Giáo viên vùng khó ở Thanh Hoá 'ngóng'... lương mới!

GD&TĐ - Dù lương cơ sở tăng từ ngày 1/7/2024, nhưng đến nay đã gần 4 tháng, hàng nghìn giáo viên ở Thanh Hóa vẫn chưa được nhận lương mới.

Giờ ăn trưa của học sinh Trường Tiểu học Quang Chiểu (Mường Lát, Thanh Hóa).
Giờ ăn trưa của học sinh Trường Tiểu học Quang Chiểu (Mường Lát, Thanh Hóa).

Hàng nghìn giáo viên ở Thanh Hóa, đặc biệt là các huyện vùng khó vẫn chưa được nhận lương mới. Ngoài ra, học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú THCS cũng đang phải ăn... nợ nhà cung cấp thực phẩm.

Lo cho học sinh ăn... nợ!

Theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP của Chính phủ, mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang từ ngày 1/7/2024 là 2.340.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, đến thời điểm này đã gần hết tháng 10, nhưng công chức, viên chức... ở nhiều huyện vùng khó, biên giới của tỉnh Thanh Hóa vẫn chưa được hưởng lương mới.

Cô Lê Thị Nga - Hiệu trưởng Trường Mầm non Yên Khương (Lang Chánh), cho biết, đến thời điểm này, cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường chưa được hưởng lương mới. “Chúng tôi cũng mới chỉ nghe cấp trên thông tin rằng, để cân đối nguồn, sau đó mới cấp kinh phí về rồi thanh toán khoản tiền lương mới. Có thể, đến tháng 11 tới đây, chúng tôi mới được nhận khoản tiền truy lĩnh từ mức lương mới”, cô Nga chia sẻ.

Không chỉ riêng huyện Lang Chánh, các huyện vùng vùng cao, biên giới Quan Hóa, Quan Sơn, Mường Lát... cũng chưa cấp lương mới cho công chức, viên chức... Hiện tại, hàng ngàn giáo viên nơi đây cũng đang “ngóng chờ” lương mới.

Thầy Nguyễn Duy Thủy - Hiệu trưởng Trường PTDTBT-THCS Trung Lý (Mường Lát) cho biết, đến thời điểm này, cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường cũng chưa được nhận lương mới. “Bên cạnh đó, từ khi tăng lương, học sinh bán trú cũng được hưởng chế độ ăn theo hệ số lương mới (40% lương cơ bản), nhưng hiện nay chưa được cấp. Vì thế nhà trường đang phải ký nợ tiền của các đơn vị cung cấp thực phẩm cho các em”, thầy Thủy cho hay.

Cũng theo thầy Thủy, nhà trường có 526 học sinh, trong đó 469 em thuộc diện bán trú. Theo tiêu chuẩn lương cơ sở mới (2.340.000 đồng/tháng), thì mỗi học sinh bán trú được Nhà nước hỗ trợ 936.000 đồng/tháng. Như vậy, số tiền ăn bán trú mỗi tháng của các em học sinh là hơn 420 triệu đồng. Tuy nhiên, số tiền ăn bán trú cho học sinh trên địa bàn huyện được cấp theo học kỳ, nên các trường bán trú phải ký nợ với đơn vị cung ứng thực phẩm.

“Nếu khoản tiền ăn bán trú cho học sinh được cấp theo từng tháng thì nhà trường đỡ phải đi nợ. Vì tiền ăn đối với một trường có khoảng từ 300 - 450 học sinh bán trú là rất lớn. Nhà trường rất mong cấp trên xem xét, có phương án cấp tiền bán trú cho học sinh theo từng tháng”, thầy Hiệu trường Trường PTDTBT-THCS Trung Lý bày tỏ.

Thầy Thủy cho biết thêm, dù chưa có kinh phí theo mức lương mới, nhưng hiện nay giá cả thực phẩm so với trước cũng đã tăng lên đáng kể. Ví dụ, thịt lợn đã tăng 15.000 đồng/kg; rau xanh tăng khoảng 5.000 đồng/kg...

Thầy Hoàng Sỹ Xuân - Hiệu trưởng Trường PTDTBT-THCS Mường Lý (Mường Lát) cho biết, trường có 430 học sinh, trong đó có 340 em hưởng chế độ bán trú. Như vậy, gần 2 tháng qua, nhà trường đã phải ký nợ với đơn vị cung cấp thực phẩm khoảng 400 triệu đồng. Cũng theo thầy Xuân, các trường, đặc biệt là trường bán trú đang rất mong các cơ quan chức năng liên quan sớm cấp tiền về để nhà trường có kinh phí chi trả cho các đơn vị cung ứng thực phẩm. Ngoài ra, từ đầu năm học đến nay, nhà trường cũng chưa được nhận gạo hỗ trợ (15kg/học sinh/tháng) để nấu ăn cho học sinh bán trú.

thanh-hoa-giao-vien-vung-kho-ngong-luong-moi-1-4940-8623.jpg
Trường PTDTBT-THCS Mường Lý (Mường Lát, Thanh Hóa) trong ngày Khai giảng năm học mới 2024 - 2025.

Vì sao cấp chậm?

Trao đổi vấn đề này với Báo GD&TĐ, ông Quách Văn Hoan - Trưởng phòng Tài chính huyện Lang Chánh cho biết, trong tháng 10 này, huyện sẽ tiến hành cấp lương mới cho cán bộ công chức, viên chức... Lý do cấp chậm lương mới là phụ thuộc nguồn của tỉnh cấp về, vì huyện không chủ động được nguồn tiền.

Cũng theo ông Hoan, hiện nay tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định phân bổ nguồn tiền, nhưng huyện vẫn chưa thể chi trả vì đang khẩn trương rà soát lại từng trường hợp cụ thể ở các đơn vị, đặc biệt là khối trường học.

“Do vào đầu năm học, con số nhân sự ở các đơn vị trường học có nhiều biến động (chuyển đến, chuyển đi), nên chúng tôi đang khẩn trường rà soát một cách kỹ càng. Dự kiến, từ nay đến cuối tháng 10, công tác rà soát được hoàn tất, huyện sẽ thực hiện việc chi trả lương mới”, ông Hoan thông tin.

Còn bà Hắp Quỳnh Trang - Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Mường Lát cho hay, vừa qua, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định cấp nguồn kinh phí cải cách tiền lương cho huyện. Hiện tại, huyện đang khẩn trương rà soát lại tổng thể các cơ quan, đơn vị để sớm thực hiện việc chi trả lương mới.

“Chúng tôi kính đề nghị các cơ quan chức năng liên quan cần nghiên cứu cấp tiền hỗ trợ, gạo ăn cho học sinh bán trú theo từng tháng, để nhà trường đỡ vất vả khi phải đi ký nợ với các nhà cung ứng lương thực, thực phẩm”, thầy Hoàng Sỹ Xuân - Hiệu trưởng Trường PTDTBT-THCS Mường Lý chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.