Giáo viên phát ngôn chưa chuẩn mực: Vì đâu nên nỗi?

GD&TĐ - Thời gian gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện các clip phản ánh tình trạng nhà giáo cư xử thiếu chuẩn mực khi dạy học trực tuyến như: Quát tháo, mắng học sinh, sinh viên...

Có nhiều cách để giáo viên chuyển hóa cảm xúc của mình. Ảnh minh họa: TG
Có nhiều cách để giáo viên chuyển hóa cảm xúc của mình. Ảnh minh họa: TG

Thậm chí có giảng viên đuổi sinh viên ra khỏi lớp. Các chuyên gia cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do áp lực, stress nghề nghiệp.

“Bắt mạch” nguyên nhân

Mới đây, một đoạn ghi âm dài 6 phút về việc giáo viên buông những lời lẽ nặng nề với học sinh trong giờ học trực tuyến. Theo tường trình của cô giáo, trong khi cô đang giảng bài thì học sinh có lời lẽ tục tĩu, hỗn láo, khiến cô bức xúc và không giữ được bình tĩnh, dẫn đến phát ngôn thiếu chuẩn mực.

Hay như trên mạng lan truyền đoạn clip dài 5 phút ghi lại giảng viên đại học “đuổi” một sinh viên ra khỏi lớp online khi em này nhờ thầy giảng lại vì mưa to quá không nghe rõ. Giảng viên này còn có những lời nói gây bức xúc. Sau đó đã gửi lời xin lỗi đến sinh viên và cả những ai đã xem clip khi nghe phải những lời không hay của mình.

Cũng trên mạng xã hội xuất hiện clip ghi lại lớp học online có tiếng giảng viên quát tháo và mắng sinh viên là “óc trâu”. Dù chỉ hơn 20 giây, nhưng clip cho thấy, giảng viên dường như không kiềm chế được cơn tức giận của mình khi sinh viên làm bài chưa đúng.

Theo các chuyên gia, cần nhìn vào tình hình chung trong cả năm qua, vấn đề tâm lý của giáo viên chịu ảnh hưởng rất lớn do tác động của đại dịch bệnh Covid-19. Một số ngành nghề mang tính chất đặc thù như: Giáo viên vẫn đang làm việc bất kể hoàn cảnh dịch bệnh. Họ không được phép ngừng lại. Theo đó, giáo viên phải thích nghi với hình thức dạy học online. Mặt khác, bản thân họ cũng chịu ảnh hưởng, tổn thương sức khỏe tâm thần bởi dịch bệnh, với nhiều áp lực và lo âu… Do đó, nhiều giáo viên đã bị quá tải cả về công việc và sức khỏe tâm thần.

Theo TS Nguyễn Thị Thanh Nga  - Viện Tâm lý học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), nhiều nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng, áp lực của công việc dẫn tới sự gia tăng các vấn đề về sức khỏe tâm thần của người lao động, trong đó có đội ngũ giáo viên như: Lo âu, stress, trầm cảm...

Vấn đề căng thẳng nghề nghiệp của giáo viên trở thành vấn đề lớn trong các trường học. Khi căng thẳng nghề nghiệp không được giải quyết, giáo viên sẽ cảm thấy mệt mỏi, đau đầu, áp lực… và có thể dẫn đến khó kiểm soát hành vi và cảm xúc… Nếu những dấu hiệu này không được can thiệp kịp thời, nó sẽ làm giảm sự hài lòng, lòng yêu nghề và ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.

Nhìn nhận ở góc độ cảm xúc, PGS.TS Trần Thu Hương – Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) - cho rằng: Khi áp lực, lo âu vượt quá ngưỡng cho phép sẽ bộc phát ra bên ngoài, mà chúng ta vẫn nói là không kiềm chế được cảm xúc.

Dạy học bằng tình yêu thương. Ảnh minh họa: TG
Dạy học bằng tình yêu thương. Ảnh minh họa: TG

Chuyển hóa cảm xúc

Để chuyển hóa cảm xúc của mình, giáo viên có thể hít thật sâu rồi dừng lại 5 giây, sau đó thở hết ra. Làm đi làm lại từ 5 - 10 lần, những cảm xúc khó chịu sẽ đẩy ra ngoài, giúp giáo viên giảm dần căng thẳng hoặc bực tức trong người. Khi đó, những cảm xúc tiêu cực sẽ không bị lan truyền sang người khác và học sinh sẽ không phải là đối tượng để “trút giận”. “Tôi nghĩ, cách làm đơn giản này, giáo viên hoàn toàn có thể áp dụng và mang lại hiệu quả khi chuyển hóa cảm xúc” - PGS.TS Trần Thu Hương nói.

Cũng theo PGS.TS Trần Thu Hương, có nhiều cách để giải tỏa cảm xúc, áp lực, nhưng ở thời điểm này, giáo viên nên lựa chọn những cách làm dễ và hiệu quả nhất. Ở Nhật Bản, nhiều giáo viên tự trang bị cho mình một góc riêng và yêu cầu gia đình không ai được vào khu vực đó. Tất nhiên, trong đó không được để các vật dụng nguy hiểm. Mỗi lần căng thẳng, áp lực hay bực tức, họ sẽ vào góc riêng của mình để “xả” cảm xúc.

Nhấn mạnh vai trò của gia đình khi dạy – học online, PGS.TS Trần Thu Hương trao đổi: Ngay cả khi dạy trực tiếp, các nhà trường cũng cần phụ huynh đồng hành. Vì thế, khi chuyển sang dạy - học online thì sự hợp tác, đồng hành của gia đình vô cùng quan trọng. Giáo viên cũng nên xây dựng nội quy lớp học trực tuyến, để thầy – trò và gia đình tuân theo.

Cùng quan điểm, TS Nguyễn Thị Thanh Nga cho rằng, ngoài yếu tố chuyển hóa cảm xúc của mình, giáo viên cũng cần xây dựng nội quy lớp học và văn hóa khi dạy - học online. Khi dạy – học trực tuyến, bố mẹ phải thực sự là người giáo viên thứ hai của các con. Nếu phụ huynh không đồng hành sẽ rất khó để đạt được kết quả như    mong đợi.

PGS.TS Bùi Thị Hồng Thái - Khoa Tâm lý học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) - cho rằng: Khi hoàn cảnh thay đổi, con người cũng cần thay đổi về suy nghĩ, cảm xúc, hành động để có thể vững vàng trước những biến cố không mong muốn. Nếu không kiểm soát được những thứ bên ngoài, chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát bản thân mình và tăng cường sự hài lòng trong các mối quan hệ, đặc biệt là tăng cường sự yêu thương.

PGS.TS Nguyễn Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học Giáo dục, Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) - chia sẻ: Để vượt qua áp lực, mỗi giáo viên có những “thủ thuật” để quản lý cảm xúc của mình. Theo đó, giáo viên có thể hít thở thật sâu để chuyển hóa cảm xúc. Hoặc trước những cơn tức giận, thầy cô có thể bặm môi thật chặt để kìm nén cảm xúc vào bên trong. Ngoài ra, giáo viên cần quy hoạch lại thời gian 1 ngày của mình; trong đó cần có thời gian nghỉ ngơi, xả stress để tái tạo năng lượng tích cực.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh tỉnh Điện Biên hào hứng với trải nghiệm đẩy xe đạp thồ. Ảnh: Báo Điện Biên.

Xây dựng những 'đại sứ' lịch sử

GD&TĐ - Nhiều địa phương, trường học tổ chức các hoạt động giáo dục hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).