Giáo viên trường vùng cao Nghệ An treo băng rôn “phòng chống dịch Covid”

GD&TĐ - Dịp áp tết, trường học khu vực miền núi cao, giáp biên của Nghệ An tăng cường phòng dịch Covid-19, đẩy mạnh tuyên truyền đến từng học sinh, phụ huynh.

Đo thân nhiệt cho học sinh tại trường biên giới Tiểu học Mai Sơn (huyện Tương Dương, Nghệ An)
Đo thân nhiệt cho học sinh tại trường biên giới Tiểu học Mai Sơn (huyện Tương Dương, Nghệ An)

Trường PTCS DTBT Tây Sơn là trường liên cấp với hơn 400 học sinh 2 cấp tiểu học và THCS. Thời điểm sát tết nguyên đán, toàn trường vẫn đang triển khai hoạt động dạy học bình thường. Tương tự các năm học trước, dịp này, nhà trường giao cho giáo viên thường xuyên dặn dò học sinh những việc cần làm và cần tránh trong thời gian nghỉ tết.

Cụ thể, nhắc nhở học sinh tuân thủ pháp luật, không tự chế pháo, bắn pháo hoa; tham gia giao thông an toàn; nhớ lịch quay trở lại trường học. Đối với học sinh bậc THCS, trong thời gian nghỉ tết, chơi xuân theo phong tục truyền thống, không bỏ học lấy chồng lấy vợ sớm.

Các đơn vị, trường học vùng cao Nghệ An treo băng rôn phòng chống dịch Covid
Các đơn vị, trường học vùng cao Nghệ An treo băng rôn phòng chống dịch Covid

Đặc biệt, trước diễn biến mới của dịch Covid-19 trên cả nước, nhà trường đẩy mạnh công tác phòng chống dịch. Trước cổng trường, khu nhà ở bán trú, ký túc xá giáo viên đều treo băng rôn “phòng chống dịch Covid”.

Cô Võ Thị Vinh – Hiệu trưởng nhà trường cho hay: Tây Sơn không phải là xã biên giới nhưng là nơi sinh sống của 100% bà con dân tộc Mông. Trong quan niệm của dân tộc Mông, chỉ cần cùng họ thì đều là anh em dù sinh sống ở bất cứ nơi nào. Vì vậy, tết là dịp tổ chức lễ hội, đi chơi, thăm thân cách xã, cách huyện và cả sang Lào.

“Để đảm bảo an toàn, nhà trường nhắc nhở học sinh, và thông qua chính quyền địa phương tuyên truyền đến từng thôn bản thực hiện phòng dịch Covid. Bố mẹ không dẫn con cái đi thăm thân xa mà chỉ nên vui chơi tết ở nơi mình sinh sống. Vừa qua, xã Tây Sơn được nhóm thiện nguyện tặng 1.000 khẩu trang y tế, chúng tôi đã phát về cho học sinh”, cô Vinh cho hay.

Nhóm thiện nguyện tặng khẩu trang y tế cho Trường PTCS DTBT Tây Sơn (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An).
Nhóm thiện nguyện tặng khẩu trang y tế cho Trường PTCS DTBT Tây Sơn (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An).

Tương tự, xã Mường Lống (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) cũng là nơi sinh sống của 100% bà con dân tộc Mông. Tại đây có 4 trường học gồm 1 trường PT DTBT THCS, 2 trường tiểu học và 1 trường mầm non. Được mệnh danh là cổng trời xứ Nghệ, nơi đây thuộc vùng sâu, vùng xa nhưng chất lượng giáo dục lại nằm tốp đầu của huyện Kỳ Sơn. Thung lũng này cũng có nhiều người đi học nghề hoặc làm ăn xa tại nhiều tỉnh thành khác trong cả nước. Dịp tết là thời điểm nhiều học sinh, người dân từ các nơi trở về bản.

Thầy Nguyễn Quang Tuấn - Hiệu trưởng Trường PT DTBT THCS Mường Lống cho biết: “Chúng tôi cũng nhắc nhở học sinh trong thời gian nghỉ tết không đi chơi xa. Thường xuyên nghe thông báo của xã, thôn bản để biết thông tin dịch bệnh. Nhắc các em cùng với gia đình khai báo y tế đầy đủ để giúp địa phương kiểm soát, phòng dịch hiệu quả”.

Các trường học vùng cao Nghệ An dặn dò học sinh hạn chế đi chơi tết, thăm thân ở xa
Các trường học vùng cao Nghệ An dặn dò học sinh hạn chế đi chơi tết, thăm thân ở xa

Trong khi đó, Trường Tiểu học Mai Sơn (huyện Tương Dương, Nghệ An) đóng tại địa bàn xã biên giới vùng sâu, vùng xa nhất huyện Tương Dương, Nghệ An. Tại đây, 100% học sinh là người dân tộc thiểu số với nhiều hệ dân tộc gồm Thái, Mông, Khơ Mú... Theo thầy Đào Xuân Hải – Hiệu trưởng thông tin, trường có 5 điểm lẻ, lại ở khu vực biên giới nên công tác phòng dịch được chú trọng trong suốt năm học vừa qua chứ không riêng thời điểm gần đây.

"Dịp này, chúng tôi thường xuyên đo thân nhiệt học sinh, dặn dò các em giữ vệ sinh sạch sẽ, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng. Chuẩn bị nghỉ tết, nhà trường quán triệt đến tất cả điểm lẻ theo dõi tình hình sức khỏe học sinh. Liên lạc với thôn bản để nắm bắt tình hình học sinh trước, trong và sau tết”, thầy Hải nói.

Cũng theo hiệu trưởng trường biên giới Mai Sơn, điều thuận lợi là nhờ tích cực tuyên truyền trong 1 năm qua, nên nhận thức của người dân, phụ huynh về dịch bệnh được nâng cao. Qua đó, đa số mọi người đều phối hợp tốt với nhà trường, chính quyền địa phương để phòng dịch.

Theo kế hoạch, học sinh tại Nghệ An sẽ nghỉ tết nguyên đán Tân Sửu 9 ngày liên tục, bắt đầu từ thứ Hai, ngày 8/02/2021 đến hết thứ Ba ngày 16/02/2021 (tức từ ngày 27 tháng Chạp năm Canh Tý đến hết ngày mùng 5 tháng Giêng năm Tân Sửu). Riêng đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của ngành sẽ nghỉ 7 ngày liên tục, từ 29 tháng Chạp đến hết ngày mồng 5 tháng Giêng.
Sở Giáo dục và Đào tạo cũng yêu cầu các nhà trường phải tăng cường công tác phòng dịch Covid-19, sẵn sàng phương án dạy học trực tuyến nếu cần thiết. Tuyên truyền cho học sinh để thực hiện nếp sống văn minh, lành mạnh, tuân thủ pháp luật. Thăm hỏi động viên học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong dịp tết. Có biện pháp ngăn chặn học sinh bỏ học sau tết nguyên đán.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ