Đây là sự cần thiết nhằm hỗ trợ đồng bào Cơ Tu trên địa bàn thành phố từng bước giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc.
Bảo tồn khẩn cấp ngôn ngữ Cơ Tu
Trong nội dung của đề án, TP. Đà Nẵng cho rằng, với sự giao lưu và tiếp biến văn hóa như hiện nay, ngôn ngữ Cơ Tu đang đứng trước nguy cơ ngày càng bị thu hẹp. Một bộ phận thanh niên không biết, ít nói hoặc không muốn sử dụng tiếng nói của dân tộc mình. Thực trạng đó làm cho sợi dây kết nối văn hóa truyền thống của dân tộc có nguy cơ bị “đứt gãy”.
Nhằm khắc phục tình trạng này, đề án sẽ được thực hiện tại 3 xã gồm Hòa Phú, Hòa Ninh và Hòa Bắc của huyện Hòa Vang (TP. Đà Nẵng). UBND thành phố sẽ triển khai các chính sách hỗ trợ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của người đồng bào Cơ Tu.
Học sinh đồng bào Cơ Tu ở Hòa Bắc mặc trang phục truyền thống đi học. Ảnh: Như Ngọc. |
Đáng chú ý, thành phố sẽ bảo tồn khẩn cấp ngôn ngữ của cộng đồng Cơ Tu bằng cách mở lớp dạy tiếng Cơ Tu cho giáo viên hiện đang giảng dạy tại các trường học vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Mở lớp dạy sử dụng chữ viết quốc ngữ phiên âm Cơ Tu. Sưu tầm, cấp phát sách, ấn phẩm liên quan đến tiếng nói và chữ viết của người Cơ Tu.
Bên cạnh đó, hỗ trợ trang phục truyền thống cho 100% học sinh và giáo viên người Cơ Tu 2 bộ/năm. Tiếp tục thực hiện quy định ngày học trong tuần học sinh dân tộc Cơ Tu phải mặc trang phục truyền thống. Đồng thời khuyến khích cán bộ, giáo viên người Cơ Tu mặc trang phục truyền thống. Đề án còn có chính sách hỗ trợ nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa và truyền thống về giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Cơ Tu…
Không để mai một tiếng Cơ Tu
Anh Nguyễn Xuân Trung (SN 1986) – Trưởng thôn Giàn Bí (xã Hòa Bắc) cho rằng, chữ viết Cơ Tu từng tồn tại trước đây nhưng hiện nay đã mất đi. “Trước đây từ đời ông cố, ông nội cho đến cha tôi thì còn sử dụng tiếng và chữ viết của đồng bào Cơ Tu. Nhưng đến thế hệ của tôi thì chữ viết đã mất, người dân nơi đây giờ chỉ còn biết nói tiếng Cơ Tu chứ không còn biết viết chữ Cơ Tu nữa”, anh Nam chia sẻ.
Nhằm bảo tồn văn hóa địa phương, UBND huyện Hòa Vang tổ chức các hoạt động văn hóa, trong đó có biểu diễn tiết mục Tung Tung Da Dá tại nhà Gươi thôn Giàn Bí xã Hòa Bắc. Ảnh: Hoàng Vinh. |
Theo lời anh Trung, một số giới trẻ đồng bào Cơ Tu hiện cũng dần quên tiếng gốc của mình. Chính vì vậy, việc giao tiếp bằng tiếng Cơ Tu hằng ngày góp phần bảo tồn tốt hơn ngôn ngữ của địa phương mình.
Đơn cử, như những đứa con của anh Trung, song song với việc học tiếng Việt trên trường, vào ban đêm anh phải bày các con của mình nói tiếng đồng bào Cơ Tu. “Tiếng nói là của cha ông ta để lại, nếu mất tiếng là mất gốc, vì vậy ngoài việc học tiếng Việt tôi phải bày các cháu nói tiếng đồng bào Cơ Tu để các cháu nhớ được cội nguồn của mình”, anh Trung nhấn mạnh.
Còn anh Đinh Văn Như – Bí thư Chi bộ thôn Giàn Bí thì tâm sự rằng: “Hiện nay đồng bào Cơ Tu vẫn còn sử dụng ngôn ngữ dân tộc mình, còn chữ viết thì đã mất gốc từ rất lâu. Một số từ ngữ của đồng bào Cơ Tu sẽ bị mất đi hoặc mai một dần vì thế hệ trẻ mới bây giờ bị tác động xã hội mới từ dưới phố nên ít sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ”.
Đề án của UBND TP. Đà Nẵng cũng cho biết, hiện Viện Ngôn ngữ học Việt Nam và Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Quảng Nam đã phối hợp và có nhiều công trình về chữ viết Cơ Tu. Cụ thể là từ điển Cơ Tu – Việt – Cơ Tu, sách học tiếng Cơ Tu (P’rá Cơ Tu), nghiên cứu hoàn thiện chữ viết Cơ Tu. Tuy nhiên, hiện bộ chữ viết và các tài liệu này chưa được sử dụng tại cộng đồng người Cơ Tu Đà Nẵng.
Chia sẻ về vấn đề này, bà Lê Thị Thu Hà – Bí thư Đảng ủy xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) cho hay, Đảng ủy, UBND xã chỉ đạo các trường dự thảo nghị quyết chuyên đề đưa chữ viết và ngôn ngữ Cơ Tu vào học đường. “Tuy nhiên việc này còn gặp nhiều khó khăn. Bởi vì người Cơ Tu ở thôn Tà Lang và Giàn Bí chỉ còn biết tiếng nói. Thời gian tới, nên đưa chữ viết của người Cơ Tu vào trong giáo án của ngành giáo dục ngôn ngữ như môn Anh văn…”, bà Hà cho hay.
Trao đổi với PV Báo GD&TĐ, ông Lê Văn Hoàng – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hòa Vang cho rằng, hiện nay chưa thực hiện việc mở lớp dạy sử dụng chữ viết quốc ngữ phiên âm Cơ Tu, sưu tầm, cấp phát sách, ấn phẩm liên quan đến tiếng nói và chữ viết của người Cơ Tu. Tuy nhiên, việc hỗ trợ, khuyến khích tổ chức các hoạt động văn hóa đồng bào Cơ Tu trong trường học ở luôn được ưu tiên thực hiện.
Trường học khuyến khích các em học sinh đồng bào Cơ Tu mặc trang phục truyền thống vào những ngày lễ, Tết hoặc những tiết sinh hoạt ngoại khóa. Ảnh: Như Ngọc. |
“Hằng năm trường đều có hỗ trợ và khuyến khích học sinh, giáo viên mặc trang phục truyền thống Cơ Tu trong những ngày lễ, các buổi sinh hoạt ngoại khóa. Đồng thời, tổ chức cho học sinh tìm hiểu văn hóa địa phương, nhất là văn hóa đồng bào Cơ Tu nơi các em sinh sống để các em hiểu rõ hơn về các giá trị văn hóa lịch sử của cha ông mình để lại. Từ đó, có ý thức giữ gìn và bảo tồn văn hóa địa phương được tốt hơn”, ông Hoàng thông tin thêm.
Dân số TP. Đà Nẵng khoảng 1,1 triệu người. Trong đó có khoảng 4.942 người thuộc 28 thành phần dân tộc thiểu số. Dân tộc Cơ Tu là 1.198 người, sinh sống tập trung tại các thôn Tà Lang, Giàn Bí của xã Hòa Bắc, thôn Phú Túc của xã Hòa Phú và một số ít của xã Hòa Ninh (huyện Hòa Vang).