Trở trời là chị Lê Thu Hòa (Hà Nội) rất sợ, bởi mỗi khi ra gió về thế nào chị cũng bị đau đầu . Cơn đau đầu chói từ một điểm trên đầu, rồi lan xuống vai gáy.
Chị thường tự xoa bóp, nhưng có lúc hết, còn đa số cơn đau gia tăng, có khi dữ dội một bên, có khi cả hai bên thái dương, hay sau ổ mắt... thậm chí đau dai dẳng tới mấy ngày trời, rất khó chịu.
Chị hay đội mũ bảo hiểm rẻ tiền khi đi đường. Loại mũ này mùa hè gió lùa vào thì thoáng đầu. Nhưng mua đông nhiều khi "mát quá", nên đầu chị hay bị lạnh. Thậm chí thời tiết gió không mạnh, nhưng đi xe máy qua những tòa nhà cao tầng gió mạnh là về chị cũng bị đau đầu.
Vì những cơn đau vẫn trong mức chịu đựng, lại đang mùa làm ăn Tết nên chị cố chịu không đi khám, nhưng những cơn đau đầu làm chị mất tập trung, ảnh hưởng nhiều đến công việc và sống sinh hoạt hàng ngày, đặc biệt là hay cáu gắt, bực tức vô cớ.
Nếu không mặc ấm,quàng khăn, đội mũ ấm thì cứ hở đâu là bị đau đấy. Ảnh minh họa.
Gió lạnh, hở đâu đau đấy
Để tránh đau đầu khi trời lạnh, mọi người nên theo dõi dự báo thời tiết hàng ngày để giữ gìn sức khỏe.
Nhiều người đầu đội mũ bảo hiểm, thân mặc quần áo ấm, nhưng chân đi giày không tất, gáy, trán, tai hở. Loại mũ bảo hiểm nửa đầu còn khiến gió hút vào đỉnh đầu… khiến đi gió về thế nào bấm nhẹ trên đầu chỗ nào cũng thấy đau.
Thực tế cho thấy, lứa tuổi, năm hay nữ cũng dễ mắc phải chứng đau đầu trong mùa đông, đặc biệt khi thời tiết hiện nay thường có mưa lạnh, giá buốt.
Đặc biệt là phụ nữ đã qua sinh nở, hoặc người mới ốm dậy, người huyết áp thấp… những ngày lạnh, lại có gió, hoặc đi qua những tòa nhà cao tầng hút gió nên những con đường ở chân tòa nhà gió rất mạnh, nếu không biết giữ ấm thì cứ hở đâu sẽ đau đầu, buốt đầu chỗ đó.
Ví như hở gáy thì về đau vai gáy. Hở trán thì về đau đầu vùng trước mặt, vùng trán như có vật gì sắp đánh vào. Hở má, cằm thì thế nào cũng bị đau ê ẩm một chỗ vùng này. Ngay cả đùi, ống chân để hở, hoặc mặc quần ống rộng, không ấm áp cũng bị đau vì gió…
Nguy hiểm hơn là vùng mặt có các dây thần kinh sinh đôi, sinh ba nếu bị gió lạnh hay bị đau chói một điểm và không chữa trị cẩn thận kịp thời có thể bị méo một bên mặt...
Tập thể dục, uống đủ nước để tránh bị đau đầu. Ảnh minh họa.
Phòng tránh ra sao?
Đau đầu nhức mình mẩy do gió có thể tự chữa trị, không cần dùng thuốc. Cách phòng tránh cơ bản là luôn giữ ấm cơ thể. Trời trở lạnh lưu ý mặc ấm, đội mũ, quàng khăn che phần trán, đỉnh đầu, hai bên tai và cổ.
Hiện có loại mũ len, vải đội đầu có vành đủ bịt kín khe hở mũ bảo hiểm để tránh gió lùa vào đầu, gây đau đầu.
Ngoài ra cần uống đủ nước, lập thời gian sinh hoạt, làm việc, nghỉ ngơi điều độ. Đi ngủ và thức dậy đúng giờ. Năng tập thể dục thể thao (dạo bộ, đi bộ, chạy bộ, đạp xe, thiền, yoga…), thư giãn (ngâm mình trong bồn nước ấm) để hạn chế những yếu tố kích thích đau đầu, có được giấc ngủ sâu (bởi thiếu ngủ, mất ngủ, ngủ không đủ giấc, ngủ không sâu…cũng làm mạch máu giãn ra, kích thích dây thần kinh gây đau đầu, đau nửa đầu).
Đi khám bác sĩ ngay khi cơn đau đầu không chịu nổi, hoặc buồn nôn. Ảnh minh họa.
Mẹo trị đau đầu đơn giản
Cách tự nhiên để chống đau đầu dễ làm nhất đó là sử dụng trà gừng. Cách thực hiện đơn giản là cắt gốc, đun sôi trong 10 phút, sau đó lọc như uống trà, hoặc có thể sử dụng túi trà có sẵn.
Hoặc dùng củ gừng tươi, đập giập, hòa với nước đường nóng uống sẽ hết đau đầu.
Không có gừng tươi, dùng bột gừng khô trộn chút nước thành bột nhão (không pha loãng) bôi lên trán. Gừng nóng sẽ giảm bớt đau đầu.
- Thoa dầu gió, dùng thìa bạc đánh gió vùng trán, lông mày, thái dương và xoa bóp vùng da đầu, gáy cũng nhanh hết đau đầu. Tuy nhiên, không dùng nhiều hơn 3 - 4 lần trong ngày.
-Nếu đi ngoài đường về bị đau nửa đầu: Hãy ngâm tay vào nước nóng (nhiệt độ nước nóng già sẽ tốt nhưng phải đảm bảo không bỏng da tay), lượng nước chỉ cần ngập qua bàn tay là đủ. Có thể nhỏ thêm vài giọt tinh dầu bưởi, hồi hoặc quế. Mỗi lần ngâm từ 30 - 40 phút nếu lạnh thì đổ thêm nước nóng để nhiệt độ nước luôn nóng. Ngâm tay nhiều lần trong nước nóng sẽ bớt đau đầu.
Trong trường hợp bệnh nhân thường nhức đầu dai dẳng, làm các cách trên không dứt, còn bị buồn nôn hoặc nôn thì nên đi khám để bác sĩ chữa trị dứt điểm.