'Giữ chân' học sinh bằng… nội lực

GD&TĐ - Nhiều trường phổ thông công lập đã đẩy mạnh công tác truyền thông để thay đổi cách nhìn của phụ huynh về chọn trường, chọn lớp...

Thầy Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) đón Tết Trung thu năm 2022 với học sinh các lớp.
Thầy Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) đón Tết Trung thu năm 2022 với học sinh các lớp.

Tiếp thị hình ảnh

Thầy Nguyễn Thái Phong, Hiệu trưởng Tiểu học Võ Thị Sáu cho biết: “Tôi luôn tâm niệm, việc lan tỏa, truyền cảm hứng cho giáo viên, học sinh là trách nhiệm của người đứng đầu nhà trường. Đó có thể là trong ngày đón học sinh lớp 1 đến trường làm quen, với giỏ kẹo trên tay, người thầy tự tay đi phát và làm quen với từng cô cậu học trò nhỏ; hay ngày hội trăng rằm của học sinh, không ngần ngại hóa thân vào vai ông Địa hòa mình cùng học sinh; tham gia diễn văn nghệ…

Tôi thấy điều đó làm cho học sinh của mình vui, gần gũi, có ý nghĩa giáo dục; vì giáo dục một đứa trẻ là quá trình kéo dài 5 - 7 năm mới có thể hình thành được một phần nhân cách tốt”.

Trên fanpage của Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), dưới các bài đăng đều có câu “ngôi trường mơ ước của học sinh tiểu học”. Cách đây khoảng 5 năm, mỗi năm, trường “mất” 2 lớp tuyển sinh đầu cấp. Đây là số học sinh trú tại phường chuyển sang học trái tuyến ở phường khác. Vài năm gần đây, số học sinh là con em của phường đăng ký vào học ngày càng tăng lên. Nhà trường cũng bắt đầu “thu hút” học sinh trái tuyến đến học.

Ngoài hình ảnh về phòng học rộng rãi, đầy đủ thiết bị dạy học với bảng thông minh, máy chiếu, ti vi, sĩ số học sinh trong mỗi lớp học không quá đông, các hoạt động dạy - học, sân chơi, hoạt động trải nghiệm… đều được nhà trường cập nhật thường xuyên. Phụ huynh có thể bắt gặp hình ảnh thầy hiệu trưởng nhập vai ông Địa cùng học sinh tham gia múa lân. Hay các cô giáo chuẩn bị tỉ mỉ, chu đáo để đón học sinh với những món quà bất ngờ trong ngày tựu trường.

Thầy Đặng Ngọc Lam, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Hồng Phong (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) rất vui khi hai năm gần đây, nhà trường bắt đầu nhận… học sinh trái tuyến. Trong hồ sơ ngoại tuyến của Trường THCS Lê Hồng Phong, có em hộ khẩu ở phường Thuận Phước, Thạch Thang, Thanh Bình. Đây là một trong số phường có trường THCS được xếp vào tốp đầu của quận Hải Châu.

“Hút được thí sinh trái tuyến thì vui rồi, nhưng vui hơn cả là nhà trường bắt đầu giữ chân được học sinh đúng tuyến nhờ công tác quảng bá chất lượng giáo dục. Có 10 phụ huynh dự định cho con đi học trái tuyến mà mình “giữ” lại được 4 - 5 em bằng chính sự thuyết phục của phụ huynh có con đang học ở trường là thành công rồi”, thầy Lam chia sẻ.

Nâng cao chất lượng mũi nhọn

Năm học 2021 - 2022, Trường THCS Lê Hồng Phong có 7 học sinh thi đỗ vào Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. Nếu tính tỷ lệ/tổng số học sinh khối lớp 9 thì trường nằm trong tốp 3 của quận Hải Châu có học sinh thi đỗ vào trường chuyên của thành phố.

Hai năm liền, nhà trường đều có sản phẩm của học sinh đoạt giải Ba trong kỳ thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc. Học sinh của nhà trường cũng đoạt giải cao trong cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh phổ thông cấp thành phố…

Giờ học lịch sử địa phương của học sinh Trường THCS Lê Thánh Tôn.

Giờ học lịch sử địa phương của học sinh Trường THCS Lê Thánh Tôn.

Bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đến từng gia đình có HS vào lớp 6, ban giám hiệu Trường THCS Lê Hồng Phong chủ trương nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, tham gia tất cả hội thi, phong trào do phòng và sở GD&ĐT tổ chức và đều có giải. Đây là những “nội lực” giúp nhà trường đẩy mạnh công tác quảng bá hình ảnh nhằm thu hút tuyển sinh.

Thầy Đặng Ngọc Lam nhận xét, phụ huynh muốn xin cho con học ở trường trái tuyến một phần xuất phát từ yếu tố tâm lý. Nhiều người cho rằng, trường “tên tuổi” có tiếng tăm hẳn chất lượng phải hơn những trường “bình thường”. Thậm chí, vì tâm lý, nghe đồn... có khi còn nhiều hơn biết rõ thông tin về điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, thành tích học tập... của nhà trường.

Từ kinh nghiệm thực tế, theo thầy Lam, dù là trường công lập nhưng các trường phải tận dụng phương tiện truyền thông để làm tốt công tác quảng bá. Trên website, fanpage của nhà trường cần cập nhật những hình ảnh về các hoạt động giáo dục của nhà trường. Đây cũng là cách thực hiện “ba công khai” với cộng đồng xã hội.

Cũng với quan niệm như vậy, Trường THPT Sơn Trà đã tận dụng mạng xã hội để cập nhật các hoạt động giáo dục cũng như thành tích của học sinh, giáo viên nhà trường.

Thầy Hiệu trưởng Bùi Minh Quảng cho biết: “Dù không làm công tác truyền thông thì trường THPT công lập bao giờ cũng sẽ tuyển đủ chỉ tiêu. Thế nhưng, chúng tôi vẫn nỗ lực xây dựng thương hiệu cho một ngôi trường non trẻ, thành lập từ năm 2018. Thu hút tuyển sinh là một trong những giải pháp để nhà trường nâng cao chất lượng mũi nhọn, lựa chọn được học sinh giỏi làm nòng cốt cho các đội tuyển”.

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2023, Trường THPT Sơn Trà đã có biến động mạnh về số thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 với 922 em so với năm 2022 chỉ có 619 thí sinh. Những nỗ lực xây dựng thương hiệu của các trường phổ thông sẽ phần nào hạn chế tình trạng chọn trường, chọn lớp, theo tâm lý “nghe kể, nghe nói” để giảm nhiệt tuyển sinh đầu cấp cho các trường có “thương hiệu”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ