Giáo viên nhận xét đề thi môn Ngoại ngữ

Môn thi cuối cùng trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 đợt 2 - môn Ngoại ngữ đã kết thúc chiều 4/9. Theo các giáo viên đánh giá, đề thi có tính thời sự và tương đương độ khó của đề thi đợt 1.

Giáo viên nhận xét đề thi môn Ngoại ngữ

Nhấn F5 để cập nhật nội dung mới nhất

report

Đề thi bám sát đề minh hoạ của Bộ GD-ĐT

Thầy Đỗ Minh Lợi, giáo viên Tiếng Anh, Trường THPT Bình Chiểu (quận Thủ Đức, TP.HCM)  nhận định, đề thi môn tiếng Anh đợt 2 (mã đề 419) bám sát cấu trúc đề minh hoạ mà Bộ GD-ĐT đã công bố, ma trận đề tương đương như đề thi đợt 1.  Trong đó phân ra 4 mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao.

Nếu xem xét tổng quan, mức độ khó thì đề này có chút “dễ thở” hơn một chút so với đề lần 1.

Từ câu 1 đến câu 30 tương đối đơn giản, những em có kiến thức căn bản hoàn toàn có thể nhanh chóng hoàn thành các câu hỏi và đạt điểm tuyệt đối ở các câu này. Ví dụ như ở 2 câu dấu nhấn-tìm trọng âm rất căn bản. Phần formation: to verb, verb-ing cũng là những câu hỏi dễ, đơn giản. 

Ở phần cụm động từ là kiến thức lớp 11, rất nhẹ nhàng ở mức nhận biết. Câu hỏi của phần Mệnh đề trạng ngữ cũng không khó. Ở câu hỏi số 20 có phần vận dung nên phải đọc kĩ đề.

Từ câu 30 trở đi mức độ khó được nâng cao hơn. Ở những câu cuối là các câu phân hoá học sinh. Với bài đọc thứ nhất nói về Tuổi trẻ, có một số từ khá lạ nhưng nội dung câu hỏi không khó. Ở bài đọc thứ hai giải thích cụm từ ông bà, mối quan hệ các thành viên trong gia đình. Đây là những bài đọc có chủ đề khá quen thuộc, thầy cô trong quá trình dạy đã cho các em tiếp cận nhiều, ôn tập kĩ.

Ở đề thi có một số câu hỏi đề cập đến các vấn đề thời sự như dịch bệnh Covid-19, biến đổi khí hậu, an toàn giao thông. Hay đề cập đến vấn đề gần gũi với các em như mùa hè xanh, thể thao, âm nhạc... 

Như vậy, với đề này, tôi dự đoán phổ điểm sẽ rơi vào 6-7 điểm. Với các em nắm chắc kiến thức, chọn bộ môn tiếng Anh để xét tuyển, có học lực tốt không khó để đạt điểm giỏi. 

Đề thi đảm bảo được việc xét tốt nghiệp và có thể dùng kết quả để xét tuyển ĐH.

Phan Nga (ghi)

report

Đề thi môn tiếng Anh có tính phân hóa cao

Cô Trần Thị Uyên
Cô Trần Thị Uyên

Cô Trần Thị Uyên – Giáo viên trường THPT Trần Phú (Hà Nội): Đề thi có tính phân hoá cao

Nhận xét về mã đề 419 - Đề thi môn Tiếng Anh – kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 (đợt 2), cô Trần Thị Uyên cho rằng, đề thi có tính thời sự và tương đương độ khó của đề thi đợt 1.

Về cấu trúc đề thi: Đề thi bám sát đề thi minh họa Bô GD&ĐT đã công bố. Các câu hỏi dễ nằm ở phần ngữ âm, từ vựng ngữ pháp và tình huống giao tiếp.

Nội dung đề thi: Kiểm tra các kiến thức cơ bản trong chương trình sách giáo khoa. Kiến thức trong đề không vào phần đã giảm tải do chương trình bị điều chỉnh bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19. Độ khó của đề thi đợt hai tương đương với độ khó của đề thi đợt một.

Các chủ đề xuất hiện trong đề thi đều nằm trong chương trình sách giáo khoa như: chủ đề Gia đình, xã hội. Câu 49 của mã đề 419 cập nhật thời sự khi đề cập đến dịch COVID - 19.

Dự đoán phổ điểm trung bình của học sinh có thể đạt là từ 5 đến 6 điểm. Các em chỉ cần làm những câu dễ ở phần âm từ vựng ngữ pháp và có câu giao tiếp là có thể đạt được điểm trung bình.

Để đạt điểm 9 - 10, học sinh phải biết vận dụng cao các kiến thức đã học cũng như có vốn từ vựng phong phú và kỹ năng làm bài tốt để chinh phục các câu khó của đề như bài đọc số hai (câu 36, 37, 41,42) và các câu lẻ (câu 43,49,50).

Nhìn chung, đề thi có tính phân hóa cao, đáp ứng tốt mục tiêu xét tốt nghiệp và các trường đại học, cao đẳng sử dụng kết quả để tuyển sinh.

Kim Thoa (ghi)

report

Đề thi Tiếng Anh đợt 2 có cấu trúc, độ khó tương đồng đề đợt 1

Giáo viên nhận xét đề thi môn Ngoại ngữ ảnh 2

Cô Trần Thu Thảo - GV Tiếng Anh, Trường THPT Ban Mai, Hà Nội - nhận định: Đề thi Tiếng Anh kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2 (mã 417) có cấu trúc tương đồng với đề thi THPT môn tiếng Anh lần 1 về độ khó.

Kiến thức ngữ pháp và từ vựng của đề bám rất sát với chương trình học lớp 12 và một phần lớp 11. Riêng phần từ vựng, đề thi không quá khó ,học sinh trung bình không gặp quá nhiều khó khăn để lấy điểm phần này. 

Chủ đề của 2 bài đọc gắn liền với nội dung được học trong lớp 11 và 12, mang tính thời sự và đều là những chủ đề gần gũi với học sinh: Gia đình và áp lực đồng trang lứa.

Phần ngữ âm học sinh trung bình – khá có thể làm do phần này bao gồm những từ khá quen thuộc và không đánh đố học sinh.

Độ khó của các mã đề là rất tương đương dù dùng bộ câu hỏi khác nhau. Những câu mang tính phân loại học sinh đạt điểm cao của đề 417 gồm câu số: 12, 37, 39, 49, 

Với đề 417, học sinh với học lực khá có thể đạt 6.5-7.5 điểm và chắc chắn số lượng học sinh đạt điểm từ 9 sẽ không chênh lệch nhiều so với lần thi 1.

Hải Bình

report

Đề Tiếng Anh có tính phân loại tốt

Nhận định về đề thi tiếng Anh tốt nghiệp THPT đợt 2 (mã đề 419), ThS Nguyễn Văn Bắc, Tổ phó chuyên môn Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, cho rằng: Các câu hỏi của đề thi được ra sát với đề tham khảo, phù hợp với chương trình phổ thông và chương trình giảm tải.

Đề thi cũng có tính phân loại tốt, các câu hỏi cần sự phân tích sâu hơn của học sinh nằm ở phần mệnh đề quan hệ rút gọn (câu 8); kết hợp từ (collocation)- câu 19; thành ngữ (idiom)- câu 20, 22; cụm động từ (phrasal verb)- câu 26.

Các câu hỏi trong bài đọc hiểu ở dạng: (Main Idea), (Vocab),  (Detail), (reference), True/Not True khá quen thuộc trong các bài thi tốt nghiệp THPT. 

Câu 49 là câu chữa lỗi nhưng khá khó so với 2 câu chữa lỗi còn lại vì bệnh truyền nhiễm là “communicable disease” chứ k phải là “communicative disease”.

Các câu được đề cập ở trên là những câu cần phân tích, suy luận và kiến thức sâu hơn (khoảng 6-7 câu).

Ngoài ra, đề thi cũng có tính thời sự khi đề cập đến Covid 19 ở phần chữa lỗi sai.

Học sinh trung bình khá có thể làm được từ 5-7 điểm. Để được trên 8 điểm, thí sinh cần nắm chắc kiến thức.

Hải Bình

report

Học sinh chắc kiến thức cơ bản có thể đạt điểm 7

Tổ Tiếng Anh – Hệ thống giáo dục Hocmai – nhận định: Nhìn chung, đề thi Tiếng Anh năm 2020 đợt 2 bám sát mục tiêu xét công nhận tốt nghiệp và có độ phân hóa cho mục tiêu xét tuyển đại học. Cấu trúc và độ khó của đề cũng tương tự như đề thi đợt 1. Nội dung các câu hỏi đều là các dạng câu hỏi và ngữ liệu quen thuộc.

Về nội dung đề thi: Đề thi vẫn bao gồm 50 câu hỏi với thời gian làm bài 60 phút và tuân thủ đúng cấu trúc nội dung và đề thi tham khảo lần 2 mà Bộ Giáo dục và đào tạo đã công bố.

Các câu hỏi vẫn chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12, trải dài từ học kỳ 1 đến học kỳ 2, với các đơn vị kiến thức trọng tâm mà học sinh đã được làm quen trong quá trình ôn luyện như:

Phát âm: phát âm đuôi -s và phát âm của nguyên âm; Trọng âm: 2 âm tiết và 3 âm tiết, khá đơn giản, các từ quen thuộc; Hoàn thành câu; Từ đồng nghĩa - trái nghĩa; Chức năng giao tiếp; Câu đồng nghĩa kiểm tra kiến thức về: so sánh, động từ khuyết thiếu và lối nói gián tiếp; Nối câu: kiểm tra kiến thức về đảo ngữ và câu điều kiện; Sửa lỗi sai: hòa hợp chủ vị, cấu trúc song hành và lỗi sai về cách sử dụng từ và Điền từ; Đọc hiểu với các chủ đề quen thuộc, không xuất hiện dạng câu hỏi mới.

Về độ khó của đề thi: 70% thuộc các câu hỏi nhận biết-thông hiểu, học sinh chỉ cần nắm chắc các kiến thức ngữ pháp cơ bản và có kỹ năng làm bài ở mức khá cũng có thể đạt điểm 7. Các dạng bài nằm trong vùng điểm này thường rơi vào các dạng: Phát âm, trọng âm, tìm lỗi sai, hoàn thành câu, chức năng giao tiếp, tìm câu đồng nghĩa, nối câu, tìm từ đồng nghĩa - trái nghĩa.

30% câu hỏi trong đề thi ở mức độ vận dụng - vận dụng cao thường nằm ở dạng bài đọc hiểu và những câu hỏi về từ vựng. Dĩ nhiên các câu hỏi khó sẽ không tập trung ở 1 dạng bài, mà xuất hiện rải rác trong từng dạng bài của đề thi.

Hải Bình

report

Đề thi cập nhật thời sự, phân hoá tốt

Thầy Võ Anh Tuấn
Thầy Võ Anh Tuấn

Nhận xét cụ thể với mã đề 419, thầy Võ Anh Tuấn Giáo viên trường THPT Marie Curie (Hà Nội) cho biết: Nhìn chung, các câu hỏi trong đề thi vừa sức với học sinh. Với các câu hỏi ở mức nhận biết, thông hiểu, các thí sinh có thể trả lời được dễ dàng. Các câu khó, phân loại nằm ở phần đọc hiểu, các câu hỏi về đồng nghĩa, trái nghĩa.

Đề bám sát cấu trúc của đề thi minh hoạ đã công bố. Độ khó của đề thi Tiếng Anh – kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 (đợt 2) tương đương với đề thi đợt 1 và theo đúng tinh thần tinh giản của Bộ GD&ĐT. Phần kiến thức không rơi vào các nội dung đã giảm tải do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Đề thi có sự phân loại tốt, độ phân hoá rõ ràng. Đa số nội dung kiến thức và từ vựng nằm trong chương trình sách giáo khoa. Chỉ cần học chắc kiến thức trong khung chương trình là có thể hoàn thành tốt bài thi.

Có 1 số câu vận dụng để phân loại học sinh giỏi (thành ngữ, đọc hiểu, đồng nghĩa, trái nghĩa).

Phần vận dụng cao nằm ở Bài đọc hiểu với 7 câu hỏi, có chủ đề về già đình (Ông bà). Đây là chủ đề rất hay và mang tính giáo dục. Bên cạnh đó, nội dung đề cũng cập nhật thời sự khi có nhắc đến dịch Covid - 19.

Dự đoán phổ điểm trung bình và phổ biến học sinh có thể đạt được sẽ giao động khoảng từ 5 đến 6 điểm.

Nhìn chung, đề thi đáp ứng tốt mục tiêu xét tốt nghiệp THPT nhưng vẫn có sự phân loại tốt. Các trường đại học có thể thuận lợi tuyển sinh dựa vào kết quả bài thi này.

Kim Thoa ghi

report

Cô giáo Nguyễn Thanh Hương (Hà Nội) nhận xét về đề thi Tiếng Anh

Hải Bình

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiểu lầm là một trong những nguyên nhân chính hủy hoại hôn nhân. (Ảnh: ITN).

'Kẻ thù giấu mặt' phá hoại hôn nhân

GD&TĐ - Hôn nhân, sự kết hợp giữa tình yêu và sự cam kết thường phải đối mặt với những thách thức có thể làm suy yếu sự ổn định của nó.