Bảo vật quốc gia ở Yên Tử

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông trong tháp Huệ Quang, Yên Tử đến nay đã hơn 300 năm, được công nhận là bảo vật quốc gia cuối năm 2020.

Khu vực tháp Huệ Quang, chùa Hoa Yên.
Khu vực tháp Huệ Quang, chùa Hoa Yên.

Tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông được tạo tác và bài trí trong tháp Huệ Quang, Yên Tử (TP Uông Bí, Quảng Ninh) từ thế kỷ 17 cho đến nay đã được hơn 300 năm, được công nhận là bảo vật quốc gia cuối năm 2020.

Pho tượng vị vua tu hành

Tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông được đặt tại tháp Huệ Quang, chùa Hoa Yên, khu di tích danh thắng Yên Tử. Tượng gồm hai phần, bệ và thân tượng, cao tổng thể 83,8 cm, đầu rộng 13,5 cm, đế rộng 59 cm.

Hai phần này được tạo tác riêng biệt sau đó gắn nối với nhau bằng hệ thống mộng và lỗ mộng. Các nghệ nhân xưa kia tạc thô tượng, phác thảo hình khối, cấu trúc, sau đó chỉnh tinh, đặc biệt là các nếp áo và hoa văn trang trí trên y trung và y hạ. Sau khi tạc xong, toàn bộ bề mặt được mài nhẵn, không để lại vết mài.

Theo Bảo tàng Quảng Ninh, để làm được điều đó, nghệ nhân đã sử dụng phương pháp mài và đánh bóng bằng cát, nước và bàn mài. Ngay cả các vị trí hoa văn với các đường nét nhỏ, phạm vi hẹp cũng được mài nhẵn.

Tượng được tạc ở tư thế thiền buông thư, kiểu ngồi bán kiết, bàn chân trái đặt lên đùi phải, lòng bàn chân ngửa lên. Thân thẳng vuông góc với bệ, đầu thẳng, mắt nhìn thẳng, mũi to, eo thon, ngực đầy nhưng không nổi khối.

Bàn tay phải đặt trên đầu bàn chân trái, đầu ngón tay giữa và ngón cái chạm vào nhau, ngón trỏ đè lên trên, hai đốt trên của ngón út và ngón áp út gập lại. Thế tay này không có trong các thế thủ ấn của Phật giáo. Tay trái đặt trên chân trái, các ngón tay duỗi thẳng, không bắt ấn.

Tuy nhiên, với cấu trúc và cách thể hiện ngón út và áp út tay phải cho thấy, dường như người thợ muốn diễn tả các ngón này ở trạng thái bị mất hai đốt ngón tay hơn là được gập lại bởi phần đầu ngón tay thẳng chứ không tròn như khi các ngón tay được gấp lại.

Bên hông không diễn tả hiện tượng bẻ gấp của hai đốt. Do đó, hiện tượng này dẫn đến hai cách kiến giải. Thứ nhất, có thể các đốt bị vỡ trong quá trình tạc, người thợ đã chỉnh lại cho giống thế hai đốt trên gập lại. Giả thuyết thứ hai là người thợ muốn diễn tả cả hai ngón đã bị mất hai đốt. Giả thuyết này dường như phù hợp hơn khi đặt trong bối cảnh Phật Hoàng tu theo hạnh Đầu đà…

Tượng được thể hiện với gương mặt thanh tú, tai to, trán rộng, cổ cao nhiều ngấn thân hình thanh thoát mà dáng vẻ uy nghiêm. Các nếp áo, quần chồng xếp mềm mại, uyển chuyển. Họa tiết hoa văn trên vạt áo, gấu quần chi tiết và sắc nét. Tượng đặt trên một bệ hình chữ nhật kiểu “sập chân quỳ dạ cá”.

Sập gồm hai phần, phần mặt vuông phía trên nổi cao giống như “Bồ đoàn”. Mặt trước của Bồ đoàn chia làm 5 ô hộc nhỏ trang trí hoa văn, họa tiết hoa lá và hình rồng. Hai mặt bên tạo thành một hộc hình chữ nhật, trong lòng trang trí hoa sen và dây lá, mặt sau để trơn.

Bệ sập được tạo thành hình dạ cá, hai mặt trước sau có thêm chân ở giữa. Các chân ở giữa được tạo theo kiểu chân quỳ biến tấu thành khối mây hình khánh, đặt lên trên một bệ hình vuông. Mặt trước bệ sập và mặt trước của các chân trước được trang trí hết sức cầu kỳ với nhiều đồ án hoa văn khác nhau.

Theo nhiều tài liệu, xá lị của Phật hoàng Trần Nhân Tông tôn trí ở chùa Hoa Vân (chùa Hoa Yên hiện nay) vào năm 1326.

Tháp Huệ Quang (chùa Hoa Yên) được dựng lại vào thời Lê Trung hưng trên nền tháp cũ, sau khi tòa tháp được xây dựng dưới thời Trần sập đổ. Khi dựng lại tháp, người xưa đã sử dụng một số cấu kiện tháp của thời trước, “thấy rõ nhất là những cấu kiện góc mái, bệ sen và đế tháp với trang trí hoa sen dây, tàu mái trang trí hình rồng thời Trần.

Đá xây dựng tháp có hai loại, đều được sử dụng ở thời Trần và thời Lê Trung hưng, được phân biệt qua các hoa văn trang trí trên đá mang nét đặc thù của mỗi thời. Còn pho tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông được tạc thủ công, bằng đá xanh, có cùng nguồn gốc, thành phần khoáng vật và hoá học với loại đá xanh xây tháp thời Trần.

Tuy vậy, tượng không phải được tạo tác từ thời Trần mà là thời Lê Trung hưng căn cứ vào kỹ thuật, kích thước, phong cách trang trí trên tượng. Đây là một điển hình mẫu mực trong nghệ thuật điêu khắc tượng Phật Đại Việt thế kỷ 17.

Tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông ở tháp Huệ Quang, chùa Hoa Yên, Yên Tử.

Tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông ở tháp Huệ Quang, chùa Hoa Yên, Yên Tử.

Tượng Phật Hoàng ở Yên Tử là độc bản

Hầu khắp chùa lớn của Phật giáo Trúc Lâm đều thờ phụng Phật Hoàng Trần Nhân Tông, dưới hai hình thức chính là long ngai bài vị và tượng. Hiện còn hai bộ Tam Tổ Trúc Lâm (ba vị tổ thiền phái trúc lâm) đầy đủ và cổ nhất tại chùa Phổ Minh (Nam Định) và tại chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang), đều được tạo dựng trong khoảng thế kỷ 17 - 18, làm bằng gỗ và được sơn thếp.

Tuy nhiên, tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông ở chùa Phổ Minh được tạc theo thế sư tử nằm, mô tả khoảnh khắc ngài nhập niết bàn, còn tượng tại chùa Vĩnh Nghiêm thì thể hiện ngài trong tư thế tọa thiền ở thế buông thư trên bệ vuông, thân khoác y cửu điều, tay phải lần tràng hạt.

Ngoài ra, khảo cổ học cũng phát hiện hai pho tượng bằng đá tại khu nhà tổ chùa Hồ Thiên (Đông Triều, Quảng Ninh), trong đó có một pho được cho là tượng Phật Hoàng lại được tạc ở tư thế tọa thiền trên đài sen, hai tay bắt ấn tam muội, thân khoác y cửu điều.

Tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông được tạo tác và bài trí trong tháp Huệ Quang từ thế kỷ 17 cho đến nay.

Tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông được tạo tác và bài trí trong tháp Huệ Quang từ thế kỷ 17 cho đến nay.

Qua so sánh cho thấy, tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông tại tháp Huệ Quang, Yên Tử là độc bản, cũng là pho tượng cổ nhất về ngài, không trùng lặp với bất kỳ pho tượng nào khác về cả tư thế, pháp phục, họa tiết trang trí và thậm chí là cả hình tướng.

Pho tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông ở Yên Tử thể hiện hết tinh thần, tướng mạo của ngài nên gần đây được nhân bản ở nhiều nơi, nhưng các phiên bản cũng không giống hoàn toàn với tượng gốc.

Ông Lê Tiến Dũng, Trưởng ban Quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử cho biết, tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông được công nhận là bảo vật quốc gia, đã nâng tầm giá trị văn hóa ở Yên Tử.

“Hiện nay tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông vẫn được bảo vệ nghiêm ngặt, có camera giám sát. Chúng tôi có bộ phận thường xuyên giám sát theo dõi kỹ càng”, ông Dũng nói.

Yên Tử là quần thể di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng của cả nước. Hơn 700 năm trước, vua Trần Nhân Tông sau hai lần lãnh đạo quân Đại Việt đánh thắng giặc Nguyên Mông đã từ bỏ ngai vàng về tu hành, lập nên Thiền phái Trúc Lâm, dòng Thiền đầu tiên và duy nhất có sư tổ là hoàng đế Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ