Giữ ổn định Kỳ thi THPT quốc gia: Mang lại nhiều hiệu quả tích cực

GD&TĐ - “Qua từng năm tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia, có thể nhận thấy, Bộ từng bước có những điều chỉnh và thay đổi, nhưng những điều chỉnh đó đều vì mục đích tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh. Thực tế đã chứng minh khi kỳ thi năm sau thuận lợi hơn năm trước” - bà Nguyễn Thị Kim Chi – Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An chia sẻ.

Giữ ổn định Kỳ thi THPT quốc gia: Mang lại nhiều hiệu quả tích cực

Đây là điều mà thầy trò đều mong đợi

Từ năm 2015, Bộ GD&ĐT bắt đầu tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia lấy kết quả vừa để xét tốt nghiệp THPT, vừa để xét tuyển đại học, cao đẳng. Những năm tiếp theo, Bộ có những bước điều chỉnh về cách thức, kỹ thuật để tổ chức kỳ thi phù hợp hơn.

Kỳ thi không những đã tạo bước đột phá lớn trong giáo dục, mà còn nhận được sự tham gia vào cuộc và đồng thuận của xã hội. Năm học này, Bộ GD&ĐT quyết định giữ ổn định phương án thi THPT quốc gia theo cách thức đến năm 2020, việc tổ chức các bài thi, môn thi được giữ ổn định như năm 2017 gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội.

Quyết định này đưa ra nhanh chóng được các nhà trường, giáo viên, học sinh tiếp nhận. Thầy Phan Trọng Đông – Hiệu trưởng Trường THPT Diễn Châu 2, huyện Diễn Châu chia sẻ:

Thật sự, đây là điều mà cả thầy và trò mong chờ, bởi nó giúp nhà trường ổn định việc tổ chức dạy - học, xây dựng chương trình ôn tập kiến thức cho học sinh, bố trí giáo viên giảng dạy, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, lập ma trận đề thi… ngay từ thời điểm đầu năm học mới.

Bên cạnh đó, giúp cả học sinh lẫn phụ huynh yên tâm hơn về mặt tâm lý, không có bất kỳ sự xáo trộn lo lắng nào nữa về Kỳ thi THPT quốc gia.

Thực tế, ngay từ khi bước vào năm học mới, hầu hết các trường THPT trên địa bàn tỉnh Nghệ An đều đã chủ động chương trình năm học, tổ chức cho học sinh đăng ký ôn tập theo các tổ hợp môn.

Các trường cũng xác định, dù với hình thức, cách thức thi nào, thì đều trên cơ sở một nền tảng kiến thức, chương trình sách giáo khoa. Vì thế, đảm bảo kiến thức cho học sinh là điều kiện quan trọng và trước hết, giúp các em có thể thích ứng với bất kỳ cấu trúc đề thi nào.

Tuy nhiên, việc ổn định một phương án tổ chức kỳ thi, giúp nhà trường, học sinh kế thừa những kinh nghiệm mùa thi trước và có định hướng về cả thi THPT lẫn tuyển sinh ĐH, CĐ.

Em Nguyễn Tú Ánh - học sinh lớp 12A2 Trường THPT Nguyễn Trường Tộ, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An - tâm sự: Bước vào năm học 12 là năm quan trọng chuẩn cho Kỳ thi THPT quốc gia nên em cũng có chút lo lắng, không biết liệu rằng Bộ GD&ĐT có điều chỉnh gì trong cách tổ chức không.

Nhưng bây giờ, việc chốt phương án thi giúp em yên tâm hơn, tự tin hơn trong ôn tập các môn thi. Cậu học trò cũng cho biết, em có niềm đam mê với nghề giáo, nên em sẽ đăng ký thi đại học ngành sư phạm.

Thời gian tới, em sẽ tập trung ôn tập theo sự hướng dẫn của thầy cô giáo ở trường, tìm thêm các tài liệu tham khảo, đọc thông tin trên mạng Internet, thử làm những đề thi thử theo mẫu đề thi minh họa những năm trước để rèn luyện kỹ năng làm bài thi.

Kỳ thi tạo động lực nâng cao chất lượng giáo dục

Theo thầy Trần Đình Hoàng – Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trường Tộ (Hưng Nguyên, Nghệ An): Tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia với các môn thi, bài thi như năm 2017 có nhiều hiệu quả tích cực.

Thứ nhất, kỳ thi đã giảm từ 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh ĐH, CĐ lại thành 1 kỳ thi THPT quốc gia, giảm thời gian thi, các buổi thi, từ đó giảm áp lực cho thí sinh và phụ huynh.

Thứ hai, kỳ thi diễn ra nhẹ nhàng hơn rất nhiều khi đưa về địa phương tổ chức, tiết kiệm chi phí toàn xã hội nói chung và cho từng gia đình học sinh nói riêng, cụ thể là với trường chúng tôi, các em đều là con em xuất thân trong gia đình nông nghiệp, vùng chiêm trũng, đời sống hết sức khó khăn, vất vả.

Thứ 3, kỳ thi diễn ra hết sức nghiêm túc, khách quan, với mỗi thí sinh một mã đề đã giảm hẳn tình trạng tiêu cực quay cóp trong thi cử. Qua đó, tác động trực tiếp đến ý thức dạy và học cho mỗi giáo viên và học sinh.

Đây là điều rất đáng ghi nhận. Các em học hành tự giác hơn, vì biết được không thể quay cóp, trao đổi bài trong kỳ thi. Và khi học sinh có thói quen và ý thức chăm học, học “thực chất” thì thầy cô lại “khỏe ra”, không còn phải cầm tay chỉ bài, mà hướng dẫn để các em chủ động tìm hiểu, tiếp cận kiến thức. Không khí học tập trong trường sôi động hẳn lên.

Thầy Hoàng cũng cho biết, mặc dù Trường Nguyễn Trường Tộ không nằm ở trung tâm huyện, điểm đầu vào của học sinh thấp, nhưng Kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, trường có 1 em đạt 28,5 điểm khối A cao nhất huyện Hưng Nguyên, ngoài ra có nhiều em điểm khá.

Với một kỳ thi tạo ra nhiều động lực như thế, thì việc giữ ổn định cho đến năm 2020 là điều đáng mừng và cần thiết. Năm học này, các giáo viên trong trường cũng bắt đầu có kinh nghiệm trong giảng dạy các môn trắc nghiệm, chịu khó tự đổi mới phương pháp dạy học, sinh hoạt chuyên môn, để đáp ứng với sự đổi mới giáo dục, cách thức thi, kiểm tra, đánh giá học sinh.

Đánh giá về việc tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia, bà Nguyễn Thị Kim Chi – Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An - cho rằng: Qua từng năm tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia, có thể nhận thấy Bộ GD&ĐT từng bước có những điều chỉnh và thay đổi, nhưng những điều chỉnh đó đều vì mục đích tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh. Thực tế đã chứng minh khi kỳ thi năm sau thuận lợi hơn năm trước, học sinh, phụ huynh không phải đi xa để dự thi, an toàn tiết kiệm cho toàn xã hội, chất lượng kỳ thi ngày càng được nâng cao, khách quan, chính xác và khoa học hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ