Nâng cao vai trò địa phương
Theo ông Phạm Văn Khoa, Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk, trong những năm qua việc tổ chức các Kỳ thi THPT quốc gia và Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 có những thay đổi về mục tiêu, phương thức, nội dung để phù hợp với thực tiễn và mang đậm tinh thần đổi mới. Công tác tổ chức các kỳ thi tại tỉnh Đắk Lắk diễn ra nghiêm túc, trung thực, khách quan, công bằng mang lại niềm tin cho học sinh và nhân dân tại địa phương, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các nhà trường.
Đề xuất tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2021 - 2025 theo hướng cơ bản giữ ổn định như năm 2020, nâng cao vai trò của địa phương và tổ chức thi trên máy tính, ông Phạm Văn Khoa phân tích: Giữ ổn định kỳ thi tốt nghiệp là cần thiết, phù hợp với thực tế hiện nay vì Chương trình giáo dục phổ thông 2018 chưa thực hiện đối với cấp THPT. Việc đổi mới phương pháp dạy học phải đồng bộ với đổi mới kiểm tra, đánh giá vì vậy theo lộ trình thực hiện Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới phải đổi mới kiểm tra đánh giá và thi.
“Kết quả các Kỳ thi THPT quốc gia và thi tốt nghiệp THPT cho thấy tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp rất cao, đồng thời nhiều trường ĐH tổ chức kỳ thi năng lực vì vậy có thể giao quyền chủ động tổ chức kỳ thi tốt nghiệp cho các địa phương. Khoảng cách về hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông giữa vùng trung tâm và khó khăn đã rút ngắn nên việc tổ chức thi trên máy tính là khả thi và tiếp cận với phương thức thi của các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới” – ông Khoa chia sẻ quan điểm.
Cùng nhận định như trên, bà Mai Thị Lệ, Giám đốc Sở GD&ĐT Tây Ninh, cho rằng: Kỳ thi THPT quốc gia giai đoạn 2015 - 2019 và Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 là giải pháp căn cơ, thực hiện mạnh mẽ Nghị quyết số 29-NQ/TW và Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản GD-ĐT. Kỳ thi tốt nghiệp THPT đã góp phần xoay chuyển chất lượng dạy học ngày một tốt hơn phù hợp với xu thế phát triển của xã hội. Trong giai đoạn hiện nay và về sau, việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT là cần thiết nhằm tạo động lực học tập tích cực cho học sinh, góp phần duy trì nền nếp dạy, học trong các cơ sở giáo dục.
Do mục đích, tính chất và tầm quan trọng của Kỳ thi tốt nghiệp THPT, bà Mai Thị Lệ cho biết: Sở GD&ĐT Tây Ninh đề xuất Bộ GD&ĐT duy trì kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2021 - 2025 trên cơ sở xây dựng hoàn thiện và phù hợp với thời đại công nghệ số. Cụ thể, giai đoạn 2021 - 2023 tiếp tục ổn định cơ bản như kỳ thi năm 2020 (thi trên giấy); đồng thời chuẩn bị trang thiết bị, ngân hàng đề thi phục vụ thi tốt nghiệp THPT trên máy tính. Giai đoạn 2024 - 2025, song song với việc thi trên giấy, cần thí điểm tại một số địa phương hội đủ các điều kiện theo quy định để tổ chức thi tốt nghiệp THPT trên máy tính nhằm hướng đến tổ chức đồng loạt thi tốt nghiệp THPT trên máy tính cho nhiều kỳ trong năm.
Xây dựng lộ trình đổi mới
Ông Phạm Văn Đại, Phó Giám Đốc Sở GD&ĐT Hà Nội nhận định: Kỳ thi THPT quốc gia 2015 - 2019 và Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 đã đạt được mục tiêu đề ra, đó là lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT; làm cơ sở đánh giá chất lượng dạy, học của trường phổ thông và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục. Các cơ sở giáo dục ĐH, giáo dục nghề nghiệp có thể sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh. Ưu điểm của kỳ thi là giảm được chi phí cho Nhà nước trong các khâu tổ chức kỳ thi; giảm chi phí, thời gian cho gia đình thí sinh vì không phải đưa con đi xa để dự thi; giảm số lần dự thi đồng nghĩa giảm căng thẳng cho thí sinh. Đề thi được sử dụng chung trong toàn quốc tức là có thước đo chung nên đánh giá được chất lượng dạy, học của các trường phổ thông; Tạo thuận lợi cho thí sinh được quyền lựa chọn những môn thi phù hợp với khả năng và nguyện vọng. Quy chế thi được ban hành tại Thông tư số 15 của Bộ GD&ĐT có nhiều thay đổi theo hướng quy định quy trình tổ chức thi được chặt chẽ nên Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 đã tạo niềm tin cho xã hội.
Đề xuất tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2021 - 2025 theo hướng cơ bản giữ ổn định như năm 2020, nâng cao vai trò của địa phương và tổ chức thi trên máy tính, đại diên Sở GD&ĐT Hà Nội cho rằng: Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm xây dựng ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa, xây dựng đề thi, ban hành quy chế thi và tổ chức thanh tra, giám sát kỳ thi. Các địa phương chịu trách nhiệm tổ chức kỳ thi (coi thi, chấm thi, phúc khảo) và xét tốt nghiệp.
Phương thức thi giữ nguyên như năm 2020, môn Ngữ văn thi bằng hình thức tự luận; các môn còn lại thi bằng hình thức trắc nghiệm khách quan. Thí sinh được lựa chọn bài thi tổ hợp/tích hợp (chọn một bài hoặc cả hai bài). Áp dụng thi trên máy tính với Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2023 cho các bài thi trắc nghiệm khách quan tại địa phương đủ điểu kiện, tiến tới áp dụng trong toàn quốc.
Về tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp, đề xuất của Sở GD&ĐT Hà Nội là tổ chức nhiều đợt thi trong một năm. Những thí sinh đã hoàn thành chương trình THPT được tham gia dự thi; thí sinh được dự thi nhiều lần (nhà nước miễn phí 1 lần cho thí sinh, các lần thi khác phải nộp phí theo quy định). Các lần dự thi cách nhau ít nhất 2 tháng (để có thời gian thí sinh bổ sung kiến thức còn thiếu). Thí sinh đạt yêu cầu được sở GD&ĐT cấp bằng tốt nghiệp THPT. Thí sinh được quyền lựa chọn kết quả của các lần thi (nếu có) để đăng ký tuyển sinh ĐH (nếu trường ĐH có nhu cầu sử dụng kết quả thi tốt nghiệp).