Ngày 12/11, Bệnh viện hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới phối hợp với Bệnh viện Bạch Mai tổ chức chương trình Hội thảo khoa học "Cập nhật điều trị và tối ưu hóa quy trình cấp cứu trước viện trong đột quỵ nhồi máu não cấp".
Hội thảo có sự tham gia của PGS.TS. Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm đột quỵ - Bệnh viện Bạch Mai, Trưởng bộ môn Đột quỵ mạch máu não Đại học Y Dược Đại học Quốc gia Hà Nội... và đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới, các bệnh viện tuyến huyện và một số trạm y tế xã trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.
Tại hội thảo, PGS.TS. Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm đột quỵ - Bệnh viện Bạch Mai, Trưởng bộ môn đột quỵ mạch máu não Đại học Y Dược Đại học Quốc gia Hà Nội đã trao đổi những nội dung về cấp cứu trước viện - vai trò tuyến trước; tối ưu hóa quy trình cấp cứu đột quỵ não cấp tại bệnh viện; một số cập nhật hướng dẫn điều trị...
Theo PGS.TS. Mai Duy Tôn, đột quỵ là bệnh cần được cấp cứu tối cấp và nếu không cấp cứu kịp thời sẽ gây ra tử vong và tàn phế cho bệnh nhân. Vì vậy, cấp cứu trước viện đóng một vai trò quan trọng trong việc nhận diện và rút ngắn thời gian từ khi khởi phát triệu chứng tới khi được điều trị, giúp bệnh nhân có được kết quả điều trị tốt nhất. Sự phối hợp các khoa, phòng trong bệnh viện và thống nhất quy trình giúp rút ngắn thời gian từ khi bệnh nhân nhập viện tới khi bệnh nhân được điều trị.
Điển hình khởi phát đột quỵ não thường có triệu chứng như méo miệng, nói ngọng, tê yếu tay chân, mất thăng bằng, nhìn mờ... Bệnh nhân sẽ có cơ hội được cứu sống nếu chẩn đoán đúng và khẩn cấp đưa bệnh nhân đến bệnh viện có điều trị đột quỵ gần nhất.
Theo PGS.TS. Mai Duy Tôn đột quỵ là cấp cứu tối cấp và nếu không cấp cứu kịp thời sẽ gây ra tử vong và tàn phế cho bệnh nhân. Ảnh: N.H. |
Đặc biệt, "Thời gian vàng" cấp cứu đột quỵ, với những bệnh nhân đột quỵ nhẹ và cao tuổi có thời gian khởi phát dưới 4.5h có thể xem xét trên từng trường hợp cụ thể thực hiện tiêu sợi huyết cho bệnh nhân. Với những bệnh nhân tắc mạch lớn có thời gian khởi phát dưới 4.5h thì liệu pháp bắc cầu vẫn là điều trị chuẩn (phối hợp tiêu sợi huyết tĩnh và lấy huyết khối cơ học).
Phát biểu tại hội thảo, bác sĩ Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Bệnh viện hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới cho hay, từ năm 2019, Đội Đột quỵ của bệnh viện đã ra đời (bao gồm 3 khoa: Cấp cứu, Hồi sức tích cực chống độc và Chẩn đoán hình ảnh), đã kịp thời cấp cứu thành công cho hàng trăm bệnh nhân.
Cũng theo bác sĩ Cường, trong 9 tháng đầu năm, Bệnh viện hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới đã tiếp nhận cấp cứu 850 ca đột quỵ và thực hiện kịp thời tái thông mạch máu cho 78 ca bệnh. Bệnh viện cũng là nơi điều trị đột quỵ cho người dân trong tỉnh và khu vực phụ cận.
Với những đóng góp của các y bác sĩ bệnh viện cho ngành cấp cứu đột quỵ thế giới, Bệnh viện hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới đã được Hội đột quỵ thế giới trao chứng nhận đạt tiêu chuẩn vàng quý III năm 2022.
Theo Hội đột quỵ thế giới, mỗi năm thế giới có hơn 12,2 triệu ca đột quỵ não mới, trong đó hơn 16% xảy ra ở người trẻ 15 - 49 tuổi. Về con số tử vong, mỗi năm có tới 6,5 triệu ca, với hơn 6% trong số đó là người trẻ. Ở Việt Nam, mỗi năm có 200.000 ca đột quỵ mới. Đột quỵ là nguyên nhân chính gây tử vong ở Việt Nam (21,7%) với tỷ lệ tử vong hàng năm là 150.000 ca.