Gương mẫu thực hiện các quy định tốt hơn
Đang có sự chênh lệch về giờ làm trong xã hội. Giờ làm việc của người lao động thường ở mức 44 - 48 giờ/tuần và giờ làm việc của công chức là 40 giờ/tuần.
Trao đổi về nội dung này, ông Nguyễn Văn Bình - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: Bộ luật Lao động hiện hành quy định giờ làm việc tiêu chuẩn không quá 8 giờ/ngày và không quá 48 giờ/tuần. Khuyến khích người sử dụng lao động áp dụng chế độ tuần làm việc 40 giờ.
Theo Luật Công chức, giờ làm việc của công chức được thực hiện theo quy định của Luật Lao động. Chính phủ, với tư cách là người sử dụng lao động ban hành quy định giờ làm việc của người lao động công chức là 40 giờ/tuần. Bản chất là Chính phủ thực hiện một quy định của Bộ luật Lao động: Khuyến khích người sử dụng lao động áp dụng chế độ làm việc 40 giờ/tuần.
Cần phân biệt rõ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ áp dụng chế độ làm việc 40 giờ/tuần trong khu vực công chức, được ban hành với tư cách là người sử dụng lao động áp dụng cho người lao động của mình, cụ thể là công chức - nhân viên làm việc cho Chính phủ. Không phải Chính phủ ban hành quyết định này với tư cách một cơ quan công quyền để áp dụng chung cho toàn xã hội.
Tìm sự so sánh tương đồng
Liên quan đến vấn đề thời giờ làm việc, Công ước số 47 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) nói về tuần làm việc 40 giờ, được ban hành từ năm 1935 nhằm kêu gọi một sự tốt đẹp hơn trong quan hệ lao động. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 15/187 quốc gia thành viên phê chuẩn, nhưng thực tế cũng có nhiều quốc gia đã thực hiện chế độ làm việc 40 giờ/tuần.
Khi so sánh về thời giờ làm việc, cần tham chiếu tính tương đồng giữa các quốc gia. Các nước phát triển cao, năng suất lao động cao như: Thụy Điển, Na Uy, Pháp… đều quy định thời giờ làm việc thấp hơn 48 giờ/tuần.
Trong 10 quốc gia ASEAN, chỉ có hai quốc gia quy định thời giờ làm việc thấp hơn 48 giờ/tuần là Singapore (một quốc gia phát triển hàng đầu khu vực quy định 44 giờ/tuần) và Indonesia (quy định 40 giờ/tuần). Còn lại, đa số các quốc gia phát triển hơn so với Việt Nam như: Thái Lan, Brunei, Malaysia… cũng vẫn quy định giờ làm việc là 48 giờ/tuần.
Indonesia đang có tới khoảng 160 triệu dân, tỷ lệ thất nghiệp rất cao, do đó họ phải giảm giờ làm nhằm chia sẻ việc làm cho người lao động. Tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam hiện chỉ khoảng trên 2%, trong khi các doanh nghiệp đang trong tình trạng “khát” nhân lực, và tất nhiên họ không có nhu cầu chia sẻ việc làm.
Về thị trường lao động Việt Nam, trước đây mỗi năm có khoảng 1 - 1,2 triệu người tham gia vào thị trường, nhưng trong vòng 5 năm trở lại đây, con số này chỉ còn từ 400 - 500 nghìn người. Ở một khía cạnh khác, năng suất lao động của Việt Nam cũng còn thấp so với nhiều quốc gia khác, nhu cầu về làm thêm giờ khá phổ biến trong các ngành nghề. Vì vậy, quy định giờ làm việc của người lao động Việt Nam là không quá 48 giờ/tuần.