Nhiều phụ huynh sau khi xem clip trên cảm thấy lo lắng khi con tự đến trường và đây cũng là lời cảnh tỉnh đối với các bậc phụ huynh có con em sử dụng xe đạp đi học.
Lo lắng khi con tự đến trường
Hiện nay, vì công việc bận rộn nên nhiều gia đình không có thời gian thường xuyên đưa đón con đi học, nhiều gia đình chọn giải pháp tối ưu là cho con đi xe đạp hay xe đạp điện đến trường. Tuy nhiên, nhiều cha mẹ khá lo lắng khi để con tự đến trường.
Chị Hà, có con học ở Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) chia sẻ: “Tôi có con lớn đang học lớp 10, trường học của cháu cách nhà vài cây số nhưng không dám thả con đi học một mình dù cháu biết đi xe đạp và nhà có xe. Tôi không yên tâm vì nào là xe cộ, nào là những tệ nạn nhan nhản ngoài xã hội. Chỉ sơ sẩy một chút là có thể ảnh hưởng đến cả tính mạng chứ không thể coi thường. Nên đành phải chịu cực ngày đưa đón con có hôm đến ba lần…”.
Anh Lê Bá Thanh, có con học Trường THPT Việt Nam - Ba Lan chia sẻ: “Xã hội hiện nay có nhiều nguy cơ tiềm ẩn, ảnh hưởng đến tâm sinh lý học sinh. Dù có nhiều phương tiện như xe ôm, xe buýt đưa đón con đi học hay di chuyển từ trường đến điểm học thêm nhưng tôi không dám để chúng tự đi.
Chính vì vậy, tôi dành rất nhiều thời gian “bám” theo con cái từ việc hằng ngày đưa đón con đi học chính quy, học thêm đến chuyện tập võ nhằm ngăn chặn những ý đồ xấu có thể xuất hiện ảnh hưởng đến các con như chuyện bị người lạ bắt cóc đến chuyện cúp cua. Con tôi là con trai nên tôi phải vừa khoanh vùng để các con luôn trong tầm quản lý, hạn chế cho chúng tiếp xúc với xã hội bên ngoài mà không có người lớn nhưng phải khéo léo để chúng không cảm thấy khó chịu mà tự nguyện chấp hành”.
Dạy trẻ biết tự bảo vệ mình
Hiện nay, khá nhiều phụ huynh sốt sắng mua xe đạp cho con khi trẻ vừa lên lớp 2 hoặc lớp 3, với nhiều lý do như bận công việc không thể đưa đón hằng ngày mà nhà thì xa trường học, hay muốn rèn cho trẻ tính tự lập ngay từ lúc nhỏ.
Tuy nhiên, chuyên gia tâm lý Thái Liên, Trung tâm tư vấn Linh Tâm nhìn nhận: “Việc dạy con em mình kỹ năng tự vệ chưa được phụ huynh và nhà trường coi trọng. Có rất nhiều chương trình kỹ năng sống dạy những điều to tát, nhưng điều đơn giản nhất lại không được quan tâm. Chẳng hạn như kỹ năng biết tự bảo vệ tài sản cá nhân, đồng thời tránh được những nguy cơ khác như xâm hại tình dục, bắt cóc...”.
Dạy trẻ biết tự bảo vệ mình là việc rất quan trọng nên bố mẹ phải bắt thực hiện luôn từ khi trẻ còn nhỏ, đừng chờ đến khi mọi sự xảy ra rồi mới cuống cuồng lo lắng. “Để dạy được con, cần kiên nhẫn từng ngày và kỳ công chứ không chỉ dặn dò suông theo kiểu “Trong giờ học từ sáng đến chiều con không được theo ai. Chỉ có ba, mẹ hoặc dì mới có thể đón con”, hay “Trong trường hợp nhờ giúp, cần thông báo trước cho con biết”. Như thế sẽ không hiệu quả”, chuyên gia tâm lý Thái Liên chia sẻ.
Cũng theo chuyên gia này, chuyện tự đi học, ngoài việc giảm gánh nặng công việc, đi lại trong ngày cho mẹ, còn tăng đáng kể sự tự lập của con. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh nên trang bị cho con những kỹ năng ứng phó với các tình huống nguy hiểm để con thoát hiểm nếu chẳng may gặp phải sự cố.