Giờ học thú vị, hiệu quả nhờ vận dụng phương pháp giáo dục STEM

Giờ học thú vị, hiệu quả nhờ vận dụng phương pháp giáo dục STEM

Nổi bật trong đó là việc vận dụng phương pháp giáo dục STEM vào các hoạt động giáo dục, nhằm mang đến cho học sinh những giờ học, giờ thực hành thú vị, hiệu quả, góp phần phát triển năng lực, phẩm chất.  

Vận dụng hiệu quả giáo dục STEM

Theo TS Phạm Đăng Khoa, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn (quận 3), việc triển khai GD STEM vào các hoạt động dạy học của nhà trường đã tạo được nhiều đổi mới trong phương pháp giảng dạy, giáo dục học sinh (HS), góp phần đào tạo nên thế hệ HS yêu thích ứng dụng khoa học công nghệ liên môn để giải quyết các vấn đề thực tiễn.

Cụ thể, trường đã đưa vào sử dụng phòng thực hành STEM có quy mô lớn, được đầu tư các máy scan vật thể 3D, máy in 3D, máy khắc CNC… Năm học 2018 -2019, nhà trường tiếp tục thực hiện 3 mô hình mới theo định hướng giáo dục STEM cũng như góp phần xây dựng trường học thông minh: Phòng học STEM bằng kính thực tế ảo, xây dựng phòng học khoa học và ngoại ngữ bằng iPad; nhà kính trồng rau sạch, quản lý bằng phần mềm Farmbox trên điện thoại thông minh. Trường cũng thực hiện với 4 mô hình giáo dục kỹ năng sống theo định hướng STEM.

“Nhà trường đang từng bước chuẩn bị để thực hiện tốt chương trình mới trong thời gian tới, vì vậy việc đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá luôn được các giáo viên chủ động sáng tạo trong thực hiện nhằm phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh. Việc ứng dụng GD STEM trong hoạt động giảng dạy của nhà trường là một bước đi trước, chuẩn bị cho việc đổi mới ấy.

Chúng tôi cho rằng, đây là một hướng đi rất chính xác trong giai đoạn Việt Nam đang hội nhập quốc tế sâu và rộng như hiện nay. Cái được lớn hơn là HS đã có thói quen ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ đời sống hằng ngày, tạo ra những sản phẩm có ích cho cộng đồng và bản thân. Đây chính là bài học lớn mà trường hướng đến” - TS Phạm Đăng Khoa chia sẻ.

Bên cạnh Trường THCS Lê Quý Đôn, nhiều trường THCS, tiểu học tại TPHCM cũng đã vận dụng có hiệu quả GD theo định hướng STEM để góp phần GD toàn diện học sinh. Theo cô Vũ Thị Thơ, Hiệu trưởng Trường THCS Phan Tây Hồ, quận Gò Vấp, thời gian qua, nhà trường rất chú trọng việc ứng dụng CNTT trong việc thực hiện nội dung GD STEM. Nhà trường cũng đã chú trọng đầu tư các trang thiết bị dạy học để phục vụ cho các chuyên đề học tập có hiệu quả.

Ngoài việc tổ chức giảng dạy theo định hướng giáo dục STEM, nhà trường còn triển khai giáo dục STEM thông qua hình thức câu lạc bộ. Qua đó, đã góp phần đánh thức tiềm năng khoa học kỹ thuật của học sinh, là sân chơi giúp các em được thỏa sức thể hiện niềm đam mê khoa học, công nghệ, kỹ thuật… cùng như góp phần định hướng nghề nghiệp trong tương lai. Năm học 2018 – 2019, nhà trường có 117 sản phẩm tham gia trưng bày tại “Ngày hội giáo dục STEM”, trong số này có 11 sản phẩm đạt giải cấp quận và 3 sản phẩm đạt giải Nhì cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp thành phố.

Trường quay H1, nơi thực hiện các hoạt động đào tạo trực tuyến
 Trường quay H1, nơi thực hiện các hoạt động đào tạo trực tuyến

Đổi mới cách kiểm tra đánh giá

Cùng với đổi mới phương pháp dạy học, dưới sự hướng dẫn của Sở GD&ĐT TPHCM, các giáo viên đã có nhiều đổi mới trong cách đánh giá, kiểm tra học sinh theo hướng tiếp cận năng lực người học. Khác với những bài kiểm tra một tiết thông thường, HS lớp 11A15 (Trường THPT Trưng Vương, quận 1) đã có bài kiểm tra một tiết rất đặc biệt với yêu cầu: Tìm hiểu kĩ các tác phẩm Hai đứa trẻ, Hạnh phúc của một tang gia, Vĩnh biệt cửu trùng đài làm mô hình mô phỏng về một cảnh mà các em tâm đắc trong tác phẩm.

Theo đó, để hoàn thành bài kiểm tra, mỗi lớp đã chia thành các nhóm, mỗi nhóm 6 bạn, cùng tìm hiểu về tác phẩm và chọn cảnh mà các nhóm tâm đắc nhất để làm mô hình. HS có thể sử dụng bìa carton, giấy màu, gỗ, thậm chí cả đèn led… để thực hiện. Sau khi hoàn thành mô hình các em sẽ viết cảm nhận về cảnh mà nhóm lựa chọn.

Tương tự, đối với lớp 10A11, các em sẽ tìm hiểu kĩ 2 tác phẩm Nhàn và Cảnh ngày hè để làm mô hình. Sau khi hoàn thành, học sinh phải thuyết trình về những mô hình mà mình thực hiện trước lớp, cô giáo sẽ nhận xét và chấm điểm. Cô Trần Thị Quỳnh Anh, giáo viên Ngữ văn - người ra bài kiểm tra cho biết, bên cạnh việc đổi mới phương pháp dạy học, các giáo viên của trường đang tích cực đổi mới cách kiểm tra đánh giá học sinh.

Việc cho các em làm bài kiểm tra một tiết khá thú vị này ngoài việc để nắm rõ, hiểu rõ, cảm nhận về tác phẩm một cách sâu sắc, còn cho các em thể hiện sự sáng tạo, trí tưởng tượng của mình. Đặc biệt là rèn kỹ năng như làm việc nhóm, thuyết trình... Qua đó, HS thấy được việc học tập môn Văn không khô khan trên những trang giấy, mà nó là sự cảm nhận tác phẩm, cảm nhận các nhân vật bằng tâm hồn của mình.

Tương tự, nhiều năm qua, thầy Nguyễn Viết Đăng Du (tổ trưởng Tổ Lịch sử của Trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3), được đánh giá là một trong những người tiên phong trong sáng tạo dạy học, kiểm tra, đánh giá HS. Dạy học theo chuyên đề, theo dự án, đưa HS đi học tập trải nghiệm ở nhiều địa điểm, di tích lịch sử nổi tiếng, tạo sân chơi cho các em qua cuộc thi nhỏ về hóa trang, viết review phim, liên môn... là cách mà thầy Du đã và đang thực hiện.

Thầy Đăng Du cho biết, dạy học là nghề sáng tạo, khi có tình yêu với nghề, người giáo viên sẽ vượt qua được những rào cản xung quanh. Bản thân thầy luôn đặt mình trong vị trí của trò, để hiểu và biết các em cần gì với môn Sử. Từ đó, thôi thúc người thầy phải sáng tạo, phải đổi mới trong cách dạy, trong cách đánh giá học trò, ứng dụng CNTT vào giảng dạy để… bắt kịp với xu thế thời đại.

Bên cạnh sự chủ động của các giáo viên, nhiều trường THPT như: THPT Nguyễn Du (quận 10), THPT Lê Quý Đôn (quận 3), THPT Trần Hữu Trang, THPT Phú Nhuận cũng đã bắt đầu áp dụng kiểm tra giữa kỳ trực tuyến trên máy tính, smartphone. Việc tận dụng tối đa CNTT trong kiểm tra đánh giá HS được các giáo viên, HS ủng hộ.

TS Trương Tiến Tùng - Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Hà Nội, cho rằng: Trường đã nỗ lực rất lớn để hoạt động đào tạo tiếp cận trình độ khu vực và quốc tế. Trường tăng cường hợp tác toàn diện với doanh nghiệp trong và ngoài nước để tác động tích cực tới chương trình đào tạo, kỹ năng và thái độ của người học phối hợp với các trường đại học mở châu Á (AAOU) và Đông Nam Á (OU5); Xây dựng nội dung tài nguyên giáo dục mở, tạo môi trường học liệu chung như: Các khóa học MOOCs, website chung dạy ngôn ngữ bản địa các quốc gia Đông Nam Á; Tận dụng tối đa điểm mạnh của hình thức đào tạo tín chỉ, hình thành từng nhóm sinh viên có năng lực phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp, từng bước cá nhân hóa chương trình đào tạo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ