Giới thượng lưu Mỹ sập bẫy 'cánh đồng đá quý'

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Những năm 1870 tại Mỹ xuất hiện cơn sốt vàng, kim cương và là cơ hội cho những kẻ lừa đảo nhắm vào giới nhà giàu.

Nhà địa chất học Clarence King (trái) và các cộng sự.
Nhà địa chất học Clarence King (trái) và các cộng sự.

Có hai người đàn ông tự nhận đã tìm ra một cánh đồng đá quý và thu hút hàng triệu USD đầu tư của giới thượng lưu California (Mỹ). Từ đó, một chiếc bẫy hoàn hảo đã được giăng ra...

Túi đựng kim cương

Một buổi tối cuối năm 1870, hai người tự xưng là anh em họ, Philip Arnold và John Slack tìm đến văn phòng của doanh nhân nổi tiếng George D. Roberts tại thành phố San Francisco, bang California.

Với khuôn mặt lấm lem, mệt mỏi, họ mang theo một chiếc túi da và nói rằng trong đó đựng đồ rất có giá trị. Tuy nhiên, do đã muộn nên Ngân hàng California không nhận trông giữ. Vì vậy, họ tìm đến George để thuê một chiếc két an toàn cho chiếc túi.

Sau một hồi nói chuyện đầy miễn cưỡng, George đã thuyết phục được hai anh em cho ông ta xem bên trong chiếc túi chứa thứ gì. Dưới sự tò mò của George, hai người mở chiếc túi, để lộ ra số lượng lớn viên kim cương, hồng ngọc, ngọc lục bảo, ngọc lục bích... thô kích thước lớn, sáng lấp lánh.

Hai người nói rằng họ là những nhà thám hiểm chuyên thăm dò địa chất, và trên hành trình về miền Tây rộng lớn đã tình cờ phát hiện một mỏ đá quý dồi dào. Những viên đá quý thô trong túi chỉ là một phần của kho báu. Chúng nằm lộ thiên trên mặt đất, không cần sử dụng máy xúc vẫn có thể khai thác dễ dàng. Họ yêu cầu George phải giữ bí mật.

Dù hứa với hai anh em, song George đã tiết lộ về số kim cương cho William C. Ralston, người sáng lập Ngân hàng California, và nhà thám hiểm Asbury Harpending. Những người này thống nhất cần đem số kim cương đó đi giám định và kết quả, thợ kim hoàn hàng đầu San Francisco khẳng định chúng là hàng thật.

Thời điểm đó, Ralston và Harpending đang hợp tác đầu tư để lấn sân sang mảng khai thác đá quý. Câu chuyện của George khiến cặp đôi vô cùng hứng thú, đề nghị được gặp hai nhà thám hiểm. Harpending thậm chí còn từ bỏ việc kinh doanh ở London để trở về San Francisco vào tháng 5/1871.

Chân dung hai kẻ bịp bợm Philip Arnold và John Slack.

Chân dung hai kẻ bịp bợm Philip Arnold và John Slack.

Arnold và Slack bặt vô âm tín một thời gian. Đến khi trở lại, họ kể với George rằng đã khai thác được gần 30 kg kim cương và hồng ngọc, trị giá lên đến nửa triệu USD.

George tiếp tục “vô tình” để lộ thông tin với hai doanh nhân có hứng thú với lĩnh vực khai thác đá quý là Tướng George S. Dodge, cựu sĩ quan Mỹ, và William Lent, nhà đầu tư nổi tiếng ở Virginia.

Nhóm này đã mời anh em Arnold và Slack đến nói chuyện và tiếp đãi thịnh tình. Dù vẫn giữ bí mật nghiêm ngặt về vị trí của mỏ kim cương, song hai anh em đã nhận một khoản đầu tư trị giá 50 nghìn USD của nhóm thượng lưu.

Đổi lại, Arnold và Slack sẽ mang về những vô số kim cương, ngọc bích, lục bảo... cho họ để chứng minh mỏ đá quý là có thật. Sau này, theo lời kể của Harpending, số đá quý được bày la liệt trên bàn bi-a của ông. Những viên đá giống như kết tụ một luồng ánh sáng chói lóa, nhiều màu sắc khiến mọi người có mặt ở đó đều kinh ngạc không nói lên lời.

Đường vào kho báu

Charles Tiffany, cha đẻ của thương hiệu trang sức nổi tiếng Tiffany & Company.

Charles Tiffany, cha đẻ của thương hiệu trang sức nổi tiếng Tiffany & Company.

Những người này cuối cùng đi đến một thỏa thuận. Arnold và Slack sẽ dẫn hai người, do đích thân Chủ tịch William Ralston lựa chọn, đi cùng đến mỏ đá quý nhưng những người này sẽ phải bịt mắt suốt đường đi. Ngoài ra, cặp đôi cũng yêu cầu những quý ông giàu có tặng 100 nghìn USD tiền mặt để “bày tỏ thiện chí”.

Đúng theo thỏa thuận, hai người đàn ông đại diện của nhóm đã lên chuyến tàu rời San Francisco. Họ dừng ở một ga tàu và được Arnold đến đón. Vừa xuống tàu, cả hai được yêu cầu bịt mắt và đưa lên lưng ngựa rong ruổi khắp 4 ngày ở một vùng đất hoang dã đậm vị cát và thời tiết khô nóng.

Cuối cùng, đến khoảng 4 giờ chiều ngày 4/6/1872, đoàn thám hiểm đã đến nơi. Khi khăn bịt mắt được tháo ra, họ nhìn thấy một mảnh đất hoang vu, khô cằn. Đi dạo trong đó, họ nhặt được những viên hồng ngọc, bích ngọc, ngọc lục bảo... Họ phấn khích trở về báo cáo mọi chuyện cho các quý ông.

Lúc này, câu chuyện về “cánh đồng đá quý” không còn là bí mật. Để thúc đẩy sự tham gia của các nhà đầu tư tiềm năng, nhóm quyết định trưng bày các viên đá quý tại các cửa hàng kim hoàn nổi tiếng trong thành phố.

Giữa cơn sốt kim cương ở miền Viễn Tây, khoảng 10% lô đá quý được đưa đến thương hiệu đá quý nổi tiếng Tiffany & Company ở thành phố New York để thẩm định. Chính Charles Tiffany, ông chủ của thương hiệu, đã lên tiếng tuyên bố những viên kim cương là thật, trị giá 150 nghìn USD. Điều này đập tan mọi hoài nghi của các nhà đầu tư.

Sau đó, Charles cũng tham gia vào nhóm. Hai nhân vật khác cũng tham gia cùng lúc là ứng cử viên Tổng thống năm 1864 George McClellan và Thiếu tướng quân đội Mỹ, Benjamin Butler.

Nhóm thượng lưu San Francisco đề xuất thành lập một công ty với một nửa cổ phần thuộc về Arnold - Slack và phần còn lại chia cho các nhà đầu tư, chủ yếu là chính họ. Thỏa thuận được chấp nhận. Các nhà đầu tư thành lập Công ty Thương mại và Khai thác San Francisco & New York. Số vốn của công ty đã đạt tới 10 triệu USD.

Một trong hai người đàn ông đi cùng Arnold và Slack đến “cánh đồng đá quý” là Henry Janin, một kỹ sư khai thác mỏ nổi tiếng. Người này được giao nhiệm vụ trở lại mỏ để thực hiện khảo sát. Kết quả, họ ước tính số lượng kim cương trên bề mặt cánh đồng mà chưa cần sử dụng kỹ thuật khoan đào cầu kỳ có trị giá lên tới một triệu USD. Họ cần 25 nhân công làm sạch số kim cương này trong vòng một tháng.

Hé mở sự thật

Tin tức về “cánh đồng đá quý” ở đâu đó miền Tây lan rộng, đánh thức giấc mơ chinh phục Viễn Tây của nhiều nhà đầu tư. Họ khao khát có thể tìm ra những mỏ vàng, mỏ bạc, mỏ đá quý nằm khơi khơi lộ thiên mà chẳng cần hao tổn công sức.

Trong khi đó, nội bộ Công ty Thương mại và Khai thác San Francisco & New York đang lục đục. Các cổ đông gây sức ép buộc Arnold và Slack phải rút khỏi thỏa thuận để họ nắm quyền toàn bộ hoạt động khai thác, chế tác và kinh doanh. Hai người được chia cho 650 nghìn USD, tương đương 13 triệu USD vào năm 2020.

Vậy nhưng đến giữa năm 1872, mọi chuyện vỡ lở. Thời điểm đó, Clarence King, nhà địa chất học tại Đại học Yale, đang thực hiện khảo sát của Chính phủ Mỹ về khoáng sản, nông nghiệp và các tài nguyên khác. Dự án này có phạm vi rộng khắp cả nước, đội của King đi về miền Tây.

Khoảng tháng 10/1872, nhà địa chất học Samuel Emmons, cộng sự của King, tình cờ gặp Janin trên một chuyến tàu đi California. Janin đã cho Emmons xem một số đá quý khai thác từ “cánh đồng đá quý” của Arnold và Slack.

Emmons đã báo cáo lại sự việc cho King và cả hai đều thống nhất rằng câu chuyện này có điểm khả nghi. Là dân chuyên, cả King và Emmons đều biết rằng hồng ngọc và ngọc bích hiếm khi được tìm thấy ở nơi có kim cương.

Họ liền đến gặp Janin và hỏi vị trí cụ thể của cánh đồng. Dù Janin bị bịt mắt trong quá trình đến đây nhưng nhờ những câu hỏi cụ thể, sắc bén của King, Janin vẫn có thể vẽ ra một tấm bản đồ đơn giản. Từ đó, bằng nhiều năm khảo sát miền Tây theo dự án chính phủ, King và Emmons đã mường tượng ra vị trí của “cánh đồng”.

Họ đã lập đội khảo sát, tiến về biên giới Wyoming - Colorado, từ đó, họ quan sát thấy một ngọn núi hình nón, độ cao trung bình trùng với mô tả của Janin. Ngọn núi, cách biên giới hai bang khoảng 6 km về phía Nam, sau này được đặt tên là Đỉnh Kim Cương.

Gần ngọn núi, nhóm của King bắt đầu tìm kiếm và phát hiện tấm biển tuyên bố quyền sử dụng nước trong khu vực, có chữ ký của Janin. Điều này xác nhận họ đã tìm thấy “cánh đồng đá quý” của Arnold và Slack.

Họ tìm thấy một vài viên kim cương, các loại đá quý thạch anh tím, ngọc hồng lựu, đá tia lửa... Thậm chí, một viên kim cương nằm chềnh ềnh trên một tảng đá làm King tự hỏi làm sao nó có thể nguyên vẹn sau hàng trăm năm.

Qua quan sát kỹ lưỡng, nhóm của King phát hiện ra trên mảnh đất có những lỗ tròn nằm san sát nhau giống như tổ kiến. Những cái lỗ được khoan xuống đất, sâu khoảng chừng 20 cm.

Rõ ràng đây là những cái lỗ được đào để đặt kim cương, đá quý chứ không hề có mỏ đá quý như miêu tả. King kết luận các chủ ngân hàng, nhà tài chính, kỹ sư địa chất, thậm chí cả thợ kim hoàn nổi tiếng đều đã bị lừa.

Bản đồ chỉ đường đến 'cánh đồng kim cương'.

Bản đồ chỉ đường đến 'cánh đồng kim cương'.

Lụn bại vì “cơn sốt”

Những viên kim cương được mang về San Francisco thẩm định. Chúng có giá trị rất thấp, khác hẳn những viên trong bao tải của anh em Arnold và Slack khi tìm đến ngân hàng. Theo điều tra, mỗi lần rời San Francisco, hai người không hướng đến bất kỳ mỏ đá nào ở miền Tây và lên máy bay đến London, Anh.

Tại đây, sử dụng tên giả, họ mua những viên kim cương thô, chưa cắt và đá quý nguồn gốc từ Nam Phi trị giá khoảng 50 nghìn USD. Sau đó, họ trở lại San Francisco gặp nhóm đầu tư như thể mang chiến lợi phẩm về từ một cuộc viễn chinh.

Arnold và Slack bị truy tố ở California nhưng họ chưa bao giờ được tìm thấy. Về sau này, khi vụ kiện đã bị đóng, có thông tin rằng Arnold đã dùng tiền thành lập một ngân hàng ở Elizabethtown, bang Kentucky. Hắn qua đời vì bệnh viêm phổi vào năm 1878 còn Slack được cho là đã chết ở bang New Mexico vào năm 1896.

Còn King được truyền thông California và London tung hô vì ông đã “phá” vụ lừa đảo kim cương gây chấn động. Sau khi hoàn thành khảo sát thuộc địa vào cuối năm 1872, King trở lại quê hương ở miền Đông nước Mỹ. Năm 1879, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc đầu tiên của Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ.

Trước khi vụ việc được đưa ra ánh sáng, California đã xuất hiện nhiều vụ lừa đảo hơn mức bình thường từ việc rải vàng cốm xuống đất trong “cơn sốt vàng” hay giả mạo dữ liệu khai thác dầu trong “cơn sốt dầu”. Tuy nhiên, vụ lừa đảo kim cương là số ít sự việc gây chấn động bởi những kẻ lừa đảo đã qua mặt các chuyên gia hàng đầu ở nhiều lĩnh vực, nhất là về mặt kim hoàn.

GS Jackson Lears, chuyên gia Lịch sử học tại Đại học Rutgers, nhận xét: “Những năm 1870 là thời kỳ hoàng kim của cờ bạc. Trong nền kinh tế tự do không được kiểm soát, rất khó phân biệt rủi ro hợp pháp và bất hợp pháp. Chỉ sau khi việc thành công thì đó mới được coi là đầu tư”.

Theo Wyo History

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ông Trần Quốc Cường - Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên (ngoài cùng bên phải) tham gia trồng cây Mắc ca tại ngày hội.

Ngày hội trồng Mắc ca ở Tuần Giáo

GD&TĐ - Chiều 23/5, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên tổ chức Ngày hội trồng Mắc ca năm 2024 và Hội thảo về định hướng phát triển cây mắc ca, cây cà phê.