Giữ gìn và lan tỏa Bảo vật quốc gia 'Nhật ký trong tù'

GD&TĐ - Bảo vật quốc gia 'Nhật ký trong tù' luôn được đặc biệt giữ gìn và lan tỏa sâu rộng, không chỉ trong nước mà cả thế giới.

Bìa cuốn 'Nhật ký trong tù' dịch sang chữ Hebrew và Galicia. Ảnh: Võ Xuân Quế.
Bìa cuốn 'Nhật ký trong tù' dịch sang chữ Hebrew và Galicia. Ảnh: Võ Xuân Quế.

Bảo vật quốc gia “Nhật ký trong tù” luôn được đặc biệt giữ gìn và lan tỏa sâu rộng, không chỉ trong nước mà cả thế giới. Cũng bởi, những áng thơ được hoàn thành ngay trong lao tù này “có đời sống đặc biệt và giá trị văn hóa, nghệ thuật độc đáo, đặc sắc, làm phong phú thêm di sản văn hóa và cách mạng cao quý của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương nhấn mạnh.

Từ cho riêng mình…

Tại Hội thảo khoa học “80 năm “Nhật ký trong tù” - Những giá trị bền vững, sức lan tỏa sâu rộng”, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đều cho rằng ngay chính tác giả – Hồ Chí Minh khi viết nên những vần thơ bằng chữ Hán này không hề có chủ ý để trở thành thi nhân mà chỉ đơn giản rằng: “Ngâm thơ ta vốn không ham/Nhưng vì trong ngục biết làm chi đây?/Ngày dài ngâm ngợi cho khuây/Vừa ngâm vừa đợi đến ngày tự do” (Khai quyển, Nam Trân dịch).

“Theo khảo cứu của chúng tôi, khi sáng tác “Nhật ký trong tù”, Hồ Chí Minh hoàn toàn không cố ý sáng tác nghệ thuật thi phú. Trong bối cảnh đọa đày lao ngục, Người sáng tác thơ với một mục đích duy nhất là để tạo ra “sức mạnh” giúp bản thân mình vượt qua những ngày tháng bị giam cầm, đày đọa”, TS Phạm Văn Luân - Trường Đại học Văn hóa TP Hồ Chí Minh cho biết.

GS Phong Lê thì khẳng định ““Ngục trung nhật ký” (Nhật ký trong tù) là một tập thơ ngẫu nhiên mà có trong một hoàn cảnh đặc biệt, đó là: Bác đã sang Trung Quốc và bị giam giữ ở nhiều nơi trong 14 tháng. Nếu không có hoàn cảnh đó, chắc chắn sẽ không có tập thơ".

Trang bìa cuốn 'Ngục trung nhật ký' (Nhật ký trong tù), Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong thời gian bị giam giữ tại nhà tù tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc năm 1942 - 1943. Ảnh: BTLSQG

Trang bìa cuốn 'Ngục trung nhật ký' (Nhật ký trong tù), Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong thời gian bị giam giữ tại nhà tù tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc năm 1942 - 1943. Ảnh: BTLSQG

“Với “Nhật ký trong tù”, ta may mắn có được bức chân dung tự họa của con người Hồ Chí Minh. Rồi với cuộc đời Hồ Chí Minh ta càng hiểu thêm giá trị “Nhật ký trong tù”. Không có độ chênh giữa tác phẩm và tác giả. Hơn, và khác với bất cứ ai khác, có thể có độ chênh ít nhiều, thậm chí có khi khác biệt giữa văn và người, với Hồ Chí Minh, con người thực là bảo đảm bằng vàng cho thơ. Dẫu vậy, thơ chỉ mới nói được một phần nhỏ về người. Con người Hồ Chí Minh lớn hơn bất kỳ sự thể hiện nào trong thơ. Nhưng thơ, để hiểu con người, và để hiểu rộng ra nhiều điều khác nữa; và thơ - trong những lay động sâu xa về tình cảm và khát vọng hướng tới cái Đẹp, cái Cao thượng... như trong “Nhật ký trong tù” lại là một sản phẩm quý giá, không gì thay thế được, càng không gì so sánh được”. GS Phong Lê

"Một tập thơ Bác làm từ tháng 8/1942 đến tháng 9/1943; nhưng phải 17 năm sau bản dịch tiếng Việt mới đến được với công chúng rộng rãi trong nước, và qua các bản dịch ra nhiều thứ tiếng nước ngoài mà đến được với công chúng thế giới.

Với điểm dừng cuối cùng là Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia - PV), như được nói trong Lời nói đầu bản dịch “Nhật ký trong tù”, in lần đầu năm 1960; và với khoảng cách 17 năm trong im lặng của nó, chứng tỏ người viết không quá quan tâm đến một sản phẩm do chính mình làm ra.

Nói cách khác, phải chăng Hồ Chí Minh đã không xem đó là một áng văn chương, hoặc có giá trị văn chương thực sự?”, GS Phong Lê đặt câu hỏi.

Cùng với đó, ông còn băn khoăn: Vì sao Hồ Chí Minh chọn chữ Hán và thể thơ Đường luật để viết “Ngục trung nhật ký”?.

Bên cạnh lý giải, vì chỉ chữ Hán mới là “phương thức chuyên chở và thể hiện thích hợp nhất”, ông còn cho rằng, với “Ngục trung nhật ký”, khác với tất cả các tác phẩm viết trong 23 năm về trước, đó là tập thơ Bác chỉ viết cho riêng mình. Không phải cho công chúng của tiếng Pháp khi ở phương Tây, hoặc của tiếng Việt sau khi về nước, ở đây là một nhu cầu ghi chép thực tại, và các trạng huống của nội tâm, mà người đọc không có ai khác ngoài bản thân mình.

““Ngục trung nhật ký” ra đời một cách ngẫu nhiên, không có sự chuẩn bị. Cũng có nghĩa tác giả ở đây là một nhà thơ không chủ định. Không có ý định làm thơ, không ham làm thơ, như bốn câu thơ trong bài “Khai quyển””, GS Phong Lê nhấn mạnh.

Gọi “Nhật ký trong tù” là “bông hoa đặc sắc cuối mùa của vườn hoa Đường thi Hán tự Việt Nam”, GS Nguyễn Đình Chú cũng cho rằng tác phẩm này khác thường và mới lạ về hoàn cảnh sáng tác và động cơ sáng tác so với các vị ươm trồng hoa thuở trước.

Ông phân tích: “Thuở trước, các vị lúc nào hứng lên thì làm thơ. Ví như với các vị thiền sư thì đó là những lúc suy cảm, hứng thú về triết lý Phật đạo, về lẽ đời thì làm thơ.

Với Nho gia là lúc vui thú với danh lam thắng cảnh của đất nước, là lúc rạo rực với hào khí Đông Á, là lúc nghĩ đến vận nước đã suy, là lúc giận đời bất công ngang trái làm khổ người dân, là lúc thương mình cô đơn không tri âm... thì làm thơ. Còn đây, với tác giả “Ngục trung nhật ký” là làm thơ trong hoàn cảnh bị tù…”.

Cùng với đó, GS Nguyễn Đình Chú còn nhận định: ““Nhật ký trong tù” khác thường và mới lạ ở phương diện sử dụng thể tài (forme littéraire) là Đường thi Hán tự nhưng về thể loại (genre littéraire) là nhật ký chứ không phải cảm tác, ngôn hoài, thuật hoài, tự thuật, tự tình... Có thể nói, tính chất nhật ký của “Ngục trung nhật ký” là một hiện tượng độc nhất vô nhị trong vườn hoa Đường thi Hán tự Việt Nam”.

Hình bìa CD 'Songs From A Prison Diary' (Những bài hát từ “Nhật ký trong tù” và tracklist). Ảnh: Võ Xuân Quế.

Hình bìa CD 'Songs From A Prison Diary' (Những bài hát từ “Nhật ký trong tù” và tracklist). Ảnh: Võ Xuân Quế.

Đến giá trị nhân loại

Dù Hồ Chí Minh viết không từ chủ ý của một thi nhân mà viết cho riêng mình nhưng ngay khi được công bố rộng rãi “Nhật ký trong tù” liền có vị trí quan trọng trên văn đàn với những giá trị riêng biệt, độc đáo và trở thành thi phẩm đặc sắc mang giá trị nhân loại.

TS Phạm Văn Luân nhận xét: “Vượt qua mọi giới hạn và theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, “Nhật ký trong tù” đã thực sự trở thành một tác phẩm thi ca lớn, có nhiều giá trị thuộc vào hàng tác phẩm tiêu biểu của văn học cận, hiện đại Việt Nam, mà sức hấp dẫn lâu bền với nhiều thế hệ bạn đọc ở cả trong nước lẫn ngoài nước”.

GS Phong Lê cũng đánh giá, giá trị thơ của “Ngục trung nhật ký” được khẳng định ngay sau khi ra mắt, trên cả hai văn bản chữ Hán và chữ Việt; và trên các bản dịch ra nhiều thứ tiếng nước ngoài, như Pháp, Nga, Anh, Tây Ban Nha, Ả Rập, Thụy Điển, Tiệp Khắc, Hàn Quốc, Nhật Bản...

“Kể từ 1960 trở đi, trên số lượng hàng triệu bản in, hàng chục bản dịch; với hàng trăm công trình giới thiệu, hàng nghìn buổi nói chuyện của những học giả và thi nhân hàng đầu trong nước và trên thế giới, “Ngục trung nhật ký” đã có thể can dự một cách tích cực vào sinh hoạt văn hóa, tinh thần của dân tộc và nhân loại”, GS Phong Lê nhấn mạnh.

Trang cuối cuốn “Nhật ký trong tù” có bút tích ghi chép bằng chữ Hán. Ảnh: BTLSQG.

Trang cuối cuốn “Nhật ký trong tù” có bút tích ghi chép bằng chữ Hán. Ảnh: BTLSQG.

Theo PGS.TS Phạm Thành Hưng, “Nhật ký trong tù” của Hồ Chí Minh thuộc trong số rất ít những tác phẩm có sức lan tỏa quốc tế nhanh chóng, và sâu rộng. Chỉ một vài năm sau khi xuất bản, tập thơ đã được dịch ra bốn ngôn ngữ được nhiều người dùng nhất là Anh, Pháp, Nga, Trung. Cũng ngay sau đó hàng chục bản dịch của nhiều nước nối tiếp nhau xuất hiện.

“Sức cuốn hút của tác phẩm không loại trừ uy tín chính trị của tác giả, nhưng chủ yếu vẫn là từ giá trị nghệ thuật độc đáo của nó… Ba bản dịch “Ngục trung nhật ký” trong đời sống văn hóa văn học Séc đã từng bước nhấn mạnh từ nội dung hiện thực đời sống của một lãnh tụ chính trị sang nội dung tư tưởng thẩm mỹ và chiều sâu văn hóa của một sáng tác thi ca đặc biệt…”, PGS.TS Phạm Thành Hưng cho biết.

PGS.TS Nguyễn Thu Hiền, Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội cho rằng, xuất hiện lần đầu tiên ở Trung Quốc vào năm 1960, từ đó đến nay, “Nhật ký trong tù” đã có một đời sống xuất bản và tiếp nhận phong phú trong môi trường văn hóa và học thuật tại đây.

Quá trình xuất bản tác phẩm đi từ chỗ được giới thiệu chọn lọc một phần, trước tiên xuất bản 100 bài thuộc tập “Nhật ký trong tù”, dần dần được hoàn thiện về mặt văn bản với việc công bố trọn vẹn 133 bài thuộc tập “Nhật ký” vào năm 1992.

“Qua quan sát quá trình tiếp nhận tác phẩm “Nhật ký trong tù” ở Trung Quốc, chúng ta có thể nhận diện được một số khuynh hướng chính như kinh điển hóa, chuyển dịch theo hướng học thuật hóa trong nghiên cứu… Những phương diện xuất bản và tiếp nhận đó đã giúp chúng ta nhìn thấy được giá trị bền vững và mức độ lan tỏa sâu rộng của tác phẩm…”, PGS.TS Nguyễn Thu Hiền nhận định.

Từ nghiên cứu, sưu tầm bước đầu, TS Võ Xuân Quế (Phần Lan), TS Nguyễn Hồng Thái (Việt Nam) cho rằng “Nhật ký trong tù” đã được dịch ra ít nhất 34 ngôn ngữ/chữ viết trên thế giới với 46 bản dịch khác nhau.

Dịp này, hai nhà nghiên cứu đã giới thiệu hai bản dịch chưa được biết đến. Đó là bản dịch “Nhật ký trong tù” gồm 34 bài thơ bằng chữ Hebrew do nhà thơ dịch giả người Israel, Yaakov Besser dịch từ tiếng Ba Lan và đối chiếu với bản dịch tiếng Nga do NXB Shamrat xuất bản năm 1975 ở Tel Aviv.

Trang 53 có đánh số 133 và bút tích bài thơ “Kết luận” trong cuốn “Nhật ký trong tù”. Ảnh: BTLSQG.

Trang 53 có đánh số 133 và bút tích bài thơ “Kết luận” trong cuốn “Nhật ký trong tù”. Ảnh: BTLSQG.

Còn bản dịch “Nhật ký trong tù” gồm 100 bài thơ bằng chữ Galicia có tựa đề “Xornal De Prison”, do nhà thơ, dịch giả người Galicia (cộng đồng tự trị ở Tây Bắc Tây Ban Nha), Xosé Neira Vilas dịch, xuất bản năm 1978, dựa trên bản dịch tiếng Tây Ban Nha “Diario de prisión” của nhà thơ Cu Ba, Felix Pita Rodriguez, xuất bản năm 1974.

Ngoài ra, hai nhà nghiên cứu này còn thông tin việc sưu tầm được CD nhạc Jazz chuyển thể từ “Nhật ký trong tù” có tên “Songs From A Prison Diary” (Những bài hát từ “Nhật ký trong tù”). Tác phẩm do hai nhạc sĩ Phil Minton và Veryrn Weston phối hợp thực hiện năm 1990, gồm 11 bài thơ (dịch sang tiếng Anh) và đã được phát hành ở Anh năm 1993.

Đánh giá cao việc “Nhật ký trong tù” vượt ra ngoài biên giới Việt Nam đến với bạn đọc khắp năm châu nhờ những bản dịch ra các ngôn ngữ nước ngoài, qua đó độc giả thế giới biết thêm và hiểu hơn về một con người khác trong Hồ Chí Minh - một nhà thơ, song hai nhà nghiên cứu cũng đồng tình với nhận xét của dịch giả Thúy Toàn: “Việc sưu tầm và giới thiệu các bản dịch ra tiếng nước ngoài vẫn chưa đầy đủ và chính xác”.

Từ đó cũng cho rằng, trong điều kiện công nghệ như hiện nay, tình trạng này không khó khắc phục. Hội đồng Văn học dịch của Hội Nhà văn, Bảo tàng Hồ Chí Minh là những tổ chức, cơ quan chuyên trách có thế mạnh và điều kiện để thực hiện việc này.

“Không chỉ với “Nhật ký trong tù” mà nhiều tác phẩm văn học Việt Nam khác, như “Truyện Kiều”, cho đến nay cũng chưa biết được con số bản dịch sang ngôn ngữ nước ngoài một cách chính xác và nhất quán. Vì thế đã đến lúc cần xây dựng một ngân hàng dữ liệu tác phẩm văn học Việt Nam được dịch ra các ngôn ngữ nước ngoài.

Cùng với việc làm đó, để tri ân các tác giả đã yêu mến, dành tâm sức dịch và lan tỏa “Nhật ký trong tù” của Hồ Chí Minh, cũng là kênh quan trọng vinh danh Bác Hồ và văn hóa Việt Nam ở nước ngoài, chúng tôi nghĩ đã đến lúc cần có hình thức tôn vinh.

Đây là những ứng xử văn hóa cần thiết đối với cá nhân và gia đình của các dịch giả - những người bạn vô tư, chân thành đã dành tình cảm quý mến đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và đất nước Việt Nam” -TS Võ Xuân Quế và TS Nguyễn Hồng Thái.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ