Ngữ liệu hay trong đề thi Ngữ văn Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024

GD&TĐ - Kết thúc môn thi Ngữ Văn kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024, nhiều giáo viên nhận xét đề thi năm nay sát với thực tế, không có câu hỏi dạng lạ, đánh đố HS.

Ngữ liệu hay trong đề thi Ngữ văn Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024
Mời xem GỢI Ý ĐÁP ÁN các môn thi tốt nghiệp THPT năm 2024 TẠI ĐÂY

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 diễn ra từ sáng 27/6.

Lịch thi cụ thể:

Sáng 27/6 thi Ngữ Văn; Chiều thi Toán.

Sáng 28/6 thi tổ hợp KHTN (Lý-Hóa-Sinh)/KHXH (Sử-Địa-Giáo dục công dân); Chiều thi Ngoại ngữ.

Ngay khi kết thúc mỗi môn thi, mời quý độc giả xem Gợi ý lời giải, Gợi ý đáp án trên Báo Giáo dục và Thời đại (giaoducthoidai.vn) >>> TẠI ĐÂY

Nhấn F5 để cập nhật nội dung mới nhất

report

Ngữ liệu hay trong đề thi ngữ văn tốt nghiệp THPT năm 2024

Cô Lê Thị Tình.

Cô Lê Thị Tình.

Về đề thi tốt nghiệp THPT năm 2024 môn Ngữ văn, cô Lê Thị Tình - giáo viên Ngữ văn trường hệ thống giáo dục Alpha – nhận định: Đề thi theo form truyền thống và thí sinh học Chương trình giáo dục phổ thông 2006 khá quen thuộc với kết cấu dạng đề thi này.

Phần đọc hiểu đã đưa vào một ngữ liệu rất hay, nhưng cũng khá khó vì thiên về kiến thức lý luận văn học. Từ câu chuyện dòng chảy của con sông, từng giọt nước trong đại dương để liên hệ về lối sống, gợi dẫn cho thí sinh nhiều suy ngẫm về cuộc sống, đặc biệt trong thời đại chủ nghĩa cá nhân đang lên ngôi. Đây là một điểm rất ấn tượng của đề thi Ngữ văn, phần đọc hiểu năm nay.

Phần đoạn văn nghị luận xã hội tiếp tục khai thác vấn đề tôn trọng cá tính. Nếu thí sinh không có tư duy mạch lạc rất dễ bị rơi vào mâu thuẫn lập luận với câu 4 phần I. Bởi lẽ con người vừa phải giữ được cá tính vừa phải là giọt nước hoà vào đại dương bao la. Đó là sự cân bằng của cuộc sống.

Phần nghị luận văn học vào bài thơ Đất nước và đây là phần rất trọng tâm của bài thơ nên thí sinh có thể làm tốt.

Đánh giá chung: Đề thi năm nay vừa sức và phần đọc hiểu, nghị luận xã hội khá hay, học sinh cần thể hiện được tư duy mạch lạc nhất quán xuyên suốt giữa các phần thi.

Hiếu Nguyễn

report

Đề thi không có câu hỏi lạ, độ phân hoá học sinh cao

Theo đánh giá của cô Chu Thị Luyện – giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT DTNT tỉnh Lạng Sơn (Lạng Sơn), đề thi môn Ngữ văn bám sát cấu trúc đề minh hoạ của Bộ GD&ĐT.

Cô Chu Thị Luyện – giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT DTNT tỉnh Lạng Sơn (Lạng Sơn). Ảnh NVCC.

Cô Chu Thị Luyện – giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT DTNT tỉnh Lạng Sơn (Lạng Sơn). Ảnh NVCC.

Cách đặt vấn đề các câu sát với thực tế, không có câu hỏi dạng lạ, đánh đố học sinh mà khá quen thuộc, thậm chí đã ra kiểu câu hỏi như vậy ở nhiều năm trước.

Cụ thể từng phần, đối với đọc hiểu:

Câu 1: không còn hỏi về phương thức biểu đạt chính mà yêu cầu nhận biết về nội dung thông tin trong văn bản. Hàng năm câu một này thường giúp thí sinh “chống liệt” nhưng với cách hỏi năm nay có lẽ một số thí sinh sức học Trung bình sẽ dễ mất điểm ở câu này.

Câu 2: thí sinh có thể làm nhanh chóng không mất quá nhiều thời gian suy nghĩ

Câu 3: ở mức độ thông hiểu, tuy nhiên từ câu này sẽ có tính phân hoá thí sinh cao.

Câu 4: là một câu hỏi khá mở, dạng câu hỏi như thế này giúp khai thác được quan điểm, thái độ, lập trường, tình cảm, tư tưởng của thí sinh. Tuy nhiên, đề thì mở nhưng đáp án chưa chắc mở, khiến giám khảo khó chấm điểm và thí sinh vẫn phải viết trong một khuôn khổ nhất định mới có điểm trọn vẹn.

Phần nghị luận xã hội, thí sinh có thể phát huy quan điểm cá nhân, đặc biệt đối với thí sinh chuyên văn sẽ có nhiều “đất” viết để thể hiện năng lực ở đoạn văn của mình.

Nghị luận văn học, ngữ liệu được chọn là đoạn đầu của trích đoạn Đất Nước (tác giả Nguyễn Khoa Điềm): đoạn ngữ liệu quen thuộc, khơi gợi được cảm xúc của thí sinh về cội nguồn Đất Nước và có lẽ đúng với dự đoán và mong đợi của nhiều thí sinh năm nay.

Các yêu cầu phân tích và yêu cầu phụ vừa sức, thí sinh có thể đạt điểm cao ở câu này.

Cuối cùng, chúc các sĩ tử 2k6 sẽ có nhiều điểm cao trong môn thi này.

Ngô Chuyên

report

Đề thi Ngữ văn hay, vừa sức học sinh

Theo thầy Cao Xuân Lương, giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Hoàng Diệu (Sóc Trăng): Đề thi năm nay không quá khó. Phần đọc hiểu thí sinh dễ lấy điểm vì các em đã quen với các dạng này.

Thầy Cao Xuân Lương.

Thầy Cao Xuân Lương.

Bài Nghị luận xã hội rất thú vị khi bàn về tôn trọng cá tính là vấn đề các em rất quan tâm và mong người lớn tôn trọng cá tính của các em. Nhưng đồng thời các em vẫn biết tôn trọng ý kiến của người lớn. Câu này đa số sẽ lấy từ 1,5 điểm.

Riêng bài làm văn không khó vì đây là đoạn thơ các em dễ cảm nhận được nội dung vì quá thiết thực, gần gũi với các em và chắc chắn các em sẽ hiểu được nghệ thuật của tác giả thể hiện trong đoạn thơ này. Giáo viên dạy ở lớp cũng ôn tập rất kỹ...

Quốc Ngữ

report

Đề thi năm nay khá dễ, không đánh đố học sinh

Cô Trần Thị Hồng, giáo viên dạy môn Ngữ Văn, Trường THPT huyện Mai Sơn cho biết: “Hơn 22 năm đứng trên bục giảng dạy môn Văn, tôi thấy đề thì khá hay và dễ, không thách đố học sinh.

Từ cuối tháng 4 chúng tôi đã tổ chức ôn luyện cho các em kiến thức môn văn rồi. Chúng tôi đều tư vấn và khuyên các em ôn thi theo diện nắm kiến thức từng tác phẩm văn học, chứ không nên ôn “tủ”. Chỉ cần hiểu cốt truyện của tác phẩm và nhân vật trong bài là có thể phân tích bài văn khi bước vào phòng thi".

Theo cô Hồng, với đề thi năm nay, các em chỉ cần tập trung và nhớ lại các kiến thức cơ bản đã được học trong chương trình 12 là có thể triển khai bài viết ổn.

Đề thi tốt nghiệp THPT năm nay không khác so với các năm trước về cấu trúc. Cách hỏi cũng không có câu hỏi dạng lạ mà khá quen thuộc, thậm chí đã ra kiểu câu hỏi như vậy ở nhiều năm trước. Đề cũng vừa phải, không dài, gói gọn trên một mặt giấy.

Các thí sinh vui vẻ sau khi kết thúc môn thi Ngữ Văn đầu tiên.

Các thí sinh vui vẻ sau khi kết thúc môn thi Ngữ Văn đầu tiên.

"Tôi rất ấn tượng với câu 1, phần II làm văn. Tôi thấy câu hỏi này hay và phù hợp với mọi lứa tuổi, nhất là đối với các em học sinh khi sắp bước vào đường đời sau này. Câu hỏi này viết về 1 đoạn văn dài 200 chữ trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của việc tôn trọng cá tính. Ở xã hội này, mỗi con người chúng ta đều có cá tính riêng, cũng phải cân bằng cảm xúc trong cuộc sống hằng ngày, đây là 1 câu hỏi rất thực tế. Nếu các thí sinh tinh tường và hiểu, tôi nghĩ câu này sẽ ẵm trọn 2 điểm".

Còn câu 2 phần Làm văn, phân tích, nhận xét về sự kết hợp giữa cảm xúc và suy tư của Nguyễn Khoa Điềm được thể hiện qua đoạn trích Đất nước (trích trường ca mặt đường khát vọng).

Theo cô Hồng, ở câu hỏi này sẽ làm khó học sinh trung bình và có tính phân loại thí sinh. Nếu học sinh không hiểu bài thì chỉ có thể viết được vài dòng. Ở phần này, các thí sinh phải hiểu sâu về tác phẩm và có kỹ năng khai thác, phân tích đoạn trích mới có thể làm bài tốt được.

Cô Hồng lưu ý, thí sinh muốn phân tích phải hiểu đoạn văn và cả bối cảnh cuộc đấu tranh cách mạng 1945 đến giai đoạn thống nhất đất nước 1975, khi Nam Bắc Sum họp 1 nhà, viết về cảm xúc niềm vui, tình yêu thương đất nước và con người. Bên cạnh đó, thí sinh phải biết so sánh, đối chiếu các tác phẩm cùng đề tài này đã học ở chương trình đã học.

Hà Hoàng

report

Đề Ngữ Văn 'dễ thở'

Theo cô Nguyễn Thị Thư, giáo viên Trường TH - THCS - THPT Ngôi Sao Hà Nội - Hoàng Mai (Hà Nội), đề Ngữ Văn Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 nhìn chung khá dễ thở, cấu trúc đề cơ bản giống đề minh họa của Bộ GD&ĐT đã công bố.

Cô Nguyễn Thị Thư, giáo viên Trường TH - THCS - THPT Ngôi Sao Hà Nội - Hoàng Mai (Hà Nội) cùng học trò.

Cô Nguyễn Thị Thư, giáo viên Trường TH - THCS - THPT Ngôi Sao Hà Nội - Hoàng Mai (Hà Nội) cùng học trò.

Câu 1 phần đọc hiểu thay vì hỏi về phương thức biểu đạt, phong cách ngôn ngữ… như các đề học sinh thường ôn luyện thì được thay bằng 1 câu khác, tuy nhiên câu hỏi vẫn nằm trong mức độ nhận biết.

Đề đọc hiểu vẫn đảm bảo có sự phân hoá nhưng tôi đánh giá mức độ phân hoá của đề chưa cao.

Nếu học sinh cẩn thận, đọc kĩ ngữ liệu thì không quá khó để giải quyết các câu hỏi ở mức 3, mức 4. Bức thông điệp mà tác giả gửi gắm thông qua đoạn trích cũng khá nổi bật.

Về phần làm văn, đối với câu nghị luận xã hội, yêu cầu của đề được nêu rõ “ý nghĩa của việc tôn trọng cá tính”. Đối với vấn đề nghị luận này, tôi tin là các bạn học sinh sẽ tự tin nêu quan điểm, suy nghĩ của bản thân.

Cùng với kĩ năng làm văn nghị luận xã hội đã được rèn luyện, các bạn sẽ không bị lúng túng khi bắt gặp đề bài này.

Năm nay là năm cuối cùng Kỳ thi tốt nghiệp THPT sử dụng ngữ liệu có trong sách giáo khoa. Và bài Đất Nước cũng là một trong những tác phẩm trọng tâm trong chương trình dạy học và ôn luyện thi.

Yêu cầu phụ của đề cũng không quá khó, giúp học sinh đánh giá được giá trị nghệ thuật của đoạn trích nói riêng và đặc điểm phong cách của tác giả nói chung.

Tuy nhiên, ngữ liệu văn bản hơi dài, học sinh sẽ khá khó khăn trong việc cân bằng thời gian và bố cục bài làm.

Tổng quan đề văn hay, học sinh không khó để đạt được mức 6 – 7,5 điểm. Tuy nhiên để đạt điểm cao, học sinh sẽ phải có những phần phân tích, bàn luận sâu cũng như liên hệ, mở rộng nâng cao, tô sáng bài làm của mình giữa muôn vàn bài thi như thế!

Ngô Chuyên

report

Học sinh có dịp thể hiện những suy nghĩ cá nhân trong bài viết

Cô Nguyễn Thị Tuyết Lan, giáo viên Trường THPT Bình Phú (quận 6, TPHCM) đánh giá, về cấu trúc đề thi môn Ngữ văn năm nay tương đương với đề minh hoạ của Bộ GD&ĐT.

Về nội dung, kiến thức đọc hiểu là những câu hỏi khá quen thuộc, rõ ràng, không đánh đố học sinh

Tuy nhiên ở câu 3,4 yêu cầu học sinh có khả năng đọc, hiểu và tư duy, suy luận tốt mới đạt điểm trọn vẹn.

Cô Nguyễn Thị Tuyết Lan, giáo viên Trường THPT Bình Phú.

Cô Nguyễn Thị Tuyết Lan, giáo viên Trường THPT Bình Phú.

Câu Nghị luận xã hội đề cập đến vấn đề gần gũi với lứa tuổi học sinh. Học sinh có dịp thể hiện những suy nghĩ cá nhân trong bài viết từ những trải nghiệm của chính bản thân và sẽ rút ra bài học về cuộc sống. Tuy nhiên bài viết phải có ý tưởng sáng tạo, lập luận tốt mới đạt được điểm trọn vẹn.

Câu Nghị luận văn học, đề ra là tác phẩm hay trong chương trình 12, chắc chắn học sinh đã được ôn tập kỹ lưỡng nên sẽ làm bài tốt. Tuy nhiên phần câu lệnh yêu cầu học sinh nhận xét sự kết hợp giữa cảm xúc và tư duy của Nguyễn Khoa Điềm thể hiện qua đoạn thơ, các em phải biết suy luận và hiểu sâu sắc về đoạn thơ và cả bài thơ Đất nước mới đáp ứng được yêu cầu đề bài . Câu hỏi này cũng sẽ phân loại được bài làm của học sinh có năng khiếu môn Ngữ văn.

Với đề này học sinh không khó đạt điểm 7, nhưng để đạt điểm giỏi từ 8 điểm các em phải có khả năng cảm thụ văn chương tốt mới đạt được.

Hồ Phúc

report

Đề thi Ngữ văn: Ngữ liệu giàu tính thẩm mỹ

Sáng nay, ngày 27/6/2024, các thí sinh đã hoàn thành bài thi môn Ngữ văn. Đề thi năm nay hứa hẹn sẽ có những bài viết lay cảm trái tim giám bởi ngữ liệu Đọc hiểu gợi mối quan hệ cá nhân trong dòng chảy lịch sử, mối quan hệ của sự sáng tạo nghệ thuật hôm nay với mạch nguồn của dòng sông nghệ thuật. Phần nghị luận văn học chạm đến đề tài không bao giờ cũ: Đất nước và ý thức của mỗi cá nhân về cội nguồn đất nước.

Đánh giá cụ thể về đề thi tốt nghiệp THPT năm 2024 môn Ngữ văn, cô Đình Thị Thủy, giáo viên Phenikaa School nhận định, về cấu trúc đề có 2 phần.

Phần I. Đọc hiểu: 3 điểm (trong đó có câu 1, 2 thuộc mức độ nhận biết, câu 3 thuộc mức độ thông hiểu, câu 4 thuộc mức độ Vận dụng)

Phần 2 Làm văn (7 điểm): Nghị luận xã hội (2 điểm), nghị luận văn học (5 điểm).

Về phạm vi kiến thức, phần đọc hiểu: Đề thi sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa (trích đoạn Dòng sông và những thế hệ của nước của nhà văn Nguyễn Quang Thiều). Ngữ liệu giàu tính thẩm mỹ, khơi gợi nhận thức của người đọc về lịch sử sáng tạo nghệ thuật. Nguyễn Quang Thiều đặt sự sáng tạo nghệ thuật trong dòng chảy lịch sử của nó dùng nghệ thuật liên tưởng với giọt nước và dòng sông, dòng chảy của sông.

Ở phần này, câu 1, 2 các em hoàn toàn có thể trả lời trọn vẹn nếu đọc kỹ văn bản

Câu 1. Thế hệ nghệ sĩ này tiếp thế hệ nghệ sĩ khác tạo nên lịch sử nghệ thuật của nhân loại.

Câu 2. Nếu không có những thế hệ nghệ sĩ trước đó thì các nghệ sĩ của thế hệ tiếp theo sẽ không có nguồn lực để sáng tạo và khai phá.

Câu 3, 4 cần khả năng hiểu, vận dụng để thể hiện kĩ năng đọc văn bản có yếu tố nghệ thuật và năng lực, vốn sống, phẩm chất công dân, phẩm chất xã hội của các em.

Cơ bản câu 3 các em có thể triển khai theo hướng: Sự liên tưởng dòng chảy con sông với lịch sử sáng tạo nghệ thuật để:

- Nhấn mạnh những sáng tạo nghệ thuật bao giờ cũng là sự tiếp nối những giá trị của thành tựu trước đó, những sáng tạo nghệ thuật trong lịch sử là động lực, là bước đệm cho những sáng tạo hôm nay có giá trị. Ngược lại, những sáng tạo hôm nay như một sự nối tiếp dòng chảy nghệ thuật hôm qua và đưa dòng chảy ấy vươn xa tới đại dương của cái đẹp...

- Khiến cho nội dung phản ánh giàu hình ảnh, cảm xúc, khẳng định tính quy luật của sáng tạo nghệ thuật.

- Thể hiện thái độ trân trọng thành quả sáng tạo nghệ thuật trong lịch sử của tác giả, đánh thức trách nhiệm và sự nỗ lực sáng tạo cho thế hệ nghệ sĩ hiện tại.

Câu 4. Học sinh chủ động trong bày tỏ lối sống của bản thân, trong đó chú trọng đến lối sống biết trân trọng quá khứ, gắn kết với cộng đồng và không ngừng nỗ lực sáng tạo, khảng định bản thân, đóp góp cho điều tích cực cho cộng đồng.

Phần Làm văn, câu nghị luận xã hội đề cập đến vấn đề : Ý nghĩa của việc tôn trọng cá tính. Đề không “đánh đố” với các em học sinh. Thậm chí, vấn đề đặt ra khá gần gũi với quan niệm sống của con người hiện đại, nó cũng là kỳ vọng của nhiều bạn trẻ trong văn hóa sống.

Các em chỉ cần chú trọng cấu trúc bài làm có Mở đoạn – Thân đoạn – Kết đoạn. Đoạn văn cần xác lập rõ: Việc tôn trọng cá tính sẽ phát huy năng lực, thế mạnh của mỗi cá nhân, là động lực để mỗi cá nhân sống tự tin, hạnh phúc. Việc tôn trọng cá tính còn tạo cho cộng đồng, xã hội phát triển, có những sáng tạo đột phá, nó cũng là biểu hiện lối sống nhân văn, phù hợp với xu thế thời đại.

Đoạn văn ngắn nên các em cần trình bày chặt chẽ, logic, có dẫn chứng, có thể dùng tư duy phản biện: Tôn trọng cá tính không đồng nghĩa với việc ta cổ súy cho những biểu hiện “lập dị”, thiếu kết nối với cộng đồng, đi ngược với giá trị đạo đức và quy định của pháp luật

Câu nghị luận văn học: Không quá ngỡ ngàng với giáo viên và học sinh. Các tác phẩm trong chương trình SGK Ngữ Văn lớp 12 các em học sinh đều được giáo viên dạy và hướng dẫn ôn tập kĩ. Trong đó, Đoạn trích Đất nước (trích Trường ca Mặt đường khát vọng) cũng được xem là đoạn trích trọng tâm. (Năm 2020 trong kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng đã gọi tên đoạn trích này nhưng là phần cuối của đoạn trích).

Năm nay, sau bốn năm, đề thi cụ thể vào phần đầu tiên của đoạn trích Đất nước, đây là một trong những phần hay nhất, kết tinh giá trị nội dung, tư tưởng và nghệ thuật của toàn đoạn nói riêng, của trường ca Mặt đường khát vọng nói chung.

Với câu nghị luận văn học này, học sinh chú trọng phân tích để thấy Nguyễn Khoa Điềm lý giải về cội nguồn đất nước: Đất nước có từ lâu đời, Đất nước bắt nguồn từ những điều giản dị, gắn với những giá trị văn hóa, với truyền thống lịch sử, với đời sống thường ngày của lớp lớp người dân lao động. Từ đó “anh”, “em” nhận thức được Đất nước là tất cả những gì gắn bó với “anh”, với “em” với tất cả chúng ta.

Trong quá trình phân tích, các em phải đảm bảo khai thác từ các yếu tố nghệ thuật để ra nội dung. Bài làm của các em phải hoàn chỉnh về bố cục, cấu trúc, có đủ Mở bài (Giới thiệu tác giả, tác phẩm, nêu vấn đề nghị luận), Thân bài (Khái quát hoàn cảnh, xuất xứ, giá trị nội dung, nghệ thuật của đoạn trích Đất nước; Phân tích từng câu/cặp câu thơ; nhận xét về sự kết hợp giữa cảm xúc và suy tư trong của Nguyễn Khoa Điềm được thể hiện trong đoạn thơ)

Có thể nói, câu nghị luận văn học không thách thức, đánh đố với học sinh, quan trọng là các em triển khai hệ thống ý đầy đủ, viết bài có cảm xúc chân thành, tinh tế; nhận xét yêu cầu nâng cao chỉn chu (Cảm xúc và suy tư được thể hiện trong cách chọn thể loại thơ, trong từ ngữ, hình ảnh thơ, trong giọng điệu tâm tình của đoạn thơ...)

Với đề thi Ngữ văn năm 2024, cá nhân người viết có niềm tin các em học sinh khóa thi năm 2023-2024 sẽ hoàn thành nhiệm vụ và chắc chắn sẽ có những bài viết thực sự thuyết phục, chạm đến rung cảm của giám khảo.

Hiếu Nguyễn

report

Đề thi đã chạm đến cảm xúc của nhiều người

Nhận xét đề thi Ngữ văn Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, cô Nguyễn Thị Duyên – Trường THPT Nguyễn Du (Hà Tĩnh) đánh giá, đề thi khá cơ bản, đáp ứng tiêu chí xét tốt nghiệp THPT.

Đề bám sát kiến thức sách giáo khoa. Các ngữ liệu văn học dễ hiểu, tường minh. Ở phần đọc hiểu, thí sinh chỉ cần nắm chắc kiến thức cơ bản là có thể đạt tối đa (3 điểm). Tuy nhiên, so với đề thi năm ngoái, phần đọc hiểu có sự phân hóa hơn.

Câu 4 ở phần I và câu 1 phần II của đề thi khá hay khi đề cập đến bài học về lẽ sống cho bản thân và tôn trọng cá tính. Câu hỏi vừa có tính chất thời sự, vừa bao hàm yếu tố giáo dục. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, nhiều bạn trẻ có lối sống buông thả, quá đề cao cái tôi cá nhân, chưa chuẩn mực và chưa nhận thức được ý nghĩa của cuộc sống. Do đó, bàn luận về lẽ sống cũng là cách để học sinh nhìn nhận lại bản thân, có lẽ sống tốt đẹp và là người tử tế.

Cô Nguyễn Thị Duyên – Trường THPT Nguyễn Du (Hà Tĩnh).

Cô Nguyễn Thị Duyên – Trường THPT Nguyễn Du (Hà Tĩnh).

“Tôi cho rằng, 2 câu trên của đề thi đã chạm đến cảm xúc của nhiều người và là cơ hội để thí sinh thể hiện khả năng viết lách và bày tỏ quan điểm cá nhân về ý nghĩa của cuộc sống. Đây cũng là câu có nhiều “đất diễn” cho thí sinh” – cô Duyên nhìn nhận.

Sang phần làm văn (Phần II), đoạn trích trong bài thơ “Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm khá quen thuộc nên không làm khó thí sinh. Yêu cầu của đề thi rõ ràng, tường minh nên không đánh đố thí sinh. Đáng nói, cơ cấu điểm ở phần này là 7 điểm nên đây cũng có thể được coi là câu “gỡ điểm” của nhiều thí sinh.

Nhìn chung, với đề thi thí sinh nắm chắc thức trên lớp là có thể đạt điểm trung bình trở lên. “Tôi dự đoán, năm nay phổ điểm thi môn Ngữ văn sẽ tương đương năm ngoái, thậm chí có thể cao hơn một chút. Phổ điểm chủ yếu từ 6-7 điểm.

Minh Phong

report

Đề ngữ văn có tính phân loại tốt

Cô Lê Thị Luyến, giáo viên Trường THPT Quan Sơn, Thanh Hóa nhận định, đề Ngữ văn tốt nghiệp THPT năm 2024 phân loại đối tượng học sinh rất tốt.

Phần đọc hiểu, câu 1, 2 khá dễ - đây là 2 câu cứu điểm cho thí sinh. Thí sinh chỉ cần đọc kỹ ngữ liệu là có thể lấy trọn điểm 2 câu này.

Câu 3 phần đọc hiểu hơi lạ, vì theo cấu trúc đề thường chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ. Tuy nhiên, những học sinh học khá tốt sẽ hài lòng với câu hỏi này.

Câu 4 yêu cầu thí sinh rút ra bài học về lẽ sống cho bản thân từ suy ngẫm của tác giả trong dòng “Nếu tách rời từng giọt nước ra khỏi sự thống nhất của đại dương thì chúng ta chỉ nhìn thấy những giọt nước nhỏ bé, đơn độc và dần dần biến mất”. Đây là một câu hỏi khá mở. Dạng câu hỏi như thế này giúp khai thác được quan điểm, thái độ, lập trường, tình cảm, tư tưởng của thí sinh.

Phần nghị luận văn học ra vào 18 câu thơ đầu của bài Đất Nước không phải khó. Tuy nhiên, lâu nay học sinh chỉ quen làm để 9 câu thơ đầu nên sợ các em sẽ viết không được sâu. Lệnh đề phụ nhận xét sự kết hợp giữa cảm xúc và suy tư của Nguyễn Khoa Điềm được thể hiện trong đoạn thơ cũng chỉ học sinh khá, giỏi mới làm tốt được.

Với đề thi Ngữ văn năm nay, tôi nghĩ học sinh Trường THPT Quan Sơn đạt điểm từ 3 đến 7 điểm là 80% và khoảng 20% đạt điểm trên 7 đến 9,25.

Hiếu Nguyễn

report

Đề thi Ngữ Văn 2024 không khó, tạo tâm lý thoải mái cho học sinh

Cô Vũ Hoài Thu

Cô Vũ Hoài Thu

Cô Vũ Hoài Thu, giáo viên Trường THPT Ban Mai (Hà Đông, Hà Nội) nhận định: Nhìn chung cấu trúc đề thi Ngữ văn bám sát đề minh họa của Bộ GD&ĐT; đảm bảo yêu cầu về của một đề thi tốt nghiệp và có tính chất phân hóa đáp ứng yêu cầu của một kỳ thi “2 trong 1”.

Đề thi vẫn gồm hai phần; trong đó phần đọc hiểu chiếm 3 điểm, phần Làm văn 7 điểm với hai câu: câu viết đoạn văn nghị luận xã hội 2 điểm, bài nghị luận văn học 5 điểm.

Phần Đọc hiểu (3 điểm) gồm 4 câu hỏi nhỏ. Bốn câu hỏi đọc hiểu đã lần lượt đặt ra yêu cầu theo các mức độ nhận biết (câu 1, 2), thông hiểu (câu 3), vận dụng (câu 4). Đó là các mức độ phù hợp với quá trình nhận thức của học trò, bám sát cấu trúc đề thi tham khảo và cũng là các kỹ năng mà học sinh đã được ôn luyện trong suốt năm học lớp 12.

Với 2 câu hỏi nhận biết, học sinh hoàn toàn có thể đạt được điểm tối đa khi đọc văn bản và trả lời bằng cách lấy thông tin. Câu thông hiểu, học sinh cần đưa ra cách lý giải theo ý hiểu cá nhân và lý giải thuyết phục.

Riêng câu 4 là ở mức độ vận dụng yêu cầu học sinh phải vận dụng những hiểu biết về cuộc sống xã hội cùng những trải nghiệm cá nhân để thể hiện quan điểm độc lập rút ra từ suy ngẫm của tác giả để nói về mối quan hệ giữa cá nhân – cộng đồng.

Như vậy, phần đọc hiểu sẽ không có nội dung làm khó hoặc gây hiểu lầm, nội dung những câu hỏi đều rất tường minh và tập trung vào nội dung trọng tâm.

Phần 2 Làm văn (7,0 điểm): Giữ nguyên cấu trúc gồm 2 phần là viết đoạn văn nghị luận xã hội (2,0 điểm) và bài nghị luận văn học (5,0 điểm).

Câu 1 (2 điểm) Đoạn văn nghị luận xã hội yêu cầu học sinh nêu suy nghĩ của mình về ý nghĩa của việc tôn trọng cá tính. Câu hỏi hướng đến vấn đề cá nhân con người, cho phép học sinh được đưa ra cách lý giải phù hợp và thuyết phục về vấn đề cá nhân trong bối cảnh phát triển của xã hội.

Câu hỏi ở phần nghị luận xã hội có nhiều “đất diễn” và hướng đến việc tôn trọng cách nhìn cá nhân, do vậy là dạng câu hỏi mang tính chất “an toàn” đối với khuôn khổ đề thi tốt nghiệp.

Câu 2 (5 điểm): Câu nghị luận văn học chiếm quỹ điểm cao nhất, 5 điểm, cũng là phần chiếm sự quan tâm lớn nhất trong đề thi. Câu nghị luận văn học vẫn gồm có 2 vế, một vế chính và một vế phụ. Câu hỏi vế chính yêu cầu học sinh phân tích 18 câu thơ đầu đoạn trích “Đất Nước” của tác giả Nguyễn Khoa Điềm.

Trong quá trình phân tích, học sinh cần kết hợp cả việc làm rõ các yếu tố nghệ thuật và giá trị nội dung của đoạn ngữ liệu, đưa ra cách nhìn nhận và bàn luận đáp ứng yêu cầu về kiến thức cơ bản và kiến thức liên hệ mở rộng.

Yêu cầu thứ 2 của đề hướng vào phong cách của tác giả khi yêu cầu nhận xét về sự kết hợp giữa cảm xúc và suy tư của Nguyễn Khoa Điềm. Ở vế này, học sinh cần có hiểu biết chắc chắn về đặc điểm phong cách của tác giả cũng như việc vận dụng để chỉ ra nét đặc trưng thể hiện trong đoạn thơ được nêu ra.

Như vậy, có thể thấy, cách đặt vấn đề của câu nghị luận văn học trong đề bám sát đề tham khảo, thêm vào đó, đây là đoạn thơ quen thuộc và có hơi hướng “sáo mòn” đối với học sinh nói chung. Tuy nhiên, đoạn trích được đưa vào trong đề khá dài, thử thách học sinh trong việc cân đối thời gian và lựa chọn kiến thức phù hợp để đưa vào bài làm.

Nhìn chung, đề thi môn Ngữ Văn năm 2024 không khó, tạo tâm lý thoải mái cho học sinh để bước vào các môn thi còn lại.

Hiếu Nguyễn

report

Dự kiến điểm môn Ngữ văn tập trung quanh ngưỡng từ 6.5-7 điểm

Thầy Nguyễn Phước Bảo Khôi, giảng viên Trường Đại học Sư phạm TPHCM đánh giá, đề Ngữ văn năm nay coi trọng tính an toàn, dù vậy sự phân hóa của đề thi vẫn được đảm bảo, chủ yếu nằm ở câu hỏi số 3 của phần đọc hiểu, cách triển khai các ý trong phần nghị luận xã hội và nội dung nhận xét ngắn ở phần nghị luận văn học. Dự kiến điểm thi tập trung quanh ngưỡng từ 6.5-7.0. Có chăng, đề đang hướng đến trục chủ đề để chuẩn bị cho năm học sau?.

Về phần Đọc hiểu: Ngữ liệu được chọn là một đoạn trích hay với cách diễn đạt giàu tính biểu trưng, hình ảnh giàu sức gợi, ngôn từ thấm đẫm cảm xúc, gợi ra sự gắn kết giữa các thế hệ nghệ sĩ trong dòng chảy sáng tạo nghệ thuật, giữa dòng riêng cách tân đầy cá tính và nguồn chung ngọt mát chưa bao giờ vơi cạn.

Với một ngữ liệu sâu sắc, thấm thía, các câu hỏi phân hóa tốt, đặc biệt là câu 3 (mức thông hiểu) và câu 4 (mức vận dụng) hoàn toàn có thể khơi gợi ý tưởng cho phần nghị luận xã hội bên dưới, tôi tin nhiều học sinh hoàn toàn có thể xử lí tốt phần này.

Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Hùng Vương (quận 5, TPHCM) phấn khởi sau khi kết thúc môn Ngữ văn.

Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Hùng Vương (quận 5, TPHCM) phấn khởi sau khi kết thúc môn Ngữ văn.

Đối với phần Nghị luận xã hội: Nhìn bề mặt, vấn đề “tôn trọng cá tính” có vẻ chưa gắn kết với ngữ liệu Đọc hiểu. Tuy nhiên, kế thừa và cách tân, khai sinh từ nguồn cội nhưng vẫn in đậm bản sắc cá thể là một mạch ngầm kết nối hai phần trong đề thi. Được nói lên tiếng nói riêng, thể hiện bản lĩnh, sự khác biệt của mình và được người khác tôn trọng những điều ấy là nhu cầu thiết thân với các em trong đời sống. Không chỉ chạm đến cảm xúc của học sinh, tin rằng đề thi còn giúp các em hình thành ý thức hoàn thiện dần nhân cách trong tương lai.

Về phần Nghị luận văn học: Dù ngữ liệu của đề thi (và cả tác phẩm) rất quen thuộc, nằm trong vùng trọng tâm ôn tập nhưng nội dung phân hóa “nhận xét về sự kết hợp giữa cảm xúc và suy tư” rất thú vị, có tính kết nối cao với hai phần trên của đề thi.

“Kết hợp giữa cảm xúc và suy tư/chính luận và trữ tình” là đặc trưng nổi bật trong sáng tác của Nguyễn Khoa Điềm, là một vấn đề xác đáng để học sinh nhận xét/ lưu ý. Sự thống nhất giữa kiếm tìm âm hưởng của nguồn chung trong dòng riêng, giữa tôn trọng cá tính trong đời sống và trân quý cá tính sáng tạo nghệ thuật, có chăng, như đã nói, chính là trục chủ đề gắn kết 3 phần trong đề thi, cũng là gợi ý về định hướng ra đề cho chương trình GDPT 2018 trong những năm sau?.

Hồ Phúc

report

Đề thi môn Ngữ Văn hội tụ chất nghệ thuật và triết luận

Theo cô Diệp Thị Anh Hằng giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT Lý Sơn (Quảng Ngãi), đề thi Văn năm nay rất hay, vừa có chất nghệ thuật lẫn chất triết luận.

Cô Diệp Thị Anh Hằng giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT Lý Sơn.

Cô Diệp Thị Anh Hằng giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT Lý Sơn.

Cũng theo nữ giáo viên, chính vì điều trên nên mức độ của đề có sự phân hoá cao.

Thứ nhất phần Đọc hiểu, câu 1 và câu 2 là dạng câu nhận biết, học sinh có thể tìm đáp án ngay trong đề thi. Câu 3 nêu tác dụng học sinh phải vận dụng kiến thức Tiếng Việt và kĩ năng đọc hiểu để xác định được nội dung và nghệ thuật mà người viết thể hiện trong đoạn trích. Câu 4 là dạng câu vận dụng cao, các em phải biết vận dụng để tự rút ra cho mình những bài học thiết thực và gần gũi.

Còn phần Hai, Nghị luận câu 1 theo bản thân mình thấy khá hay. Vì nó rất phù hợp với đối tượng học sinh trong thời đại mới. Câu này vừa mang tính giáo dục vừa mang tính nhận thức. Học sinh chỉ cần có khả năng suy luận thì có thể làm được.

Riêng câu 2 phần Nghị luận khá quen thuộc. Học sinh chỉ cần ôn kĩ và nắm chắc luận điểm, cảm thụ văn chương, hình ảnh câu từ và lí luận văn học thì có khả năng viết tốt.

Thí sinh Lý Sơn phấn khởi với bài thi môn Ngữ văn.

Thí sinh Lý Sơn phấn khởi với bài thi môn Ngữ văn.

Cũng theo cô Hằng, khi vừa thi xong học sinh đã nhắn tin tỏ vẻ rất vui vì làm bài được. Nhưng theo các em nhận xét thì đề phần 2 câu 2 hơi dài, nên các em làm không kịp. Nhưng dù sao các em cũng làm khá tốt phần thi sáng hôm nay.

"Năm nay là năm cuối thi theo chương trình 2006, mình thấy các em là làm rất phần thi của mình. Mình tin tưởng và hi vọng học sinh trường THPT Lý Sơn sẽ đạt kết quả cao trong kỳ thi này", cô Hằng chia sẻ.

Trần Tươi

report

Làm tốt bài thi Ngữ văn cần sự sâu sắc của tư duy và trải nghiệm

Là môn thi mở đầu cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, kỳ thi cuối cùng theo Chương trình Giáo dục 2006, TS. Trịnh Thu Tuyết – Giáo viên Ngữ văn - Hệ thống giáo dục Hocmai nhận định, đề thi chính thức môn Ngữ văn bám sát cấu trúc của đề thi tham khảo do Bộ GD&ĐT công bố.

Cụ thể như sau:

Phần I. Đọc hiểu (3 điểm) gồm 4 câu hỏi phân loại theo các mức độ nhận thức. Hai câu đầu (câu 1 và 2) đều là câu hỏi dừng ở mức độ nhận biết về một chi tiết đã hiện hữu trong nội dung văn bản, đó cũng là dạng câu hỏi giúp các em có thể dễ dàng đạt mức điểm tối đa.

Vẫn như những năm trước, những câu hỏi nhận biết về nội dung văn bản thực chất chỉ cần “nhận biết” và chép lại một chi tiết của đoạn trích, đó là yêu cầu có thể thực hiện quá mức dễ dàng.

Câu 3 là câu hỏi yêu cầu học sinh vận dụng vốn hiểu biết về kiến thức tiếng Việt, về văn chương, nghệ thuật và cuộc sống để diễn giải được giá trị biểu đạt và biểu cảm của phép so sánh liên tưởng giữa dòng chảy của con sông với lịch sử sáng tạo nghệ thuật trong đoạn trích.

Khi có vốn hiểu biết nhất định về thiên nhiên, cuộc sống, văn chương…, thí sinh hoàn toàn có thể phân tích và chỉ ra sự tiếp nối, kế thừa, thay đổi từ dòng chảy của con sông tới lịch sử sáng tạo nghệ thuật khi những khúc sông sau tiếp nối nhịp chảy, phù sa, sắc nước từ những khúc sông trước những lại vươn mình tới những bến bờ mà khúc sông trước chỉ mới ước ao, hoặc thậm chí chưa từng nghĩ tới - đây là câu hỏi cần có sự sâu sắc của tư duy và trải nghiệm.

Câu 4 là câu vận dụng cao, yêu cầu thí sinh rút ra bài học về lối sống cho bản thân từ suy ngẫm của tác giả trong đoạn trích “Nếu tách rời từng giọt nước ra khỏi sự thống nhất của đại dương thì chúng ta chỉ nhìn thấy những giọt nước nhỏ bé, đơn độc và dần dần biến mất”.

Suy ngẫm của tác giả Nguyễn Quang Thiều xuất phát từ một sự thật hiển nhiên của tự nhiên và cuộc sống, do đó thí sinh sẽ không khó khi tìm thấy thông điệp, bài học cho lối sống của bản thân mình, đó là bài học về sự tồn tại có ý nghĩa khi gắn kết giữa cá nhân với cộng đồng. Đây là câu hỏi có khả năng phân loại học sinh tương đối tốt khi hướng trả lời, cách lập luận phụ thuộc nhiều vào tư duy và bản lĩnh độc lập, tự chủ của học sinh.

Nhìn chung, các câu hỏi đọc hiểu rất vừa sức với học sinh, đảm bảo đúng các mức độ nhận thức, có ý nghĩa thực tế với cách sống của các em sau này.

Phần II – Làm văn (7,0 điểm): Giữ nguyên cấu trúc quen thuộc, gồm 2 phần: Viết đoạn văn nghị luận xã hội (2,0 điểm) và bài nghị luận văn học (5,0 điểm).

Câu 1 (2,0 điểm): Câu lệnh đã cung cấp đầy đủ và chính xác các yêu cầu cụ thể để thí sinh có thể viết một đoạn văn với dung lượng khoảng 200 chữ về một khía cạnh của vấn đề rút ra từ đoạn trích của phần đọc hiểu, đó là yêu cầu “Viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý nghĩa của sự tôn trọng cá tính”.

Yêu cầu của câu viết đoạn văn nghị luận xã hội ít nhiều có thể tạo bất ngờ và hứng thú cho thí sinh khi làm bài, khi yêu cầu các em luận bàn về “ý nghĩa của sự tôn trọng cá tính” - vấn đề tôn trọng sự khác biệt, tôn trọng cá tính và tư duy độc lập lâu nay vẫn thường được đề cao trong các bài giảng hoặc đề tài thảo luận, nhưng thực tế, đó vẫn là sự bức bối của không ít người trong thực tế cuộc sống hàng ngày.

Có thể thấy, đây là câu hỏi không mới nhưng khá thiết thực, tạo hứng thú với những học trò đang chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa mới mẻ của cuộc sống, nơi các em phải thể hiện năng lực và bản lĩnh cá nhân, thể hiện cá tính riêng của mình trong hành trình tới với thành công.

Câu 2 (5,0 điểm): Câu nghị luận văn học vẫn sử dụng cấu trúc đề quen thuộc, trong đó câu lệnh thứ nhất là nội dung chính của bài nghị luận yêu cầu thí sinh phân tích 18 dòng đầu trong đoạn trích Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm; câu lệnh thứ hai mang tính khái quát và nâng cao khi yêu cầu thí sinh “nhận xét về sự kết hợp giữa cảm xúc và suy tư của Nguyễn Khoa Điềm trong đoạn thơ”.

Với mô hình câu nghị luận văn học hoàn toàn không thay đổi so với đề thi từ năm 2017 đến nay về thể loại, dung lượng ngữ liệu nghị luận, các yêu cầu nghị luận…, thí sinh có thể được rút kinh nghiệm rất nhiều từ những kì thi năm trước, không bất ngờ, nếu không nói về sự quá đỗi quen thuộc cũng làm giảm thiểu hứng thú.

Thí sinh có thể phân tích đồng thời sự kết hợp giữa cảm xúc và suy tư của Nguyễn Khoa Điềm trong đoạn thơ ngay trong quá trình cảm nhận các giá trị nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ, hoặc tách thành hai luận điểm mạch lạc như yêu cầu của đề. Kiến thức và kĩ năng phân tích, cảm nhận, đánh giá… trong câu nghị luận văn học không hề khó với học trò, sau khi các em đã có cả một chặng đường học tập, ôn và luyện.

Và vẫn như đề thi các năm trước, hai câu lệnh của câu nghị luận văn học là sự tách bạch cơ học, khiên cưỡng, khiến thí sinh nếu nhập hai yêu cầu khi triển khai hệ thống luận điểm nghị luận thì có thể mất điểm.

Còn nếu tách riêng sẽ không tránh được sự nhàm lặp, bởi lẽ không chỉ khi phân tích đoạn thơ đầu trong đoạn trích Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm mà dù phân tích bất kì đoạn văn/ thơ của tác giả nào, cũng đều không thể tách rời hai bình diện nội dung và hình thức, khi mỗi nội dung đều thể hiện qua hình thức, và hình thức nào cũng mang tính nội dung.

Sự kết hợp giữa cảm xúc và suy tư của Nguyễn Khoa Điềm trong đoạn thơ thực chất là sự thể hiện phong cách thơ trữ tình - chính luận của nhà thơ, đó là điều rất cần làm rõ ngay khi phân tích từng câu thơ, ý thơ.

Nên chăng, nếu muốn thí sinh đặc biệt quan tâm một khía cạnh nào đó của văn bản, hãy lồng hai yêu cầu vào một câu lệnh cho phù hợp với qui luật cảm thụ văn chương, ví dụ: “Trình bày cảm nhận của anh/ chị về sự kết hợp giữa cảm xúc và suy tư của Nguyễn Khoa Điềm trong đoạn thơ sau…”/hoặc “Trình bày cảm nhận của anh/chị về chất trữ tình – chính luận trong thơ Nguyễn Khoa Điềm qua đoạn thơ sau…”.

Nhìn chung, đề thi Ngữ văn đảm bảo đúng các yêu cầu về nội dung, hình thức của một đề thi tốt nghiệp THPT; cũng phù hợp với yêu cầu cho một kỳ thi cuối cùng của Chương trình Giáo dục ra đời cách đây gần hai thập kỷ.

Khả năng phân loại của đề vẫn là sự phân loại của các mức độ đọc hiểu và cảm thụ văn bản, sự phân loại được ghi nhận bởi cách đánh giá tinh tế, chính xác của giám khảo.

Bắt đầu từ sang năm, khi giáo dục Việt Nam hoàn chỉnh một chặng đường đổi mới theo cách học và thi của Chương trình GDPT 2018, khi các ngữ liệu trong đề thi hoàn toàn là những văn bản bên ngoài sách giáo khoa, hy vọng đề thi Ngữ văn trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 sẽ đem lại nhiều hứng thú, thách thức và cơ hội cho các thí sinh yêu văn chương, ham hiểu biết, khám phá, có tư duy độc lập, không thích đi theo lối mòn.

Hiếu Nguyễn

report

Đề thi có sự đổi mới rõ nhất là ở phần đọc hiểu

Nhận xét đề Ngữ văn TN THPT 2024, thầy giáo Nguyễn Văn Lự ở Vĩnh Yên đánh giá: Đề thi ổn định cả 2 phần, phần I và II có sự liên kết chủ đề cá nhân và lịch sử của gia đình, cá nhân, dân tộc và đất nước. Đề thi có sự đổi mới rõ nhất là ở phần đọc hiểu, cả 4 câu đều thí sinh phải hiểu mới trả lời đúng.

Phần II, đoạn văn bàn về ý nghĩa của việc tôn trọng cá tính. Cá tính là bản ngã, năng lực riêng sẽ tạo nên giá trị của cuộc sống của cá nhân và cộng đồng. Tôn trọng cá tính sẽ giúp thí sinh biết khám phá bản thân, hiểu bản thân và biết được thế mạnh của cá nhân để sử dụng và phát huy trong cuộc sống và học tập.

Thí sinh điểm thi THPT Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc sau buổi thi Ngữ văn. Ảnh: Văn Lự

Thí sinh điểm thi THPT Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc sau buổi thi Ngữ văn. Ảnh: Văn Lự

Bài NLVH 5 điểm, nằm trong trọng tâm ôn tập và luyện đề nên không có gì khó khăn với thí sinh. Phần mở rộng nhận xét cảm xúc trữ tình và suy tư của nhà thơ cũng quen thuộc. Phần đầu của bài Đất Nước khái quát cội nguồn của Đất Nước từ gia đình, của cá nhân đến văn hóa, địa lí và lịch sử dân tộc…Đoạn 1 của bài thơ Đất Nước dễ hiểu và dễ viết, thí sinh có thể tha hồ bày tỏ sự hiểu lịch sử và liên hệ… nên điểm thi sẽ như năm ngoái.

Thí sinh nào cũng vui vì đều viết được từ 8 trang trở lên, nhiều em làm 4 tờ giấy thi.

Đề Ngữ văn vừa sức và đúng cấu trúc đề và chính xác đã tạo động lực tốt cho thí sinh thi buổi thứ 2, chiều nay.

Dự kiến điểm thi sẽ đạt bình quân trên 7 như năm 2023, dù thí sinh khó đạt (2,5-3,0) phần đọc hiểu. Đoạn văn thí sinh bàn nhiều về cá tính là gì, mà sẽ ít bàn về cá tính có ý nghĩa gì, phát huy cá tính hay tôn trọng cá tính sẽ giúp chúng ta như thế nào. Tại sao tuổi trẻ lại coi trọng cá tính, năng lực, sở trường trong cuộc sống mà trí tuệ nhân tạo đang lấn con người trên nhiều lĩnh vực KHCN.

Năm cuối của CT 2006, đề thi TN THPT 2024 đã kết thúc một dạng thức dạy và học nhớ nhiều thuộc lắm Ngữ văn. Tôi đánh giá sự thay đổi của phần đọc hiểu phần nào đã giúp thí sinh và giáo viên Ngữ văn định hình, tiệm cận được cấu trúc đọc và hiểu của đề thi Ngữ văn của CT 2018.

PV

report

Đề thi vừa sức với nhiều thí sinh

Cô Nguyễn Thị Thắm, giáo viên Ngữ Văn Trường THPT Búng Lao (Điện Biên) cho biết, đề thi môn Ngữ Văn năm nay không khó, sát với kiến thức học sinh ôn tập trên lớp.

Phụ huynh phấn khởi khi biết con hoàn thành tốt bài thi.

Phụ huynh phấn khởi khi biết con hoàn thành tốt bài thi.

Đề thi phù hợp với mục tiêu của kỳ thi, đồng thời cũng đảm bảo độ phân hóa cao hơn, đặc biệt là các câu hỏi ở cấp độ vận dụng và vận dụng cao. Các thí sinh dù không chuyên khối C cũng có thể đạt được từ 6 điểm trở lên.

Cụ thể, cấu trúc đề thi giữ nguyên hai phần gồm: Đọc hiểu (3 điểm), làm văn (7 điểm). Trong phần làm văn gồm có một câu nghị luận xã hội (2 điểm) và một câu nghị luận văn học (5 điểm). Ma trận đề đi từ nhận biết đến vận dụng cao, số lượng câu phân bố phù hợp.

Minh Đức

report

Điều thú vị nhất năm nay nằm ở câu nghị luận văn học

Thầy giáo Nguyễn Đình Hòa (Trường THPT Trần Phú, Đà Nẵng) nhận xét: điều thú vị nhất năm nay nằm ở câu nghị luận văn học.

Đoạn trích "Đất Nước" là một ngữ liệu hay mà lâu rồi chưa ra thi, một phần đời sống xã hội đang có nhiều quan tâm đến Đất Nước. Đây là năm cuối cùng thi theo chương trình 2006 và đoạn trích "Đất Nước" là một lựa chọn hợp lí. Câu hỏi phân loại cũng tương đối đơn giản, bám sát đặc điểm phong cách thơ của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm và được thể hiện khá rõ nét trong đoạn trích. Dù vậy, một số em học yếu, học lệch sẽ khó có điểm cao phần này.

Phần ngữ liệu đọc hiểu có nội dung khá hay về lịch sử nghệ thuật của nhân loại. Câu hỏi đọc hiểu cũng tương đối nhẹ nhàng, thí sinh dễ dàng dựa vào ngữ liệu để trả lời nên đa số học sinh sẽ đạt điểm cao phần này

Bài nghị luận xã hội nêu lên vấn đề tôn trọng cá tính khá gần gũi với đối tượng học sinh. Các em sẽ rất hứng thú và có cảm giác tự tin, thoải mái khi viết bài nghị luận xã hội nhưng sẽ có vài em lúng túng khi đưa dẫn chứng để thuyết phục người đọc.

Với các em học khá, có ôn bài "Đất Nước" thì điểm thi sẽ từ 6.5 trở lên.

Phổ điểm 6.5 đến 7.5 chiếm đa số

Hà Nguyên

report

Đề thi phù hợp với trình độ tư duy của học sinh 12

Thầy Võ Minh Nghĩa, giáo viên Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TPHCM) đánh giá đề Ngữ Văn năm nay vừa sức và phù hợp với trình độ tư duy của học sinh khối 12.

Theo thầy Nghĩa, phần đọc hiểu giàu chất văn, giàu giá trị giáo dục và đặc biệt là rất hay khi chạm được vào những triết lý của cuộc sống. Học sinh được dịp trăn trở và suy tư về sự tiếp nối giữa các thế hệ. Đề đọc hiểu có sự đồng bộ với chủ đề của đoạn văn nghị luận xã hội và nghị luận văn học.

Điểm sáng và hay nhất của đề thi năm nay nằm ở chỗ: Học sinh sau khi làm đọc hiểu xong thì với tư duy giữ gìn văn hóa của dòng chảy ngàn năm thì đến phần viết đoạn nghị luận xã hội lại là một sự bổ khuyết, tương hỗ cho chủ đề đó là tôn trọng cá tính của bản thân. Nghĩa là, chúng ta là sự kế thừa nhưng cũng phải là chính mình là sự khẳng định nhân vị của mình trong dòng chảy của lịch sử. Đây là sự liên kết rất tinh tế trong ý tứ của người ra đề.

Thầy Võ Minh Nghĩa, giáo viên Trường THPT Nguyễn Du.

Thầy Võ Minh Nghĩa, giáo viên Trường THPT Nguyễn Du.

Về đoạn trích Đất Nước, đây là đoạn trích rất hay và quen thuộc trong chương trình. Và với 18 câu đề chọn để ra thi gần gũi với sự giảng dạy của thầy cô trên trường, tuy nhiên, cũng yêu cầu học sinh có sự am hiểu về văn học dân gian, kiến thức văn hóa dân tộc sâu rộng thì mới viết hay và sâu sắc.

Bên cạnh đó, câu hỏi phụ của đề cũng ở trình độ tư duy cao khi yêu cầu học sinh đưa ra nhận xét sự kết hợp giữa cảm xúc và suy tư của tác giả.

"Theo tôi đánh giá, đây là phần phân loại học sinh rõ rệt nhất của ranh giới những em có mức học lực trung bình và khá giỏi", thầy Nghĩa cho biết.

“Tóm lại, với Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm, chương trình 2006 của môn Văn đã khép lại trong sự hân hoan và niềm vui của học sinh. Vậy là chấm dứt một chặng đường đồng hành của chương trình 2006 với nền giáo dục Việt Nam”, thầy Nghĩa nói.

Hồ Phúc

report

Đề Ngữ văn phát huy tính sáng tạo của thí sinh

Theo cô Phan Minh Thùy, giáo viên bộ môn Ngữ Văn, Trường THPT chuyên Tiền Giang (tỉnh Tiền Giang), đề Ngữ văn năm nay không quá khó. Trong đó, phần đọc hiểu khá dễ thở; 2 câu đầu chỉ trích dẫn lại.

Cô Phan Minh Thùy.

Cô Phan Minh Thùy.

Hai câu sau tuy có tính phân hóa nhưng cũng không khó. Riêng phần nghị luận xã hội rất phát huy tính sáng tạo của thí sinh.

Phần nghị luận văn học tác phẩm dễ đoán, có khả năng nhiều học sinh đã chuẩn bị, ôn luyện kỹ.

Phần yêu cầu nâng cao do trong lớp giáo viên thường dạy vào cuối bài giảng nên có thể có em nhớ em không.

Nhìn tổng thể, đề thi Ngữ văn năm nay số thí sinh đạt điểm cao khá nhiều; nhưng thí sinh đạt điểm 9, 10 cần phải nỗ lực rất nhiều, cần có kiến thức xã hội và lập luận thuyết phục...

Xuân Uyên

report

Dạng đề quen thuộc và cơ bản đối với các thí sinh

Theo nhận định của cô Nguyễn Hằng Nga - Tổ trưởng bộ môn Ngữ văn, Trường THPT Hoài Đức B (Hà Nội), đề thi tốt nghiệp THPT năm 2024 vẫn nằm trong cấu trúc quen thuộc của các kỳ thi năm trước. Đề có hai phần Đọc hiểu (3 điểm) và Làm văn (7 điểm).

Cô Nguyễn Hằng Nga - Tổ trưởng bộ môn Ngữ văn, Trường THPT Hoài Đức B. Ảnh: Đình Tuệ.

Cô Nguyễn Hằng Nga - Tổ trưởng bộ môn Ngữ văn, Trường THPT Hoài Đức B. Ảnh: Đình Tuệ.

Phần Đọc hiểu là một văn bản không nằm trong chương trình lớp 12, mục tiêu chủ yếu kiểm tra thí sinh về cách đọc và hiểu nội dung văn bản. Câu hỏi thứ tư của phần đọc hiểu khá hay khi yêu cầu thí sinh trình bày quan điểm của mình về lối sống.

Phần nghị luận văn học khá thú vị khi hỏi thí sinh suy nghĩ của mình về cá tính cá nhân. Có thể nói, người ra đề đã đi sâu vào lối sống và cá tính của mỗi cá nhân khi ra đề này.

Cũng theo cô Hằng Nga, phần nghị luận văn học đề cập tới 9 câu thơ đầu trong đoạn trích "Đất nước" của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Đây là phần kiến thức rất quen thuộc đối với học sinh lớp 12 và thường xuyên được các thầy cô ôn tập trong quá trình học tập.

Yêu cầu của phần nghị luận văn học rất cơ bản là phân tích về 9 câu đầu của của đoạn trích "Đất nước", nêu sự kết hợp giữa xúc cảm và suy tư của tác giả trong đoạn trích này.

Đây là dạng đề quen thuộc và cơ bản đối với các thí sinh. Do đó nhiều thí sinh sẽ làm bài rất tốt. Phổ điểm của đề thi này có thể từ 7 - 7,5 điểm. Những em thực sự xuất sắc và nắm vững các kỹ năng làm bài hoàn toàn có thể chinh phục điểm từ 9 trở lên.

"Có thể nói, môn thi đầu tiên của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 đã rất nhẹ nhàng đối với các thí sinh vì không quá đánh đố. Điều này rất phù hợp trong bối cảnh đây là năm cuối cùng các em học theo Chương trình GDPT 2006. Chắc chắn nhiều thí sinh sẽ làm được bài và vững tin bước vào thi môn Toán vào buổi chiều hôm nay", cô Hằng Nga trao đổi thêm.

Đình Tuệ

report

Đề Ngữ Văn khơi gợi khả năng sáng tạo của thí sinh

Cô Nguyễn Thị Anh - giáo viên Ngữ văn Trường THPT Kim Ngọc, TP Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết, đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ Văn khoá cuối cùng của Chương trình GDPT 2006 thu hút được sự quan tâm và kì vọng của khá nhiều người., bởi nó khép lại một chặng đường dài để mở ra những hướng đi mới.

Đề thi vừa sức với thí sinh và có tính phân hóa. Các câu hỏi bám sát cấu trúc đề thi minh họa, tuy nhiên nó không lặp lại một cách đơn điệu và nhàm chán, đặc biệt là phần đọc hiểu vì nó không xuất hiện những câu hỏi quen thuộc đến mức cũ kĩ như: Xác định phương thức biểu đạt hay nêu tác dụng của các biện pháp tu từ.

Câu hỏi phần thông hiểu tương đối hay, học sinh có khả năng kết nối thông tin trong ngữ liệu và linh hoạt trong cách trả lời.

Cô Nguyễn Thị Anh - giáo viên Ngữ văn Trường THPT Kim Ngọc, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: NVCC.

Cô Nguyễn Thị Anh - giáo viên Ngữ văn Trường THPT Kim Ngọc, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: NVCC.

Cũng theo cô Nguyễn Thị Anh, phần nghị luận văn học không gây bất ngờ ở ngữ liệu, có nhiều người tập trung ôn thơ, đặc biệt là bài thơ Đất nước của tác giả Nguyễn Khoa Điềm.

"Vì đề thi không thực sự bất ngờ đối với quá trình ôn luyện của các em nên phổ điểm cũng sẽ ở mức tương đối cao. Đặc biệt phân tích thơ sẽ chạm đến thế giới cảm xúc, đánh thức khả năng sáng tạo của học sinh nên em nghĩ sẽ có nhiều bài đạt điểm cao vượt trội", cô Nguyễn Thị Anh nhận định.

Theo đánh giá của nhiều học sinh, đề Ngữ văn năm nay có độ khó vừa phải và tạo cơ hội cho thí sinh thể hiện khả năng viết văn của mình. Cấu trúc đề tương đương với đề minh họa của Bộ GD&ĐT đã công bố. Nhiều em tự tin đạt điểm từ 7 - 7,5 trở lên khiến các bậc phụ huynh bày tỏ sự vui mừng và kỳ vọng.

Đình Tuệ

report

Đề Ngữ văn đã có hướng mở, bắt kịp chương trình GDPT 2018

Theo cô Nguyễn Ngọc Trâm, giáo viên Trường THPT Ngô Quyền (Hải Phòng), đề thi Ngữ Văn có cấu trúc giống đề thi minh họa tốt nghiệp THPT năm 2024.

Phần Đọc hiểu gồm ngữ liệu đọc hiểu là một đoạn văn nằm ngoài chương trình sách giáo khoa, sau đó là 4 câu hỏi đọc hiểu, được phân loại theo các cấp độ tăng dần.

Phần làm văn có 2 nội dung. Nội dung viết đoạn văn về ý nghĩa của việc tôn trọng cá tính là khá quen thuộc trong các nội dung ôn tập.

Nội dung phân tích tác phẩm là đoạn thơ Đất nước của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Đây là tác phẩm quan trọng, luôn nằm trong nội dung ôn tập cần thiết. Học sinh cũng đã rất quen thuộc đoạn thơ này.

Đất nước là tác phẩm được nhiều giáo viên dạy văn ôn kĩ cho học sinh trước kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, đặc biệt nhiều giáo viên cũng dự đoán đề thi sẽ nằm trong các tác phẩm truyền thống ngợi ca quê hương, đất nước.

Thí sinh hoàn thành bài thi môn Ngữ văn sáng 27/6.

Thí sinh hoàn thành bài thi môn Ngữ văn sáng 27/6.

Trong nhiều đề thi thử của các tỉnh thành, các khổ thơ khác nhau của Đất nước đã được sử dụng làm ngữ liệu. Năm nay kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, giải phóng Thủ đô nên những tác phẩm thể hiện lòng yêu nước được chú trọng.

Việc giữ nguyên cấu trúc để đảm bảo phù hợp với các mục tiêu của Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và đảm khoa học, chính xác theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của Chương trình GDPT 2006. Đề thi cũng đã có hướng mở, bắt kịp với chương trình GDPT 2018.

Các thí sinh học chuyên Văn tự tin có thể đạt được 8-9 điểm với đề thi này, các học sinh ở mức trung bình có thể đạt điểm trung bình 5-6 điểm. Các bạn học lực khá còn có thể đạt điểm cao hơn.

Minh Cương

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ