Gìn giữ di sản kiến trúc đô thị thời bao cấp

GD&TĐ - Các thành phố đặc biệt trên thế giới đều giữ lại được những dấu ấn quá khứ, để hình thành những đặc trưng hiện đại.

Cung Văn hóa hữu nghị Việt Xô được khởi công năm 1978 từ nguồn tài chính do Hội đồng Trung ương các Công đoàn Liên Xô trước đây trao tặng.
Cung Văn hóa hữu nghị Việt Xô được khởi công năm 1978 từ nguồn tài chính do Hội đồng Trung ương các Công đoàn Liên Xô trước đây trao tặng.

Trong dòng chảy và phát triển liên tục của đô thị Hà Nội, kiến trúc công cộng giai đoạn 1954 - 1986 được xem là những dấu ấn đặc biệt, mang hơi thở di sản kiến trúc xã hội chủ nghĩa.

Các thành phố đặc biệt trên thế giới đều giữ lại được những dấu ấn quá khứ, để hình thành những đặc trưng hiện đại. Trong tiến trình phát triển đô thị, di sản kiến trúc được coi là những “chỉ số thị giác” để nhận biết sự khác biệt của thành phố này với thành phố khác.

“Nhân chứng” sống động của thời gian khó

Theo giới nghiên cứu, Hà Nội là một trong số ít các thành phố trên thế giới còn giữ được nhiều kiến trúc thời kỳ đầu xây dựng xã hội chủ nghĩa, hay còn gọi là thời bao cấp. Các công trình này gắn liền với cuộc sống nhiều khó khăn nhưng cũng đầy tinh thần lạc quan của cư dân Hà Nội.

Điểm lại các công trình ấy theo thời gian, sẽ thấy thật ngạc nhiên là Hà Nội đã có những mạng lưới dày đặc các công trình kiến trúc phản ánh mong ước xây dựng xã hội theo mô hình mới, hết sức đa dạng và phong phú, vừa là một trung tâm công nghiệp sản xuất quy mô lớn (cụm công nghiệp Cao – Xà – Lá), vừa là trung tâm văn hóa – xã hội (Cung Văn hóa hữu nghị Việt Xô, Cung Thiếu nhi Hà Nội), và rất nhiều khu tập thể mang tinh thần xã hội chủ nghĩa, tôn vinh các giá trị cộng đồng.

Về mặt kiến trúc, nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định các công trình kiến trúc giai đoạn 1954 - 1986 được thiết kế với những nguyên tắc định hình hiện đại, tiến bộ, có giá trị lịch sử, khoa học, xã hội và kinh tế. Khối di sản kiến trúc giai đoạn này ở Hà Nội là một phần tạo dựng nên bản sắc Hà Nội và có nhiều tiềm năng để phát huy giá trị, phục vụ chiến lược phát triển Hà Nội trong tương lai, hướng đến nền kinh tế sáng tạo, giàu bản sắc văn hóa.

Tuy giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc của công trình kiến trúc thời bao cấp có thể chưa đạt tới tầm cao để có thể được công nhận là di sản. Tuy nhiên, những yếu tố đặc trưng – đại diện tiêu biểu cho thời đại từ những công trình này lại rất đáng quan tâm. Đặc biệt, nó còn mang các giá trị về tinh thần, quá khứ và là “nhân chứng” sống động về một thời gian khó của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.

Điển hình nhất có thể kể tới Cung Thiếu nhi Hà Nội, một minh chứng cho sự quan tâm của xã hội thời bao cấp, đã chắt chiu những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em. Bên cạnh đó là Cung Văn hóa hữu nghị Việt Xô - biểu tượng của sự trân trọng và tình hữu nghị giữa hai quốc gia xã hội chủ nghĩa.

Theo GS.TS Nguyễn Quốc Thông - Hội Kiến trúc sư Việt Nam, hầu hết các công trình công cộng giai đoạn 1954 – 1975 được xây dựng với hai mục đích: Thứ nhất là khắc phục hậu quả chiến tranh, thứ hai là phục vụ công cuộc xã hội chủ nghĩa. Điều đặc biệt trong kiến trúc thời kỳ bao cấp là tư tưởng hiện thực, mạch lạc, đơn giản, vững chãi.

Tuy nhiên đến nay, trước sức ép của phát triển đô thị hiện đại, quỹ đất và giá đất mà nhiều di sản kiến trúc thời bao cấp đã bị phá hủy để thay thế bằng các tòa nhà cao tầng, khu chung cư, văn phòng cao cấp; một số khác bị cải tạo khác biệt so với vẻ đặc trưng ban đầu.

giu-gin-di-san-kien-truc-do-thi-thoi-bao-cap-1-9940.jpg
Dấu ấn tranh cổ động thời bao cấp ở ngã tư chợ Mơ (Hà Nội) phải nhường chỗ cho dự án xây dựng.

Cần sớm nhận diện để bảo tồn

KTS Vũ Hiệp – tác giả cuốn sách “Sự kiến tạo các nền nghệ thuật”, từng đạt giải Bạc Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2022 – 2023, cho rằng: Di sản kiến trúc có khả năng gợi bản sắc văn hóa, thu hút du lịch, thúc đẩy tính bền vững, tạo lợi thế cạnh tranh cho các thành phố và xây dựng thương hiệu đô thị. Bằng cách sử dụng di sản kiến trúc, một thành phố có thể tạo ra bản sắc riêng, củng cố lợi thế cạnh tranh và thúc đẩy phát triển.

“Giai đoạn 1954 - 1986, Hà Nội xuất hiện nhiều công trình công cộng như: Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa, Đại học Thủy lợi, Sân vận động Hàng Đẫy, Nhà xuất bản Sự thật, Bưu điện Hà Nội. Hay các khu tập thể, như Kim Liên, Trung Tự, Nghĩa Tân, Thành Công… đã làm thay đổi sâu sắc lối sống của một bộ phận người Hà Nội, từ không gian riêng tư gia đình đến không gian tập thể, góp phần tạo nên bản sắc văn hóa đô thị Hà Nội”, KTS Vũ Hiệp cho hay.

Trong khi di sản kiến trúc thời phong kiến và thời Pháp thuộc hiện diện trong chiến lược xây dựng thương hiệu của Hà Nội, thì kiến trúc giai đoạn bao cấp chưa được đề cập, trở thành đề tài bị lãng quên.

Bởi vậy, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, cần sớm xác định, nhận diện lại các công trình, gồm các mô hình nhà ở, để bảo tồn các giá trị kiến trúc bao cấp, minh chứng cho quá trình phát triển liên tục của Hà Nội.

Đặc biệt, theo KTS Vũ Hiệp, Hà Nội là một trong những thành phố ít ỏi trên thế giới có nhiều mô hình tập thể kiểu mẫu thời XHCN, nhà máy công nghiệp thời kỳ đầu, thể hiện cho khát vọng vươn lên.

Có không ít mô hình chuyển đổi từ cơ sở công nghiệp cũ thành các không gian sáng tạo mới, như 282 Design Bồ Ðề (Long Biên). Vốn là một nhà máy cũ, sau khi chuyển đổi đã trở thành không gian làm việc, tổ chức các cuộc tọa đàm chia sẻ, trưng bày, triển lãm, biểu diễn nghệ thuật...

Theo TS Nguyễn Thị Hậu, di sản đô thị đang chịu cảnh lép vế so các di tích, di sản văn hóa khác. Trong Luật Di sản văn hóa không đề cập đến loại hình này, cũng như chưa có hành lang pháp lý để bảo vệ.

Tuy nhiên, di sản văn hóa đô thị cần được coi là tài sản, nguồn vốn xã hội quan trọng và lâu dài chứ không phải là một “gánh nặng” do phải bảo tồn, trùng tu hay là sự cản trở quá trình hiện đại hóa - do không thể lấy vị trí của di sản để xây công trình mới.

Làm sao để bảo tồn, lan tỏa giá trị của di sản kiến trúc thời bao cấp ở Hà Nội trong xã hội hiện đại? Để giải đáp câu hỏi và đi sâu phân tích góc cạnh của vấn đề, các chuyên gia: KTS Vũ Hiệp, TS.KTS Trần Thanh Bình, PGS.TS Nguyễn Văn Huy sẽ tham gia thảo luận tại tọa đàm chủ đề “Hà Nội thời bao cấp: Ký ức qua di sản kiến trúc” vào lúc 14 giờ 30 phút ngày 11/10, tại số 52 Hai Bà Trưng (Hà Nội).

Bình luận

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

“Góc phố Tết” của Trường Tiểu học Phú Thọ. Ảnh: MA

Cùng bạn nghèo đón Tết

GD&TĐ - Cận Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, các trường học tại TPHCM tổ chức nhiều hoạt động vui xuân, giúp học sinh hiểu thêm về Tết cổ truyền.

Nhóm sinh viên đoạt giải Nhất trong lĩnh vực Khoa học giáo dục Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học.

Bản đồ cho học sinh khiếm thị

GD&TĐ - Học sinh khiếm thị có thể học lịch sử và địa lý qua bản đồ nổi, dễ dàng hình dung, nhận biết, xác định được các vị trí cần thiết để phục vụ học tập.