Giáo viên và học sinh cùng chủ động

GD&TĐ - Theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT, từ ngày 17/3 - 17/4, HS lớp 12 sẽ chính thức đăng ký 2 môn thi tự chọn cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đến thời điểm này, đa số các cơ sở GD đã chủ động lên kế hoạch cho HS đăng ký các môn tự chọn cũng như tổ chức ôn thi.

Giáo viên và học sinh cùng chủ động

Trường chủ động ôn tập cho HS

Việc ôn tập cho HS lớp 12, đặc biệt là hướng tới kỳ thi tốt nghiệp THPT đã đi vào nề nếp nên các nhà trường hoàn toàn chủ động trong khâu lên kế hoạch và thực hiện. Chính vì thế, không riêng gì địa bàn Thủ đô Hà Nội mà các trường ở vùng sâu, vùng xa hoàn toàn chủ động từ đầu năm.

Có con đang học tại Trường THPT Trần Hưng Đạo (Hà Nội), chị Nguyễn Thị Thêm cho biết: Ngay sau buổi họp phụ huynh đầu năm phụ huynh đã đăng ký cho con học phụ đạo các môn Văn, Toán, Ngoại ngữ. Ngoài ra, HS nào chọn thi ĐH khối gì thì chủ động đăng ký học thêm các môn thi khối đó. Bởi đây là năm học cuối cấp, các con phải tham dự hai kỳ thi lớn là tốt nghiệp và ĐH.

Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (huyện Chư Pah, Gia Lai) năm nay có 270 học sinh khối 12. Nhà trường đang tổ chức ôn thi giai đoạn I cho HS đối với 5 môn: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Vật lý, Hóa học. Khi hoàn thành chương trình học kỳ II thì HS sẽ bắt đầu ôn thi thêm các môn tự chọn.

Cô Nguyễn Thị Hường - Giáo viên Trường THPT Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết: Là trường thành phố, trình độ HS học tốt hơn, thêm vào đó theo kinh nghiệm các năm trước nên ngay từ đầu năm học, nhà trường đã chủ động cho HS học, ôn thi thật kỹ 5 môn Toán, Văn, Lý, Hóa và ngoại ngữ. Giáo viên trực tiếp giảng dạy các môn học này đã dạy rất kỹ từng bài học, từng dạng bài tập, đồng thời bám sát nội dung hướng dẫn ôn thi các năm.

Háo hức chọn môn thi

Việc đổi mới của Bộ GD&ĐT cho kỳ thi tốt nghiệp năm 2014 đã tạo thuận lợi cho HS dự thi số môn thi ít hơn. Điều đặc biệt quan trọng là có tới một nửa số môn thi là môn thi thí sinh có quyền tự chọn để đăng ký dự thi. Cách làm này đã hướng HS được chọn thi những môn “sở trường” chứ không phải bắt buộc thi, thậm chí môn “sở đoản” như những năm trở về trước.

Tại Trường THPT Yên Mô B (Ninh Bình) kết quả đăng ký bước đầu của 425 HS khối lớp 12 cho thấy, môn Vật lý, Hoá học chiếm tỷ lệ dự thi cao nhất trong số các môn thi tự chọn; nhóm cuối thuộc môn Địa lý và Lịch sử. Tuy nhiên, cả trường đã có 40 HS đăng ký dự thi môn Lịch sử, do các em đăng ký thi khối C, D.

Trường PT Dân tộc Nội trú tỉnh Gia Lai, trong số 154 HS khối 12 của trường có 101 em đăng ký thi môn Hóa học; tiếp đó là các môn Địa lý: 83, Lịch sử: 43, Tiếng Anh: 39, Vật lý: 34, Sinh học: 31.

Rõ ràng, HS được chọn môn thi tự chọn đã giúp các em hoàn toàn tự tin đăng ký các môn học mà em học tốt nhất, dễ gỡ điểm tốt nghiệp nhất. “HS được lựa chọn đúng môn học sở trường, vừa lợi thế dễ đạt điểm cao lại đỡ tốn thời gian dành cho ôn thi tốt nghiệp, ngược lại, tập trung tốt hơn cho ôn thi ĐH. Còn riêng em thi khối D nên chọn thi ngoại ngữ và Địa lý. Với hai môn thi sở trường này chắc chắn em sẽ đạt điểm thi cao, nhất là môn ngoại ngữ phải kiếm điểm 9 - 10”, Vũ Linh, nhà ở ngõ Thổ Quan, Đống Đa (Hà Nội) đã chia sẻ như vậy.

Ở góc độ GV, nhiều thầy cô cũng khẳng định chủ trương đúng đắn của Bộ GD&ĐT khi giảm môn thi và đưa môn thi tự chọn vào cho HS chọn thi tốt nghiệp. Cô Trần Kim Phượng - GV Trường THPT Bình Lục A (Hà Nam) cho biết thêm: Với các môn tự chọn, HS những chọn thi môn mình học có kết quả cao, môn mình yêu thích mà đặc biệt hơn cả là có thể lựa chọn những môn theo định hướng khối thi đại học. Do đó, các em giảm bớt được áp lực thi cử.

Để chuẩn bị tốt cho học sinh khối 12 tham gia thi tốt nghiệp THPT 2014, các Sở GD&ĐT đã yêu cầu các trường hoàn thành chương trình, kế hoạch dạy học của lớp 12 THPT theo đúng quy định, tuyệt đối không cắt xén chương trình, tránh tình trạng học lệch; chuẩn bị tốt kiến thức, kỹ năng và tâm lý cho học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ