Thời gian người Việt dùng điện thoại: Con số gây sốc
Đầu tháng 4 vừa qua, ông Nitin Gajria - Giám đốc Google Việt Nam công bố con số gây sốc về số lần một người Việt cầm điện thoại lên xem mỗi ngày: 150 lần, tương đương trung bình hơn 10 lần/giờ. Báo cáo Vietnam Mobile Market 2015 của Tập đoàn Appota cho biết, trung bình, mỗi người Việt Nam sở hữu 1,4 thiết bị điện tử.
Chưa bao giờ chúng ta có nhiều màn hình đến thế. Chưa bao giờ việc kết nối với nhau trở nên dễ dàng đến thế. Thường xuyên trên bàn ăn gia đình hay trong nhà hàng, chúng ta nhìn thấy những thành viên trong gia đình, những người bạn cúi mặt xuống chiếc smartphones, tablets để nhắn tin, lướt newsfeed facebook, instagram thay vì ngẩng lên trò chuyện với nhau.
Chúng ta cũng thường xuyên bắt gặp những đứa trẻ chưa đến tuổi đi học nhưng đã thông thạo cách vào youtube xem hoạt hình siêu nhân, công chúa.
Thế hệ mới này được gọi là thế hệ thạo công nghệ, nhưng thế hệ này cũng đồng thời là thế hệ đang phải đối diện với một loạt các vấn đề mới nảy sinh: Cô đơn trên mạng, khủng hoảng ngôn ngữ và giao tiếp, trưởng thành giả,...
Các hiện tượng này, đặc biệt ở trẻ em, gây ra những vấn đề có thật trong sự phát triển của trẻ em nói riêng và sự phát triển xã hội nói chung.
Vì sao các thiết bị điện tử lại gây nghiện đến như vậy? Cha mẹ cần biết gì và làm gì để cùng con cái vượt qua được cơn nghiện smartphones? Cuộc sống trên mạng đang gây ra những rủi ro gì về cả sức khoẻ và đời sống xã hội của cha mẹ và con cái? Những câu hỏi này đang cấp thiết được đặt ra.
Chia sẻ trong hội thảo “Sống sao cùng con trong thời đại số” diễn ra sáng nay (23/4), thạc sĩ Bùi Trà My - Giáo viên Truyền thông và Văn hoá Trường phổ thông liên cấp Olympia - cho biết: Trẻ em hay người lớn nghiện sử dụng thiêtw bị chủ yếu bởi hai cảm giác chính là buồn chán và cô đơn.
Khi không có ai bắt chuyện thì chiếc điện thoại hay máy tính nối mạng lại chính là kho giải trí vô tận lấp đầy thời gian và không gian của mỗi người.
Tuy nhiên, dần dần nếu cứ phụ thuộc như vậy, chúng ta quên dần cách giao tiếp trực tiếp với nhau, đặc biệt là những đứa trẻ sinh ra trong thế giới toàn những thiết bị điện tử.
Thiết lập quy ước: Lắng nghe - trao đổi
Để giải quyết vấn đề này, thạc sĩ Bùi Trà My cho rằng, tự bản thân mỗi cá nhân cần điều chỉnh hành vi và thói quen của mình. Khi đứa trẻ chưa chủ động làm được việc đó thì cha mẹ chính là người cần kéo lại không gian đối thoại của gia đình, thay đổi thói quen sử dụng thiết bị điện tử của bản thân và giúp con người có những thói quen mới.
Thạc sĩ Phương Hoài Nga - Tổng phụ trách tư vấn học đường Trường phổ thông liên cấp Olympia - lại đưa giải pháp xây dựng và duy trò văn hóa chung để kéo lại không gia đối thoại trong mỗi gia đình.
Theo đó, bố mẹ hãy dành thời gian riêng ở bên từng con và nói chuyện, chia sẻ những sở thích cá nhân.
Bên cạnh đó, họp mặt gia đình trong những bữa cơm chiều hay những chuyến đi chơi chính là hoạt động để gắn kết.
Đây là khoảng thời gian để mọi người kể cho nhau nghe những câu chuyện thường ngày, cùng nhau lên kế hoạch mua sắm hay phân công việc nhà.
Khi những chia sẻ trong gia đình thành một thói quen, một nhu cầu cần thì việc bị thu hút bởi những cuộc hội thoại qua màn hình sẽ giảm đi.
Ngoài ra, để thời gian bên gia đình được trọn vẹn, bố mẹ có thể đặt vấn đề quy ước thời gian sử dụng thiết bị công nghệ với con trẻ. Quy ước này cần được thiết lập dựa trên việc lắng nghe và trao đổi để các con không cảm thấy bị áp đặt, kiểm soát.
Với nguy cơ tiềm ẩn khi sử dụng các thiết bị công nghệ kết nối internet như hiện nay, nhiều cha mẹ đau đầu với câu hỏi làm gì để bảo vệ con không bị ảnh hưởng bởi những tác động này.
Thạc sĩ Lê Đức Trung - Giảng viên ĐH Bách Khoa, diễn giả tại hội thảo - nhấn mạnh: Cha mẹ bảo vệ nhưng không nên xâm phạm quyền riêng tư của con.
Cách tốt nhất là cha mẹ cùng con tìm hiểu về internet, tầm quan trọng của việc bảo mật thông tin và tạo bầu không khí gần gũi để con sẵn sàng chia sẻ vấn đề đang gặp phải.
Theo báo cáo của Google năm 2015, trung bình người Việt mở điện thoại 150 lần/ngày, đánh dấu một giai đoạn phát triển đặc biệt của loài người: Giai đoạn các thiết bị kĩ thuật số, của internet, giai đoạn mà cả cha mẹ và con cái đều thuộc thế hệ thổ dân công nghệ (digital natives).
Trong bối cảnh đó, điều quan trọng là cha mẹ giúp con hiểu và làm chủ công nghệ chứ không để công cụ làm chủ, để con người vẫn phát triển tích cực với sự phát triển của đời sống xã hội hiện nay.
Thạc sĩ Lê Đức Trung