(GD&TĐ) - Lên 10 tuổi đã phải bươn chải mưu sinh bằng nghề bán vé số. Trải qua những sóng gió cuộc đời, gần đây ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian vì có công lưu giữ và phát triển nghệ thuật truyền thống múa lân - sư - rồng. Ông là Lương Tấn Hằng - trưởng đoàn múa lân Hằng Anh Đường.
Từ cậu thiếu niên đường phố
Ông sinh ra trong một gia đình lao động nghèo. Cũng vì cái nghèo nên khi chưa đầy 10 tuổi, cậu bé Hằng đã phải dẫn người em gái đi khắp các con đường ở Sài Gòn bán vé số mưu sinh. Cho đến bây giờ, ký ức về những buổi tối phải chịu cái lạnh, bụng đói lang thang ở đầu đường xó chợ mưu sinh vẫn còn in đậm trong ông. Có lẽ cũng vì thế, mà đoàn múa lân của ông sau này gồm phân nửa là những đứa trẻ lang thang, cơ nhỡ được ông đưa về cho học. Lên 11 tuổi, trong một lần đến chơi nhà người chú họ ở lò võ Tinh Anh Đường, mê mẩn trước những đường quyền, Hằng nằng nặc đòi cha mẹ cho mình theo học võ. Được sự đồng ý của cha, thế là đêm đêm, thay vì được ngủ, cậu bé Hằng đi phụ bán phá lấu, bán vé số, để sáng ra được đến Tinh Anh Đường, luyện từng thế võ. Lò võ Tinh Anh Đường cũng là đoàn múa lân nên học võ ở đây, Hằng học luôn múa lân. Ông nhớ lại: “Sư phụ tôi là Triệu Vi Vân, thấy tôi mê múa lân nên đã dạy cho tôi võ thuật cùng với cách múa lân. Tôi mê lắm nên tập ngày, tập đêm, người đầy vết bầm và trầy xước vì mai hoa thung”.
Người múa lân hầu hết đều là con nhà võ, bởi phải có đủ sức khoẻ, sự nhanh nhẹn, khéo léo thì mới “trụ” được. Những ngày tháng khổ luyện từng thế võ, thể hiện được những tố chất xuất sắc nên chẳng mấy chốc, Hằng được thầy Triệu Vi Vân chọn để đào tạo thành một nghệ nhân múa lân. Đây là một vinh dự mà lúc đó không phải đứa trẻ theo học võ nào cũng có được... “Học múa lân cũng phải trải qua nhiều bước, từ dễ đến khó, từ thấp đến cao. Thời gian đầu, tập múa dưới đất, thời gian sau thì phải tập múa trên những chiếc cọc, sau đó phải tập trên mai hoa thung (trụ sắt) với độ khó ngày càng tăng, đòi hỏi sự chính xác cao để tránh những tai nạn...” - nghệ nhân Lương Tấn Hằng cho biết.
Nghệ nhân Lương Tấn Hằng |
Nhanh chóng “hấp thụ” đủ các ngón nghề trong múa lân, Hằng cũng được giao làm “thủ lĩnh” của một đội lân con đi múa lân kiếm sống. Nhưng thời đó, do người thuê múa lân không nhiều nên hàng chục đoàn lân sư rồng buộc phải phân chia địa bàn để hoạt động. Hầu hết những thanh thiếu niên theo đoàn lân đều có võ và phần đông... dữ tợn, sẵn sàng lao vào “ đụng” nếu cần thiết. Vốn giỏi võ và cũng thuộc hàng “lì lợm” không kém và để có được nhiều hợp đồng cho đội của mình, không ít lần Hằng đã “chiến” với các đoàn lân khác đến sứt đầu, mẻ trán...
Nhưng không chỉ đi múa lân kiếm sống, ông bắt đầu tìm hiểu, “đào sâu” về cái “nghề” mà bấy lâu người ta chỉ “xem” thôi, và ấp ủ mơ ước làm sao để đưa múa lân thành một nghề có thể kiếm sống cho trẻ em hè phố...
Đến người thầy của trẻ đường phố
Năm 1986, có trong tay vài chỉ vàng dành dụm từ những ngày lăn lộn mưu sinh, ông quyết định “chia tay” lò võ Tinh Anh Đường, rủ thêm mấy người bạn đồng môn nghèo ra hoạt động riêng...Những ngày đầu thành lập đoàn lân Hằng Anh Đường, do vốn ít, lại không có tên tuổi nên ông gặp rất nhiều khó khăn. Không ít lần ông cùng anh em đi biểu diễn miễn phí, rồi tùy lòng gia chủ, cho bao nhiêu thì biết bấy nhiêu, nhiều khi chỉ là một bữa cơm qua ngày...
Rồi những đêm lang thang ngoài phố, gặp đứa trẻ bất hạnh nào ông cũng trò chuyện rồi rủ về gia nhập đoàn lân của mình. Thời gian đầu khai sinh Hằng Anh Đường, người ta xem đoàn lân của ông như một “đám giang hồ”. Khi nghe tin Hằng Anh Đường thu nhận cả những đệ tử “hè phố”, không ít đứa trẻ giang hồ lò dò tìm đến xin học. Ông Hằng thu nhận kèm theo lời dặn: “Thầy nuôi cơm, mấy em khỏi lo đói, nhưng phải tu chí học chữ, học võ, học múa lân cho đàng hoàng là được”. Đến với ông Hằng hầu hết là những em cơ nhỡ không nơi nương tựa, cha mẹ, gia đình ly tán, có đứa sống lây lất, trộm cắp, giựt dọc, có đứa nghiện hút...nên để đưa chúng vào khuôn khổ thật không dễ. Vừa dạy múa lân, ông vừa tỉ tê tâm sự, căn dặn trò của mình rằng: “Chúng ta có xuất thân không tốt, vì vậy phải làm đàng hoàng hơn người khác để xã hội có cái nhìn thiện cảm hơn về chúng ta”. Không hiểu cách dạy dỗ của ông như thế nào mà những đứa trẻ về với đoàn lân đều đổi tính, sống nghĩa tình, siêng năng và coi ông như người cha, xem lò võ như nhà của chúng. Tuy vậy, cũng không ít lần ông Hằng phải lên công an phường để bảo lãnh học trò của mình về. Và cứ mỗi bận có đám đánh nhau, giựt dọc nào đấy, mấy anh công an phường lại nghĩ ngay đến “quân” của ông Hằng, rồi không cần biết “đối tượng” thuộc đoàn lân nào, cứ bốc máy gọi ông lên xác minh. Có nhiều người cho ông dại khi thu nhận toàn những đứa giang hồ… Nghe vậy, ông Hằng chỉ cười hiền: “Tôi không cần biết trước kia các em đã từng làm gì, có thể những hình xăm vằn vện trên cánh tay chúng không xóa được, nhưng tôi muốn xóa đi một quá khứ. Chúng ta phải cho các em một cơ hội để làm lại cuộc đời...”.
Hơn 20 năm trời, ông đã đào tạo trên 70 lớp múa lân cho hơn 800 thành viên. Đến với Hằng Anh Đường, nhiều thanh niên hư hỏng đã trở thành những người tốt, những thành viên biểu diễn giỏi. Hiện nhiều học trò của ông cũng đã ra riêng, mở cơ sở ở quận 1 (TP.HCM), Lái Thiêu (Bình Dương), Tiền Giang. Khi nói về những học trò của mình, một trong những dấu ấn đáng nhớ nhất là cách đây 5 năm, ông đã tổ chức lễ cưới cho Huỳnh Hoài Chung. Trước đó, Chung đã có một thời ngang dọc. “Không chỉ giúp tôi hoàn lương mà ngay cả chiếc xe máy đầu đời của tôi cũng do thầy Hằng bỏ tiền túi mua cho”- Chung kể.
Hằng Anh Đường đang biểu diễn tại liên hoan múa lân-sư-rồng |
Đưa lân xuất ngoại
Ngay từ khi thành lập Hằng Anh Đường, ông Hằng đã nghĩ đến việc làm thay đổi suy nghĩ của nhiều người rằng múa lân như một nghề Sơn Đông mãi võ, mà muốn mọi người xem Hằng Anh Đường như một đoàn nghệ thuật giải trí. Hằng Anh Đường không tham gia vào những vụ tranh giành lãnh địa với các đoàn lân khác, mà mở rộng lò dạy võ, trị bệnh, sản xuất các dụng cụ, đồ nghề múa lân...
Cái đoàn lân của “dân giang hồ” ngày nào giờ đã trở thành 1 trong 5 đoàn lân lớn nhất TP.HCM. Những đầu lân, sư, rồng thủ công của Hằng Anh Đường xuất ra nước ngoài đều đặn, có giá từ 3 đến 15 triệu đồng/chiếc. Ông Hằng còn nhận thêm dịch vụ quay phim, tổ chức biểu diễn để đoàn lân kiếm thêm thu nhập...
Khi đoàn lân đã có thu nhập ổn định, ông vẫn chưa chịu dừng lại mà quyết tâm đưa Hằng Anh Đường trở thành một công ty biểu diễn lân, sư, rồng chuyên nghiệp. Ông tự mình mua sách và băng ghi hình về nghiên cứu, học hỏi thêm các tuyệt kỹ của nghề múa lân, sư, rồng rồi dạy lại cho học trò... Mới đây, Hằng Anh Đường được phía Trung Quốc mời sang biểu diễn. Khán giả Trung Quốc được một phen kinh ngạc khi xem thầy trò ông diễn tiết mục Lân trên mai hoa thung, mạo hiểm như trong bộ phim võ thuật nổi tiếng Hoàng Phi Hồng. Nhưng có lẽ vui nhất với ông là chuyến sang Nhật Bản trình diễn trong lễ hội truyền thống múa lân, diễn ra vào tháng 10.2010. Ông kể: “Hôm đó là mùng 1 Tết Canh Dần, đoàn lân múa phục vụ tại khách sạn New World cho nhiều du khách nước ngoài xem. Ngay sau phần biểu diễn, có người đàn ông gọi điện hỏi chương trình diễn hôm sau để được tiếp tục xem. Sau đó, tôi không ngờ người này là chuyên gia của Bộ Văn hóa Nhật. Khi ông ấy gửi lời mời đoàn sang Nhật trình diễn, tôi rất bất ngờ”.
Không chỉ đơn thuần là múa lân, ông cũng đã “biến” Hằng Anh Đường trở thành một thương hiệu nghệ thuật cho ngành giải trí. Năm 2007, Trung tâm Văn hóa TP.HCM đã trao bằng công nhận Nghệ nhân dân gian cho ông Lương Tấn Hằng thuộc lĩnh vực múa lân - sư - rồng...
Ở cái tuổi 47, không lập gia đình, hằng ngày nghệ nhân Lương Tấn Hằng vẫn đến “căn nhà” của đệ tử ông trong khuôn viên Nhà thiếu nhi quận 11 để quán xuyến công việc và đi tìm những hợp đồng diễn cho học trò có “đất sống”.
Thái Khuê