Dạy Tiếng Việt theo tình huống

GD&TĐ - Việc dạy môn Tiếng Việt trong trường phổ thông hiện nay hết sức coi trọng năng lực sử dụng tiếng Việt của HS. Tri thức tiếng Việt là phương tiện chứ không phải cứu cánh, là chuẩn để tổ chức dạy kỹ năng, và qua kỹ năng mà giúp HS nắm vững tri thức.

Một tiết dạy Tiếng Việt ở Trường TH Võ Trường Toản, Q.10, TPHCM.
Một tiết dạy Tiếng Việt ở Trường TH Võ Trường Toản, Q.10, TPHCM.

Dạy học theo tình huống

Tri thức làm cơ sở và soi sáng cho kỹ năng nhưng phải được chuyển hóa thành kỹ năng thì tri thức mới thực sự có ý nghĩa. Do đó nhiệm vụ quan trọng của dạy học Tiếng Việt là hình thành và rèn luyện cho HS năng lực giao tiếp trên tinh thần gắn chặt với thực tiễn sinh động của tiếng Việt trong đời sống.

Theo tinh thần ấy, việc vận dụng các phương pháp dạy học tích cực, đặc biệt phương pháp tình huống (PPTH) là một trong những phương pháp đáp ứng tốt nhất tinh thần dạy học gắn chặt với thực tiễn sinh động, đa dạng của ngôn ngữ dân tộc; đảm bảo dạy học thông qua hoạt động và tăng cường cơ hội đọc, viết, nói, nghe cho HS. 

Dạy học tình huống là gì? Đó là bài học được tổ chức theo một chủ đề phức hợp gắn với các tình huống thực tiễn cuộc sống và nghề nghiệp, tạo điều kiện cho HS kiến tạo tri thức theo cá nhân và trong mỗi tương tác xã hội của việc học.

Ngữ văn được coi là môn học công cụ, theo đó, năng lực giao tiếp tiếng Việt và thưởng thức văn học hoặc cảm thụ thẩm mỹ là các năng lực mang tính đặc thù của bộ môn. Khi dạy học, những năng lực trên chỉ được hình thành khi GV có ý thức kết nối hoạt động dạy học Ngữ văn nói riêng, tiếng Việt nói chung qua phương pháp dạy học tích cực.

Thế nên việc nắm vững đặc điểm của từng năng lực sẽ là cơ sở giúp GV thiết kế tiến trình tổ chức hoạt động dạy học Tiếng Việt theo định hướng phát triển năng lực HS một cách hiệu quả, trong đó PPTH là phương pháp có khả năng khai thác và phát huy cùng lúc nhiều năng lực nhất.

Dạy học tình huống là gì? Đó là bài học được tổ chức theo một chủ đề phức hợp gắn với các tình huống thực tiễn cuộc sống và nghề nghiệp, tạo điều kiện cho HS kiến tạo tri thức theo cá nhân và trong mỗi tương tác xã hội của việc học.

Vận dụng dạy học theo các tình huống được gắn với thực tiễn là con đường quan trọng để khắc phục tình trạng giáo dục hàn lâm, xa rời thực tiễn trong trường phổ thông, đưa học đi đôi với hành trở nên thiết thực, hiệu quả trong từng phân môn.

PPTH là một phương pháp tích cực trong đó GV sử dụng một tình huống thực tế hoặc hư cấu để truyền tải, minh họa cho một chủ đề, một nội dung hoặc để giúp các em rút ra bài học kinh nghiệm về sử dụng ngôn ngữ trong giao tiếp, chủ yếu là nói và viết.

Trọng tâm của phương pháp là việc HS phân tích và giải quyết các vấn đề mà tình huống đặt ra. Trong đó các em tự lực nghiên cứu tình huống thực tiễn hình thức làm việc chủ yếu theo nhóm.

GV đưa HS đến với những điều đã gặp hoặc sẽ gặp hàng ngày dưới dạng chứa đựng vấn đề cần giải quyết đòi hỏi các em phải có những quyết định tối ưu dựa trên cơ sở của các giải pháp được đưa ra và quan trọng nhất là việc HS vận dụng kiến thức được học vào để giải quyết tình huống cụ thể ấy.

Phát triển năng lực sáng tạo ngôn ngữ

Trong dạy học Tiếng Việt, PPTH thường triển khai những nội dung như phân tích tình huống giao tiếp, tìm hiểu một vấn đề thực tiễn cuộc sống để tạo lập cuộc thoại, văn bản trong đó liên quan đến cách sử dụng ngôn ngữ, phong cách nói năng, chuyển tải thông tin, biểu hiện thái độ...

Ưu điểm của PPTH là sử dụng sự liên hệ với thực tiễn để tích cực hóa động cơ của người học. Ngoài huy động sự làm việc cá nhân và sự cộng tác của nhóm để nâng cao năng lực giao tiếp xã hội, PPTH còn thúc đẩy phát triển các năng lực then chốt như: Quyết định, giải quyết vấn đề, tư duy, sáng tạo, giao tiếp và hợp tác.

Chẳng hạn khi dạy bài “Từ trái nghĩa” (Ngữ văn lớp 7), GV có thể cho các nhóm bài tập tình huống gần gũi, gắn với thực tế như sau: “Trời chuyển mưa rồi sau đó đổ mưa nặng hạt. Một số HS trên đường đến trường đã gặp phải cơn mưa. Vào đến lớp, các bạn cùng chia sẻ về sự việc vừa qua. Nếu là những HS ấy, em sẽ trao đổi những gì? Hãy xây dựng đoạn hội thoại ngắn trong đó có ít nhất 3 cặp từ trái nghĩa”.

Ưu điểm của PPTH là sử dụng sự liên hệ với thực tiễn để tích cực hóa động cơ của người học. Ngoài huy động sự làm việc cá nhân và sự cộng tác của nhóm để nâng cao năng lực giao tiếp xã hội, PPTH còn thúc đẩy phát triển các năng lực then chốt như: Quyết định, giải quyết vấn đề, tư duy, sáng tạo, giao tiếp và hợp tác.

Hiện nay không ít GV do sự hạn chế về năng lực CNTT về khả năng nhạy bén với những đổi mới và yêu cầu cao của giáo dục hiện đại đã không thể bắt kịp. Do vậy, việc ứng dụng phương pháp dạy học tích cực nói chung, PPTH nói riêng trong dạy học Tiếng Việt cũng có những hạn chế nhất định.

Để đạt được hiệu quả dạy học Tiếng Việt có vận dụng PPTH, GV cần chú ý các yêu cầu sau đây: Tình huống phải phù hợp với nội dung, chủ đề bài dạy; có tính thiết thực, điển hình và phản ánh đúng thực tế. Nếu là tình huống giả định thì phải hư cấu phù hợp với thực tế.

Bên cạnh, tình huống phải chứa đựng đủ thông tin cần thiết để HS phân tích, có những tình tiết hấp dẫn, lôi cuốn được sự chú ý và trí tưởng tượng của các em.

Ngoài ra, tình huống phải có mâu thuẫn, kịch tính, tạo sự cấp bách nhằm thôi thúc HS tích cực tư duy nhằm nhanh chóng tìm ra các phương pháp giải quyết. Trên cơ sở đó HS biết lựa chọn phương án tối ưu cho hoạt động ngôn ngữ nhằm đạt được mục đích giao tiếp.

Ví dụ dạy bài “Từ trái nghĩa”, GV có thể cho tình huống: “Nhìn ba mẹ vất vả và ngày một lớn tuổi, Lan và em thấy thương yêu, lo lắng cho ba mẹ nhiều hơn. Là chị em Lan, các em sẽ trao đổi những gì để biểu lộ tình cảm và nhắc nhở nhau san sẻ gánh nặng với ba mẹ. Hãy xây dựng đoạn hội thoại ngắn, trong đó ít nhất có 3 cặp từ trái nghĩa”.

Dạy bài “Thành ngữ”, GV yêu cầu HS nêu phương án giải quyết tình huống bằng đơn thoại hoặc hội thoại trong đó có sử dụng các thành ngữ phù hợp: “Trước ngày con chuyển đến địa phương khác để sinh sống và công tác, là ba mẹ, các em sẽ dặn dò và nhắn nhủ con điều gì?”.

PPTH được thực hiện theo các bước sau: Giới thiệu tình huống, HS nghiên cứu tình huống, tìm ra phương án giải quyết, trình bày giải pháp, GV tổng kết, đánh giá và rút ra bài học từ tình huống đã cho.

Thông qua các tình huống, HS nghe hiểu và chắt lọc được thông tin bổ ích từ các cuộc hội thoại, lời giải thích, thảo luận, biết cách tạo lập các dạng văn bản với cấu trúc logic, ngôn ngữ đa dạng; sử dụng hợp lý từ vựng và mẫu câu trong 2 lĩnh vực khẩu ngữ và bút ngữ, trong kỹ năng đối thoại và độc thoại; phát triển kỹ năng phân tích cũng như làm quen với cấu trúc ngôn ngữ khác nhau thông qua các cụm từ có nghĩa trong bối cảnh tự nhiên.

Đó thực sự là những đích đến hữu ích trong dạy học Tiếng Việt bằng PPTH.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ