Giới tính tác động thế nào đến tính cách con trẻ?

GD&TĐ - Nhiều người cho rằng, bé gái sẽ ngoan và dễ dạy bảo hơn so với các bé trai. Thực tế hiện nay, không ít cha mẹ cũng đau đầu vì con gái bướng bỉnh, lỳ lợm không kém.

Theo chuyên gia, bé trai hay bé gái thì cũng đều trải qua “giai đoạn bướng bỉnh” giống nhau. Ảnh minh họa.
Theo chuyên gia, bé trai hay bé gái thì cũng đều trải qua “giai đoạn bướng bỉnh” giống nhau. Ảnh minh họa.

Đau đầu vì con

Chị Hoàng Kim Ngọc (Hà Nội) có hai con gái. Cho rằng bé gái thường ít nghịch và ngoan hiền hơn con trai nên chị không để ý nhiều. Tuy nhiên, ở giai đoạn con lên 4 tuổi, chị thấy bé bộc lộ tính cách lầm lỳ, chống đối bằng việc không nghe lời, không phản ứng. Điều này khiến chị lo lắng gấp nhiều lần so với việc dạy con trai. Bởi chị không hiểu con đang nghĩ gì, ấm ức điều gì để giải quyết. Chị Ngọc nhiều phen “phát điên” vì quát mắng cũng chẳng ăn thua.

“Tưởng có con gái thì nuôi dạy nhàn hơn bởi con thường thể hiện tình cảm, ngoan ngoãn, ít bướng bỉnh như con trai. Ai ngờ mức độ lỳ của các cô gái chẳng kém phần nào. Thậm chí, bé gái lỳ lợm còn khiến cha mẹ đau đầu để giải quyết hơn”, chị Ngọc nói.

Nhiều cha mẹ cũng thừa nhận, thái độ lỳ lợm của bé gái khiến cha mẹ dễ cáu hơn bé trai. Thông thường, nếu bé gái tỏ ra bướng bỉnh, ăn vạ hay mè nheo, cha mẹ còn dễ xử lý. Thậm chí, với bé gái đôi khi hành động đó còn rất đáng yêu khiến người khác muốn dỗ dành thay vì quát mắng. Thế nhưng, khi bé gái lỳ lợm, cha mẹ luôn cảm thấy khó chịu, ức chế và dễ nổi giận. Có thể với suy nghĩ con gái hiền dịu hơn nên việc trẻ lỳ lợm khiến cha mẹ khó chấp nhận hơn.

Nhất là trong mùa dịch, trẻ được nghỉ dài phải ở nhà bí bách. Cha mẹ cũng bận rộn hơn nên khó kiểm soát được cảm xúc khi con không nghe lời. Từ đó, nhiều trẻ có xu hướng lỳ lợm hơn.

Theo chuyên gia, rất nhiều cha mẹ nhầm lẫn giữa tính lì lợm và bướng bỉnh của bé. Bởi biểu hiện của hai tính cách này gần giống nhau. Song, bố mẹ có thể phân biệt dựa vào đặc điểm cá nhân của trẻ. Bởi lì lợm là thuộc tính đặc trưng của cá thể. Trong khi bướng bỉnh nằm trong những yếu tố phụ thuộc vào môi trường bên ngoài.

Ví dụ, trường hợp bướng bỉnh, muốn chống đối là khi bé giận dỗi hoặc bị ép buộc làm một việc gì đó. Trong khi bé lì lợm phần lớn là vì “bản chất tự nhiên”.

Thông thường, trẻ lỳ lợm thường suy nghĩ nội tâm mà không nói ra, không cãi lại. Dù có những việc trẻ không muốn nhưng không phản ứng, thay vào đó là thái độ lầm lỳ, không nói không rằng. Nhiều trẻ sẵn sàng dùng ánh mắt bực tức để nhìn lại. Một số trẻ phản ứng bằng cách phớt lờ yêu cầu của người lớn.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Minh Hằng – chuyên gia Nhi khoa Bệnh viện Nhi (HN) chia sẻ, một số trẻ tỏ ra lỳ bởi chúng muốn được chú ý, quan tâm. Nguyên nhân cũng có thể đến từ việc trẻ luôn bị ép buộc tham gia các hoạt động mà trẻ coi là không thú vị.

Lâu dần trẻ trở nên thờ ơ với những yêu cầu từ phía phụ huynh. Đồng thời, trẻ muốn bày tỏ thái độ chống đối bằng cách ngồi im, không phản ứng. Hoặc có thể sự phớt lờ đó đến từ việc trẻ đang phải đối mặt với hội chứng rối nhiễu tâm lý mà người lớn không biết.

“Dù là bé trai hay bé gái thì cũng đều trải qua “giai đoạn lỳ lợm” giống nhau. Tính cách của các bé là khác nhau. Vì thế, không phải cứ bé gái là được gắn với dịu dàng, ngoan ngoãn. Tuy vậy, dù trẻ ở giới tính nào, khi con lỳ lợm, cha mẹ đừng vội gán mác rằng con hư”, ThS Nguyễn Thị Minh Hằng nói.

Ảnh minh họa/INT.

Ảnh minh họa/INT.

Muốn đánh đòn vì con lỳ

Nhiều cha mẹ thừa nhận, đối với những bé lỳ lợm, dù là trai hay gái đều khiến họ dễ bực bội dẫn đến hành vi tiêu cực. Thậm chí, một số phụ huynh đã dùng đòn roi để giải quyết thái độ lỳ lợm của con. Họ chỉ muốn nổi cáu khiến con “bật ra”, nói hết ra.

Cô Nguyễn Hương Giang – giáo viên Trường THCS Hòa Lâm (HN) cho biết, trẻ chưa biết điều chỉnh cảm xúc nên thích cái gì là đòi cho bằng được. Khi muốn chống đối cha mẹ là sẵn sàng giận dữ hoặc lầm lỳ… Tất cả đều là thái độ thể hiện sự chống đối về một việc nào đó. Tuy nhiên, những tính xấu của trẻ sẽ được cải thiện nếu cha mẹ biết cách dạy dỗ. Càng quát mắng hay đánh đòn nhiều, các bé gái, vốn đã lỳ lợm càng “chai” hơn.

Cũng theo cô Giang, cách uốn nắn con gái lỳ lợm thường dễ áp dụng hơn với các bé trai. Vì bé gái thường ít có phản ứng bướng bỉnh, bạo lực hơn. Hơn nữa, con gái thường có xu hướng gần gũi cha mẹ nhiều hơn, nên việc tiếp cận và trò chuyện cùng con không mấy khó khăn.

Trẻ từ 3 - 5 tuổi thường có những biểu hiện tâm lý phức tạp khiến cho các bậc phụ huynh rất lo ngại và lúng túng trong cách ứng xử với con. Trẻ thường có biểu hiện là không chịu phục tùng một số yêu cầu của người lớn, ngang ngạnh, bướng bỉnh và thậm chí là vô lễ với người lớn. Trong trường hợp như vậy cha mẹ không nên quá lo lắng. Bởi đây là giai đoạn trẻ đang muốn tự thể hiện mình, chứng tỏ bản thân.

Nếu cần xử phạt thì không nên đánh, mắng vì như thế sẽ làm cho cả cha mẹ và trẻ đều cảm thấy bị ức chế và có thể lần sau trẻ sẽ lại có những hành vi chống đối như thế. Có thể xử phạt bằng cách không cho trẻ đi chơi hoặc không kể chuyện cho nghe. Cha mẹ hãy giải thích rõ lý do và hậu quả của việc trẻ không nghe lời.

Còn theo bà Hằng, những đứa trẻ cứng đầu hoặc có ý chí mạnh mẽ rất nhạy cảm với cách người lớn đối xử với chúng. Vì vậy, hãy chú ý đến giọng điệu, ngôn ngữ sử dụng. Khi cảm thấy khó chịu với cách nói và hành vi của người lớn, trẻ sẽ có xu hướng nổi loạn, nói ngược lại hoặc “đá thúng đụng nia”.

“Trẻ lì lợm phần nhiều do bản chất. La mắng, đòn roi chỉ khiến mọi thứ tồi tệ hơn. Thậm chí, điều này còn khiến trẻ “lì đòn” hơn và bỏ ngoài tai mọi thứ cha mẹ nói. Còn nếu quan sát thấy trẻ có những biểu hiện lầm lì bất thường, chậm hoặc kém phản ứng với những yêu cầu của cha mẹ, nên nhanh chóng đưa đi khám” – chuyên gia Nguyễn Thị Minh Hằng nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.