt là một chiến thắng trong đấu tranh tâm lí và trưởng thành cảm xúc của mình.

Một cuốn sách vừa vặn với tâm hồn của trẻ nhưng cũng đủ sâu cay đối với người đọc là cha mẹ, thầy cô giáo và chuyên gia tâm lí nói chung.

Nếu có chút đáng tiếc về cuốn sách này thì đó là phạm vi cuốn sách này chưa đề cập đến giải pháp giúp đỡ những đứa trẻ đi bắt nạt.

Cái xấu luôn hiện hữu, điều làm nên khác biệt trong nhận thức và hình thành nhân cách ở trẻ nằm ở cách những người xung quanh trẻ đối xử tử tế như thế nào với cái xấu. Tôi mong ước chúng ta cũng có một e-Enfance – tổ chức trợ giúp trẻ em trên Internet hay có nhiều chuyên gia chống lại nạn bạo lực học đường như tác giả hơn nữa.

Trước mắt, hãy dành tặng cuốn sách này cho con bạn, học sinh của bạn khi trẻ có thể tự đọc, hoặc bạn hãy đọc để điều chỉnh “hành vi bắt nạt” vô ý của mình với trẻ và với chính mình.

Theo cô Phạm Thị Minh Xuân (Xuân Phạm), Hiệu trưởng Trường Mầm non Quốc tế Rising Star: Phụ huynh chúng ta đều tỏ ra lo lắng khi con mình là nạn nhân bắt nạt hoặc kẻ đi bắt nạt nhưng thật khó để dừng hành vi bắt nạt hoàn toàn.

Nhiều hình thức bắt nạt khó phát hiện và hậu quả ẩn giấu nặng nề của nó đối với trẻ được trình bày trong cuốn sách sẽ khiến ta giật mình.

Ngược lại với niềm tin phổ biến, nạn nhân và kẻ bắt nạt không có một hồ sơ điển hình; dù những tình huống chủ yếu được gây ra bởi sự sợ hãi và dễ bị tổn thương của nạn nhân.

Bất cứ trẻ nào cũng có thể bị bắt nạt vào thời điểm, hoàn cảnh đa dạng từ trong lớp, sân chơi, mạng xã hội, gia đình và thậm chí trong chính thế giới nội tâm của trẻ.

Cuốn sách này trình bày 15 câu chuyện bắt nạt có tính liên hệ thực tế cao, 15 lát cắt về cuộc đấu tranh tâm lí mà nhiều người trong chúng ta sẽ tìm thấy mình trong đó.

Cái vòng tròn bắt nạt luẩn quẩn của xã hội trẻ con được tác giả mô tả chân thực để tháo gỡ từng “tuyến nhân vật” và tư vấn chiến lược phù hợp với sự lựa chọn và tính cách của trẻ.

Nhờ vào chiến thuật “đảo ngược tâm lí” của Emmanuelle Piquet, trẻ có thể áp dụng quy tắc 180 độ, "hiệu ứng boomerang" hoặc "mũi tên kháng cự" để nhanh chóng chấm dứt tình trạng nạn nhân này.

Tôi thực sự mong rằng cuốn sách này sẽ được đặt vào tay của tất cả trẻ em, bố mẹ và cả các thầy cô giáo. Tôi tin bạn sẽ có cảm nhận sững sờ khi nhận ra rằng sự can thiệp không đúng cách của người lớn sẽ chỉ khiến tình trạng khổ sở của trẻ tệ hơn và hãy trả lời chân thật với mình sau khi đọc cuốn sách này: “Con bạn có đang bị bắt nạt ngay trong chính gia đình mình không vậy?”.

“Bắt nạt là một dạng bạo lực lặp đi lặp lại, bằng lời hay thể xác. Nó là việc làm của một người hay nhiều người, chống lại ai đó không thể tự vệ. Ba đặc điểm của trò bắt nạt là:

Bạo lực: đó là mối tương quan về sức mạnh và sự thống trị giữa mọi người.

Kéo dài: tức là hành động bạo lực lặp đi lặp lại trong một giai đoạn dài.

Tần suất: tức là hành động bạo lực thường lặp đi lặp lại, nhiều lần trong ngày với những trò bắt nạt nghiêm trọng”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ