Nhằm nâng cao chất lượng dạy học hiệu quả, đáp ứng đổi mới kỳ thi, các trường cũng chủ động yêu cầu giáo viên nghiên cứu, thực hiện soạn thảo giáo án, xây dựng ngân hàng đề thi, ma trận câu hỏi theo hướng bài thi trắc nghiệm của đề thi THPT quốc gia.
Hỗ trợ, tạo điều kiện cho giáo viên đổi mới phương pháp giảng dạy
Theo thầy Huỳnh Anh Tuấn – Hiệu trưởng Trường THPT Trần Quý Cáp (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam), ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố dự thảo phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2017, hội đồng sư phạm nhà trường nghiên cứu và dự đoán được những sự thay đổi của kỳ thi THPT quốc gia. Chính vì vậy, khi Bộ GD&ĐT công bố chính thức phương án kỳ thi THPT quốc gia 2017, cán bộ, giáo viên nhà trường không tỏ ra bất ngờ hay sự lo lắng, băn khoăn nào.
Cùng với đó, việc Bộ GD&ĐT sớm công bố bộ đề thi minh họa đã giúp cán bộ, giáo viên, học sinh nắm bắt, tìm hiểu nội dung, cấu trúc đề thi một cách kịp thời. Ngành GD&ĐT tỉnh Quảng Nam cũng đã có công văn chỉ đạo, hướng dẫn về công tác dạy học, kiểm tra, đánh giá bám sát nội dung kỳ thi THPT quốc gia 2017.
“Chính điều đó đã giúp nhà trường chủ động thực hiện kế hoạch dạy học và xây dựng chương trình dạy học phụ đạo cho học sinh theo hướng đổi mới của kỳ thi THPT quốc gia. Trên cơ sở tổ chức họp các tổ chuyên môn, nhà trường tích cực động viên, khuyến khích giáo viên mạnh dạn trao đổi chuyên môn, linh hoạt trong phương pháp và cách thức tổ chức dạy học” - thầy Huỳnh Anh Tuấn cho biết.
Cũng như nhiều trường THPT trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, Trường THPT Trần Đại Nghĩa (huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) đã có những bước chuẩn bị, thay đổi trong cách dạy, cách học nhằm hướng đến kỳ thi THPT quốc gia ngay từ những thời điểm này.
Thầy Nguyễn Ngọc Chính – Hiệu trưởng Trường THPT Trần Đại Nghĩa - chia sẻ: Qua nghiên cứu phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 và bộ đề thi minh họa, có thể khẳng định những thay đổi đó có tính căn bản nhằm hướng tới đổi mới cách dạy, cách học, công tác kiểm tra, đánh giá ở bậc học THPT hiện nay theo mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; yêu cầu đội ngũ giáo viên phải đổi mới phương pháp giảng dạy, lấy người học làm trung tâm.
Muốn làm được những yêu cầu cơ bản đó thì người giáo viên phải không ngừng đổi mới, nỗ lực tìm tòi, nghiên cứu, học hỏi. Người giáo viên phải dành thời gian để nghiên cứu nhiều hơn, đầu tư công sức nhiều cho công tác soạn thảo giáo án, bài giảng trên lớp, xây dựng đề thi, câu hỏi.
Tăng thời lượng ôn thi, phụ đạo cho học sinh
Theo cán bộ quản lý các trường học, để đáp ứng theo định hướng kỳ thi THPT quốc gia 2017, trên cơ sở hướng dẫn của Sở GD&ĐT, nhà trường đã thực hiện đánh giá năng lực học tập của học sinh lớp 12 dựa vào kết quả năm học lớp 11, tổ chức thăm dò nguyện vọng của học sinh 12 chọn bài thi khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội, chọn mục đích thi chỉ để xét tốt nghiệp trung học phổ thông, hoặc xét tốt nghiệp trung học phổ thông và xét tuyển sinh đại học, cao đẳng để có hướng giảng dạy và ôn tập phù hợp từng đối tượng.
Song song với đó, nhà trường cũng thực hiện đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh theo cách ra đề trắc nghiệm khách quan, tích cực bám sát, vận dụng các đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT vừa công bố. Tổ chức các buổi họp trao đổi chuyên môn theo từng bộ môn, tổ hợp liên môn nhằm đề ra các giải pháp đổi mới cách dạy học, cách kiểm tra, đánh giá theo định hướng thi THPT quốc gia năm 2017 và trên cơ sở phù hợp với điều kiện hiện dạy học nhằm nâng cao chất lượng dạy học chính khóa, cũng như dạy phụ đạo, ôn tập cho học sinh các khối lớp, nhất là học sinh khối 12.
Theo thầy Nguyễn Ngọc Chính, với điều kiện thực tế của nhà trường hiện nay thì chỉ mới tổ chức dạy phụ đạo cho học sinh khối 12. Trong đó tập trung ôn tập, phụ đạo ở các bộ môn: Toán, Ngữ văn và Anh văn, với thời gian mỗi tuần 2 buổi học. Các lớp học phụ đạo đều được các giáo viên có năng lực tốt đảm nhiệm. Và để cho học sinh được tiếp cận với những phương pháp học tập khác nhau, với mục tiêu nâng cao chất lượng của công tác phụ đạo, giúp học sinh có nhiều cách tiếp thu bài học thuận lợi, nhà trường đã bố trí chéo giáo viên các bộ môn giảng dạy.
Thầy Huỳnh Anh Tuấn cho hay: Với mục tiêu không chỉ nâng cao chất lượng dạy học, mà còn giúp học sinh hướng đến kỳ thi với kết quả cao nhất, nên khi có thông tin về kỳ thi THPT quốc gia 2017, nhà trường đã tổ chức họp các tổ chuyên môn yêu cầu thực hiện đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá. Tổ chức khảo sát chất lượng học sinh, hướng dẫn học sinh thực hiện đăng ký tổ hợp môn thi. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch phụ đạo học sinh yếu kém ngay từ thời điểm này. Mặt khác, nhà trường chỉ đạo giáo viên biên soạn ngân hàng câu hỏi, ma trận câu hỏi theo hướng đề thi trắc nghiệm.
Qua khảo sát và cho học sinh đăng ký tổ hợp môn theo tinh thần tự nguyện thì các em đăng ký tổ hợp môn xã hội chiếm gần 2/3 số lượng học sinh.
Theo kế hoạch của nhà trường, trước mắt sẽ tập trung phụ đạo cho học sinh lớp 12 và thực hiện 100% đề thi (trừ môn Ngữ văn) kiểm tra, đánh giá theo hình thức trắc nghiệm. Còn các khối lớp 10, 11 sẽ triển khai dạy phụ đạo vào thời điểm ngay sau học kỳ 1 kết thúc, đồng thời thực hiện kiểm tra, đánh giá theo đề thi kết hợp giữa trắc nghiệm và tự luận, với tỷ lệ 60/40 (đối với học sinh khối 10), 30/70 (học sinh khối 11).
Chính những sự thay đổi trong cách dạy, cách học như thế này cũng đã tạo ra một phong trào thi đua trong dạy học ở nhà trường hết sức sôi nổi. Đội ngũ giáo viên ra sức nỗ lực tự học, tự nghiên cứu, đáp ứng yêu cầu với tình hình giảng dạy mới nhằm không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục, giúp học sinh tự tin bước vào kỳ thi ngay từ lúc này”, thầy Tuấn cho biết thêm.