'Biến hóa' giải pháp dạy ngoại ngữ với lớp ghép

GD&TĐ - Theo Chương trình GDPT 2018, Tiếng Anh là môn học bắt buộc, do đó để triển khai hiệu quả môn học này, nhiều trường vùng sâu,

Một tiết học của lớp ghép ở điểm trường Bản Tăn - Trường Tiểu học Minh Khai (huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn). Ảnh: NTCC
Một tiết học của lớp ghép ở điểm trường Bản Tăn - Trường Tiểu học Minh Khai (huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn). Ảnh: NTCC

Theo Chương trình GDPT 2018, Tiếng Anh là môn học bắt buộc, do đó để triển khai hiệu quả môn học này, nhiều trường vùng sâu, vùng xa có lớp ghép đã chủ động xây dựng bài giảng; bố trí giáo viên có kinh nghiệm đi tập huấn và giảng dạy lớp ghép.

Khó khăn đặc thù

Cô Hoàng Thị Hà, giáo viên môn Tiếng Anh, Trường Tiểu học Minh Khai (huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn), cho biết: “Để giảng dạy lớp ghép hiệu quả, hàng năm chúng tôi được nhà trường cho tham gia các lớp tập huấn, sinh hoạt chuyên đề. Tại các buổi sinh hoạt đó, chúng tôi được thảo luận, đưa ra những sáng kiến làm sao cho phù hợp với điều kiện, đặc thù của học sinh lớp ghép”.

Năm nay, Chương trình GDPT 2018 triển khai ở lớp 3, môn Tiếng Anh là bắt buộc, do đó cô Hà và đồng nghiệp càng chú trọng vào soạn giáo án, cũng như tổ chức các hoạt động cho tiết học để tạo hứng thú cho học sinh. Cô Hà chia sẻ: “Học sinh lớp ghép chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, do đó kiến thức nền, khả năng học ngoại ngữ không bằng lớp đơn. Vì vậy, mỗi giờ giảng ngoài việc đa dạng cách dạy, giáo viên cũng phải linh hoạt trong từng tiết học.

Mỗi tiết học của lớp ghép thường kéo dài thêm 5 - 10 phút, trong cả tiết học gần như giáo viên làm việc liên tục, hết công suất. Kết thúc mỗi buổi học, tôi sẽ hệ thống lại bằng sơ đồ tư duy nhằm chắt lọc kiến thức, đơn giản hóa các bài học giúp học sinh hứng thú với môn học hơn. Đặc biệt, đối với học sinh lớp 3 và 4 nếu có những hoạt động nào có thể chung thì tôi ưu tiên cho các em học cùng nhau”.

“Không chỉ những tiết học chính mà tiết tự học đối với học sinh lớp ghép, giáo viên phải cầm tay, chỉ việc, hướng dẫn từng tí một. Quá trình soạn giáo án tôi cũng căn cứ vào năng lực, khả năng tiếp nhận của học sinh để làm sao cho bài học không bị quá tải, áp lực hay khó khăn trong quá trình tiếp nhận bài học đặc biệt là Chương trình GDPT 2018”, thầy Mạnh nói.

Đồng tình với cô Hà, thầy Phạm Văn Mạnh - điểm trường Suối Hộc, thuộc Trường Tiểu học Xã Trung Lý (Mường Lát, Thanh Hóa) - cho biết: “Dạy Tiếng Anh cho học sinh người đồng bào dân tộc, bản thân giáo viên phải thực hiện thêm một bước là dịch sang tiếng Việt để các em từ tiếng Việt dịch sang tiếng mẹ đẻ mới hiểu được nội dung bài học đó”.

Thầy Mạnh cho biết thêm, một cái khó khi dạy lớp ghép là học sinh đa phần là người dân tộc thiểu số, vì vậy việc truyền tải kiến thức bài giảng cũng khó khăn. Đồng thời, ở trường thầy cô giảng dạy bằng tiếng phổ thông, nhưng về nhà bố mẹ và người thân giao tiếp với nhau bằng tiếng dân tộc, vì thế khả năng sử dụng tiếng phổ thông của các em bị hạn chế rất nhiều.

Học sinh lớp ghép ở điểm trường Nà Khuôn, Trường Tiểu học Minh Khai (huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn). Ảnh: NTCC

Học sinh lớp ghép ở điểm trường Nà Khuôn, Trường Tiểu học Minh Khai (huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn). Ảnh: NTCC

Lựa chọn giáo viên kinh nghiệm

Cô Phạm Thị Thắm – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Minh Khai (huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn) - cho biết: “Trường thuộc vùng đặc biệt khó khăn, địa bàn rộng, dân cư thưa, có điểm trường cách trường chính hơn 20 km đường rừng, vì vậy mô hình lớp ghép đã được duy trì từ khi thành lập trường đến nay”.

Theo đó, để nâng cao chất lượng cũng như hiệu quả dạy lớp ghép, hằng năm, nhà trường đều cho đội ngũ giáo viên tập huấn, đặc biệt đưa những nội dung chuyên đề giảng dạy lớp ghép để thảo luận. “Tất cả giáo viên trong trường chúng tôi đều có khả năng dạy lớp ghép”, cô Thắm nhấn mạnh.

Năm học 2022 - 2023, nhà trường đặc biệt chú trọng vào công tác giảng dạy cho học sinh lớp 1, lớp 3 và lớp 5. “Lớp 1 và lớp 5 là hai lớp đầu cấp và cuối cấp; hai chương trình mới và cũ, do đó chúng tôi cố gắng tách làm lớp đơn không ghép. Đối với lớp 3, năm đầu tiên áp dụng Chương trình GDPT 2018 chúng tôi cũng cố gắng tách lớp, nhưng đối với điểm trường xa, ít học sinh bắt buộc phải ghép lớp, chúng tôi đã chọn ghép lớp 3 và lớp 4. Đối với những lớp này, chúng tôi chọn những giáo viên có kinh nghiệm, năng động, sáng tạo và được tập huấn kỹ về chương trình để giảng dạy”, cô Thắm cho biết.

Mặc dù năm nay, lớp 3 mới bắt buộc học tiếng Anh, nhưng từ những năm trước, nhà trường đã chủ động triển khai cho học sinh làm quen. Do đó, bước vào năm học chính thức, giáo viên, học sinh ở lớp ghép cũng không bị bỡ ngỡ, lúng túng. Bên cạnh đó, giáo viên Tiếng Anh cũng được tập huấn dạy lớp ghép.

Trường Tiểu học Minh Khai có hai biên chế giáo viên Tiếng Anh, nhà trường có tổng 5 điểm trường lẻ và 1 trường chính, vì vậy mỗi giáo viên sẽ phụ trách 3 điểm trường. Nhà trường cũng yêu cầu các giáo viên phải linh hoạt, sáng tạo trong quá trình xây dựng bài giảng, hoạt động cho lớp ghép.

“Trong quá trình soạn lịch báo giảng hàng ngày, Ban giám hiệu cũng cho giáo viên linh động trong xây dựng thời khóa biểu, phân loại trình độ học sinh để xây dựng bài giảng sao cho học sinh tiếp nhận tốt nhất; không để các em bị áp lực. Các cô chính là người truyền cảm hứng, tạo hứng thú cho học sinh tiếp cận với ngoại ngữ; giáo dục các em hiểu vai trò ngoại ngữ hiện nay”, cô Thắm cho biết thêm.

Để hỗ trợ, rèn luyện các kỹ năng nghe – nói – đọc – viết cho học sinh, tôi đã thành lập nhóm Zalo, hướng dẫn học sinh cài đặt các phần mềm hỗ trợ học tiếng Anh cho học sinh rèn luyện ở nhà. Nếu quá trình học ở nhà, học sinh có gì gặp khó khăn có thể nhắn tin, gọi điện để trao đổi với tôi. Đồng thời, với nhóm Zalo tôi cũng có thể phụ đạo từ xa cho những học sinh đang bị yếu. - Cô Hoàng Thị Hà

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiều hòn đảo xa xỉ ở Tây Ban Nha thu hút người giàu có và nổi tiếng.

3 hòn đảo đỉnh cao xa hoa ở Tây Ban Nha

GD&TĐ -Nhiều hòn đảo tư nhân của Tây Ban Nha, một số thuộc sở hữu của các nhà tài phiệt Nga, được những người giàu có và nổi tiếng lui tới.

Năng lực sản xuất vũ khí của Nga tăng đáng kể kể từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Cảnh báo gây sốc khi kho vũ khí EU tụt hậu

GD&TĐ -Tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga đã tăng cường sản xuất vũ khí kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, xóa bỏ mọi dấu hiệu thiếu hụt.