Hưng cũng phải trả giá bằng sự tự do của mình khi nhận bản án 20 năm tù giam.
Từ hôn nhân rạn nứt...
Câu chuyện buồn về cuộc đời của phạm nhân Phạm Văn Hưng (SN 1978), trú tại huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ được chính anh kể lại trong một ngày mưa gió sụt sùi tại Trại giam Suối Hai, huyện Ba Vì, TP Hà Nội. Chia sẻ về cuộc đời mình, Hưng kể với một giọng trầm buồn: “Em mồ côi mẹ từ lúc còn rất nhỏ. Bố em ở vậy nuôi 3 anh chị em chúng em khôn lớn trưởng thành. Sống trong hoàn cảnh thiếu thốn tình cảm và sự chăm sóc của người mẹ từ nhỏ nên trong thâm tâm em luôn ao ước sau này mình sẽ có được một gia đình riêng êm ấm, hạnh phúc... Gia đình ấy có vợ, có chồng, còn những đứa trẻ được hưởng sự chăm sóc, quan tâm nuôi dạy của cả cha và mẹ”.
Khi đến tuổi cập kê, Hưng để ý tới một cô gái tên Linh, người cùng làng. Trong mắt anh, Linh là cô gái xinh xắn, duyên dáng và chăm chỉ thế nên anh đã kiên trì theo đuổi trong mấy năm liền. Trước tấm chân tình của Hưng, Linh đã đồng ý về chung một mái nhà để cùng nhau xây dựng hạnh phúc lứa đôi. Năm 2000, Hưng và Linh đến với nhau. Đám cưới giản dị nơi miền quê trung du ngập tràn tiếng cười, niềm vui của đôi trẻ trong sự chúc phúc của mọi người...
Ánh mắt hướng về phía xa xăm, Hưng nhớ lại những tháng ngày tươi đẹp của cuộc đời mình: Những ngày đầu của cuộc sống hôn nhân trôi đi trong êm đềm, hạnh phúc. Ngôi nhà nhỏ của vợ chồng lúc nào cũng ríu rít tiếng cười đùa. Vài năm sau, Linh sinh cậu con trai đầu lòng trong niềm vui mừng khôn xiết của 2 bên gia đình nội ngoại. Thế nhưng, hạnh phúc ngắn chẳng tày gang, khi đúng vào thời điểm đó bố Hưng cũng ốm liệt giường. Để có người chăm con, chăm bố, Linh khuyên chồng ở nhà còn cô ấy sẽ chạy chợ để lấy tiền nuôi gia đình. Trong tình cảnh ấy, thấy phương án đó là tạm ổn nên anh Hưng đồng ý.
Chạy chợ được một thời gian, chị Linh bắt đầu có nhiều biểu hiện khác thường như ăn diện hơn, nhiều hôm đi sớm về muộn. Thậm chí, không ít lần lấy cớ phải đi lấy hàng xa, vợ Hưng đã không về nhà ngủ. Trong lời ăn tiếng nói thường than thở số mình không may mắn, nhất là rất hay so sánh chồng mình với chồng người khác. Hưng bảo, phải nghe những lời nói đó anh thấy chẳng dễ chịu gì, nhưng luôn tự an ủi rằng do vợ phải chịu quá nhiều áp lực cơm áo gạo tiền nên anh cố thông cảm cho vợ.
Hưng nghĩ là vợ không còn yêu mình nhiều vì cuộc sống không được như mong muốn, chứ không nghĩ vợ có người đàn ông khác ở bên ngoài. Chính vì nghĩ thế nên những lần vợ đi chơi về muộn với những lý do như: Đi thăm bạn ốm, dự sinh nhật người này, mừng đầy tháng con người kia… Hưng đều chấp nhận hết. Ngay cả những lạnh nhạt trong quan hệ vợ chồng, Hưng cũng cho rằng tại vợ mình phải gánh vác lo toan nhiều quá mà bê trễ. Những lần vợ đi về muộn Hưng đều thông cảm và lựa lời động viên vợ vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Anh cũng nhắc vợ đừng chơi bời quá đà, hãy nghĩ đến con cái. Mỗi lần như thế chị Linh chỉ ậm ừ cho qua chuyện.
Đến sự thứ tha...
Phạm nhân Phạm Văn Hưng |
Thời gian đầu chị Linh còn giấu giếm chuyện có quan hệ ngoài luồng nhưng dần dần thì công khai. Bằng chứng là ngày ngày chị Hằng vẫn đi chợ nhưng cứ ra đến nơi, bày biện xong hàng hóa là chị lại nhờ bạn bè xung quanh trông hộ còn chị thì lặn mất tăm. Không lâu sau đó, thông tin mọi người rỉ tai nhau về việc chị Linh lén lút quan hệ với một người đàn ông lái taxi cũng đến tai Hưng. Người này thường hay bắt khách ở gần chợ, hễ khi nào vắng khách là anh ta lại đưa vợ Hưng đi nhà nghỉ. Lúc đầu, Hưng không tin đó là sự thật vì trong lòng luôn nghĩ rằng vợ mình là một người phụ nữ nết na. Tuy nhiên, tin đồn cứ mỗi ngày một lan rộng, ánh mắt của mọi người mỗi lần gặp Hưng cũng trở nên ái ngại hơn.
Và điều gì đến cũng đã đến. Cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra. Hưng kể, hôm đó, Linh chở 2 đứa con đi nói là cho đến nhà bạn chơi. Đợi đến tối không thấy vợ đèo con về, Hưng đi tìm thì thấy hai đứa trẻ ở nhà một người quen còn vợ thì đang ngồi hát với người đàn ông lạ mặt trong quán karaoke. Em hỏi cô ấy: “Tại sao lừa tôi, đi chơi với trai lại nói là đến nhà bạn, để con đói khóc, bẩn thỉu?”. Bị chồng bắt tại trận nhưng Linh vẫn ương bướng cãi lại: Chỉ là đi hát trong sáng thôi có gì mà phải làm ầm lên.
Buồn và giận vợ, Hưng đề nghị Linh ly hôn và ra điều kiện 2 đứa con nhỏ anh sẽ nuôi dưỡng. Hưng viết đơn đưa cho vợ ký rồi gửi ra xã, cán bộ xã đã vào tận nhà để hòa giải. Sau khi nghe cán bộ giải thích những việc làm sai trái của mình, vợ Hưng đã nhận lỗi và hứa sẽ cắt đứt quan hệ bên ngoài, chuyên tâm vào chăm sóc chồng con. Nhìn 2 đứa con nhỏ khóc lóc đòi mẹ ở cùng, Hưng lại mềm lòng tha thứ cho vợ. “Lúc đó dù rất giận vợ nhưng em vẫn đồng ý hòa giải vì 2 con em còn nhỏ quá. Hơn nữa trong thâm tâm em vẫn còn yêu cô ấy. Em chưa bao giờ muốn mất cô ấy” - Hưng chia sẻ.
Dường như cuộc sống hạnh phúc đã trở lại với gia đình Hưng khi mà vợ anh có vẻ thực sự đã dứt bỏ được những cám dỗ bên ngoài và chuyên tâm chăm chút cho con cái. Con trai lớn đã đến tuổi vào lớp một, con gái út cũng đi học mẫu giáo, người bố bệnh tật lại được anh cả đón về nuôi nên Hưng đã bớt bận rộn việc gia đình. Sau đó, Hưng quyết định đi làm phụ hồ để có tiền phụ giúp vợ nuôi con. Nhưng Hưng không bao giờ ngờ được chính cái quyết định này lại là mầm mống cho việc vợ mình có quan hệ bất chính với người bạn học sau này.
Những nhát dao oan nghiệt!
Chủ thầu xây dựng nơi Hưng làm việc là Khanh, vốn là bạn học cũ. Do là chỗ quen biết từ trước lại cùng chung tay làm ăn, nên Hưng thường xuyên rủ Khanh về nhà mình chơi. Lúc thì chén trà, khi chén rượu. Nhưng có nằm mơ, Hưng cũng không thể nghĩ rằng, chính việc làm đó của mình đã tạo cơ hội cho Khanh và vợ mình “đong đưa”, “đầu mày cuối mắt” với nhau.
Chuyện chị Linh và Khanh quan hệ lén lút với nhau, nhiều lần bị người trong làng bắt gặp chở nhau đi nhà nghỉ cũng đã đến tai Hưng. Hưng bảo, lần này anh ta không còn hồ nghi những lời thiên hạ nói nữa bởi thực tế vợ anh ta đã từng có một quá khứ lỗi lầm. Quan hệ vụng trộm giữa vợ và bạn học như nhát dao cứa vào vết thương trong tim mới vừa mọc da non của Hưng. “Hình như tính lẳng lơ đã ngấm vào máu vợ em rồi nên cô ấy không thể nào thay đổi được. Từ khi nghe mọi người mách về mối quan hệ của họ em đã để ý những lần Khanh đến nhà chơi. Hễ anh ta cầm điện thoại ra chỗ vắng nhắn tin là kiểu gì em cũng thấy điện thoại của vợ em kêu ting ting. Mỗi lần như thế cô ấy thường len lén giở điện thoại ra đọc rồi lại tủm tỉm cười”, Hưng xót xa nói.
Vào một ngày cuối năm 2012, Hưng chở quần áo ra chợ cho vợ bán rồi đi làm. Tới chỗ làm, Khanh bảo Hưng đi nhận công trình mới ở một huyện khác cách nhà chừng vài chục cây số. Vì nghĩ đi làm xa lâu ngày nên Hưng quay về nhà lấy thêm vài bộ quần áo. Trên đường về Hưng gặp một người hàng xóm cho biết vừa thấy chị Linh và Khanh vào nhà nghỉ Sinh Thái. “Nghe thấy vậy đầu óc em quay cuồng. Em hộc tốc phóng xe về chợ xem có vợ mình ở đó hay không. Đến nơi em nghe mọi người nói cô ấy đi được một lúc lâu rồi. Em phóng như bay đến thẳng nhà nghỉ Sinh Thái”...
Không kìm được cảm xúc, Hưng lập tức phóng xe tới thẳng nhà nghỉ nơi vợ và Khanh vừa vào. Khi đạp cửa xông vào phòng, trước mắt Hưng là cảnh tượng Linh và người bạn học của anh đang nằm trên giường ôm ấp nhau. Trong lúc điên dại, Hưng đã dùng dao nhọn tước đi mạng sống của Khanh và Linh. “Không kiềm chế được nỗi nhục nhã em đã xông vào đâm vợ và Khanh mỗi người một nhát. Em cũng không nghĩ hai nhát dao ấy lại cướp đi cùng lúc 2 mạng người”, Hưng mắt ngân ngấn kể.
Sau khi đâm vợ và bạn học, Hưng đã chạy về nhà anh trai của mình và kể lại toàn bộ sự việc. Người anh trai đã khuyên Hưng ra đầu thú để nhận được sự khoan hồng của pháp luật. Sau đó, Hưng bị tòa xử 20 năm tù vì tội giết người.
Thời gian thi hành án tại Trại giam Suối Hai, Hưng luôn cố gắng cải tạo thật tốt với ước mong sớm được giảm án về với các con, người thân và làm lại cuộc đời mình. Hưng bảo, điều anh ân hận nhất là đã tự tay phá vỡ gia đình khi mà vợ chết, bản thân phải lĩnh án nhiều năm tù. “Nhiều lúc, em nghĩ chết quách đi cho xong nhưng rồi lại tự dặn mình là phải cố gắng. Em còn con, còn bố, không thể nói chết là chết ngay được. Nhất định khi ra trại, việc đầu tiên em làm là đến mộ vợ thắp một nén nhang, xin cô ấy tha thứ. Dù cô ấy đã từng có lỗi với em nhưng trong thâm tâm em còn yêu và thấy hối hận với việc mình làm nhiều lắm. Giá như em bình tĩnh hơn... thì kết cục đau lòng đã không xảy ra. Biết đâu vợ em sẽ hối cải mà quay về bên chồng con và vợ chồng em lại có thể sống hạnh phúc bên các con của mình”.
Vâng, giá như... Nhưng từ “giá như” chỉ được dùng khi sự đã rồi. Đó là điều con người ta luôn mong muốn trong sự hối hận và tiếc nuối muộn màng.