Giữ hồn sen giấy Thanh Tiên

GD&TĐ - Bao năm sống chết cùng nghề làm hoa sen giấy, họa sĩ Thân Văn Huy và các cộng sự chỉ mong muốn nghề làm hoa giấy của làng Thanh Tiên (xã Phú Mậu, Phú Vang, Thừa Thiên Huế) được bảo tồn  

Họa sĩ Thân Văn Huy chăm chút bên từng cánh sen giấy
Họa sĩ Thân Văn Huy chăm chút bên từng cánh sen giấy

50 năm kể từ ngày bông sen giấy đầu tiên ra đời trên mảnh đất Thanh Tiên, không biết bao lần người họa sĩ chân quê ngậm ngùi nhìn nghề làm sen giấy đang dần mai một trên mảnh đất quê hương.

Thân Văn Huy lớn lên từ làng Thanh Tiên, vùng đất nổi tiếng bởi nghề trồng hoa và làm hoa giấy. Vừa mở mắt chào đời, anh đã chạm ngay sắc màu tươi tắn của cuộc sống và hương hoa đắm đuối đến lạ kỳ. 

Những ngày ấu thơ, tuy sống xa cha mẹ nhưng anh lại được sưởi ấm trong vòng tay dịu hiền của bà. Vì thế, ký ức về tuổi thơ trong anh luôn là một khoảng trời trong trẻo và ngập tràn hạnh phúc. 

Bà anh ngày ngày bươn chải với mảnh vườn nhỏ nhưng cũng đủ nuôi anh khôn lớn và học hành bằng bạn bằng bè. Khó khăn, thiếu thốn đủ điều, anh vẫn quyết tâm trở thành họa sĩ.

Năm 1968, Thân Văn Huy thi đỗ vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế. Thế là, sáng sáng, khi trời còn mờ tối và cây cỏ hai bên đường vẫn còn thơm phưng phức hương đêm, anh đã thức dậy, cuốc bộ trên con đường làng, vượt chuyến đò ngang sang phố cổ Bao Vinh đón xe lam để đến trường. 

Vất vả là thế, nhưng cứ hễ cầm cọ là anh quên hết, chỉ biết vẽ, miệt mài và say mê. Dường như, cậu bé “nhà quê” ấy đã thanh lọc tất cả nét đẹp tinh tuý mà anh nhặt nhạnh được trên con đường sáng sáng đến trường để đưa vào tranh hoa sen và sau đó là việc phục dựng và bảo tồn nghề làm hoa sen giấy có từ 50 năm trước ở ngôi làng hạ lưu sông Hương,

Họa sĩ Thân Văn Huy tâm sự: Muốn làm hoa sen giấy cần có sự công phu, hơn nữa sen giấy khó có thị trường thế nên không mấy ai mặn mà. 

Giấy làm hoa sen thường là giấy dó hay giấy vẽ, hiện nay thay bằng giấy A4. Giấy được gấp lại theo những đường gấp nhỏ sau đó dùng keo dính lại thành chùm như cánh sen. Cuống sen được làm từ những thân mây khô. Công phu nhất là công đoạn nhuộm màu cho cánh sen.

Trước đây các nghệ nhân thường nhuộm theo kiểu truyền thống, hoa khi đã làm xong được nhuộm màu hồng hết. Nhưng với cách áp dụng nghệ thuật nhuộm của hội họa, mình đã làm cho những cánh sen có sắc màu độc đáo, từ hồng đậm, nhạt dần và phớt trắng. Nó tạo nên cái hồn cho cánh sen. 

Nếu như đóa sen ngày xưa chung một gam màu thì bây giờ, điểm làm nên sự độc đáo là cánh hoa có sự đậm, nhạt nhưng không tách biệt. Màu từ đậm ở phía chóp hoa bắt đầu chuyển sang nhạt dần ở cuống hoa. Yêu cầu này đòi hỏi những tay thợ cần có chút am hiểu về nghệ thuật.

Hai anh em họa sĩ Thân Văn Huy, Thân Văn Hoài lặng lẽ bảo tồn nghề làm hoa sen giấy
Hai anh em họa sĩ Thân Văn Huy, Thân Văn Hoài lặng lẽ bảo tồn nghề làm hoa sen giấy  

Âm thầm tìm cách phục dựng nghề làm sen giấy, họa sĩ Thân Văn Huy cùng nhiều cộng sự của mình là em trai Thân Văn Hoài và  những phụ nữ trong làng tìm cách làm thử, không ngờ kết quả rất mỹ mãn. 

Những bông hoa đầu tiên được đem đi trưng bày trong các triển lãm đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của công chúng. Sự lên ngôi ngoạn mục nhất có lẽ là những đơn đặt hàng với hàng vạn hoa sen sau đợt Festival Huế năm 2010.

Anh Thân Văn Hoài - Người em trai vừa là cộng sự đắc lực của anh Huy bao năm nay kể lại: “Làm hoa này không khó nhưng do công phu, thị trường lại không có nên các hộ trong làng đều bỏ, chỉ làm các loại hoa thờ cúng mà thôi.

Từ ngày phát triển thêm nghề làm hoa sen giấy khắp xóm làng ai cũng vui mừng vì chính nghề làm sen giấy đã giúp bà con kiếm thêm thu nhập trong những ngày nông nhàn, riêng du khách rất thích thú với loại sen giấy này. 

Chúng tôi sẽ khôi phục và giới thiệu nó trong các cuộc triển lãm bầu chọn quốc hoa và các lễ hội Festival thường niên ở Huế. Qua đó có thể tìm kiếm thị trường nhằm làm sống lại làng hoa truyền thống này”.

Giữ hồn sen giấy Thanh Tiên ảnh 2Giữ hồn sen giấy Thanh Tiên ảnh 3Giữ hồn sen giấy Thanh Tiên ảnh 4Giữ hồn sen giấy Thanh Tiên ảnh 5

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ