Giáo viên nhận xét bài thi tổ hợp

Sáng 4/9, ngày thi thứ 2 của kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2, học sinh kết thúc bài thi tổ hợp KHTN và KHXH. Các đề thi 3 môn thành phần của bài tổ hợp được các giáo viên, chuyên gia giáo dục đánh giá như thế nào?

Giáo viên nhận xét bài thi tổ hợp

Nhấn F5 để cập nhật nội dung mới nhất

report

Đề thi Sinh học đợt 2 có độ khó dễ tương đương đề đợt 1

Nhận xét về đề Sinh học thi tốt nghiệp THPT đợt 2, cô Phạm Thị Việt Chinh -  Trường THPT Ban Mai (Hà Nội) - cho rằng: mức độ đề thi lần 2 so với lần 1 có sự tương đồng, bám sát đề tham khảo. 

Về hình thức: đề thi Tốt nghiệp THPT môn Sinh gồm 40 câu, chủ yếu thuộc chương trình kiến thức lớp 12. Các câu hỏi dưới dạng trắc nghiệm khách quan trong đó gồm các câu hỏi vẫn ở dạng chọn một mệnh đề hoặc phương án đúng và câu hỏi đếm các mệnh đề đúng. Như vậy, so với đề thi môn Sinh 2020 lần 1 và đề minh họa lần 2, hình thức ra đề vẫn được giữ nguyên. 

Về nội dung: đề thi Tốt nghiệp THPT môn Sinh kiểm tra đánh giá các nội dung kiến thức chủ yếu thuộc chương trình Sinh học 12 (34 câu) gồm: Cơ sở vật chất và cơ chế di truyền, Quy luật di truyền, Di truyền học quần thể, Di truyền học người, Ứng dụng di truyền vào chọn giống, Tiến hoá và Sinh thái.

Một số câu hỏi thuộc chương trình Sinh học 11 (5 câu) nằm trong phần nội dung chuyển hoá vật chất và năng lượng ở thực vật và động vật với mức độ nhận biết – thông hiểu (4 câu), vận dụng- vận dụng cao (1 câu).

Bên cạnh đó, nội dung kiến thức lớp 10 (1 câu) ở mức độ vận dụng có tính liên hệ thực tiễn cao liên quan đến phòng chống Covid tương đương với đề lần 1. Nội dung đề thi không rơi vào phần kiến thức đã “giảm tải” theo công văn 1113/BGDĐT-GDTrH.

Tất cả mức độ phân loại hệ thống các câu hỏi từ nhận biết, thông hiểu, vận dụng đến vận dụng cao, về các kiểu câu hỏi, bài tập không thay đổi so với đề thi lần 1. Những nội dung thuộc chương trình học kỳ 2 lớp 12, với thời gian gián đoạn và chủ yếu phải học online do ảnh hưởng của Covid-19, cũng chỉ được hỏi với mức độ nhận biết – thông hiểu.

Nhìn chung đề thi phù hợp, có độ khó tương đương nhau, bảo đảm tính công bằng giữa 2 lần thi đáp ứng hai mục tiêu: xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ. Đặc biệt những thí sinh đã làm đề thi chính thức lần 1 có thể sẽ có định hướng tư duy và làm bài tốt hơn trong đợt thi lần 2 này.

Hải Bình (ghi)

report

Đề thi Giáo dục công dân: Các câu hỏi đều rất sáng rõ về nội dung

Nhận định về đề thi tốt nghiệp THPT đợt 2 Giáo dục công dân (mã 310), cô Phạm Thị Thanh Huyền – giáo viên Trường THPT Hoàng Cầu – cho biết: Đề bám sát với đề tham khảo của Bộ GD&ĐT và tương đồng về nội dung, mức độ với đề thi đợt 1.

Kiến thức trọng tâm 90% thuộc chương trình lớp 12; chỉ có 4 câu ở mức độ nhận biết thuộc kiến thức lớp 11 (câu 83, 85, 95, 98).

Đề thi bao quát được các nội dung kiến thức trong chương trình học và đều là phần kiến thức rất trọng tâm, hỗ trợ học sinh có  kiến thức cơ bản về mặt pháp luật để áp dụng vào thực tiễn cuộc sống. Không có hiện tượng trùng lặp hoặc gần giống các đáp án trả lời giữa các câu hỏi; tránh việc học sinh sử dụng đáp án của câu này để tìm đáp án đúng cho câu hỏi khác.

Các câu vận dụng thấp và vận dụng cao thuộc kiến thức của bài 2 (thực hiện pháp luật), bài 4 (quyền bình đẳng của công dân trong một số lĩnh vực của đời sống xã hội), bài 6 (các quyền tự do cơ bản) trong chương trình lớp 12.

Các câu nhận biết, thông hiểu, vận dụng vẫn được sắp xếp theo thứ tự từ thấp đến cao. Các câu phân hóa bắt đầu từ 111 đến 120, chiếm 25% số điểm.

Học sinh học chắc kiến thức thì có thể dễ dàng đạt được điểm 8-9. Cũng sẽ xuất hiện điểm 10 trong đề thi này.

Nhiều tình huống trong thực tiễn cuộc sống đã được khéo léo đưa vào trong đề thi. Ví dụ như câu 86, 114 đề cập đến vấn đề phòng chống dịch Covid-19, câu 113 về vấn đề an toàn giao thông ở thành phố.

Các câu hỏi đều rất sáng rõ về nội dung, giúp học sinh phân biệt được các loại vi phạm pháp luật và trách nhiệm pháp lý trong từng tình huống.

Hải Bình

report

Đề Sinh học không khó, không đánh đố thí sinh và tương đồng với đề thi đợt 1

Cô Vũ Thị Sen – Giáo viên môn Sinh học Trường THPT Trần Nhân Tông (Hai Bà Trưng – Hà Nội) nhận xét:

Với mã đề Sinh học 221 trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 (đợt 2) cô Vũ Thị Sen cho rằng: Nội dung đề thi khá tương đồng với đề thi môn Sinh học đợt 1 và sát với đề minh họa của Bộ GD&ĐT đã đưa ra trước đó.

Số lượng câu hỏi đếm thể hiện trong đề ít, những câu lựa chọn một phương án  đúng xuất hiện nhiều. Nội dung câu hỏi có cả phần thực hành.

Đề sát với nội dung ôn tập. HS chỉ cần nắm chắc kiến thức SGK là có thể đạt được từ 5-6 điểm. Từ 8-10 điểm đòi hỏi HS phải ngoài vững kiến thức cơ bản phải có tư duy, kỹ năng làm bài và khả  năng liên hệ thực tế.

Cách đặt câu hỏi trong đề thi khá quen thuộc, không làm khó, không đánh đố HS. Không có hiện tượng “Toán học hóa Sinh học”.

Đặc biệt trong mã đề 221 có câu 109 có nội dung liên quan đến thực tế dịch Covid-19. Nội dung kiến thức tập trung chủ yếu vào chương I và chương II lớp 12. Có 4 câu hỏi ở chương trình lớp 11.

Kiến thức phần sinh thái lớp 12 hoàn toàn nằm trong phân phối chương trình Bộ GD&ĐT đã đưa ra sau giảm tải. Phần kiến thức này cũng khá dễ để HS lấy trọn điểm và cũng phù hợp với thực tế dạy và học trực tuyến trong thời gian HS nghỉ học vì dịch Covid-19.

25-30 câu hỏi đầu tiên trong đề HS có thể dễ dàng lấy điểm phù hợp đòi hỏi xét tốt nghiệp. Đồng thời đề có câu vận dụng và vận dụng cao đảm bảo tiêu chí phân hóa thí sinh vào Đại học và Cao đẳng.

Đức Hạnh ghi

report

Đề thi Sinh học điểm 5 - 6 không khó

 

Cô Chu Thị Thu Hương
Cô Chu Thị Thu Hương

Nhận xét đề thi tốt nghiệp THPT đợt 2 – môn Sinh học (mã đề 221), cô Chu Thị Thu Hương – giáo viên Trường THPT Việt Nam – Ban Lan (Hoàng Mai, Hà Nội) cho rằng:

Đề thi nhẹ nhàng, phù hợp với điện kiện dạy – học trong bối cảnh dịch Covid-19. Đặc biệt, đề thi có câu hỏi mang tính thời sự. VD: Câu 109 – nội dung liên quan đến dịch Covid-19. Nội dung câu hỏi, đòi hòi thí sinh phải cập nhật thực tế về đại dịch này. Đây thực chất là câu dễ để học sinh “ăn điểm”.

Đề hoàn toàn phù hợp với mục tiêu thi tốt nghiệp THPT,  đề thi chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12. Các câu thuộc lớp 11 đều ở mức độ nhận biết và thông hiểu.

Đề thi được thiết kế theo 4 mức độ: Nhận biết - Thông hiểu - Vận dụng - Vận dụng cao. Các mức độ của đề thi phù hợp với tinh thần chỉ đạo của Bộ GD&ĐT. Cụ thể: 60% là ở mức độ nhận biết và thông hiểu – dành cho xét tốt nghiệp THPT; 40% là mức vận dụng và vận dụng cao – dành cho xét đại học, cao đẳng;

Đề thi có sự phân hóa từ câu 112 – 120. Độ khó tăng lên để phù hợp với xét tuyển đại học, cao đẳng. Đặc biệt, 4 câu cuối của đề thi có độ phân hóa cao.

Các câu ở mức vận dụng và vận dụng cao rơi vào các kiến thức thuộc chuyên đề: Cơ chế di truyền và biến dị; các quy luật di truyền, di truyền người (phả hệ) và đều là câu hỏi bài tập đòi hỏi học sinh nắm vững kiến thức lý thuyết và vận dụng được trong giải bài tập, cũng như cần tính toán cẩn thận chính xác.

Đề thi của đợt này  có mức độ khó – dễ tương đương với đề thi đợt 1. Đề thi tương đối vừa sức, bám sát nội dung chương trình, kiến thức học sinh được học trên lớp.

Thông tin các câu hỏi trong đề tường minh, bảo đảm chính xác; kiến thức không nằm trong phần kiến thức tinh giản mà Bộ GD&ĐT đã ban hành.

Với đề thi này, để được 5 – 6 điểm không khó đối với học sinh. Học sinh có học lực khá có thể đạt 7-8,5 điểm. Tuy nhiên để đạt được 9 – 10 điểm, đòi hỏi học sinh phải có kỹ năng tính toán cẩn thận và phân bố thời gian hợp lý. 

Minh Phong (ghi)

report

Đề GD Công dân câu hỏi tình huống hay, mang tính thời sự

Cô giáo Nguyễn Thị Mai Anh – Trường THPT Yên Viên, Gia Lâm (Hà Nội)Nhận định chung, đề thi môn Giáo dục Công dân đợt 2 thuộc tổ hợp Bài thi Khoa học Xã hội đảm bảo vừa sức và công bằng đối với HS, đồng thời phù hợp với tính chất của kì thi tốt nghiệp THPT.

Cấu trúc, nội dung và mức độ dễ, khó của đề tương đương với đề thi đợt 1, đảm bảo các mức độ phù hợp với đề tham khảo của Bộ GD&ĐT. Mức độ nhận biết, thông hiểu chiếm trên 70% và đảm bảo sự phân hóa HS. So với đề thi năm 2019, đề thi năm 2020 dễ hơn.

Kiến thức chủ yếu nằm trong nội dung chương trình SGK và nội dung đã được tinh giản của Bộ GD&ĐT, chủ yếu trong chương trình lớp 12, có 10% kiến thức là của lớp 11 (học kì I), phù hợp với tình hình hiện nay. Tỷ lệ câu dễ chiếm 70%, có 4 câu ở mức độ vận dụng cao (thuộc nội dung chương trình học kì I của lớp 12) để phân hóa HS.

Nội dung các câu hỏi rõ ràng, mạch lạc, được sắp xếp từ dễ đến khó tạo thuận lợi cho HS trong quá trình làm bài, nhiều câu hỏi gắn với thực tế đời sống, do đó HS chỉ cần nắm được kiến thức cơ bản và biết tư duy, suy luận là có thể làm tốt bài thi.

Câu hỏi tình huống hay, mang tính thời sự nên HS có thể giải quyết một cách dễ dàng, không yêu cầu các em phải học thuộc nhiều khái niệm, định nghĩa, phát huy được khả năng tư duy của HS.

Với đề thi này, HS đạt điểm 8,9 sẽ nhiều. Nhưng để đạt điểm tối đa, ngoài việc chăm chỉ, các em phải biết phân tích, tổng hợp kiến thức về pháp luật cả trong đời sống. Kết quả phổ điểm sẽ giống như đợt 1.

Hồng Hà (ghi)

report

Đề môn GD Công dân phổ điểm rơi vào 7-8 điểm

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hà, Tổ trưởng Tổ Giáo dục Công dân, Trường THPT Võ Văn Kiệt, TP.HCM cho biết, đề thi đợt 2 so với đợt 1 khá tương đương về mức độ khó. Cấu trúc, ma trận đề thi giống với đề minh hoạ mà Bộ GD-ĐT công bố trước đó.
Trong đó kiến thức lớp 11 chiếm khoảng 10%, là những câu hỏi khá dễ, mức độ nhận biết. 90% câu hỏi nằm trong chương trình lớp 1, chủ yếu tập trung ở học kỳ 1. Ở những câu câu cuối là những câu phân hoá học sinh, vận dụng ở mức tương đối (khoảng 5 câu). Cũng giống như đề đợt 1, đề thi môn GDCD năm nay "dễ thở" hơn so với năm trước. 
Với đề thi này, cũng giống như đợt 1, phổ điểm rơi vào 7-8, điểm 10 cũng sẽ xuất hiện nhiều. Với những em biết liên hệ thực tiễn, nắm vững sẽ dễ dàng lấy 9 và 10.
Đề cũng có những câu liên hệ thực tiễn như về phòng khai báo dịch tễ, cách ly theo quy định trong chống dịch Covid-19, an toàn giao thông trước cổng trường và với các câu hỏi tình huống cũng bám sát cuộc sống, là những vấn đề thời sự như tín dụng đen, kinh doanh bất động sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản... 
Những vấn đề này cũng được các giáo viên ôn tập kĩ, nên chắc chắn các em sẽ giải quyết tốt. 

Phan Nga (ghi)

report

Đề thi Giáo dục công dân bảo đảm cho mục tiêu Kỳ thi tốt nghiệp THPT

Nhận định về môn Giáo dục công dân, các thầy cô Tổ Xã hội – Hệ thống Giáo dục Hocmai cho rằng: Đề thi tuân thủ đúng cấu trúc nội dung như Bộ GD&ĐT đã công bố và bảo đảm mục tiêu của kì thi.

Về nội dung đề thi: Nội dung câu hỏi vẫn chủ yếu thuộc lớp 12, trong đó 55% thuộc kiến thức học kì I và 45% câu hỏi thuộc học kì 2.  Điều này là hoàn toàn phù hợp với thông tin mà Bộ GD&ĐT đã công bố.

Về độ khó của đề: 75% số câu hỏi ở mức độ nhận biết và thông hiểu với nội dung rõ ràng, không lắt léo, 25% số câu hỏi còn lại ở mức độ vận dụng và vận dụng cao dùng để phân hóa cho mục tiêu xét tuyển đại học. Điều này hoàn toàn phù hợp với mục tiêu của kì thi.

Những chuyên đề xuất hiện nhiều vẫn là những chuyên đề quen thuộc : Thực hiện pháp luật; Quyền bình đẳng của công dân trong một số lĩnh vực của đời sống xã hội, Công dân với các quyền tự do, Công dân với các quyền dân chủ. Đáp ứng được mục tiêu xét công nhận tốt nghiệp. Phần kiến thức dưới 7 điểm có sự tương đồng với đề tham khảo lần 2 và đề thi chính thức lần 1, các câu hỏi vẫn xoay quanh những chuyên đề và dạng bài quen thuộc, bảo đảm cho mục tiêu xét công nhận tốt nghiệp.

report

Đề thi Giáo dục công dân: Học sinh dễ đạt từ 7 điểm trở lên

Cô Nguyễn Hương Thảo
Cô Nguyễn Hương Thảo

Cô Nguyễn Hương Thảo – Trường THPT Ban Mai (Hà Nội) – nhận định: Đề thi Giáo dục công dân, Kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2 có mức độ tương đối dễ, với 80% câu hỏi thuộc mức độ nhận biết, thông hiểu; 20% câu hỏi còn lại bắt đầu có sự phân hóa.

Những nội dung xuất hiện nhiều vẫn là những chuyên đề quen thuộc như: Thực hiện pháp luật; Quyền bình đẳng của công dân trong một số lĩnh vực của đời sống xã hội, Công dân với các quyền tự do; Công dân với các quyền dân chủ; và một số câu hỏi thuộc vấn đề công dân với vấn đề kinh tế lớp 11

Toàn đề có 90% câu hỏi thuộc kiến thức lớp, (10%) thuộc kiến thức lớp 11. Các câu hỏi lớp 11 đều ở mức độ nhận biết.

Học sinh dễ đạt từ 7 điểm trở lên với đề thi này.

 

Hải Bình

report

Đề thi GDCD có các câu hỏi tình huống hay

Cô Nguyễn Thị Thanh Nhàn
Nguyễn Thị Thanh Nhàn

Nguyễn Thị Thanh Nhàn – giáo viên Trường THCS và THPT Nguyễn Siêu (Hà Nội): Đề thi GDCD có các câu hỏi tình huống hay, không đánh đố học sinh.

Theo đánh giá của cô Nguyễn Thị Thanh Nhàn, mã đề 106 - Đề thi môn GDCD trong tổ hợp Bài thi KHXH – kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 (đợt 2) bám sát đề minh họa lần 2 của Bộ GD&ĐT, không có câu hỏi trong phần tinh giản theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Độ phủ kiến thức của đề và các mức độ nhận thức tương đương với đề thi tốt nghiệp đợt 1 (ngày 10/8/2020).

Nội dung các câu hỏi trong đề thi chủ yếu nằm trong chương trình GDCD lớp 12 và một số bài trong chương trình lớp 11. Với mã đề 306, có 4 câu hỏi trong chương trình GDCD lớp 11 là những câu: 85, 89, 91,99. Những câu hỏi này ở mức độ nhận biết với các nội dung về: Cung- cầu; thị trường; công dân với sự phát triển kinh tế và quy luật giá trị.

Nhìn chung, đề thi đánh giá được năng lực học sinh, có sự phân bổ mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao phù hợp trong thời kỳ học sinh phải học online nhiều vào học kỳ 2 năm học 2019-2020. Các câu hỏi tình huống hay, không đánh đố học sinh.

Đề thi có 2 câu hỏi (câu 88 và 111) đề cập đến tình hình thực tiễn có liên quan đến dịch Covid-19 về việc đưa thông tin sai lệch về chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh lên trang mạng xã hội và viết bài chia sẻ kinh nghiệm nâng cao thể lực để phòng chống dịch bệnh trong cộng đồng. Những câu hỏi này giúp học sinh dễ dàng liên hệ thực tiễn và đặc biệt phù hợp với điều kiện khi các em phải tham gia thi tốt nghiệp đợt 2 do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Có thể nói, với đề thi tốt nghiệp môn GDCD lần 2, học sinh chỉ cần nắm vững kiến thức cơ bản  là có thể đạt 8 điểm và chắc chắn sẽ có không ít điểm 9, 10 với những học sinh Khá, Giỏi.

Kim Thoa ghi

report

Đề thi GDCD ý nghĩa, vừa sức học sinh

Cô Phan Thị Thu Hiền
Cô Phan Thị Thu Hiền

Cô Phan Thị Thu Hiền – giáo viên Trường THPT Phú Nhuận – TP, HCM: Đề hay, ý nghĩa, vừa sức học sinh.

Nhận xét về mã đề 310 - đề thi môn GDCD trong Bài thi tổ hợp KHXH – kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 (đợt 2), cô Phan Thị Thu Hiền cho biết: Nội dung câu hỏi rõ ràng, mạch lạc, bám sát với đề tham khảo mà bộ GD&ĐT đã công bố. Cấu trúc đề và độ khó tương đương đề thi đợt 1. Đề thi bám sát chương trình cơ bản theo đúng cấu trúc đề từ nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dung cao.

Đề vừa sức với học sinh, câu hỏi đi sâu vào vận dụng thực tiễn bao trùm các kiến thức xã hội, luật pháp, mang tính thời sự, giúp học sinh trau dồi thêm  kỹ năng vận dụng hiệu quả các kiến thức pháp luật được học vào cuộc sống.

Cấu trúc đề: gồm 40 câu hỏi trong đó 10% kiến thức cơ bản của lớp 11trong phần công với sự phát triển kinh tế . là kiến thức lớp 12 chiếm 90% nằm trong nội dung các bài 2,3,4,5,6,7,8,9 chương trình GDCD 12.  Kiến thức chủ yếu rơi vào trong các bài 2 – Thực hiện pháp luật và bài 4 – Quyền bình đẳng của công dân trong một số lĩnh vực của đời sống xã hội, bài 6 – Công dân với các quyền tự do cơ bản, bài 7 – Công dân với các quyền dân chủ .

Phần kiến thức cơ bản, chiếm 75% nằm ở các câu từ 81 đến câu 110.

Phần vận dụng chiếm 25%, ở các câu từ 111 đến 120.

Các câu hỏi tình huống ở mức vận dụng  từ câu 111 đến câu 120 kiến thức chủ yếu nằm trong các bài: 2 – Thực hiện pháp luật, bài 4 – Quyền bình đẳng của công dân trong một số lĩnh vực của đời sống xã hội và  bài 6 – Công dân với các quyền tự do cơ bản

Đề có độ phân hóa vừa phải, phù hợp để phục vụ mục tiêu xét tốt nghiệp THPT, học sinh dễ dàng đạt điểm cao. Với đề này, học sinh có thể đạt được điểm trung bình từ 7,5 điểm đến 9,0 điểm.

Kim Thoa (ghi)

report

Đề thi Hóa học: Giảm nhẹ mức độ khó của các câu vận dụng cao

Các thầy cô tổ Tự nhiên, Hệ thống giáo dục Hocmai nhận định: Đề Hóa học thi tốt nghiệp THPT đợt 2 tuân thủ đúng cấu trúc nội dung như Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố và bảo đảm mục tiêu của kì thi. Mặc dù số lượng câu hỏi vận dụng cao không giảm nhưng giảm nhẹ về mức độ khó của các câu hỏi này so với đề đợt 1. Dự kiến đỉnh của phổ điểm ở mức 7-7,5.

Phần lớn câu hỏi trong đề thi vẫn thuộc kiến thức của Học kì I lớp 12 và đáp ứng mục tiêu phân hóa học sinh với 70%-75% câu hỏi nhận biết thông hiểu, còn lại là các câu hỏi mức độ vận dụng và vận dụng cao có độ khó trải đều các mức điểm: 8, 9, 10.

Trong đề thi có 15% câu hỏi (chiếm 6/40 câu) thuộc mức độ vận dụng thuộc các chuyên đề: este-litpit, tổng hợp kiến thức hóa học vô cơ, tổng hợp kiến thức hóa học hữu cơ. 10% câu hỏi (chiêm 4/40 câu) thuộc mức độ vận dụng cao thuộc các chuyên đề: este-litpit, tổng hợp kiến thức hóa học vô cơ.

Điểm đặc biệt là không có câu hỏi thuộc phần kiến thức liên quan đến peptit trong phần câu hỏi vận dụng cao. Các câu hỏi thuộc phần kiến thức này đáp ứng được yêu cầu phân loại học sinh và trải đều các mức điểm 8, 9, 10.

Trong đề có 4 câu hỏi cực khó, các câu hỏi này chủ yếu thuộc kiến thức học kì I của lớp 12; có chứa câu hỏi thuộc phần thực hành thí nghiệm tương tự như đề tham khảo lần 2 nhưng giảm nhẹ về độ khó so với các câu vận dụng cao của đề đợt 1. Điểm đặc biệt trong đề thi lần này là có một câu hỏi cực khó về phần thực hành thí nghiệm và câu này thuộc kiến thức lớp 11

Hải Bình

report

Đề thi Vật lý: Dự kiến đỉnh phổ điểm tương đợt 1

Các thầy cô tổ Tự nhiên, Hệ thống giáo dục Hocmai nhận định: Đề Vật lý thi tốt nghiệp THPT đợt 2 tuân thủ đúng cấu trúc nội dung như Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố và đáp ứng tốt mục tiêu xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Đề có cấu trúc và độ khó tương đương với đề đợt 1, bám sát chương trình tinh giản và đề thi tham khảo đợt 2.

Dự kiến đỉnh của phổ điểm vẫn ở ngưỡng khoảng 7,5-8 điểm, tương đương với kết quả thi đợt 1.

Về nội dung đề thi: 90% câu hỏi thuộc kiến thức lớp 12 và 10% câu hỏi thuộc lớp 11, không xuất hiện câu hỏi có sự liên quan giữa kiến thức lớp 11 và lớp 12. Ở các câu hỏi thuộc kiến thức lớp 12, số lượng câu hỏi của học kì 1 vẫn là 23 câu, số lượng câu hỏi học kì 2 là 13 câu. Số lượng câu hỏi thuộc chương trình Vật lí 11 vẫn giữ nguyên 4 câu, chủ yếu thuộc cấp độ Nhận biết, Thông hiểu và Vận dụng.

Về độ khó của đề: 70% câu hỏi của đề thi (chiếm 28/ 40 câu) thuộc mức độ Nhận biết - Thông hiểu, trong đó có 2 câu thuộc chương trình Vật lí lớp 11. Các câu hỏi còn lại phủ đều 7 chuyên đề của Vật lí 12. 30% câu hỏi của đề thi (chiểm 12 câu/40 câu) thuộc mức độ Vận dụng - Vận dụng cao, trong đó có 2 câu hỏi thuộc chương trình Vật lí lớp 11, 10 câu thuộc chương trình học kì I Vật lí lớp 12, phủ đều 3 chuyên đề: Dao động cơ, Sóng cơ và sóng âm, Điện xoay chiều.

Các câu hỏi khó của đề thi vẫn rơi vào 3 chuyên đề quen thuộc trong chương trình học kì I của Vật lí 12 là: Dao động cơ (1 câu), Sóng cơ và sóng âm (1 câu), Điện xoay chiều (2 câu).

Hải Bình

report

Đề thi Sinh học: 25% câu hỏi phân hóa

Các thầy cô tổ Tự nhiên, Hệ thống giáo dục Hocmai nhận định: Đề thi tuân thủ đúng cấu trúc nội dung như Bộ GD&ĐT đã công bố và đảm bảo mục tiêu của kì thi. Đề có cấu trúc và độ khó tương đương với đề đợt 1. Dự kiến đỉnh của phổ điểm vẫn ở ngưỡng khoảng 5-6 điểm, tương đương với kết quả thi đợt 1.

Về nội dung đề thi: Nội dung câu hỏi vẫn chủ yếu thuộc lớp 12 (85%) và chủ yếu vẫn thuộc kiến thức của học kì I; 15% tổng số câu hỏi thuộc lớp 11. Điều này là hoàn toàn phù hợp với thông tin mà Bộ GD&ĐT đã công bố.

Về độ khó của đề: 75% số câu hỏi ở mức độ nhận biết và thông hiểu, 25% số câu hỏi còn lại ở mức độ vận dụng và vận dụng cao dùng để phân hóa cho mục tiêu xét tuyển đại học. Những câu hỏi nhận biết, thông hiểu vẫn rơi vào các chuyên đề Cơ chế biến dị và di truyền, Quy luật di truyền, Di truyền quần thể, Tiến hóa của lớp 12 và 2 chuyên đề lớp 11.

Những câu hỏi đếm số đáp án đúng là những câu gây nhiễu cao, thuộc cấp độ vận dụng - vận dụng cao và thuộc chủ yếu vào các chuyên đề Cơ chế biến dị và di truyền, Quy luật di truyền, Di truyền người của lớp 12.

Hải Bình

report

Thầy Trần Văn Năng (Hà Nội) nhận định đề thi Giáo dục công dân

Hải Bình

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ