Nhân viên y tế trường học khấp khởi chờ lương mới

GD&TĐ - Thông tin Bộ Nội vụ sẽ xem xét, điều chỉnh vị trí việc làm và xếp lương mới cho nhân viên y tế trường học khiến ai nấy đều phấn khởi và hy vọng.

Nhân viên y tế chăm sóc sức khỏe cho học sinh tại Trường THPT Phan Đình Phùng, Hà Nội. Ảnh: TG
Nhân viên y tế chăm sóc sức khỏe cho học sinh tại Trường THPT Phan Đình Phùng, Hà Nội. Ảnh: TG

Mong chờ

Mới đây, Bộ Nội vụ có phản hồi kiến nghị bổ sung nhân viên y tế học đường vào biên chế chính thức của cử tri tỉnh Quảng Bình do Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển đến theo Văn bản số 48/BDN về việc chuyển kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội sau Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Bộ Nội vụ ghi nhận nội dung kiến nghị nêu trên của cử tri và cho biết sẽ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về vị trí việc làm y tế học đường tại Thông tư số 12/2022/TT-BNV ngày 30/12/2022 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ và phối hợp với Bộ GD&ĐT để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định về vị trí việc làm y tế học đường tại Thông tư số 19/2023/TT-BGDĐT và Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT ngày 30/10/2023 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho phù hợp.

Công tác tại Trường THPT Minh Khai (huyện Quốc Oai, Hà Nội) ở vị trí nhân viên y tế từ năm 2008, anh Nguyễn Quý Mão bày tỏ niềm vui trước thông tin trên. Hằng ngày, anh đi làm từ 6 giờ sáng đến khoảng 17 giờ. Công việc của nhân viên y tế không chỉ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh, giáo viên mà còn kiêm thêm nhiều việc khác như giám thị, văn thư, hành chính, hoàn thiện sổ sách, giấy tờ liên quan. Thu nhập mỗi tháng của anh Mão hiện hưởng là 7 triệu đồng.

“Vợ mắc bệnh hiểm nghèo, hai con đau ốm thường xuyên, một mình anh Mão cáng đáng kinh tế gia đình. Với mức lương hiện tại trong bối cảnh vật giá leo thang, anh phải chắt bóp chi tiêu mới tạm ổn. Về lâu dài, rất mong Nhà nước và các cấp quan tâm, tăng lương cho đội ngũ nhân viên y tế xứng đáng với tính chất công việc để họ yên tâm gắn bó với nghề”, cô Trần Thị Thủy – Hiệu trưởng Trường THPT Minh Khai chia sẻ.

Hơn 8 năm làm nhân viên y tế tại Trường Mầm non Hàng Đào (Hà Đông, Hà Nội) và mới chuyển sang trường mới, thu nhập của chị Nguyễn Thị Hồng Thắm ở mức 5,3 triệu đồng/tháng. Ở cấp học mầm non, trẻ thường xuyên cần được hỗ trợ y tế mỗi khi thay đổi thời tiết hoặc giao mùa nên công việc của đội ngũ y tế khá vất vả. Việc nhiều nhưng lương quá thấp, nhiều khi chị có ý định bỏ nghề để kiếm việc khác có thu nhập cao hơn.

“Tôi chuẩn bị sinh cháu thứ hai. Chồng cũng làm Nhà nước, lương thấp nên phải tranh thủ làm thêm ngoài giờ. Để cải thiện kinh tế gia đình, tôi kiêm thêm việc bán hàng online. May có ông bà nội, ngoại đỡ đồ ăn thức uống nên cuộc sống tạm ổn. Hoàn cảnh là vậy, nhưng vì tình yêu trẻ và nhà gần trường nên tôi vẫn bám trụ với nghề. Được cấp trên quan tâm và cải thiện chính sách tiền lương là điều chúng tôi mong chờ từ lâu”, chị Thắm tâm sự.

Trường Mầm non Hải Đường (Hải Hậu, Nam Định) hiện không có biên chế nhân viên y tế. Cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Minh cho hay, nhà trường được nhân viên y tế của trường tiểu học hoặc THCS trên địa bàn xã sang hỗ trợ một số buổi trong tuần chứ chưa có nhân viên chuyên trách.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Tín hiệu vui

Là ngôi trường đặc biệt của Hà Nội khi dạy hơn 300 học sinh khuyết tật và học sinh không khuyết tật, cô Lê Thị Thúy Nga – Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Minh (quận Hoàn Kiếm) hoan nghênh chủ trương của Bộ Nội vụ sẽ xem xét bổ sung vị trí việc làm cũng như mức lương cho nhân viên y tế trường học.

Theo cô Nga, chăm sóc y tế cho học sinh bình thường vốn đã vất vả thì ở ngôi trường này, độ khó còn tăng lên gấp bội khi đa số trẻ thuộc hệ khuyết tật trí tuệ. Mỗi khi thời tiết thay đổi, học sinh thường bị ốm và cần các cô trợ giúp. Ngoài ra, hiện có nhiều phần mềm về thủ tục hành chính, các cô phải cập nhật các ứng dụng sổ sách nên cũng không ít áp lực; mong Nhà nước có chế độ chính sách với trường đặc thù để thu hút nhân lực.

“Trước đây trường có một nhân viên y tế, nhưng sau khi dịch Covid-19 bùng phát thì xin nghỉ do không chịu được áp lực và lương quá thấp. Nuôi 2 con ăn học, lương không đủ chi tiêu nên cô chuyển đi làm việc khác.

Mấy năm nay, chúng tôi không tuyển được nhân viên y tế vì lương thấp nên phải phân công giáo viên, nhân viên kiêm nhiệm để đảm bảo quá trình hoạt động của nhà trường. Tôi mong đề xuất này của Bộ Nội vụ sớm được triển khai để nhân viên y tế các trường có thêm động lực phấn đấu”, cô Nga nói.

Tương tự, Trường Tiểu học Púng Luông (Mù Cang Chải, Yên Bái) có 500 học sinh thì 70% ở nội trú. Theo cô Hiệu trưởng Phạm Thị Dung, nhiều học sinh lớp nhỏ do xa gia đình, sức đề kháng chưa tốt nên việc chăm sóc tại chỗ đều do thầy cô và nhân viên y tế đảm nhiệm. Nhà trường hiện chỉ có biên chế 1 nhân viên y tế và phải kiêm nhiều việc. Do đó, chế độ lương hợp đồng thấp rất khó giữ chân nhân viên y tế làm việc trong trường học.

Nhiều năm gắn bó với ngành Giáo dục, NGƯT Lê Thanh Hà – nguyên Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Minh đánh giá, nhân viên y tế là bộ phận quan trọng trong mỗi nhà trường. Với trường tổ chức bán trú, đội ngũ này tham gia vào quá trình tiếp nhận, kiểm tra nguồn gốc, chất lượng thực phẩm, lưu mẫu thức ăn...

Bên cạnh theo dõi sức khỏe học sinh, họ còn hỗ trợ nhân viên nuôi dưỡng xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp với lứa tuổi. Nhân viên y tế cũng hăng hái tham gia các hoạt động phòng chống dịch bệnh ở trường cũng như địa phương. Với khối lượng công việc trên, Nhà nước cần có chế độ đãi ngộ xứng đáng với đội ngũ này.

Trước thực tế nhiều trường khó tìm người để hợp đồng vị trí nhân viên y tế, bà Phạm Thị Lệ Hằng - Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông trao đổi, nếu làm ở phòng khám, nhân viên y tế có thu nhập khoảng 7 - 8 triệu đồng/tháng trở lên, nhưng làm ở trường học thì khó đạt mức này.

Trong khi đó, nhân viên y tế trường học phải trực cả ngày, khối lượng công việc nhiều, số lượng học sinh đông, nhất là các trường tổ chức bán trú. Vì thế, việc Bộ Nội vụ xem xét bổ sung biên chế rất phù hợp với thực tế, giúp đội ngũ nhân viên y tế có thêm hy vọng về cải thiện thu nhập và vị trí việc làm tương xứng tính chất công việc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ