Vì vậy, việc bảo tồn nghề truyền thống này rất cần thiết để giữ lại giá trị văn hóa trên rẻo cao.
Lấy dây rừng làm giấy
Tủa Chùa là huyện vùng cao đặc biệt khó khăn của Điện Biên, đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Trong đó, người Mông bao đời nay luôn biết tận dụng những vật liệu sẵn có của thiên nhiên để làm một số vật dụng phục vụ cuộc sống sinh hoạt, như trúc, tre để đan lu cở, trồng lanh dệt vải... Đặc biệt, nghề làm giấy được duy trì, bởi sản phẩm của nghề thường gắn với cuộc sống tâm linh của người dân nơi đây.
Đến với các bản làng của người Mông, chúng tôi theo chân chị Thào Thị Mày tại thôn Sín Sủ 2, xã Xá Nhè để tìm hiểu về quy trình làm giấy truyền thống mà gia đình chị đang áp dụng.
Chị Mày chia sẻ: “Nghề làm giấy truyền thống của đồng bào Mông huyện Tủa Chùa có từ lâu đời. Thường người Mông làm giấy vào mùa nông nhàn, mùa khô, nắng ráo, thời điểm mùa vụ kết thúc. Đó cũng là lúc họ có nhiều thời gian để may vá, thêu thùa, làm giấy, cũng như đem ra phơi giấy mới khô nhanh, được giấy trắng và đẹp”.
Đặc biệt, cũng giống như nghề dệt, việc làm giấy luôn được phụ nữ đảm nhiệm. Họ chính là lực lượng đang phát huy tốt nhất giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc gắn với phát triển du lịch như mục tiêu trong Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã đề ra.
Theo chị Thào Thị Mày, người Mông làm giấy từ nhiều loại cây rừng. Một số vùng làm từ cây giang non, nhưng ở Tủa Chùa, người Mông làm bằng dây nhớt. Loại cây này cho giấy với tỷ lệ khoảng 70%. Đây cũng là loại dây rừng dễ kiếm và cũng dễ làm, nhất là trong khâu đập giập, xay nhuyễn…
Tuy nhiên, cây nhớt chỉ có nhiều ở một mùa nhất định nên để sử dụng lâu dài, người Mông đã nghĩ ra cách phơi khô, bảo quản cây để dùng trong những dịp cần thiết. “Chúng tôi lấy dây nhớt ở trên rừng về rồi tách vỏ, phơi khô. Sau đó cuộn lại cất đi khi cần làm giấy thì lấy ra dùng”, chị Mày cho biết.
Sau khi lấy được dây nhớt, chị Thào Thị Mày phấn khởi giới thiệu cho chúng tôi các bước để làm một tờ giấy truyền thống: Nhớt sau khi tách bỏ vỏ rồi đem luộc với tro bếp.
Càng nhiều tro bếp thì dây càng nhừ và giấy sau này làm ra càng trắng. Sau khi đun khoảng 2 tiếng, bỏ ra giặt lại với nước sạch hoặc có thêm xà phòng cho trắng. Sau đó đem ra đập nát hoặc mang đi xay nhuyễn và pha với nước thành hỗn hợp đặc.
Dụng cụ để làm giấy không thể thiếu là một chiếc khuôn tráng giấy. Khuôn căng bằng vải, có chiều dài khoảng 2m. Chỗ bột giấy vừa pha nước được tưới đều lên khuôn. Lúc này, giấy dày hay mỏng, đều hay không rất cần bàn tay khéo léo người phụ nữ.
Sau đó nhấc khuôn lên, nước chảy xuống qua lớp vải đọng lại bột giấy bám vào mặt khuôn. Khuôn được phơi ngoài nắng khoảng một buổi, nước sẽ thoát qua vải hoặc bay hơi, còn lại trên mặt khuôn là tờ giấy thành phẩm: Dai, xốp và có màu trắng đục đặc trưng của giấy truyền thống người Mông.
Cũng tương tự như giấy dó làm tranh Đông Hồ, mặt trên tờ giấy truyền thống của người Mông cũng không mịn, nó nổi rõ những vết sần của sợi cây. Tuy nhiên, đối với người Mông, những tờ giấy dù không nhẵn mịn nhưng được làm ra từ chính bàn tay của mình sẽ có ý nghĩa hơn.
“Bố mẹ mình trước kia cũng làm giấy từ cây rừng. Giấy làm ra dù không được đẹp nhưng sản phẩm do chính tay mình tạo ra dùng mới ý nghĩa. Từ đó, mình cũng đã học và làm theo cách mà bố mẹ truyền lại để có những tờ giấy phục vụ cho gia đình”, chị Thào Thị Mày tâm sự.
Cũng theo chị Mày, người dân nơi đây không rõ giấy bản có từ bao giờ, chỉ biết đây là phong tục được truyền từ đời này sang đời khác. Chị Mày cũng được mẹ truyền lại cách thức làm giấy bản từ khi còn là thiếu nữ.
Bảo tồn nghề truyền thống
Công việc làm giấy khá đơn giản. Thế nhưng để làm xong một tấm giấy dó phải mất khoảng 3 đến 4 ngày. Những tờ giấy người Mông làm ra không dùng để viết chữ, in sách, mà nó được dùng vào những nghi lễ thờ cúng mang tính chất tâm linh, tín ngưỡng, tờ giấy cùng những lễ vật gửi gắm sự thành kính của đồng bào với tổ tiên mình.
Vào ngày Tết, đồng bào Mông dùng giấy dó dán bàn thờ, trang trí xung quanh nhà như cột, cửa. Đặc biệt, khi vào nhà người Mông, sẽ thấy những mảnh giấy được cắt thành nhiều hình thù khác nhau, dán thêm mấy túm lông gà được treo lên tường để trang trí “xử ca” (bàn thờ). Đối với người Mông, xử ca là nơi linh thiêng nhất.
Bà Sùng Thị Chu (thôn Sín Sủ 2, xã Xá Nhè) chia sẻ: “Đối với người Mông, trong những ngày lễ, Tết thì không thể thiếu loại giấy này. Giấy được trang trí với ý nghĩa tâm linh, mong mọi điều tốt lành, cầu cho gia đình bình an, mạnh khỏe, hạnh phúc và xua đuổi tà ma, tránh đen đủi trong cuộc sống”.
Theo bà Chu, phong tục làm giấy bản thể hiện sự gắn kết giữa người sống với tổ tiên và thần linh. Mỗi khi Tết đến, dù nhà giàu hay nghèo, người Mông ngày nay vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống này. Chính vì thế, bà thường làm giúp con cái, người thân và mong muốn truyền dạy cho con cháu để gìn giữ nghề truyền thống của cha ông để lại.
Nghề làm giấy cũng giống như nghề thêu, nghề rèn, sản phẩm của nó không thế thiếu được trong cuộc sống của đồng bào Mông. Mặc dù qua thời gian, nghề làm giấy truyền thống dần mai một nhưng đối với đồng bào Mông huyện Tủa Chùa nghề làm giấy vẫn đang được gìn giữ cho những thế hệ mai sau.
Vậy nên, thời gian qua, thôn Sín Sủ 2, xã Xá Nhè đã tích cực vận động các hộ gia đình tham gia làm giấy truyền thụ lại cho thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, khuyến khích phụ nữ Mông phát triển nghề làm giấy đem lại thu nhập đáng kể cho người dân nhằm trang trải trong cuộc sống góp phần phát triển kinh tế gia đình.
Có mặt tại chợ phiên Xá Nhè, hay những phiên chợ vùng cao khác ở Tủa Chùa, không khó để bắt gặp các sạp hàng giấy thủ công truyền thống được bà con bày bán, trao đổi. Bà Lờ Thị Chang - Chủ tịch Hội Nông dân xã Xá Nhè, huyện Tủa Chùa cho biết: Thực hiện đề án 24 ngày 23/6/2016 của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về Xây dựng Chi hội nghề nghiệp, Tổ hội nghề nghiệp, từ năm 2016 đến nay, huyện Tủa Chùa đã thành lập được 19 Chi hội và 31 Tổ hội nghề nghiệp, trong đó có 1 tổ hội nghề nghiệp làm giấy truyền thống của đồng bào Mông.
“Việc thành lập Tổ hội nghề nghiệp giấy truyền thống đã giúp liên kết các hộ gia đình lại với nhau. Đồng thời, họ có cơ hội học tập, trao đổi kinh nghiệm và chia sẻ lẫn nhau cùng tạo ra các sản phẩm giấy chất lượng hơn đáp ứng yêu cầu thị trường trong và ngoài huyện. Tổ hội nghề nghiệp giấy đã chủ động mang những sản phẩm ra ngoài thị trường bán. Trong mỗi phiên chợ, các hội viên của tổ hội cũng có thể kiếm thêm thu nhập dao động từ 1 - 2 triệu đồng”, bà Lờ Thị Chang nói.
Có thể thấy, trong cuộc sống hiện đại, sản phẩm giấy truyền thống của người Mông có thể ra chợ mua được. Nhưng mỗi dịp Tết đến, xuân về hầu hết bà con vùng cao Tủa Chùa vẫn tự làm giấy như một thói quen thể hiện lòng thành kính. Vì vậy, bảo tồn nghề làm giấy thủ công cũng chính là bảo tồn một nét văn hoá truyền thống đặc sắc của dân tộc Mông: Văn hóa thờ cúng tổ tiên bao đời nay.
Hội Nông dân huyện đã xây dựng kế hoạch, công văn hướng dẫn, chỉ đạo Hội Nông dân các xã, thị trấn tuyên truyền, thành lập các chi hội, tổ hội nghề nghiệp. Các chi hội, tổ hội nghề nghiệp đã đem lại hiệu quả kinh tế, nhất là kinh tế tập thể để hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo - Bà Lò Thị Hạnh (Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tủa Chùa, Điện Biên).