Gió đưa bụi chuối sau hè

GD&TĐ - Những ngày nắng quéo, tổ chim rách nát sau vài trận gió. Quê nhà vẫn bình yên sau những ngày đại dịch tràn về.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Nơi có những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi, có cánh đồng lúa xanh rì rào cùng mảnh vườn gắn bó với đời người. Quan trọng hơn, quê nhà là nơi có bóng dáng của cha mẹ già lam lũ, đôi chân trần nứt nẻ đầy vết bùn. Và có cả những giấc mơ trưa, với ổ trứng hồng tuổi thơ.

Đại dịch diễn ra khắp nơi. Thành phố bạo bệnh. Thế là những đứa con xa nhà phải khăn gói về quê. Hành trình về quê phải vượt hàng nghìn cây số, dẫu mệt và không biết bao nhiêu mồ hôi rơi thấm dọc đường. Nhưng tiếng gọi của quê nhà, vòng tay bao dung của quê nhà, lúc nào cũng chào đón những đứa con xa xứ trở về.

Và con người ta, dẫu có mưu sinh ở đâu xa xôi lắm, nhiều thú vui hấp dẫn lắm. Nhưng mỗi khi mệt mỏi, rệu rã tinh thần đều muốn tìm về với quê nhà. Quê nhà như một nguồn năng lượng lớn, một nguồn năng lượng dồi dào mà mỗi người cần dung nạp. Và quê nhà lúc nào cũng giản dị, hiền hòa như cô gái mới lớn. Bao dung, tràn đầy những niềm yêu thương của người mẹ.

Quê nhà còn có gì hấp dẫn nữa, mà đoàn người từ các thành phố lớn, ngày đêm băng đèo, băng dốc để trở về trong cơn đại dịch đến vậy? Phải chăng, khi mệt mỏi, khi ranh giới giữa sự sống và cái chết, giữa những nguy hiểm mong manh, người ta đau đáu một nỗi thương nhớ về quê nhà.

Thành phố khói bụi, ồn ào. Nơi hội tụ của rất nhiều mảnh đời tìm đến, cùng những ước mong đổi đời. Rồi thành phố ốm sau những đợt đại dịch. Các nhà máy đóng cửa. Chợ búa ngưng hoạt động. Thành phố phủ lên mình một màu khẩu trang y tế, với những tiếng hú còi ngày đêm của những thiên thần áo trắng cứu người.

Trường học đóng cửa. Người với người trong thành phố nhưng không thể gặp nhau. Và rồi hai tiếng quê nhà âm ỉ trong trái tim họ. Ao làng, chợ quê gắn với sự bình yên, đó là những gì đang diễn ra trong suy nghĩ của họ. Và lúc này hơn ai hết, sự an toàn của quê nhà, là điều họ khát khao, mong mỏi.

Vượt qua cái đói, cái mệt của hành trình đường xa, dòng người về quê trong nỗi lòng rưng rức. Các em nhỏ tạm bỏ lại những bài đánh vần dang dở, bỏ lại những bài toán chưa hoàn thành. Để tất cả theo mẹ gật gù về trong đêm tối.

Đoàn người lao động rời phố. Thành phố lúc này bắt đầu vắng vẻ. Chỉ còn những cái đầu lấp ló, đôi mắt hấp háy dòm ra khỏi cửa sổ quan sát thành phố. Phố vắng vì dịch bệnh. Phố thưa người, vì người phải quay về nơi chôn rau cắt rốn của mình.

Đại dịch mang lại bao nỗi thương vong và mất mát. Nhưng quê nhà luôn là chùm khế ngọt, là câu ví dầu nhẹ nhàng, da diết nuôi dưỡng tâm hồn mỗi người. Chỉ cần về đến đầu làng, thấy rặng tre xanh rì reo trong gió. Thấy cánh đồng lúa tốt tươi, cò bay thẳng cánh. Giếng nước đầu làng vẫn trong veo. Lấy gàu múc vài thùng tắm mát, như trôi đi bao loại bụi bẩn đường xa.

Và sau nhà, gió vẫn đong đưa bụi chuối xanh rờn. Mẹ hay cắt lá chuối vào lót bánh xèo, gói bánh đúc ra chợ. Trên những bụi chuối, chim vẫn làm tổ đẻ trứng. Mùa này bắp chuối đang nở rộ, dưới đôi bàn tay khéo léo của mẹ, những món gỏi chuối trộn da heo lần lượt ra đời.

Bên khung cửa sổ, tôi nhìn sang nhà hàng xóm, thấy người mẹ xới cơm cho cậu con trai đã hai màu tóc. Dáng người vất vả, lam lũ mới ở nơi xa về. Nhìn con ăn vội vàng vì đói, người mẹ rơm rớm nước mắt. Quê nghèo nhưng lúc nào cũng sẵn sàng dang tay chào đón các con trở về.

Dẫu biết một ngày kia, dịch bệnh tạm ổn, cuộc sống trở lại bình thường, rồi các con sẽ thêm một lần nữa xa quê, lên phố thị bon chen kiếm sống. Quê nghèo thương những phận đời lam lũ, nhưng rồi ai cũng phải lớn lên, đi xa để lập nghiệp.

Thành phố giãn cách, ai cũng hòa mình trong đoàn người vượt đường xa, về quê. Quê nhà, xóm nhỏ vẫn thực hiện 5K, mặc dù cuộc sống nơi này vốn dĩ rất bình yên. Với tôi, quê nhà là cả một thiên đường hạnh phúc. Cái khái niệm “sau hè” là cả một khoảng trời bình yên. Sau hè là thế giới tuổi thơ và hạnh phúc…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thầy Tân tranh thủ thời gian rảnh bán vé số để có nguồn hỗ trợ học sinh, dân nghèo. Ảnh: Thành Thật

Thầy giáo bán vé số giúp học trò nghèo

GD&TĐ - Người dân ở thị trấn Phong Điền (Phong Điền, Cần Thơ) từ lâu đã quen với bóng dáng thầy Tân trong bộ quần tây, áo trắng đi bán vé số giúp trò...