Trong cái rét ngọt hơi núi, ngồi bên bếp lửa rực than hồng, nhâm nhi ly rượu ngô Bắc Hà, tôi được nghe lái ngựa Vàng Văn Hoàng (bố của anh Vàng Văn Huỳnh - Quán quân 3 mùa giải đua ngựa của huyện tổ chức gần đây) ở thôn Na Báng B (xã Na Hối, Bắc Hà, Lào Cai) kể những câu chuyện ly kỳ xung quanh con ngựa từ thuở xa xưa.
Trong xã hội người Mông, Tày, Phù Lá... ngựa được coi như tài sản quý, trở thành món quà để các thổ ty trong vùng biếu, tặng nhau hoặc là đồ cung tiến của người dân đối với vương của họ.
Ngựa cũng được đưa ra để đánh giá sự giàu sang, hùng mạnh của các thổ ty trong vùng. Những người có chức sắc thời ấy thường cưỡi ngựa tham gia các đợt săn bắn, vui chơi. Do vậy, những lái ngựa giỏi thường có nhiệm vụ tuyển ngựa tốt cho thổ ty dùng làm ngựa chiến và biếu tặng...
Chọn ngựa đua cũng là một thử thách cho các lái ngựa từ thời đó, bởi “đường dài mới biết ngựa hay”, chỉ thông qua các cuộc đua mới thấy rõ được sức mạnh của từng con tuấn mã.
Vốn làm nghề lái ngựa có thâm niên, ông Vàng Văn Hoàng từng chu du khắp các tỉnh miền núi phía Bắc để tuyển chọn ngựa kéo, ngựa thồ, ông còn có nhiều kinh nghiệm trong việc chọn ngựa đua.
“Ngựa tốt để đua phải có thân hình cao lớn, vó dài thẳng, móng dày, đôi mắt tinh nhanh, vồng ngực nở rộng, bụng thon gọn, trường dáng, khi chạy các bước chân xoải dài và đều. Ngựa tầm 4 - 12 tuổi là thời kỳ sức khỏe tốt nhất” - Ông Hoàng bảo.
Ngựa vốn là giống tinh khôn, là người bạn của người dân vùng cao, nên chủ ngựa gần gũi, yêu quý nó như thành viên trong gia đình, chăm sóc cẩn thận từ việc ăn, uống, tắm, chải và luyện tập thì ngựa sẽ ngoan ngoãn, trung thành.
Ông Hoàng, ngay từ lúc còn nhỏ đã háo hức chờ hoa đào, hoa mận rực rỡ khắp cao nguyên Bắc Hà để cùng dòng người nào nức kéo về dưới chân núi Ba Mẹ Con, sát sân dinh thự của thổ ty Hoàng A Tưởng xem hội đua ngựa, bắn súng.
Những kỵ mã vào trường đua, người nào, người nấy nai nịt gọn gàng, súng cầm trên tay rất oai vệ, nghe tiếng súng nổ là nằm rạp mình trên lưng ngựa phi như bay.
Đến gần đích, kỵ mã nhảy thật nhanh xuống đất, nhằm bia bắn liền 5 phát súng rồi cướp quả cầu đỏ, nhảy lên ngựa phi nước đại quay về điểm xuất phát. Ai vừa phi ngựa nhanh vừa bắn súng trúng đích nhiều nhất sẽ là người chiến thắng.
Những con ngựa chiến thắng cùng chủ của nó hãnh diện dạo qua dạo lại diện kiến thổ ty và quan khách trong tiếng reo hò vang dậy núi đồi.
Khi xứ Bắc Hà được giải phóng, không còn nằm dưới sự cai trị của các thổ ty họ Hoàng, hầu hết các kỵ sỹ theo tiếng gọi của cách mạng, của Bác Hồ nhập ngũ chiến đấu ở các chiến trường chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Thế hệ kỵ sĩ ngày ấy đã trở thành những “huyền thoại” và chỉ còn lưu truyền qua lời kể của những người dân trên cao nguyên Bắc Hà…
Năm 1975, nhân dịp mừng thống nhất đất nước, 200 con ngựa đẹp của cả vùng Bắc Hà lại được dịp huy động tham gia trong một buổi diễu hành khắp khu vực trung tâm trong tiếng nhạc kiêu hùng.
Tiếp đó, đến mùa xuân năm 1980, Huyện đội (Ban Chỉ huy Quân sự) Bắc Hà tổ chức lại giải đua ngựa, bắn súng để chọn kỵ sĩ, xạ thủ giỏi để tham gia dân binh vận chuyển lương thực bằng đường bộ. Ngựa Bắc Hà tiếp tục được khoác trên mình vai trò của những ngựa chiến trong suốt những năm tiễu phỉ, xây dựng và bảo vệ vùng biên giới.
Từ năm 2007 đến nay, Giải đua ngựa truyền thống huyện Bắc Hà mở rộng đã qua bảy mùa, là hoạt động thể thao đậm tinh thần thượng võ trên “cao nguyên trắng”. Và cứ sau mỗi mùa giải, các nài ngựa, lái ngựa lại đua nhau đi “săn” ngựa tốt về để huấn luyện đua.
Vuốt ve con ngựa cưng đã giúp con trai 3 lần giành chức vô địch, ông Hoàng cười chia sẻ: “Chọn được ngựa tốt, nhất là ngựa đua không hề dễ. Trong suốt những năm làm nghề lái ngựa, tôi không thể nhớ nổi đã có bao nhiêu con ngựa qua tay mình, nhưng cho đến tận năm 2000, tôi mới “có duyên” tìm được con ngựa đua mà mình ưng ý”.
Ông cho rằng, con ngựa đua thực thụ phải khôn và hiểu tính chủ. Nhớ lại trận chung kết giải đua ngựa cả hai năm 2012, 2013, trong 4 ngựa đua, ngựa của anh Sùng Seo Séng ở xã Tả Văn Chư được đánh giá cao hơn cả bởi tốc độ chạy được ví như “gió lốc”, nhưng mỗi vòng đua là một lần thử thách bản lĩnh và tài năng điều khiển ngựa.
Vào vòng chạy nước rút, ngựa anh Séng điều khiển khi thì rẽ ra khỏi vòng đua, lúc bị ngã nên chỉ về thứ tư. Còn anh Vàng Văn Huỳnh (con trai ông Hoàng) với sự tài tình trong cả chiến thuật và kỹ thuật điều khiển ngựa đã giành chiến thắng liên tiếp.
Chia tay những lái ngựa, nài ngựa Na Hối (Bắc Hà), men rượu ngô say nồng quấn mãi bước chân đi. Trong giá lạnh hơi núi, như vang vọng đâu đây tiếng ngựa hí vang trời lễ hội đua đầu năm...