Giáo viên vùng khó ở Thanh Hóa đánh giá đề minh họa thi tốt nghiệp THPT

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nhiều giáo viên bộ môn ở Trường THPT Quan Sơn, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) đã có những nhận xét, đánh giá về đề minh họa, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024.

Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa). (Ảnh: Thế Lượng)
Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa). (Ảnh: Thế Lượng)

Nữ giáo viên nhận xét chi tiết đề minh họa môn Văn

Sau khi Bộ GD&ĐT công bố hệ thống đề thi minh hoạ cho các môn thi tốt nghiệp năm 2024, trong đó có đề thi minh hoạ Ngữ văn, cô giáo Hà Thị Khuyên (dạy môn Ngữ văn), Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa), cho rằng: Đó là một động thái tích cực mang tính định hướng, để thầy, trò trên cả nước dạy và học chuẩn bị cho kỳ "vượt vũ môn" của thí sinh (TS) tại mùa thi 2024.

Theo cô Khuyên, đề thi minh họa môn Ngữ văn năm nay có cấu trúc giữ ổn định như đề thi tốt nghiệp trong những năm gần đây. Đó là một lợi thế lớn, để học trò yên tâm ôn thi. Đề thi phù hợp với thời lượng 120 phút.

“Kiến thức, kỹ năng vận dụng để làm bài đề thi minh hoạ đều là những kiến thức kỹ năng mà học sinh (HS) đã được học. Ngữ liệu phần Đọc hiểu ngắn gọn, giàu sức gợi.

Vấn đề nghị luận ở câu 1 phần Làm văn, yêu cầu “trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của thái độ sống tích cực”, là vấn đề vừa gần gũi vừa thiết thực. Qua đó, HS vừa nêu được quan điểm cá nhân, vừa được bồi dưỡng nhận thức, tư tưởng, kỹ năng. Dễ khơi gợi được hứng thú làm bài cho TS.

Nội dung câu 2 phần Làm văn (chiếm 5,0/10,0 điểm) nằm ở chương trình Ngữ văn lớp 12, là dạng nghị luận về một đoạn trích trong tác phẩm văn học, có kèm lệnh phụ.

Ngữ liệu Đọc hiểu là thơ, ngữ liệu câu 2 phần Làm văn trích trong một tác phẩm văn xuôi. Điều đó tạo ra một sự cân bằng giữa hai thể loại – vừa có thơ vừa có văn, HS không rơi vào sự nhàm chán. Đề thi vừa sức với HS vùng khó, nhưng vẫn mang tính phân loại cao”, cô Khuyên đánh giá.

Cô giáo Hà Thị Khuyên và học trò trên lớp. (Ảnh: Thế Lượng)

Cô giáo Hà Thị Khuyên và học trò trên lớp. (Ảnh: Thế Lượng)

Nữ GV Hà Thị Khuyên cũng cho rằng: Chỉ cần nắm chắc những kiến thức, kỹ năng cơ bản, HS vùng khó như học sinh Trường THPT Quan Sơn có thể đạt được mức điểm trung bình hoặc tiệm cận điểm khá. Cụ thể là, ở phần Đọc hiểu, HS phải xác định được thể thơ, chỉ ra được biện pháp tu từ.

“Ở câu 1 phần Làm văn, TS phải viết đúng hình thức đoạn văn, dung lượng đáp ứng yêu cầu của đề, đúng chính tả, vận dụng kết hợp các thao tác lập luận, dẫn dắt để nêu được vấn đề, trả lời được các câu hỏi, như: thái độ sống tích cực trước thử thách là gì?

Tại sao lại cần có thái độ sống tích cực trước thử thách?Khi có thái độ sống tích cực trước thử thách sẽ mang đến điều gì? Nếu bi quan, buông xuôi trước thử thách thì sẽ ra sao? Có những tấm gương nào về thái độ sống tích cực trước thử thách? Bài học nhận thức và hành động của bản thân là gì?...”, cô Khuyên giải thích.

Ở câu 2 phần Làm văn, nữ GV cũng cho rằng: TS cần viết đúng cấu trúc bài văn nghị luận, đúng kiến thức, giới thiệu được vấn đề, triển khai được vấn đề xoay quanh hiểu biết cơ bản về phong cách nghệ thuật tác giả, xuất xứ, hoàn cảnh sáng tác tác phẩm,… Nêu được tình cảm của tác giả đối với sông Hương.

“Do đó, muốn đạt được điểm cao, tạo cách biệt điểm số thật ấn tượng, thì HS đáp ứng các yêu cầu của câu 3, trong phần Đọc hiểu. Đó là, có kỹ năng cảm thụ thơ qua 3 tầng nghĩa – tầng ngôn từ, tầng hình tượng và tầng hàm nghĩa chứ không chỉ là sự cảm thụ hời hợt qua bề nổi câu chữ - mà sự hời hợt này dễ gặp ở nhiều HS vùng khó như HS Trường THPT Quan Sơn.

Đối với câu 4, trên bề nổi câu lệnh của đề bài có 1 yêu cầu, nhưng thực chất, khi làm bài, TS phải thực hiện tối thiểu 2 yêu cầu là: rút ra bài học về lẽ sống, sau đó kiến giải bài học về lẽ sống mà TS vừa trình bày”, cô Khuyên chia sẻ.

Học sinh Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa) trong giờ ra chơi. (Ảnh: Thế Lượng)

Học sinh Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa) trong giờ ra chơi. (Ảnh: Thế Lượng)

Trong phần Làm văn, cô giáo Hà Thị Khuyên nêu quan điểm: “Ở câu 1, yêu cầu TS viết đoạn văn, với dung lượng giới hạn trong khoảng 200 chữ, để trình bày quan điểm về vấn đề nghị luận một cách thấu đáo, sắc sảo, giàu chất văn, thì không phải điều dễ dàng. Bên cạnh các ý cơ bản thì sự phản biện, bàn luận mở rộng và lựa chọn dẫn chứng tiêu biểu - phù hợp với vấn đề nghị luận là rất cần thiết.

Còn ở câu 2, phần viết bài văn Nghị luận văn học, thì TS phải vận dụng kiến thức lý luận (đặc trưng thể loại, tình cảm của nhà văn, nội dung và hình thức trong văn bản văn học). Huy động nguồn dẫn chứng mở rộng phù hợp để bàn luận vấn đề; đặt đoạn trích trong mối quan hệ với tác phẩm, với văn phong của tác giả để phân tích, bình giá; trình bày chặt chẽ, logic, diễn đạt giàu hình ảnh, giàu cảm xúc...”.

Định hướng ôn tập cho học sinh vùng khó

"Quan Sơn là một trong những huyện nghèo của cả nước, thuộc miền núi cao ở biên giới phía Tây xứ Thanh. HS Trường THPT Quan Sơn đa phần là con em đồng bào DTTS, điểm đầu vào thấp.Không chỉ với môn Ngữ văn mà khi học các môn học khác, các em cũng gặp những rào cản nhất định.Việc ôn thi tốt nghiệp với thầy và trò nhà trường, được xác định là “một cuộc chiến”, cô Khuyên nhận định.

Cũng theo cô Khuyên, với môn Ngữ văn, mục tiêu là điểm bình quân của trường đạt 6,4; hướng đến đảm bảo điểm số cho 2 nhóm HS, trong đó có nhóm chỉ cần đỗ tốt nghiệp và nhóm HS có nguyện vọng xét đại học, cao đẳng.

Cô Lê Thị Luyến - Giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT Quan Sơn cùng học trò của mình trong giờ học. (Ảnh: Thế Lượng)

Cô Lê Thị Luyến - Giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT Quan Sơn cùng học trò của mình trong giờ học. (Ảnh: Thế Lượng)

"Để đạt được những mục tiêu nêu trên, đội ngũ GV Ngữ văn trường THPT Quan Sơn chúng tôi đã hướng dẫn HS lập đề cương ôn tập theo hướng, như: Hệ thống lại những kiến thức thường gặp ở phần Đọc hiểu; kỹ năng làm từng dạng câu hỏi; các bước lập ý, hệ thống dẫn chứng có thể vận dụng cho đề nghị luận xã hội.

Bên cạnh đó, chúng tôi hướng dẫn học sinh hệ thống hoá kiến thức về tác phẩm văn học, như: khái quát tác giả, khái quát tác phẩm (xuất xứ, hoàn cảnh sáng tác, những nét chính về nội dung và nghệ thuật), những lệnh phụ có thể sẽ gặp trong các đề thi.

Vừa giảng dạy kiến thức vừa rèn luyện kỹ năng cho HS; học đến đâu luyện đề, chữa đề đến đó.Hướng dẫn HS phân phối thời gian hợp lý cho các phần, các câu. Đặc biệt, luôn quan tâm sát sao đến học trò để phân loại HS. Em nào yếu phần nào thì “vực” phần đó.Em nào viết đúng, viết đủ rồi, thì bồi dưỡng thêm để viết sâu, viết hay.Học và hành từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp", cô giáo Khuyên tâm sự.

Cuối cùng, nữ GV Hà Thị Khuyên nhận xét, đối với đề minh họa môn Ngữ văn năm nay, cấu trúc vẫn ổn định như đề thi những năm gần đây.Kiến thức và kỹ năng HS đã học chủ yếu trong chương trình 12. Phần nghị luận văn học, đều nằm trong chương trình lớp 12. Còn phần nghị luận xã hội, là vấn đề gần gũi, thiết thực để HS bàn luận. Từ đó, HS được bồi dưỡng nhận thức, tình cảm, kỹ năng, ứng xử trong đời sống xã hội.

“Đề thi vừa sức. Học sinh ở vùng miền núi, hải đảo, học sinh dân tộc thiểu số có thể đạt mức điểm trung bình. Tuy nhiên, đề minh họa môn Ngữ văn năm nay cũng chú trọng đến việc phân loại HS. Có những phần dành cho HS khá, giỏi đó là câu 4 phần đọc hiểu và lệnh phụ ở câu 2 phần làm văn”, cô Khuyên nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bên trong căn hầm tái hiện hoạt động in ấn tài liệu, truyền đơn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn trong những năm kháng chiến.

Hầm in tài liệu bí mật giữa lòng Sài Gòn

GD&TĐ - Nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Ngô Gia Tự, Quận 10, TPHCM, cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn năm 1954 là nơi in cả nghìn ấn bản phục vụ cách mạng.