Bảo đảm hoạt động chuyên môn
Trong thời gian HS nghỉ học phòng chống dịch Covid-19 đội ngũ GV vẫn phải đảm nhiệm nhiều công việc khác nhau. Từ khử trùng vệ sinh trường lớp, sinh hoạt và tập huấn chuyên môn… Với GV ở nhiều thành phố lớn, những nơi có điều kiện triển khai dạy học online thì GV lại soạn bài và dạy học online cho HS hàng ngày. Với những nơi chưa thể triển khai dạy học trực tuyến, thầy cô phải photocopy bài chuyển cho HS học tại nhà.
Tại Trường TH Phan Đình Giót (Thanh Xuân – Hà Nội), BGH đã lên kín lịch hoạt động cho GV. Ngoài công việc tham gia khử trùng trường lớp, GV còn thông qua các kênh khác nhau để PHHS hướng dẫn HS cách đeo khẩu trang, giữ vệ sinh cá nhân, ăn uống bảo đảm dinh dưỡng cho sức khỏe… Trong hoạt động dạy học online, nhà trường yêu cầu thầy cô chọn các nội dung, soạn đề tài phù hợp để HS ôn luyện ở nhà. Khi HS có những câu hỏi, thắc mắc về kiến thức hay việc phòng chống Covid-19, GV sẽ đồng thời là người hướng dẫn và trả lời.
Không những thế, để tận dụng thời gian, nhà trường đã tiến hành hoạt động dự giờ chuyên môn đối với GV. Tiết dự giờ được thực hiện đầy đủ như khi HS học trực tiếp trên lớp và có sự kiểm tra đánh giá nghiêm túc từ tổ chuyên môn và BGH. Mục đích của nhà trường khi tiến hành hoạt động này là “khi HS trở lại học tại trường, GV không mất thời gian ổn định nề nếp” - bà Nguyễn Thị Kim Ngọc – Hiệu trưởng cho biết.
Cũng theo lãnh đạo nhiều nhà trường, thời gian HS nghỉ học nhà trường khuyến khích GV các bộ môn tăng cường tự học, tự nghiên cứu tại nhà. Để việc tự bồi dưỡng hiệu quả, có trường còn bố trí GV có chuyên môn vững vàng bồi dưỡng cho GV khác theo hình thức trực tuyến hoặc trao đổi nghiệp vụ qua nhóm chat. Việc bồi dưỡng chuyên môn dưới hình thức nào cũng đặt ra những yêu cầu nhất định để GV có mục đích và hướng phấn đấu.
Tháng 4 cũng là thời điểm ở hầu hết các hội đồng nhà trường sẽ tiến hành công tác nghiên cứu và chọn SGK lớp 1 mới để triển khai cho năm học 2020 - 2021. Việc chọn SGK được các trường tiến hành bảo đảm theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT nhưng không vì thế mà lơ là việc giữ gìn sức khỏe cho GV trong thời gian tham gia công việc.
Như vậy, các hoạt động chuyên môn vẫn được đa số các nhà trường bảo đảm trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp và có yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ về việc cách ly xã hội. Quan trọng là BGH các trường có được sự sắp xếp, tổ chức linh hoạt các hoạt động dạy học.
Khi cán bộ quản lý sáng tạo, linh hoạt thì chắc chắn sẽ sắp xếp được công việc trường lớp phù hợp. Khi GV có ý thức với những hoạt động chuyên môn, tâm huyết với nghề cũng sẽ triển khai các hoạt động của bản thân hợp lý mà vẫn bảo đảm sức khỏe.
Xoay xở chờ ngày trở lại trường lớp
Cô giáo Ôn Thị Lý – GV Trường Tiểu học xã Thanh Vân (Quản Bạ - Hà Giang) chia sẻ: Ngoài tham gia các hoạt động chuyên môn trong thời gian HS nghỉ học, thời gian rảnh cô và đồng nghiệp đã làm nhiều việc khác để bảo đảm cuộc sống.
Bản thân cô Ôn Thị Lý ngoài bán hàng online còn tăng gia sản xuất trồng ngô, rau, nuôi gà. Đặc biệt cô đẩy mạnh hơn nghề phụ của gia đình, đó là nấu rượu ngô để tăng thu nhập cho gia đình. “Em yêu và luôn tâm niệm sẽ gắn bó với nghề giáo dù khó khăn đến mấy. Nhưng để bảo đảm cuộc sống cho 2 vợ chồng đều là giáo viên vùng cao thì em vẫn phải làm thêm…”, cô Lý bày tỏ.
Cô Bùi Thị Nhật Lệ - GV Trường Mầm non Ngôi sao mới (Cầu Giấy – Hà Nội) tâm sự: Tháng 2 vừa qua, nhà trường hỗ trợ cho GV 50% mức lương cơ bản. Tuy nhiên từ tháng 3, do khó khăn chung nên chủ trường không thể hỗ trợ lương cho GV nữa. Là GV trường ngoài công lập, nên em hiểu những khó khăn của trường, khi không có thu mà vẫn phải trả tiền thuê trường lớp và một số khoản khác. Dù cũng khó khăn về điều kiện kinh tế nhưng em vui vẻ chấp nhận quyết định này.
Hiện nay, cô Bùi Thị Nhật Lệ đã trở về quê ở Giao Thủy – Nam Định. Là con nhà nông nên cô không bỡ ngỡ với công việc đồng ruộng. Hàng ngày, cô vẫn phụ giúp bố mẹ trồng rau, nuôi lợn, gà… “Em cũng định bán hàng online nhưng buôn bán hình thức này ở quê không dễ. Trong lúc dịch bệnh phức tạp cũng chẳng thể ra ngoài để tìm thêm công việc gì. Đành chấp nhận xoay xở ruộng vườn qua ngày. Chỉ mong mau chóng hết dịch để em được quay lại trường với HS. Nhớ HS và muốn được đi làm lắm rồi chị ạ…” - cô Bùi Thị Lệ nói.
Cô Đinh Thị Hương Giang – Trường MN Trăng Đỏ (Trung Hòa, Cầu Giấy – Hà Nội) cũng không nằm ngoài khó khăn chung của GV ngoài công lập. Cô Giang cho biết, từ giữa tháng 3 khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhà trường cho GV nghỉ vô thời hạn nên mức lương hỗ trợ cũng chưa biết có được hưởng hay không.
Hiện cô Đinh Thị Hương Giang đã trở về quê tại Gia Viễn – Ninh Bình. Công việc hàng ngày là phụ giúp gia đình đồng ruộng, chăn nuôi để “rau cháo qua ngày”. Điều cô Giang lo lắng hơn là vẫn phải trả tiền nhà trọ ở Hà Nội để giữ chỗ khi được trở lại trường dạy học.