Giáo viên tiểu học: Hơn cả một người thầy

GD&TĐ - Đối với cấp tiểu học, giáo viên chủ nhiệm không chỉ dạy văn hóa, mà còn có vai trò bồi dưỡng, hình thành nhân cách học sinh trong những năm đầu đời.

Thường xuyên gọi học sinh trả lời bài là cách để tăng tương tác, giúp học sinh tự tin hơn.
Thường xuyên gọi học sinh trả lời bài là cách để tăng tương tác, giúp học sinh tự tin hơn.

Bởi vậy, ngoài năng lực chuyên môn, giáo viên chủ nhiệm còn phải tận tâm, sáng tạo, tinh tế để có phương pháp tiếp cận, giáo dục từng học sinh. 

Đặc biệt theo cách riêng

Lô Quốc Khánh là học trò đặc biệt trong lớp 4A - Trường Tiểu học và THCS Châu Kim (huyện Quế Phong, Nghệ An). Trong lớp, em thường xuyên nghịch ngợm, quậy phá, không tập trung, không nghe lời và có biểu hiện bất thường so với lứa tuổi. Khi tiếp nhận lớp 4A trong năm 2021 - 2022, cô Hoàng Thị Hương được giáo viên chủ nhiệm năm trước lưu ý về trường hợp của Khánh. Qua tìm hiểu, cô được biết bố Khánh bỏ đi từ khi em vừa lọt lòng. Đến năm 3 tuổi, mẹ em vi phạm pháp luật và giờ vẫn đang cải tạo. Kể từ đó Khánh thiếu vắng cả bố lẫn mẹ, sống với ông bà. Nhưng ông bà thuộc diện hộ nghèo, chỉ lo cái ăn đã chật vật, còn việc học hành của cháu đành phó mặc hết cho nhà trường, thầy cô.

Cô Hoàng Thị Hương chia sẻ: “Làm chủ nhiệm lớp một thời gian, tôi nhận ra mỗi khi quậy phá hoặc trêu chọc bạn là Khánh cố tình tạo sự chú ý của các bạn và thầy cô. Nhưng qua các hoạt động trên lớp, em rất nhiệt tình, thích giúp đỡ bạn, và vui khi được cô giáo khen ngợi. Chỉ có điều, những hành động nghịch ngợm từ trước đến nay khiến em bị gắn mác “đặc biệt””.

Để cảm hoá cậu học trò người Thái này, phải có phương pháp, cách tiếp cận riêng. Nghĩ là làm, cô Hương thường xuyên gần gũi, hỏi han về cuộc sống hằng ngày, dành sự quan tâm, giúp đỡ Khánh. Những lúc em bị ốm hoặc nghỉ học vì bất cứ lý do gì, cô đều cùng học sinh trong lớp đến thăm, giúp đỡ, trò chuyện. Học sinh lớp 4 mới 9 tuổi, đang trong những năm tháng đầu đời để bồi dưỡng, hình thành nhân cách, rèn thói quen, kỹ năng. Với trường hợp của Khánh, cô Hương không chỉ là giáo viên dạy học, mà còn vừa là cha, là mẹ.

Tiết thực hành thi giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp tiểu học tỉnh Nghệ An. Ảnh: TG
Tiết thực hành thi giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp tiểu học tỉnh Nghệ An. Ảnh: TG 

Sự quan tâm của cô giáo từng bước làm thay đổi cảm xúc và hành động của cậu học trò này. Cô cũng thường xuyên gọi Khánh trả lời trong các buổi thảo luận, giao nhiệm vụ trong hoạt động trải nghiệm để em thấy được vai trò của mình đối với tập thể lớp. Vào dịp lễ Tết, cô giáo và nhà trường đều có quà để động viên Khánh nỗ lực vươn lên trong học tập. Nhờ vậy, mỗi ngày đến trường của cậu học trò nghèo trở thành một ngày vui, háo hức, mong chờ. Từ cậu học trò ngỗ nghịch, Khánh đã thân thiện, cởi mở hơn với các bạn trong lớp, tự giác thực hiện và tham gia đầy đủ hoạt động tập thể. Đến cuối năm, em có tiến bộ rõ rệt trong học tập và đạt kết quả khá.

Cô Hoàng Thị Hương đã có hơn 20 năm công tác tại huyện biên giới Quế Phong. Những trường học mà cô công tác, hầu hết học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số, hoàn cảnh khó khăn hoặc éo le, thiệt thòi, thiếu sự quan tâm. “Trong lớp, có những em học tốt, có em chỉ trung bình. Hoàn cảnh mỗi em cũng khác nhau. Học sinh vùng cao đều khó khăn, nhưng có em hoàn cảnh đặc biệt éo le, thiệt thòi, thiếu sự quan tâm trực tiếp của bố mẹ.

Việc giáo dục con em ở nhiều gia đình còn chưa có phương pháp, mà chủ yếu “trời sinh, trời dưỡng” như quan niệm của bà con. Là giáo viên chủ nhiệm, ở bậc tiểu học, tôi cho rằng không có em nào hư, mà chỉ chưa được quan tâm đúng. Lứa tuổi các em cần sự khích lệ, yêu thương, bảo ban từ từ thì sẽ có tiến bộ”, cô Hương tâm sự.

Giáo viên chủ nhiệm còn là người phối hợp với giáo viên bộ môn để giáo dục toàn diện học sinh.
Giáo viên chủ nhiệm còn là người phối hợp với giáo viên bộ môn để giáo dục toàn diện học sinh.

Tạo môi trường phù hợp

Trường Tiểu học Thạch Ngàn 2 đóng ở địa bàn xã khó khăn bậc nhất huyện Con Cuông, Nghệ An. Trong đó có 2 bản là nơi tái định cư của bà con Đan Lai sau khi được đưa ra khỏi vùng lõi rừng Quốc gia Pù Mát. Tuy nhiên, trong hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp tỉnh, 2 giáo viên của trường đã đạt giải.

Cô Phan Thị Hoài Mơ là giáo viên trẻ, được lựa chọn phụ trách lớp 1 để dạy Chương trình SGK mới. Dù điều kiện còn vất vả, song cô luôn linh hoạt và có nhiều cách làm để giờ học sôi động.

Cô Hoài Mơ cho hay: Học sinh dân tộc thiểu số bước vào lớp 1 sẽ gặp khó khăn và chậm tiếp thu kiến thức hơn so với các bạn vùng xuôi. Một phần do điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, phần nữa là do ngôn ngữ, phát âm của các em theo tiếng mẹ đẻ. Các em đến trường sẽ học kiến thức bằng tiếng Việt. Vì vậy, giáo viên cần phải dày công hơn. Ngoài dạy học, thầy cô còn thường xuyên nói chuyện, trao đổi, đặt câu hỏi để các em giao tiếp tiếng Việt.

Trong quá trình giảng dạy, cô đặc biệt quan tâm rèn luyện cho học sinh chậm tiến. “Dạy học qua trò chơi, tổ chức hoạt động trải nghiệm, xây dựng “đôi bạn cùng tiến”… là phương pháp được tôi áp dụng. Trong đó, mô hình “đôi bạn cùng tiến” rất hiệu quả nếu giáo viên biết khích lệ, giao nhiệm vụ và khen thưởng khi bạn học tốt giúp đỡ được bạn yếu hơn tiến bộ”, cô Mơ cho hay.

Nhiều năm làm công tác chủ nhiệm ở trường vùng biển, đông học sinh, cô Đoàn Thị Thu Hiền - giáo viên Trường Tiểu học Diễn Bích, huyện Diễn Châu cũng cho rằng: Nhiệm vụ của giáo viên chủ nhiệm là tạo dựng môi trường để các em được học kiến thức, hòa nhập với bạn bè, thầy cô, tham gia hoạt động xã hội.

Mỗi năm, cô đều làm phiếu khảo sát để nắm hoàn cảnh, năng lực của học sinh. Năm học 2021 - 2022, lớp 1A cô Thu Hiền phụ trách có 35 học sinh. Ngoài những em điều kiện gia đình tốt, cũng có trò mồ côi, nhà nghèo, đông anh em, bố mẹ sa vào tệ nạn. Từ đồng cảm, hiểu được biểu hiện tâm lý của từng em, cô lập kế hoạch giáo dục; phối hợp với giáo viên bộ môn, liên đội, tổ tư vấn tâm lý học đường để việc giáo dục có tính thống nhất, hỗ trợ lẫn nhau, không gây xáo trộn cho học sinh. Những kinh nghiệm đó cũng giúp cô Đoàn Thị Thu Hiền đạt danh hiệu giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp tỉnh với điểm số cao.

Ông Đào Công Lợi – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết: Khác với các cuộc thi giáo viên dạy giỏi khác, hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi không có bài giảng mẫu hay đáp án cứng chung. Qua hội thi cho thấy giáo viên mạnh dạn đổi mới phương pháp tổ chức hoạt động giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng công tác chủ nhiệm lớp. Đồng thời nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống nhằm hoàn thiện nhân cách cho học sinh…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đôi dép lốp của ông

Đôi dép lốp của ông

GD&TĐ - Hồi bé, tớ hay được sang nhà ông bà ngoại chơi (vì nhà ông bà ở ngay gần nhà), tớ thấy ông ngoại có đôi dép trông rất lạ, màu đen, hơi cũ, cổ xưa.

Ông Mohamed al-Bashir được bổ nhiệm làm người đứng đầu Chính phủ chuyển tiếp ở Syria.

Mỹ sẽ theo quyết định của Israel?

GD&TĐ - Đoàn Mỹ vừa đến Syria hội đàm với người đứng đầu chính phủ chuyển tiếp Damascus, người Mỹ từng treo giải thưởng 10 triệu đô la cho đầu ông này.