Sau Tết Nguyên đán, các địa phương rà soát, xem xét số lượng giáo viên, nhân viên hợp đồng đúng số lượng được giao theo các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của UBND tỉnh Nghệ An.
Giáo viên, nhân viên bị cắt lương trước Tết
Trước đó, hàng chục giáo viên, nhân viên hợp đồng của nhiều trường học trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An bị dừng trả lương tháng 1/2024 - ngay trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Điều này ảnh hưởng đến đời sống, tâm lý của giáo viên, nhân viên.
Cô Nguyễn Thị Linh (41 tuổi) đang là giáo viên Ngữ văn tại Trường THCS Bá Ngọc (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An). Kể từ khi tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm Vinh năm 2006 và đi dạy học, cô vẫn giữ nguyên vị trí “giáo viên hợp đồng”. Mức lương sau 18 năm gắn bó với nghề giáo của cô tăng dần đều từ 1 triệu đồng lên 3 triệu đồng/tháng. Riêng từ tháng 1/2023, cô được nhận lương 4,9 triệu đồng/tháng do mức lương vùng tăng. Tuy nhiên bước sang năm 2024, đến kỳ lĩnh lương tháng 1, cô bất nhận thông tin từ kế toán nhà trường cho biết, những giáo viên hợp đồng như cô sẽ bị dừng chi trả lương.
Việc bị cắt lương ngay trước Tết Nguyên đán khiến mỗi giờ lên lớp của cô trở nên nặng nề, “vì không biết tương lai của mình sẽ như thế nào”. Cô Linh tâm sự, năm 2009, cô lập gia đình và chuyển vào TP Vinh sinh sống. Mỗi ngày, cô phải dậy từ sáng sớm đi xe máy hoặc bắt xe buýt hơn 60km đến trường dạy học, rồi chiều quay về nhà. Chồng là bộ đội công tác xa, nên suốt hàng chục năm qua cô phải đi đi về về để chăm sóc con và quán xuyến nhà cửa. Giờ đây, việc bị cắt lương càng khiến sống gia đình cô vất vả hơn, đặc biệt là nỗi lo. “Không biết có tiếp tục đi dạy được nữa hay không sau bao nhiêu năm cố giữ nghề dù mức lương ít ỏi”, cô ngậm ngùi nói.
Thầy Hồ Anh Dũng - giáo viên môn Giáo dục công dân tại Trường THCS Quỳnh Tân, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An bên học trò. Ảnh: HT |
Tương tự, thầy Hồ Anh Dũng (45 tuổi, trú xã Quỳnh Hậu) giáo viên môn Giáo dục công dân tại Trường THCS Quỳnh Tân, huyện Quỳnh Lưu cũng nhận thông báo cắt lương từ tháng 1/2024. Điều này khiến thầy bất ngờ và thất vọng, sau gần 20 năm ròng rã làm giáo viên hợp đồng.
Thầy Dũng tốt nghiệp Trường Đại học Cần Thơ năm 2006 và bắt đầu dạy học tại Trường THCS Quỳnh Tân theo diện hợp đồng huyện, được đóng bảo hiểm xã hội từ năm 2008. Tuy nhiên, từ đó đến nay, hơn 15 năm chờ đợi thầy vẫn chưa có cơ hội tuyển dụng chính thức. Mức lương của thầy Dũng cũng vừa được nâng lên 4,9 triệu đồng/tháng năm 2023. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang khi không chỉ bị dừng lương, mà việc tiếp tục được dạy học hay không vẫn phải chờ đợi.
Tại huyện Quỳnh Lưu có 9 giáo viên hợp đồng rơi vào tỉnh cảnh như trên, đều dạy học cấp THCS. Họ đều tốt nghiệp sư phạm, được UBND huyện Quỳnh Lưu tuyển dụng dạy hợp đồng có đóng bảo hiểm xã hội. Đến nay, người có thời gian công tác nhiều nhất là 18 năm, ít cũng hơn 10 năm. Về chế độ lương, họ được hưởng hệ số 1,78 (tức 85% của hệ số lương cao đẳng). Ngoài ra không được tính phụ cấp thâm niên công tác, không được nâng lương, mà chỉ “nhích” theo mỗi đợt tăng lương cơ sở. Từ 1/1/2023, họ mới được nhận lương lương 4,9 triệu đồng/ tháng (do hưởng lương theo vùng). Nhiều năm nay, mỗi lần có đợt tuyển dụng, những người này lại làm đơn mong được xem xét, nhưng không có chỉ tiêu cho các vị trí mà họ đang giảng dạy.
Bên cạnh 9 giáo viên, huyện Quỳnh Lưu còn có 15 nhân viên hợp đồng (kế toán, thiết bị thư viện…) tại các trường học. Những người này đều được UBND huyện Quỳnh Lưu ký hợp đồng, làm việc trên 10 năm nhưng mức lương vẫn theo hệ số 1,4 – tương đương hơn 2 triệu đồng/tháng. Sau khi được huyện điều chỉnh nâng lương theo mức lương tối thiểu vùng, nhân viên trường học mới có thu nhập 3,6 triệu đồng/tháng.
Tạm ứng lương và rà soát số lượng “hợp đồng huyện”
Theo ông Nguyễn Văn Thưởng – Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu, trên địa bàn có 24 nhân viên và giáo viên hợp đồng tại các trường không được duyệt chi lương kể từ tháng 1/2024. Nguyên nhân do bị vượt số lượng hợp đồng mà UBND tỉnh Nghệ An giao năm 2024. Theo lý giải của lãnh đạo huyện Quỳnh Lưu, những trường hợp này do “lịch sử để lại”, hiện đang bị Kho bạc Nhà nước huyện Quỳnh Lưu dừng chi trả, chờ xin ý kiến của UBND tỉnh.
Theo đó, ngày 17/1, Kho bạc Nhà nước Nghệ An có văn bản gửi UBND tỉnh về việc thanh toán số lượng hợp đồng theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 của Chính phủ.
Văn bản nêu, từ đầu năm 2024, Kho bạc Nhà nước Nghệ An thực hiện kiểm soát chi lương cho các đối tượng hợp đồng hỗ trợ, phục vụ và hợp đồng chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định tại Nghị định số 111 và đảm bảo không vượt số lượng tại các văn bản của UBND tỉnh giao. Tuy nhiên, một số đơn vị đề nghị thanh toán cho giáo viên, nhân viên hợp đồng vượt số lượng và Kho bạc Nhà nước Nghệ An đã tạm thời từ chối thanh toán.
Hiện các giáo viên, nhân viên hợp đồng huyện Quỳnh Lưu được tạm ứng lương trước tết nguyên đán. Ảnh: HT |
Sau khi bị cắt lương, nhiều giáo viên, nhân viên kế toán nhà trường làm đơn từ chối tiếp tục làm việc không lương. Điều này ảnh hưởng đến hoạt động dạy học và các công tác khác của nhiều trường.
Trước sự việc trên, Sở GD&ĐT Nghệ An đã có ý kiến với Kho bạc Nhà nước tỉnh Nghệ An và chính quyền các địa phương. Ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, Sở đã có đề nghị tiếp tục trả lương tháng 1/2024 đầy đủ nhằm đảm bảo quyền lợi và ổn định tâm lý cho giáo viên, nhân viên hợp đồng nhất là khi tết nguyên đán đến gần. Sau khi ra tết, ngành giáo dục sẽ phối hợp với địa phương rà soát các trường hợp giáo viên, nhân viên hợp đồng để có phương hướng giải quyết.
Thực tế nhiều trường học đang thiếu trầm trọng nhân viên kế toán, y tế, thiết bị thư viện… trong khi các vị trí việc làm này không được sắp xếp biên chế nữa. Còn đối với biên chế được giao hàng năm đối với cấp THCS lại ưu tiên tuyển dụng giáo viên môn mới. Vì vậy, việc giải quyết tuyển dụng chính thức giáo viên hợp đồng cấp THCS phải căn cứ vào nhu cầu thực tế cũng như trách nhiệm của chính quyền mỗi địa phương.
Sau phản ánh từ cơ sở và đề nghị của Sở GD&ĐT, Kho bạc Nhà nước tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo Kho bạc Nhà nước huyện Quỳnh Lưu tạm chi lương tháng 1/2024 cho các giáo viên, nhân viên hợp đồng trên địa bàn huyện này. Đồng thời có văn bản gửi UBND tỉnh xin ý kiến chỉ đạo.
Kho bạc Nhà nước Nghệ An cũng báo cáo, đề nghị UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo các đơn vị liên quan để chấn chỉnh các đơn vị sử dụng ngân sách chấp hành nghiêm số lượng hợp đồng hỗ trợ, phục vụ và hợp đồng chuyên môn, nghiệp vụ đã giao. Đồng thời, xin ý kiến chỉ đạo về việc kiểm soát thanh toán đối với các hợp đồng vượt số lượng đã giao của UBND tỉnh Nghệ An. Sau khi nhận được công văn này, UBND tỉnh Nghệ An đã có văn bản giao Sở Nội vụ phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu, xử lý đề nghị của Kho bạc Nhà nước Nghệ An đảm bảo đúng quy định của pháp luật.