Cụ thể, vào năm 1971, một ngôi mộ cổ hơn 2.000 năm tuổi được tình cờ phát hiện tại Hồ Nam. Bên trong ngôi mộ có xác ướp của một phụ nữ.
Về sau, các chuyên gia xác định được danh tính của xác ướp là Tân Truy phu nhân hay còn gọi Đại phu nhân. Bà là vợ của một hầu tước từng cai quản vùng đất này khoảng 2.200 năm trước, dưới thời nhà Hán.
Điều khiến các chuyên gia vô cùng bất ngờ là xác ướp của Tân Truy phu nhân nguyên vẹn tới mức làn da mềm mại, máu vẫn còn trong huyết quản, tóc và cơ quan nội tạng không bị phân hủy.
Thêm nữa, thi hài của Tân Truy phu nhân không có dấu hiệu của sự co cứng cơ bắp. Bà được mai táng cùng với hơn 1.000 cổ vật quý giá như tượng vàng bạc, váy áo lụa, mỹ phẩm...
Kết quả nghiên cứu của các chuyên gia chỉ ra Tân Truy phu nhân qua đời khi khoảng 50 tuổi.
Trước sự nguyên vẹn đến khó tin của xác ướp Tân Truy phu nhân, giới chuyên gia bắt tay vào nghiên cứu.
Sau một thời gian tìm hiểu, giới chuyên gia cho hay sở dĩ thi hài Tân Truy phu nhân không có dấu hiệu phân hủy dù đã qua đời hơn 2.000 năm trước là bởi cách bà được chôn cất.
Trên thực tế, thi hài của Tân Truy phu nhân được bọc trong 18 lớp lụa và vải lanh. Kế đến, xác của bà được đặt trong 4 quan tài lồng vào nhau theo kích thước giảm dần. Để tránh không khí và nước lọt vào bên trong, ngôi mộ của vị phu nhân quyền quý được phủ bằng than và phần đỉnh được bịt kín bằng đất sét.
Nhờ vậy, các loại vi khuẩn không thể xâm nhập vào bên trong giúp bảo quản thi hài của Tân Truy phu nhân nguyên vẹn theo thời gian.