Giáo dục về văn hoá truyền thống từ bậc Mầm non
Những năm qua, ngành GD&ĐT TP Kon Tum (tỉnh Kon Tum) luôn đặc biệt quan tâm, chỉ đạo các trường gìn giữ và phát huy văn hoá truyền thống dân tộc.
Trường Mầm non Vàng Anh (xã Kroong, thành phố Kon Tum) có 329 học sinh, nhưng có đến 204 em là người dân tộc thiểu số Bana. Mong muốn học sinh biết đến và gìn giữ, phát huy văn hoá truyền thống dân tộc nhà trường đã bố trí một góc địa phương gần khu vực cổng trường. Ở góc địa phương với hàng chục bộ trang phục truyền thống đầy màu sắc. Bên cạnh đó là một bộ cồng chiêng, đàn bầu. Ngoài ra là nhiều vật dụng gần gũi với người dân như: gùi, nia, bầu, nơm… để học sinh có thể tìm hiểu và biết được công dụng của từng đồ dùng.
Cô Nguyễn Thị Yến – Phó hiệu trưởng nhà trường cho hay, trong những năm qua nhà trường luôn chú trọng việc gìn giữ và phát huy văn hoá truyền thống. Theo đó, nhà trường tuyên truyền, phối hợp và được phụ huynh đồng tình ủng hộ, chung tay xây dựng góc địa phương. Những bộ cồng chiêng hay trang phục truyền thống… đều được dân làng hỗ trợ để nhà trường sử dụng trang trí, trưng bày trong khuôn viên.
“Ở 2 điểm trường làng là Kroong Klah và Kroong Ktu nhà trường chú trọng xây dựng góc địa phương. Từ đó, giáo dục học sinh phải biết yêu quý, gìn giữ và phát huy văn hoá truyền thống dân tộc mình ngay từ khi còn nhỏ”, cô Yến tâm sự.
Chị Y Mai - phụ huynh học sinh cho biết, ở bậc Mầm non nhà trường trang trí, xây dựng góc truyền thống là rất thiết thực và ý nghĩa. Bởi hiện nay thế hệ trẻ ít ai còn mặn mà với văn hoá dân tộc. Do đó, một số bản sắc văn hoá dần bị lãng quên và mai một. Chính vì vậy, việc giáo dục để trẻ mầm non biết đến cồng chiêng, múa xoang hay trang phục truyền thống sẽ giúp các em quý trọng hơn và phát huy giá trị dân tộc.
“Bản thân tôi và nhiều người dân rất vui và ủng hộ những việc làm ý nghĩa này. Do đó, bà con thường xuyên hỗ trợ cũng như hướng dẫn các em tập múa xoang để biểu diễn văn nghệ trong trường học”, chị Y Mai bộc bạch.
Em A Sop - học sinh điểm trường Kroong Klah nói rằng: “Em đến trường vui lắm, được học và chơi nhiều trò chơi. Em còn được mặc trang phục truyền thống rất đẹp và màu sắc”.
Giá trị truyền thống… nuôi dưỡng tâm hồn học sinh
Trẻ mầm non đã biết và được làm quen với cồng chiêng ngay trong trường học. |
Ông Thái Khắc Hoà, Trưởng phòng GD&ĐT TP Kon Tum cho biết, trong những năm qua, ngành Giáo dục thành phố thường xuyên tuyên truyền, chỉ đạo các trường chú trọng giáo dục về văn hoá truyền thống đến học sinh. Ngay từ cấp Mầm non tất cả các trường có học sinh người dân tộc thiểu số đều xây dựng góc truyền thống, địa phương. Tại đây trưng bày cồng chiêng, những vật dụng gần gũi với đời sống bà con. Qua đó, giáo dục các em hiểu, yêu hơn và bảo tồn bản sắc văn hoá truyền thống dân tộc.
Theo ông Hoà, cứ 2 năm một lần, ngành Giáo dục thành phố lại tổ chức Liên hoan Cồng chiêng - Múa xoang, thi trang phục dân tộc thiểu số dành cho học sinh. Tại đây, học sinh của các trường sẽ giao lưu, khoác lên mình những bộ trang phục truyền thống và biểu diễn múa xoang, cồng chiêng hay tái hiện lại lễ hội văn hoá của dân tộc.
Năm học 2022-2023, sau 3 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Liên hoan Cồng chiêng - Múa xoang, thi trang phục dân tộc thiểu số đã được tổ chức và thu hút đông đảo học sinh và các bậc phụ huynh tham gia.
Học sinh tham gia Liên hoan Cồng chiêng - Múa xoang, thi trang phục dân tộc thiểu số. |
“Liên hoan nhằm mục đích tạo sân chơi văn hoá bổ ích để học sinh được giao lưu, chia sẻ, tăng tinh thần đoàn kết. Bên cạnh đó cũng giúp các em tìm hiểu thêm về văn hoá và biểu diễn cồng chiêng. Đồng thời đây là không gian để học sinh thật sự được đắm chìm trong âm thanh trầm bổng của tiếng cồng chiêng mà cha ông đã lưu truyền lại. Qua đó, giúp các em càng yêu quý, trân trọng và luôn có ý thức bảo tồn, giữ gìn, phát huy giá trị văn hoá của dân tộc”, ông Hoà nói.
Theo ông Hoà, hiện nay nhiều trường học của ngành GD&ĐT thành phố đã thực hiện việc mặc trang phục dân tộc thiểu số khi đến trường, lớp hoặc trong các buổi chào cờ đầu tuần, Lễ hội, ngoại khóa... Không những vậy các trường còn tổ chức cho học sinh đánh cồng chiêng, múa xoang. Thông qua những hoạt động này, ngành Giáo dục mong muốn giá trị văn hoá truyền thống sẽ góp phần hun đúc, nuôi dưỡng tâm hồn học sinh ngày càng phong phú. Từ đó giúp các em học tập tiến bộ hơn và hướng tới những suy nghĩ và hành động tích cực, tốt đẹp trong cuộc sống.