Giống lai kỳ quái của hai loài cá có nguy cơ tuyệt chủng

Giống lai kỳ quái của hai loài cá có nguy cơ tuyệt chủng

Theo công bố trên tạp chí Genes, các nhà khoa học đã vô tình tạo ra một giống lai giữa hai loài có nguy cơ tuyệt chủng mà họ tạm gọi tên là "sturddlefish" (ghép giữa tên tiếng Anh của cá tầm và cá mái chèo là sturgeon và paddlefish).

"Chúng tôi không bao giờ có ý định lai tạo. Điều này xảy ra hoàn toàn ngoài chủ ý", Attila Mozsár - một nghiên cứu viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu thủy sản và nuôi trồng thủy sản ở Hungary trả lời tờ New York Times.

Cá tầm Nga có thể dài tới 2,1 mét, sống bằng chế độ ăn nhuyễn thể và động vật giáp xác. Cá mái chèo Mỹ ăn lọc các động vật phù du trong vùng nước của lưu vực sông Mississippi, nơi nước từ Mississippi và các nhánh của nó chảy vào. Chúng có thể dài tới 2,5 mét. Chúng cũng đã mất môi trường sống bởi các con đập trong hệ thống thoát nước Mississippi. Tổ tiên chung cuối cùng của 2 loài tồn tại cách đây 184 triệu năm, theo Times đưa tin.

Thế nhưng, chúng vẫn có thể phối giống với nhau trước sự ngạc nhiên của Attila Mozsár và các đồng nghiệp. Các nhà nghiên cứu đã cố gắng nhân giống cá tầm Nga trong điều kiện nuôi nhốt thông qua một quá trình gọi là gynogenesis, một kiểu sinh sản vô tính. Trong gynogenesis, một tinh trùng sẽ kích hoạt sự phát triển của một trứng nhưng không thể kết hợp với nhân của trứng.

Điều đó có nghĩa là DNA của con đực sẽ không có trong con non mà kết quả là chúng sẽ chỉ phát triển từ DNA của con mẹ. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng tinh trùng cá mái chèo của Mỹ cho quá trình này, nhưng một điều bất ngờ đã xảy ra. Tinh trùng và trứng giữa 2 loài hợp nhất, tạo ra con lai có cả gen của cá tầm và cá mái chèo.

Kết quả là hàng trăm con cá lai được sinh ra và hiện có khoảng 100 con sống sót, theo Times đưa tin. Loài cá lai tạo mới này một nửa giống mẹ và nửa giống cha. Có con sở hữu vây cá tầm cổ điển nhưng lại có miệng của cá mái chèo háu ăn điển hình. Những con khác trông giống cá tầm hơn là cá mái chèo.

"Tôi đã thực sự không tin vào mắt mình khi nhìn thấy nó. Nhưng đó là sự lai tạo giữa cá tầm và cá mái chèo, không còn cách lý giải nào khác", nhà sinh thái học dưới nước Solomon David thuộc Đại học bang Nicholls ở Louisiana nói với tờ New York Times.

Điều đó có vẻ như không thể, nhưng thật ra chúng có những điểm tương đồng đáng chú ý. Cả hai loài được gọi là hóa thạch sống, giống như cá sấu, vì chúng đã thay đổi rất ít trong suốt lịch sử tiến hóa của mình. Cả hai đều có chung một tổ tiên sống trong thời đại khủng long.

"Những hiện tượng này có thể dẫn đến sự tương đồng, tương thích và linh hoạt cao hơn giữa các bộ gen và cho phép sự lai tạo giữa cá tầm Nga và cá mái chèo Mỹ bất chấp khoảng cách lớn về địa lý, sinh lý và hình thái", các tác giả lập luận. 

Chính sự lai tạo này là một khám phá, nhóm nghiên cứu cho biết thêm, vì các phép lai khác giữa các phân loài tương tự có khoảng cách xa trước đây đã thất bại.

Các nhà khoa học không có kế hoạch tạo ra thêm bất kỳ loài cá lai nào, nhưng họ sẽ tiếp tục nghiên cứu cách cá tầm và cá mái chèo sinh sản với hy vọng có thể cứu những con cá này khỏi bờ vực tuyệt chủng.

Ngày nay, cả hai loài cá này đang bị đe dọa nghiêm trọng. Chỉ trong năm nay, cá mái chèo Trung Quốc đã tuyệt chủng và Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế báo cáo rằng cá tầm "nguy cấp nghiêm trọng hơn bất kỳ nhóm loài nào khác".

Theo Livescience

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ