Giáo viên vùng khó cần thấu hiểu và chia sẻ

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Dù kinh tế - xã hội đang phát triển, cuộc sống thay đổi từng ngày nhưng đội ngũ giáo viên vùng khó vẫn đối mặt với nhiều khó khăn.

Động viên kịp thời để giáo viên bám trường bám lớp là giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục vùng khó.
Động viên kịp thời để giáo viên bám trường bám lớp là giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục vùng khó.

Ghi nhận thực tế ở một số địa phương cho thấy, sự thấu hiểu và những chia sẻ, động viên của các cấp quản lý và chính quyền địa phương là điều cần thiết để thầy cô thêm yêu nghề.

Giữ chân nhà giáo

“Quan tâm đến giáo viên còn là làm tốt công tác chăm lo đời sống theo hướng thiết thực hơn. Chỉ riêng năm học 2021 - 2022, Thừa Thiên - Huế đã huy động tổng nguồn kinh phí công đoàn gần 4 tỷ đồng để chăm lo cho đoàn viên, người lao động trong ngành. Hỗ trợ 40 nhà giáo vay vốn từ Quỹ trợ vốn của Liên đoàn Lao động tỉnh với số tiền 800 triệu đồng.

Ngành cũng tạo điều kiện để đội ngũ đi học tập, nâng cao trình độ, năng lực nghề nghiệp; động viên và tạo các điều kiện cần thiết để đội ngũ nhà giáo tự học, tự bồi dưỡng nâng cao năng lực, kỹ năng nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu đổi mới GD&ĐT”, Giám đốc Nguyễn Tân chia sẻ.

Năm học 2022 - 2023, Thừa Thiên - Huế thiếu giáo viên ở bậc học mầm non, tiểu học và các môn Âm nhạc, Mỹ thuật giảng dạy Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: Có biên chế được giao, nhưng việc tuyển mới không dễ dàng. Giải pháp cho việc này là tạo điều kiện thuận lợi cho thầy cô để thu hút, giữ chân họ.

Ngoài việc phân bổ chỉ tiêu biên chế cho năm học mới, ngành cũng có những điều chỉnh hợp lý như luân chuyển giáo viên từ vùng thừa sang vùng thiếu; từ trường quy mô lớn về các trường ít học sinh để nâng cao chất lượng giảng dạy, quản lý; điều chuyển giáo viên ở các trường mới mở rộng về trường ở trung tâm TP Huế.

Động viên để giáo viên yêu và gắn bó với nghề, năm học 2021 - 2022, Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Quảng Ninh đã hỗ trợ cho 1.289 thầy cô có hoàn cảnh khó khăn; thẩm định 578 hồ sơ vay vốn tín dụng chính sách để sửa chữa nhà ở, sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình; hỗ trợ 38 nhà giáo xây mới, sửa chữa nhà ở.

Đồng thời, thường xuyên thăm hỏi, tặng quà, động viên giáo viên có hoàn cảnh khó khăn. Từ sự quan tâm của tỉnh, ngành và địa phương, đội ngũ nhà giáo đã không ngừng nâng cao trình độ, năng lực và trách nhiệm, từ đó, từng ngày cống hiến, đóng góp cho việc phát triển không ngừng của ngành Giáo dục Quảng Ninh.

Theo bà Vi Bích Hạnh, Trưởng phòng GD&ĐT TP Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), giữ chân giáo viên vùng khó, Hạ Long có nhiều cách làm từ luân chuyển đến tạo điều kiện thuận lợi cho thầy cô. “Chúng tôi đã vận động các nhà hảo tâm tặng xe máy cho thầy, cô.

Ngành GD-ĐT, chính quyền cũng thường xuyên quan tâm, thăm hỏi, tặng quà cho giáo viên, bố trí xe buýt hằng tuần đưa đón giáo viên về thăm nhà; sắp xếp chỗ sinh hoạt tại trường cho giáo viên; tạo điều kiện cho thầy cô từ các điểm trường lẻ về tập trung tại điểm trường chính để thuận tiện cho sinh hoạt an toàn, thuận lợi…

Sau thời gian lên công tác tại vùng cao, những giáo viên có nguyện vọng sẽ được bố trí về công tác tại vùng thuận lợi, qua đó, giúp các thầy cô yên tâm công tác, nỗ lực thi đua dạy tốt”, bà Hạnh thông tin.

Thầy cô giáo và học sinh Trường Tiểu học và THCS Kỳ Thượng, TP Hạ Long khẳng định quyết tâm dạy - học tốt.
Thầy cô giáo và học sinh Trường Tiểu học và THCS Kỳ Thượng, TP Hạ Long khẳng định quyết tâm dạy - học tốt.

Luân chuyển phù hợp

Tại huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh), phòng GD&ĐT đã thực hiện luân chuyển giáo viên lên các xã ở xa trung tâm từ 30 - 50km với thời gian từ 3 đến 5 năm. Bà Hoàng Thị Oanh, Trưởng phòng GD&ĐT cho hay: Luân chuyển giáo viên không chỉ giúp học sinh người dân tộc thiểu số được tiếp cận với phương pháp học tập hiện đại, mà còn tạo điều kiện cho giáo viên vùng khó ra nơi thuận lợi, để nâng cao trình độ và giữ chân thầy cô giáo.

Ở TP Hạ Long, sau khi sáp nhập huyện Hoành Bồ, có thêm các xã thuộc vùng núi cao, cách trung tâm thành phố 70 - 80km. Xác định việc quan tâm, chăm lo, khích lệ để nhà giáo yên tâm công tác, gắn bó với nghề, thành phố đã bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên có trình độ, năng lực lên công tác tại các xã vùng cao.

Từ năm 2021 đến nay, TP Hạ Long thực hiện 2 đợt luân chuyển với tổng số 82 giáo viên từ vùng thuận lợi lên công tác tại các trường thuộc 4 xã vùng sâu, xa, miền núi là Tân Dân, Đồng Lâm, Đồng Sơn, Kỳ Thượng.

Bà Vi Bích Hạnh chia sẻ, để tháo gỡ khó khăn, nhất là về đội ngũ cho các trường, năm học 2021 - 2022, 50 thầy cô giáo xung phong và năm học 2022 - 2023 tiếp tục có 32 thầy cô đang công tác ở các trường thuộc vùng trung tâm, thuận lợi của thành phố xung phong lên hỗ trợ trường vùng cao.

Tạo điều kiện cho thầy cô đi lại thuận tiện hơn khi đến công tác tại trường miền núi, vùng sâu, xa, thành phố đã bố trí xe ô tô đưa đón hằng tuần (vào thứ 2 và thứ 6).

Thầy Trần Đình Phương (bìa trái) và học sinh Trường THCS -THPT Hồng Vân, huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế.

Thầy Trần Đình Phương (bìa trái) và học sinh Trường THCS -THPT Hồng Vân, huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế.

Tại Trường Tiểu học và THCS Đồng Sơn (TP Hạ Long, Quảng Ninh), nhà trường hiện có 5 giáo viên người bản địa còn lại đội ngũ đều được luân chuyển từ vùng thuận lợi lên công tác.

Thầy Hiệu trưởng Phạm Đức Chính cho hay: Khi huyện Hoành Bồ chưa sáp nhập vào TP Hạ Long, việc luân chuyển giáo viên vẫn được triển khai nhưng chỉ nội bộ trong huyện. Quy chế là 3 năm nghĩa vụ đối với nữ và 4 năm đối với nam.

Sau khi sáp nhập, do số lượng giáo viên tăng nên thời hạn luân chuyển rút ngắn xuống 2 năm đối với nữ và 3 năm đối với nam. Mới đầu tâm lý thầy cô còn ngại ngần khi phải luân chuyển đến địa phương cách nhà cả trăm cây số nhưng năm học 2021 - 2022 có nhiều người xung phong luân chuyển lên Trường Tiểu học và THCS Đồng Sơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Thắng cử dễ, cầm quyền khó

GD&TĐ - Những nghi lễ nhậm chức trang trọng không còn lạ lẫm với ông Vladimir Putin khi chuẩn bị bước vào nhiệm kỳ tổng thống lần thứ 5 ở nước Nga.